Đáp:
Sở dĩ có sự thờ phụng khác biệt đó, là do quan niệm về việc thờ phụng
Phật của hai hệ phái khác nhau. Theo quan niệm của Phật giáo Nam Tông,
tức Phật giáo Nguyên Thủy, họ cho rằng, đức Phật Thích Ca Mâu Ni là một
con người bình thường như bao nhiêu con người bình thường khác. Ngài
cũng có những nhu cầu cho đời sống: ăn, mặc, ở v.v… và cũng chịu chung
một định luật vô thường chi phối, phải trải qua những nỗi thống khổ của
kiếp nhơn sinh là sanh, già, bịnh, chết. Tuy nhiên, Ngài chỉ khác hơn
người thường là ở chỗ, Ngài đã hoàn toàn giác ngộ, do sau khi xuất gia
nỗ lực tu hành mà thành đạt được đạo quả.
Ngược lại, chúng sanh vì còn mê, nên tạo nghiệp thọ khổ trong vòng sanh
tử luân hồi. Phật đã thoát hẳn sanh tử luân hồi. Khác nhau ở điểm căn
bản giữa mê và ngộ đó thôi.
Theo Nam Tông, thì ngoài đức Phật Thích Ca ra, không có một vị Phật nào
khác. Do đó, họ chỉ tôn thờ một hình tượng Phật Thích Ca và tạc hình
tượng giống như người Ấn Độ, bởi lẽ, Phật là người Ấn Độ đi tu thành
Phật. Đó là một quan niệm dứt khoát thực tiễn của hệ phái Phật giáo
Nguyên Thủy, xuất phát từ bốn bộ kinh Nikaya.
Ngược lại, Phật giáo Bắc Tông (tức Phật giáo Phát triển hay Đại thừa),
thì quan niệm có khác. Theo Bắc Tông, thì đức Phật Thích Ca khác hơn
người thường. Cái thân của Phật, đó chỉ là cái ứng thân hay hóa thân thị
hiện mà thôi. Vì muốn độ chúng sanh, nhứt là loài người, nên đức Phật
mới thị hiện ở nơi loài người để tiện bề giáo hóa họ. Kỳ thật, thì đức
Phật đã thành Phật từ vô lượng kiếp rồi. Vì Bắc Tông quan niệm rằng, mỗi
chúng sanh đều có Phật tánh hay pháp thân, mà pháp thân thì lặng lẽ,
không sanh, không diệt, trùm khắp cả pháp giới. Bởi thế, nên không nơi
nào, xứ nào mà chẳng có Phật. Cái thân Phật thị hiện người Ấn Độ, chỉ là
trong một giai đoạn tạm thời trong muôn triệu giai đoạn, một hóa thân
trong muôn triệu hóa thân.
Qua đó, thì đức Phật Thích Ca không hẳn là người Ấn Độ mà là người của
tất cả chúng sanh. Vì tùy duyên ứng hiện hay hữu cảm tất ứng, nên người
nước nào tưởng nhớ Phật, thì Phật hiện người nước đó để giáo hóa. Những
vị Phật khác cũng thế, các Ngài hỗ tương để hóa độ chúng sanh và đồng
thời giới thiệu công hạnh cho nhau.
Như đức Phật Thích Ca giới thiệu nhân địa và công hạnh của đức Phật A
Di Đà ở cõi Tây phương Cực lạc, cho chúng sanh cõi nầy được biết, để
niệm danh hiệu Ngài mà cầu sanh về cõi đó. Đến chư Bồ tát cũng thế, các
Ngài thị hiện khắp các cõi. Bất cứ nơi nào có chúng sanh đau khổ, khẩn
cầu cứu độ, thì các Ngài thị hiện để cứu khổ. Đó là bản hoài của các vị
Bồ tát, dù ở cõi Ta bà nầy hay ở những quốc độ khác, như Bồ tát Quán Thế
Âm chẳng hạn.
Đồng thời, các vị Bồ tát cũng trợ lực cùng với chư Phật để độ sanh, mỗi
vị đều có những công hạnh thù thắng đặc biệt. Bởi do quan niệm như thế,
nên chúng ta thấy các nước Phật giáo theo hệ phái phát triển (Đại
thừa), mỗi quốc gia đều tạc hoặc tô vẽ hay đúc hình tượng Phật Thích Ca,
đều có những nét giống người của họ; vì như thế mới thực sự là Phật
giáo của họ, vì mỗi người đều có ông Phật của riêng mình. Và như thế,
mới thực sự thân thiết gần gũi, dễ cảm hóa. Đây cũng là một sắc thái văn
hóa đặc thù. Vì vậy, nên các chùa Phật giáo Bắc Tông đều tôn thờ nhiều
vị Phật và nhiều vị Bồ tát.
Thích Phước Thái
http://tongiaovadantoc.com/c1042/20120721185302735/hoi-dap-phat-hoc-su-tho-phat-khac-nhau-giua-nam-bac-tong-phat-giao-thich-phuoc-thai.htm