Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Ông Bụt giữa chúng ta
30/03/2012 16:26 (GMT+7)


Đức Phật hay Phật đà, là Boudha, là Giác Giả, mà chúng ta thường gọi là Ông Bụt". Khi đọc nghe lời giảng này, chúng tôi thật rung động trong lòng: thì ra Ông Bụt mà chúng ta có dịp làm quen từ các chuyện cổ tích thời thơ ấu, chuyện Tấm Cám, chuyện Thằng Bờm, chuyện Cây tre trăm đốt, cái hình ảnh quen thuộc ấy hóa ra lại là đức Phật. Tuổi thơ nào của chúng ta mà không thẫm màu cổ tích, chắc chắn đã có hơn một lần bị mẹ mắng oan, chúng ta đã trốn vào một góc nhà, ngồi khóc ấm ức, để chờ một ông Bụt hiện ra, và Bụt sẽ hỏi tại sao con khóc, chúng ta sẽ kể lể, nghe xong, Bụt sẽ nói thôi nín đi, này Ta cho con... Ôi những ước mơ mà chúng ta hằng ấp ủ...

Rồi chúng ta lớn lên, Ông Bụt vẫn hiện hữu, nhưng đã thay hình đổi dạng.

1. HIỀN NHƯ BỤT

Khi gặp một người hiền hòa, dễ tính, chúng ta thường nói "hiền như cục đất". Cục đất thì muốn nắn sao cũng được, nhưng nó xù xì, đen thui và xấu xí. Nhưng nếu nói "hiền như Bụt", thì đó lại là đôi mắt từ bi của Phật Thích-ca nụ cười khoan dung của Phật Di Lặc, hay khuôn mặt cứu khổ của Phật Quan Thế Âm. Khác hẳn.

Một người không biết là mình có trâu, thì dửng dưng như cục đất. Một người bắt được trâu, thỏng tay vào chợ, thì an nhiên tự tại. Bề ngoài thì giống nhau, nhưng nội tâm thì một trời một vực. Chúng ta thường mô tả cảnh giới Thiền là "Trước khi Thiền, núi là núi, sông là sông. Trong khi Thiền, núi không phải là núi, sông không phải là sông. Sau khi Thiền núi là núi, sông là sông".

Sự khác nhau sẽ chỉ thể hiện ra khi gặp hoàn cảnh khó khăn. Cùng đi vào chợ, cùng thấy những của ngon vật lạ, nhưng người hành khất thì khác, mà vị hành giả thì lại khác. Người ta kể một vị Ni sư đang đi khất thực, trời mưa, mọi người chạy tán loạn, vị Ni sư vẫn bình thản cầm bình bát, bước theo nhịp độ của câu kinh đang niệm. Một vị Thiền sư vừa trong chợ bước ra, có người hỏi ngài đi đâu về, ngài đáp "bần Tăng mới ở Thiền đường về". Ông Bụt giữa chúng ta.

2. PHẬT CỨU KHỔ

Hình như đây là dấu tích của thời thơ ấu với hình ảnh Bụt chỉ thấy hiện ra cho những người đau khổ. Chúng ta thường chỉ đến với Phật khi đau khổ. Chúng tôi phải xin lỗi trước khi nhắc lại thành kiến "chán đời thì đi tu, tìm quên trong tiếng kinh câu kệ". Có thể đó là do lỗi của một số nhà văn kiểu tác giả "Truyện tình Lan và Điệp", các vị ấy kể một câu chuyện tình thật lâm ly bi đát, rồi trắc trở tình duyên, rồi không lấy được nhau, thế là nàng bỏ đi tu. Một giải pháp đơn giản nhưng bế tắc.

Chúng tôi nói bế tắc là vì các văn sĩ ấy đã dừng lại trước cổng chùa, với tưởng tượng rằng ở trong chùa, con người đau khổ ấy sẽ được đức Phật đưa tay ra đón về Niết-bàn, Cực lạc thế giới. Sự thực xảy ra đằng sau cánh cổng tam quan không phải như vậy. Đức Phật không bồng bế ai lên Niết-bàn, nhưng chỉ dùng ngón tay để chỉ cho họ thấy mặt trăng, thấy con đường mà họ phải đi. Họ sẽ phải tự mình dấn bước và đường đi gian nan lắm. Mà khi tới rồi thì sao nhỉ? Có khi đức Phật lại chỉ họ đường về nhà. Vâng, thật đấy: "Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa". Ngôn ngữ bác học nói rằng sau khi tự giác thì phải giác tha, mới tới giác hành viên mãn.

Không chỉ khi thất vọng về tình duyên, chúng ta mới tìm đến chùa, mà khi buôn bán thua lỗ, chúng ta cũng chạy đến với Bụt, thậm chí đã giàu rồi, còn xin Phật cho giàu hơn nữa. Một mâm trái cây, một cặp đèn cầy, một thẻ nhang, vái ba cái rồi tha hồ mà xin buôn may bán đắt, nhất bản vạn lời. Xin không được thì chê Bụt nhà không thiêng, bỏ đi cầu ông hoàng bà chúa nơi cửa phủ sân đền.

Than ôi, đang khát mà cứ uống nước muối thì làm sao cho hết khát được. Lửa tham dục đang bốc lên, lại đem xăng dầu đổ vào để mong dập tắt được? Đức Phật đã bỏ cung vàng điện ngọc để tìm đường giải thoát, thì khi nào lại muốn chúng ta bị trói buộc trong tiền tài danh vọng? Đừng cầu đức Phật giúp chúng ta thỏa mãn lòng tham, nhưng cầu xin giáo pháp Ngài làm dịu lòng ham muốn ấy. Hãy cầu "thân tâm thường an lạc", đừng cầu thân này không bệnh tật. Cầu thử xem, Bụt chùa nhà cũng thiêng lắm đấy.

Đức Phật là một ngọn đèn đã được thắp sáng, chúng ta là những ngọn đèn chưa thắp, chỉ cần châm vào giáo pháp của Ngài, để nó thấm vào lòng ta, thì ngọn lửa sẽ bùng lên trong chúng ta. Đừng tự giam mình trong bóng tối, đừng cầu ngọn đèn tự cháy. Hãy đến với Ngài, với Ông Bụt chùa nhà.

3. MỘT CÂU THẦN CHÚ

Hồi nhỏ tôi rất sợ ma, ban đêm không bao giờ dám đi vào chỗ tối một mình. Sau có một người bạn mách tôi rằng khi muốn đuổi ma quỷ, thì hai tay bắt quyết, nghĩa là lấy hai ngón tay cái bấm chặt vào đầu hai ngón trỏ, miệng hô "Úm ma ni bát mê hồng" là ma quỷ sẽ không dám dọa nạt nữa. Tôi đã thử và quả nhiên không gặp ma. Tôi tin tưởng đức Phật giúp tôi đuổi tà ma giống như chuyện sự tích cây nêu ngày Tết. Tôi bày lại cho các bạn khác, và chúng tôi đều hết sợ ma. Trong đầu óc trẻ thơ của chúng tôi, đó là một câu thần chú vạn năng.

Mãi tới khi đi sâu vào Thiền học Tây Tạng, chúng tôi mới biết rằng thực ra đó chỉ là một chân lý: "Aum là hỡi, Mani là viên ngọc lưu ly, Patme là trong bông sen, Hum là âm linh thiêng. Aum Mani Patme Hum, là "Hỡi viên ngọc lưu ly trong bông sen". Hoa sen thì chúng ta đã quá quen thuộc, gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Đức Phật ngự trên tòa sen, chính là viên ngọc lưu ly mà chúng ta hằng chiêm ngưỡng, suy niệm. Aum Mani Patme Hum nôm na là lạy Phật, Phật trên tòa sen và Phật trong mỗi chúng ta.

Thật vậy, nếu ví thân xác chúng ta như đóa sen, thì Phật tính chính là viên ngọc lưu ly trong đóa sen ấy. Theo các Thiền sư Tây tạng, thì viên ngọc lưu ly bên trong quý hơn viên ngọc ở bên ngoài. Khi các ngài nhập Thiền, chính là chiêm ngắm viên ngọc ở bên trong. Nếu giữ được tâm niệm ấy, thì đi đứng nằm ngồi đều là Thiền cả. Có vị còn đi xa hơn, cho rằng viên ngọc bên ngoài chỉ là hình bóng của viên ngọc bên trong. Chuyện kể rằng một vị Thiền sư có rất nhiều đồ đệ, theo học ở trong hang núi. Tất cả các đồ đệ đều giác ngộ và được thầy cho xuống núi, duy còn một vị tu đã lâu mà chưa giác ngộ. Phải đợi tới một ngày tuyết rơi, trời lạnh, trong hang hết củi, vị Thiền sư chẻ bức tượng Phật bằng gỗ ra, bỏ vào đống lửa, thì vị đồ đệ cuối cùng ấy mới bỗng nhiên giác ngộ: Hình tượng đức Phật chỉ giúp chúng ta tìm thấy Phật tính ở trong mỗi chúng ta, nếu dừng lại ở ảnh tượng thì sẽ còn quanh quẩn trong mê đồ.

Vậy là chúng tôi mất một câu thần chú, mất một phương tiện để cầu cứu. Nhưng thay vào đó, chúng tôi lại tìm thấy một sức mạnh ở bên trong. Sức mạnh mà các nhà Nho gọi là "Đức trọng quỷ thần kinh", hay ông bà chúng ta dạy rằng "đừng ngồi chiếu lệch giường nghiêng, ngồi cho ngay ngắn cũng thiêng bằng thần". Bụt, thần tại tâm. Biết như vậy rồi, thì chẳng cần ấn quyết, thần chú, tà ma cũng không phạm được tới chúng ta. 

Kết luận: BỤT TRỪ TÀ MA

Qua khỏi thời thơ ấu, chúng ta bước ra khỏi thế giới truyện cổ tích. Đắm chìm trong cuộc sống, chúng ta tưởng như không bao giờ được gặp lại Ông Bụt nữa. Nhưng không, Bụt cũng bước vào cuộc sống với chúng ta. Chúng ta thử nhìn chung quanh xem, có những người hiền như Bụt, sáng suốt như Bụt hay can đảm như Bụt. Thật vậy, nói nhiều thì cũng chẳng qua nổi ba chữ Bi, Trí và Dũng của Phật giáo. Đức Phật chỉ cho chúng ta thấy một viên ngọc lưu ly trong cái thân xác vô thường này. Danh vọng, tiền bạc rồi sẽ qua đi, Phật tính trường tồn.

Chân lý không chỉ để cất trong sách vở, để suy niệm, mà còn để đem ra giúp đời nữa. Chúng ta đang bị vây hãm bởi tham nhũng, hối lộ, buôn lậu, phải chi những người ấy biết rằng trong họ có viên ngọc quý mà mọi tội lỗi của họ chỉ càng làm cho viên ngọc ấy bị nhơ bẩn thêm? Xã hội chúng ta còn phải đương đầu với cờ bạc, rượu chè, mãi dâm, ma tuý? Đừng thất vọng, dù đóa sen có úa héo, viên ngọc quý trong đó vẫn ngời sáng.

Đem đạo đức của Phật giáo vào cuộc đời chính là giữ viên ngọc quý của chúng ta được luôn ngời sáng, là giúp người khác tìm thấy viên ngọc trong lòng họ, chúng ta sẽ reo mừng lên, cùng đưa viên ngọc ra, và thế gian này sẽ ra khỏi tăm tối, sẽ bừng sáng, sẽ giác ngộ. Aum Mani Patme Hum.


L­ương Hữu Định

http://nguoiphattu.com/news/ong-but-giua-chung-ta.d-2855.aspx

Các tin đã đăng:
Về đầu trang