Trong Phật học chữ Dharma của Phạn ngữ, Việt dịch là Pháp có thể tóm
tắt lại qua câu của Đức Phật hay nói : "Nầy chư Tỳ kheo, bây giờ cũng
như trước đây, Như Lai chỉ dạy về Khổ và Con đường Diệt khổ".
Đức Phật nói con người do cái khổ triền miên kết tập từ lâu đời nên
phải chịu trong vòng luân hồi, sanh tử. Quan sát cái Khổ và hiểu được
nguyên nhân phát sinh ra Khổ để tận diệt chúng. Một khi cái Khổ không
còn nữa thì con đường đạo sẽ rộng mở thênh thang, để đạt tới chân lý
giác ngộ giải thoát.
Đường tu Phật vốn nhiều thử thách, nằm trong khoảng cách giữa điểm
xuất phát và điểm đến nơi. Người con Phật phải luôn tìm cách vượt qua.
Thành công hay không là do chính bản thân của mình. Con đường Diệt khổ
và Chấm dứt khổ đã có rồi và với danh nghĩa là người con Phật, thì
chúng ta còn phải chờ gì thêm nữa, mà không dùng nơi chúng ta có mặt làm
gốc Bồ đề để tu tập theo con đường Trung đạo của Đức Phật chỉ dạy trong
từng khoảnh khắc của cuộc sống.
Đem tám chữ: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh
Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định của Đức Phật dạy, áp
dụng vào trong đời sống hiện thực của nhân gian để tâm hồn con người
được thanh tịnh an lạc, là một hình thức Hoằng pháp. Nó giống như hình
ảnh của Đức Phật sau ngày thành đạo. Ngài đã đi từ làng này sang làng
kia cho đến phố nọ để giúp cho con người trong từng giai cấp khác nhau
nhận thấy chỉ có một điều cần nên biết trong cuộc sống, đó là "Khổ và
con đường Diệt khổ".
Đức Phật không giải thoát con người, nhưng Ngài dạy con người phải tự
chính mình giải thoát lấy mình, mà không cần đến sự giúp đỡ của Thượng
đế hay thánh thần nào, như chính Ngài đã tự giải thoát lấy Ngài. Đức
Phật luôn nhắc nhở : Sống phải tận dụng thời giờ để tu học, để thực hiện
những gì thật ý nghĩa cho Đạo như ý của mình muốn. Điều này có thể thấy
được trong hàng Thánh chúng qua dòng lịch sử Phật học còn ghi lại và đã
được mọi người con Phật tỏ lòng tôn kính cuộc đời của họ bằng những tên
như sau: Tôn giả Xá Lợi Phất, Hán Việt: 舍利弗, Phạn: śāriputra. | Tôn
giả Mục Kiền Liên, 目犍連, mahāmaudgalyāyana. | Tôn giả Phú Lâu Na, 富樓那,
pūrṇa. | Tôn giả Tu Bồ Ðề, 須菩提, subhūti.| Tôn giả Ca Chiên Diên, 迦旃延,
katyāyana. | Tôn giả Ðại Ca Diếp, 摩訶迦葉, mahākāśyapa. | Tôn giả A Na
Luật, 阿那律, aniruddha. | Tôn giả Ưu Ba Ly, 優波離, upāli. | Tôn giả A Nan
Ðà, 阿難陀, ānanda. | Tôn giả La Hầu La, 羅睺羅, rāhula.
Hoằng pháp là một sự ươm mầm hay một cách gieo hạt giống từ bi hỷ xả
vào lòng người để hướng mọi người đến một đời sống chân thiện mỹ. Hoằng
pháp không phải chỉ là một ý niệm để nắm bắt hay một ý thức hiểu biết
mà không thực hành, mà là cái cần phải biết làm thế nào để cho sự nó
được sâu sắc, hiệu quả, thực tiễn trong sự quan hệ giữa chúng sinh ý
thức rõ ràng được về bổn phận thành thực với chính mình, để cùng nhau
đạt được sự mưu cầu hạnh phúc chung cho mọi người một cách trọn vẹn
trong cuộc sống hiện thực.
Hoằng pháp là cách giúp cho người ta chú ý để tìm thấy thêm những lời
hay ý đẹp của Đức Phật dạy mà đem đạo vào đời một cách thiết thực như
Ngài đã làm.
Hoằng pháp là một đóa hoa trí tuệ của Như Lai để thức tỉnh con người vượt khỏi những khúc quanh co trong thế giới nội tâm đang đối mặt với giông tố của cuộc đời.
Hoằng pháp là cái không gần, không xa, mà chỉ cần mở mắt, lắng tai để tiếp nhận và thực hành cái đẹp, cái hay vô tận của bốn chữ: Từ, Bi, Hỷ, Xả, đã có sẵn bên trong của mỗi người mà Đức Phật thường hay nhắc.
Nếu chữ Đạo được xem là cái ở bên ngoài của con người và chữ Phật là
cái khai ngộ cho tất cả chúng sanh nằm ở bên trong của họ. Thì Hoằng
pháp sẽ là yếu tố kết hợp mang lại sự phong phú giúp cho Tâm, thấy,
biết, nhận định, được ý nghĩa tốt đẹp của sự sống, bằng nhiều cách biết
sống về đạo đức qua những cái nhìn khác nhau trong việc thờ phụng Đức
Phật mỗi ngày.
Kính bút
TS Huệ Dân