Tất nhiên là chúng ta sẽ không quan tâm
đến các hình thức cúng kiến, cầu nguyện, dâng lễ..., thường thấy trong
tất cả các tôn giáo nói chung. Ngay cả đối với những người không hề tin
vào tôn giáo đi nữa, đến khi bất thần phải đối đầu với các thử thách đó
thì ngoài việc chữa chạy thuốc men, họ cũng sẽ không biết phải làm gì
hơn và đôi khi cũng đành phải cầu khẩn các đấng thiêng liêng, hay ông
bà, cha mẹ đã qua đời, kể cả ông táo, ông địa... giúp mình qua khỏi cơn
bệnh ngặt nghèo. Người tu tập Phật Giáo cũng như tất cả mọi người, sẽ
không sao tránh khỏi những lúc đau yếu, như vậy thì sự tu tập của họ có
thể giúp gì được cho họ khi phải đối đầu với những khó khăn ấy? Nhằm
giải đáp phần nào câu hỏi trên đây, chúng tôi xin trình bày ba bài giảng
ngắn dưới đây của các nhà sư thuộc ba tông phái khác nhau:
BÀI 3
KHÔNG NÊN HOÃN SANG NGÀY HÔM SAU
Eihei Dôgen
Hoang Phong chuyển ngữ
Lời giới thiệu của người dịch:
Đạo
Nguyên sinh năm 1200 tại một ngôi làng bên bờ sông Uji phía nam thành phố Kyoto.
Mồ côi cha khi vừa lên hai và mồ côi mẹ lúc bảy tuổi. Từ bé ông rất thông minh,
bốn tuổi đã đọc được thơ tiếng Hán. Sau khi mẹ mất thì một người chú tên là
Minamoto Michitomo mang về nuôi. Người này là một nhà thơ có tiếng thời bấy giờ,
và có lẽ cũng nhờ đó mà Đạo Nguyên đã có một tâm hồn thấm nhuần thi văn rất sớm.
Hầu hết các tác phẩm của ông đều bàng bạc một tinh thần thi phú thật sâu sắc và
tràn đầy rung động. Lúc hấp hối mẹ ông có trăn trối với ông rằng: "Con hãy
cố gắng trở thành một nhà sư để giúp đỡ tất cả chúng sinh". Ông không bao
giờ quên lời trăn trối đó của mẹ. Năm 12 tuổi ông trốn vào vùng núi Hiei ở vùng
đông bắc thành phố Kyoto để tìm một người chú khác tu ở một ngôi chùa trong vùng
này để xin xuất gia. Lớn lên ông đã trở thành một trong các vị thiền sư và là một
trong những nhà tư tưởng lỗi lạc nhất của nước Nhật và cũng có thể là cả Thiền
Tông. Tập luận Chánh Pháp Nhãn Tạng (Shôbôgenzô) thật đồ sộ của ông là cả một
tư liệu học tập cho toàn thể các học phái Thiền Tông. Ông mất vào năm 1253.
Bài giảng dưới đây của
ông nhằm khuyên những ai nếu muốn bước theo Con Đường của Đức Phật
thì phải kiên trì và quyết tâm, không nên vin vào lý do sức khỏe hay bất cứ một
lý do nào khác để trì hoãn việc luyện tập. Bài giảng được trích từ quyển sách
ghi chép các bài giảng của ông mang tựa là "Shobogenzo
Zuimonki". Độc giả có thể xem ấn bản tiếng Pháp và tiếng Anh của quyển
sách này trên mạng:
http://www.buddhaline.net/Shobogenzo-Zuimonki-Ne-pas
http://global.sotozen-net.or.jp/common_html/zuimonki/index.html
Sách
in:
- Enseignements du maître zen Dôgen,
Shôbôgenzô Zuimonki, nxb Sully, 2002, do thiền sư người Pháp là Kengan D.
Robert dịch.
- A Primer of Soto Zen: A Translation of
Dogen's Shobogenzo Zuimonki (East West Center Book) by Dogen, Reiho
Masunaga, published by University of Hawaii Press, 1975.
Eihei Dôgen (1200-1253)
BÀI GIẢNG CỦA ĐẠO NGUYÊN
Những
người tu tập theo Con Đường không bao giờ được phép hoãn lại việc luyện tập, mà
phải luôn cảnh giác trong từng ngày và trong từng khoảnh khắc một. Phải chuyên
cần luyện tập ngày này sang ngày khác, từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc
khác.
Mùa
xuân năm qua có một người thế tục đau ốm từ lâu và tự hứa rằng: ngày nào tôi
khỏi bệnh thì tôi sẽ từ bỏ vợ con và sẽ cất một chiếc am nhỏ cạnh một ngôi
chùa. Tôi sẽ dự lễ sám hối hai lần mỗi tháng (theo tục lệ, chùa chiền thường tổ chức lễ sám
hối hai lần mỗi tháng vào các ngày rằm và mồng một), ngày ngày tôi sẽ
luyện tập và nghe giảng Dharma (Đạo Pháp). Tôi nghĩ rằng đấy là cách giúp
tôi sống một cuộc sống đạo hạnh cho đến cuối đời tôi.
Một
thời gian sau, nhờ được chăm sóc nên sức khoẻ của người này cũng khả quan hơn,
thế nhưng sau đó bệnh lại tái phát khiến người này nằm liệt giường. Tháng giêng
vừa qua, bệnh tình bỗng trở nên trầm trọng hơn và người này đau đớn vô cùng, để
rồi một hay hai tháng sau đó thì người ấy qua đời.
Đêm
hôm trước khi chết, người này xin quy y Tam Bảo và nguyện sẽ tuân thủ giới luật
của người bồ-tát. Nhờ đó người này ra đi thật êm thắm. Chuyện xảy ra như thế
thật cũng đáng mừng, vẫn còn tốt hơn là chết với một tâm thần xao động vì quyến
luyến vợ con. Dầu sau đi nữa tôi vẫn nghĩ rằng nếu một năm trước đó người ấy sớm
biết rời bỏ gia đình như dự tính, thì mọi việc xảy ra sẽ còn tốt đẹp hơn nhiều.
Nếu thực hiện được nguyện vọng của mình thì người ấy sẽ được sống gần chùa, bên
cạnh Tăng Đoàn và kết thúc đời mình trên Con Đường.
Trông
thấy cảnh ấy, tôi nghĩ rằng dù trong bất cứ trường hợp nào thì cũng không nên hoãn
sang ngày hôm sau việc tu tập giúp mình bước theo Con Đường của Đức Phật. Nếu
quý vị đang ốm đau và nghĩ rằng khi nào khỏi bệnh thì mình sẽ bắt đầu luyện
tập, thì việc ấy chứng tỏ rằng quý vị chưa hội đủ tinh thần Giác Ngộ. Thân xác
chỉ là một sự cấu hợp của bốn thành phần (đất, nước, lửa và khí) sẽ không sao tránh khỏi bệnh
tật? Thân xác của các vị Thầy trong quá khứ nào có phải là bằng vàng hay bằng
thép đâu (thế
nhưng họ vẫn kiên trì và đạt được kết quả), họ chỉ được thúc đẩy bởi
lòng hăng say tu tập giúp họ bước theo Con Đường và không màng đến bất cứ gì
khác, họ gạt bỏ tất. Đấy là cách gạt sang một bên những chuyện vụn vặt trong
cuộc sống thường nhật, hầu giúp mình đủ sức đương đầu với các khó khăn to lớn
hơn. Con Đường của Đức Phật thật vô cùng trọng đại, vì thế quý vị cũng nên tìm
mọi cách để học hỏi ngay trong kiếp sống này, và không nên phung phí một giây
phút nào.
Một
vị Thầy trong quá khứ từng nói rằng: "Không được đánh mất thời giờ " (có thể đây là ý nói đến vị thiền sư Trung Quốc Shitou
Xiquan, tiếng Nhật là Sandokai và tiếng Việt là Thạch Đầu Hi Thiên, thế kỷ thứ
VIII. Vị này có làm một bài thơ rất nổi tiếng tóm lược các nét chính yếu trong
giáo lý nhà Phật và câu kết là: "Tôi kính cẩn van xin quý vị chớ để những
ngày và những đêm trong cuộc đời mình trôi đi một cách vô ích").
Dù được chăm sóc và dù cho căn bệnh có trở nên trầm trọng đi nữa thì quý vị vẫn
cứ nên tiếp tục luyện tập trước khi tình trạng trở nên nan giải. Đến một lúc
nào đó dù có phải đối đầu với các khó khăn của tình trạng ấy đi nữa thì quý vị cũng
nên tìm đủ mọi cách giúp mình luyện tập trước khi cái chết xảy đến (xin lưu ý là Thiền
học nói chung và nhất là thiền phái Tào Động chủ trương chỉ cần hành thiền
trong yên lặng với một tư thế ngồi vững chắc và đúng cách gọi là zazen, không
cần phải tìm hiểu hay lý luận gì cả, sự Giác Ngộ rồi sẽ xảy đến một cách tự
nhiên).
Nếu
mình mang bệnh thì đôi khi cũng qua khỏi, thế nhưng đôi khi cũng có thể trở nên
trầm trọng hơn. Lắm khi bệnh cũng lành mà không cần phải chữa chạy gì cả. Trái
lại dù được tận tình chạy chữa thế nhưng đôi khi bệnh vẫn cứ trở nên trầm trọng
hơn. Quý vị phải luôn ý thức điều ấy.
Những
ai đã bước vào Con Đường, thì không nên nghĩ rằng mình sẽ luyện tập khi nào tìm
được một mái nhà (một chiếc am, một ngôi chùa. Trong quá khứ
người Nhật thường có tục lệ tự cất am, xây chùa để tu hành), có được
quần áo (cà sa)
và chiếc bình bát. Nếu vì quá nghèo khó,
quý vị chờ khi nào có quần áo (cà sa), bình bát và những thứ khác nữa, thì quý
vị có ngăn chận được cái chết không cho nó tiến đến gần mình hay không? Nếu quý
vị cứ tiếp tục chờ đợi khi nào có được những thứ ấy thì quả đấy chỉ là một cách
phung phí thời giờ một cách vô ích. Dù là người thế tục hay đã xuất gia, quý vị
hãy bước ngay theo Con Đường của Đức Phật, không cần phải chờ đến khi có áo cà sa
và chiếc bình bát. Manh áo cà sa và chiếc bình bát cũng chỉ là nghi thức của
một nhà sư.
Một
người tu tập chân chính bước theo Con Đường của Đức Phật sẽ không bám víu vào
các thứ ấy. Nếu chúng tự đến với mình thì cứ tiếp nhận, thế nhưng không được cố
tình mong cầu sẽ có được những thứ ấy. Khi đã có chúng, thì không được tìm cách
có nhiều hơn nữa, đến độ hai tay không còn chỗ đề mà cầm. Thái độ đó đi ngược
lại với những lời giáo huấn của Đức Phật và cũng chẳng khác gì như cố tình chờ
chết mà không chịu chữa chạy.
Nếu
muốn đạt được mục đích của Con Đường của Đức Phật, thì quý vị không được say mê
và chăm sóc quá đáng cuộc sống này của mình, thế nhưng cũng không nên tàn phá
nó. Nhằm tránh khỏi mọi sự gián đoạn trên đường tu tập, và nếu cần thì quý vị có
thể dùng ngãi đốt (moxa / châm cứu bằng cách đốt ngãi ở vị trí các huyệt) và
uống các thứ dược thảo.
Dầu
sao đi nữa, nếu quý vị chỉ lo chữa chạy và chờ khi nào lành bệnh thì mới nghĩ
đến việc luyện tập thì quả là môt điều hết sức sai lầm.
Vài lời ghi chú của người dịch
Trong Bài 1 nêu lên quan điểm của Phật Giáo
Theravada đã cho chúng ta thấy ốm đau là bản chất tự nhiên và tất yếu của thân
xác ô nhiễm. Đối với người tu tập thì họ chỉ cần hành xử trong cuộc sống như thế
nào để có thể buông xả tất cả, hầu giúp mình bước vào Con Đường một cách thanh
thản và nhẹ nhàng. Hình ảnh của những vị tỳ kheo ôm bình bát, yên lặng và chậm
rãi bước đi giữa cuộc đời này có thể phản ảnh ít nhiều lý tưởng của một vị
A-la-hán. Lý tưởng đó nói lên sự đình chỉ của sự vận hành trói buộc của sự hiện
hữu của người tu hành .
Trong Bài 2, theo Kim Cương Thừa thì trái lại
sự đau đớn và bệnh tật trên thân xác là những "dịp may" vô cùng quý
giá giúp người tu tập đạt được Giác Ngộ, bởi vì đấy là những cơ hội giúp họ phát
động lòng từ bi trong lòng mình khi nghĩ đến tất cả chúng sinh cũng đều khổ đau
như mình. Những cơn đau đớn khủng khiếp và những bấn loạn trong tâm thức chẳng
hạn như sự giận dữ, tham lam, hận thù cũng như những ám ảnh bản năng, đều hàm
chứa những sức mạnh vô song. Người tu tập Kim Cương Thừa phải biết lợi dụng những
sức mạnh tiêu cực ấy để biến chúng trở thành tích cực giúp mình bước thẳng vào
Giác Ngộ.
Thiền Tông mở
ra cho chúng ta một thế giới khác hẳn. Trong thế giới đó dường như không còn một
điểm chuẩn nào có thể giúp chúng ta định hướng, cũng không có một nguyên tắc nào
được quy định rõ rệt để noi theo, và tất nhiên chúng ta cũng sẽ khó tránh khỏi
một sự hoang mang nào đó. Chẳng qua là vì cái thế giới của Thiền Tông thật thâm
sâu và hết sức mênh mông khiến người tu tập dễ bị lạc hướng.
Các công án
không phải là những chủ đề để tìm hiểu hay phân tích, mà chỉ để giúp mình trực
nhận một cái gì đó tàng ẩn phía sau các công án ấy. Một số người tìm cách giải
thích ý nghĩa các công án theo quan điểm và kinh nghiệm riêng của họ và do đó cũng
có thể đã khiến cho một số người khác tin theo càng bị hoang mang thêm. Nếu các
công án chỉ là một phương tiện thì các kỹ thuật thiền định cũng như các chủ đề
suy tư khác đối với Thiền Tông cũng chỉ giữ những vai trò thứ yếu mà thôi. Ngồi
xuống trong tĩnh lặng, nhìn vào một bức tường hay một khoảng trống không trước
mặt là chủ đích chính yếu nhất của Thiền Tông. Ngồi xuống, ngồi xuống, và lúc nào
cũng cứ ngồi xuống..., im lìm và bất động như một pho tượng hay một quả núi, không
suy nghĩ gì cả và cũng chẳng chờ đợi gì cả, thế nhưng thật ra đấy lại là mục đích
tối thượng và sâu xa nhất của một người tu thiền.
Thiền học
"Tchan" của Trung Quốc trên thực tế cũng đã ít nhiều mai một, và sau khi
được du nhập vào Nhật Bản vào khoảng thế kỷ thứ VII thì đã chịu ảnh hưởng rất
nhiều bởi văn hóa và tánh khí của người Nhật để trở thành thiền học
"Zen" ngày nay. Vô số các nghi thức tỉ mỉ và thật chính xác, cũng như
những khung cảnh đơn sơ, nghiêm trang và thiêng liêng của những gian phòng thiền,
của những khu vuờn thiền hay một lối sống thiền mà người Nhật đã ghép thêm vào
Thiền Tông cũng chỉ cần thiết cho những bước đầu của một người tu tập.
Thế nhưng ở
thế giới Tây Phương lại xảy ra một sự kiện hết sức lạ lùng là có rất nhiều người
tu tập rập khuôn theo thiền học Zen Nhật Bản, trong số họ có những người có trình
độ học vấn rất cao, họ là giáo sư đại học, bác sĩ, các khoa học gia, triết
gia..., cũng như rất nhiều tầng lớp khác trong xã hội. Đồng thời ở Tây Phương thiền
học Zen cũng đã bất ngờ cho thấy một xu hướng khá đặc biệt là việc hành thiền được
sử dụng như một phương pháp chữa trị bệnh tật và các rối loạn tâm thần. Khoa học
đã chứng minh cho thấy một người hành thiền chủ động sự đau đớn dễ dàng hơn so với
những người bình thường. Sự chủ động các xúc cảm trong tâm thức cũng dự phần thật
tích cực vào việc chữa chạy bằng thuốc men hay bằng các phương tiện khác. Một số
bệnh viện đã chính thức mở ra các khoa trị liệu bằng phép hành thiền. Một số
trường học cũng bắt đầu nghĩ đến việc tập cho các em học sinh ngồi thiền giúp
chúng bớt nghịch ngợm và chú tâm vào việc học hành dễ dàng hơn. Thế nhưng cũng
cần phải hiểu rằng bất cứ một sự bám víu nào, dù là dưới bất cứ một hình thức nào
cũng không phải là cách tu tập Phật Giáo. Hành thiền phải đưa người tu tập đến
Giác Ngộ, và tuyệt nhiên không phải là một phương pháp cải thiện sức khoẻ. Dầu
sao theo Dilgo Khyentsé Rinpoché trong bài giảng số hai thì y khoa cũng chỉ là
một phép luyện đan mà thôi.
Tư thế ngồi
yên và bất động của một người hành thiền là một phương pháp giúp chủ động thân
xác ô nhiễm, cấu hợp và vô thường của mình. Sự chủ động đó sẽ xóa bỏ mọi xúc cảm
đớn đau trên thân xác và mọi sự bám víu trong tâm thức, nhằm giúp người hành
thiền tìm về với thân xác nguyên thủy, tinh khiết và "khổ hạnh" của mình,
nói cách khác là khám phá ra thân xác của một vị Phật (Dharmakaya). Thiền học
Zen gọi sự khám phá đó hay sự trở về với chính mình là Ngộ (Satori). Thật ra những
gì trên đây là do người dịch suy đoán thế thôi, bởi vì những người hành thiền
chân chính và đắc đạo không bao giờ giải thích Ngộ mà họ đạt được là gì. Hơn nữa
thiền học Zen cũng chỉ nói đến zazen, tức là tư thế ngồi của một người hành thiền,
nhưng không giải thích một cách chính xác ngồi để làm gì, nhất là không hề đề cập
gì đến các phép thiền định tĩnh lặng và phân giải thường được nghe nói đến, bởi
vì theo Thiền Tông thì sự Giác ngộ là một sự trực nhận không cần phải nhờ vào các
giai đoạn "chuẩn bị" ấy.
Giữ tư thế
ngồi với hai chân tréo lại, uy nghi và bất động với một tâm thức thăng bằng không
phải là một chuyện dễ. Chúng ta hãy thử ngồi thì sẽ hiểu ngay: thật hết sức khó
cho chúng ta giữ được hơn năm phút trong tư thế thật đúng của một người hành
thiền. Hai chân có thể bị tê vì máu chảy không đều, cảm giác ngứa ngáy trên thân
thể, cổ mỏi, buồn ngủ, hoặc bồn chồn, v.v. và v.v... Thân xác tương đối dễ giữ
yên hơn tâm thức, thế nhưng nếu chúng ta không giữ được thân xác bất động thì cũng
sẽ hết sức khó cho chúng ta mang lại sự thăng bằng cho tâm thức, và cũng nên hiểu
rằng cả hai, thân xác và tâm thức, đều liên kết chặt chẽ với nhau.
Do đó hành thiền
là một hình thức phấn đấu thật mạnh, phấn đấu với đau đớn và bệnh tật trên thân
xác và các xúc cảm bám víu trong tâm thức của chính mình. Chẳng phải khổ đau là
Sự Thật Cao Quý thứ nhất trong bốn Sự Thật Cao Quý và là những gì cần phải nhận
biết trước hết hay sao? Sự Thật ấy thật hết sức cần thiết hầu giúp người hành
thiền mở rộng con tim mình hướng vào tất cả chúng sinh.
Sự đau đớn,
bệnh tật là những dấu hiệu mất thăng bằng trong sự vận hành của ngũ uẩn. Hành
thiền trong im lặng là một cách tái lập lại sự thăng bằng đó, và cũng là một cách
giúp mình nhận thấy các cách hành xử sai trái của mình trong quá khứ đã đưa đến
tình trạng hiện nay của mình. Nói một cách khác đấy là cách giúp mình ý thức được
các sự lầm lỗi của mình trước đây nhằm tự tha thứ cho mình và xóa bỏ mọi sự lo
lắng về bệnh tật hầu giúp mình "lớn lên" một cách lành mạnh hơn. Đấy
cũng là cách giúp chúng ta phát lộ lòng từ bi, giữ gìn đạo đức, tẩy xóa mọi thứ
ô nhiễm cũng như các cảm tính kiêu căng và các xúc cảm bấn loạn nhằm giúp mình mở
rộng tâm thức hầu thể dạng "Ngộ" có thể bùng lên. Cũng xin mạn phép
nhắc lại một lần nữa là những gì trên đây cũng chỉ là những sự suy luận cá nhân
của người dịch mà thôi. Thật vậy tư thế ngồi im và bất động của một người hành
thiền tự nó đã là một sức mạnh và tự nó cũng đã hàm chứa từ bên trong nó những
khả năng thật tuyệt vời giúp người hành thiền bước thẳng vào Giác Ngộ.
Ngoài ra người
ta cũng thường nói đến sự tỉnh thức trong Thiền Tông, tức là sự hòa nhập vào từng
giây phút một trên dòng chuyển động của hiện thực. Thật ra thì thể dạng này luôn
đòi hỏi một sự tập luyện lâu dài và cũng không nhất thiết là một đặc thù của
Thiền Tông, bởi vì hầu hết các tông phái khác cũng có nêu lên và cũng đã đưa ra
nhiều kỹ thuật nhằm thực hiện thể dạng này. Chủ đích của Thiền Tông cũng như của
Kim Cương Thừa là giúp người tu tập đạt được Giác Ngộ một cách bất thần và ngay
trong kiếp sống này.
Bài giảng của
Đạo Nguyên trên đây không hề nói đến là chúng ta phải thiền định như thế nào mà
chỉ khuyên chúng ta không được đánh mất thời giờ trước khi đau ốm xảy đến với mình,
và dù cho đang ốm đau hay đang gặp phải những khó khăn nào đi nữa, thì cũng cứ phải
ngồi xuống để hành thiền. Lời khuyên quan trọng thứ hai là phải thiền định
ngay, không nên đòi hỏi phải hội đủ bất cứ một điều kiện nào cả, không được chờ
đến khi tìm được một ngôi chùa, một mái am, chiếc áo cà-sa và chiếc bình bát thì
mới tập thiền. Thật vậy bệnh tật và đớn đau vận hành thuận theo dòng luân lưu của
nghiệp, và không hề chờ đợi đến khi nào chúng ta chuẩn bị xong thì mới ra tay.
Chúng ta phải ngồi xuống ngay trong những giây phút này để chuẩn bị và chờ đợi
chúng. Một mái chùa "tươm tất", một chiếc áo cà-sa "may khéo"
hay một chiếc bình bát "thật đầy" cũng có thể trở thành những chướng ngại
vật cho chúng ta đấy.
Bures-Sur-Yvette, 15.10.13
Hoang
Phong chuyển ngữ