Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvathi. Rồi vua Pasenadi nước Kosala đi đến, bạch Thế Tôn:
Ở
đây, bạch Thế Tôn, trong khi con đang nồi yên tịnh một mình, tư tưởng
này khởi lên nơi con: “Ít thay là những người trong đời này, sau khi
được tài sản phong phú, dồi dào lại có thể không bị lôi cuốn, không bị
chìm đắm, không bị say mê trong các dục và không có những hành vi không
tốt đẹp đối với các người khác. Trái lại, thật là nhiều thay, những
người trong đời này, sau khi được tài sản phong phú, dồi dào lại có thể
bị lôi cuốn, bị chìm đắm, bị say mê trong các dục và có những hành vi
không tốt đẹp đối với các người khác”.
Thật
sự là như vậy, thật sự là như vậy, thưa Đại vương: “Loài người bị đắm
say; Trong tài sản, trong dục; Họ tham lam, điên dại; Trong các dục ở
đời; Không ý thức rõ ràng; Đã quá độ mê say; Chẳng khác gì con nai;
Không thấy đặt bẫy sập; Về sau họ khổ đau; Chịu quả báo ác nghiệp”.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 3, phẩm 1, phần Thiểu số [lược], VNCPHVN ấn hành 1993, tr. 170)
LỜI BÀN:
Thường
thì chúng ta hay quy kết cho đói nghèo là nguyên nhân chủ yếu của các
tệ nạn xã hội. Thế nhưng khi con người và xã hội giàu có lên cũng không
hẳn là giảm bớt đi những tệ nạn ấy, đôi khi lại còn trầm trọng hơn.
Giàu
lên bằng sự làm ăn chân chính là điều ai cũng mong muốn. Khi chia tay
với cái đói nghèo, sánh vai cùng khấm khá giàu sang nhưng chớ ảo tưởng
rằng ta đã thành công, đang neo thuyền đời nơi bến bờ hạnh phúc. Thực tế
cho thấy không phải hễ “có tiền thì mua gì cũng được”. Sự đổi đời, giàu
lên nhanh chóng dễ dàng tạo ra chênh vênh, lúng túng, thậm chí lệch lạc
trong nhận thức cũng như hành động và đem đến không ít bất hạnh trong
đời.
Khi
trong tay có tiền, nếu không biết làm chủ bản thân, tư tưởng hưởng thụ
bất chánh bắt đầu trỗi dậy. Không ít các trò đua đòi chưng diện xa hoa,
ăn chơi trác táng và tệ hại hơn là quan niệm sống hưởng thụ, trụy lạc,
sa đọa bắt đầu từ đây. Bằng chứng là những con nghiện, các “anh hùng xa
lộ”, những dân chơi “lắc” thâu đêm suốt sáng ở vũ trường v.v…hiện nay
phần lớn đều là người giàu hoặc con cái nhà giàu.
Đó
là chưa kể đã giàu lại mong muốn giàu thêm. Có tiền sanh ra đủ tật: ăn
nhậu, bài bạc, chơi bời, chim chuột…..và để bù cho những khoản chi vì
các tật xấu ấy nên mới có tham quan, hối lộ, bòn rút của công hoặc không
có chức quyền thì trộm cướp, buôn lậu, lừa đảo. Và hậu quả là không ít
gia đình tan vỡ hạnh phúc vì cái giàu, bị tù tội và hối hận vì sự ham
giàu, mất niềm tin với cuộc sống dù cho giàu có, dư dật.
Như
vậy, giàu có về vật chất là điều cần đạt được nhưng phải song hành với
sung mãn về đạo đức, tinh thần. Mất cân đối giữa giàu sang về vật chất
và tinh thần là hiểm họa. Do vậy, cùng làm giàu vật chất và thăng hoa
tinh thần là mục tiêu của tất cả những người con Phật.
Thích Quảng Tánh Theo lời Phật dạy trong Kinh tạng Nikàya