Chư
ác mạc tác tức là giới. Có năm Giới: Sát, Đạo, Dâm, Vọng, Tửu (rượu).
Chúng thiện phụng hành tức là hành thập thiện. Thân, khẩu, ý của chúng
ta tổng cộng có mười điều ác. Thân thì phạm sát, đạo, dâm; khẩu thì
phạm: ỷ ngữ, vọng ngữ, ác ngữ, lưỡng thiệt; ý thì phạm: tham, sân, si.
Nếu không làm mười điều ác nầy, vậy là chúng ta đã thực hành thập thiện
rồi. Tôi nay xin giải thích một cách sơ lược như sau:
Thân
có ba điều ác là: Sát, đạo, dâm. Thật ra, có rất nhiều người không phải
là không biết thiện ác, nhưng họ biết mà vẫn cứ cố phạm. Lấy việc sát
sanh ra mà nói, người ta đa số biết rằng, sát hại sanh linh là không
đúng, nhưng họ vẫn cứ phạm giới sát. Trộm cắp tức là của không cho mà
lấy, biết rõ trộm cắp là không tốt, thế nhưng họ vẫn cứ trộm cắp. Tà dâm
là ham thích nhục thể, nó là thứ khoái lạc hư vọng chứ đâu phải thật.
Bởi vì thứ khoái lạc nầy là giả, cho nên con người rất dễ đam mê mà quên
mất sự khoái lạc chân thật. Đây là căn bệnh thông thường của người đời.
Thật thì không ai nhận ra, nhưng cái giả thì mọi người lại ùa chạy
theo.
Cho
nên nói: “Nhất thiên năng mại thập đảm giả, thập thiên nan mại nhất đản
chân,” tức là một ngày có thể bán được một ngàn gánh giả, nhưng khó bán
được một gánh thật trong mười ngày. Người đời kỳ quái như thế đấy!
Ý
nghiệp của chúng ta phạm ba điều ác như: Tham, sân và si. Tham là lòng
tham lam không biết chán. Có người trong lòng cứ nghĩ rằng: “Nếu có được
một triệu thì mình đã thỏa mãn lắm rồi.” Nhưng khi có được một triệu,
hắn lại nghĩ đến mười triệu, thậm chí đến cả mười tỷ luôn. Bao nhiêu
cũng không thỏa mãn được lòng tham đó.
Có bài kệ như sau:
Chung nhật mang mang chỉ vị cơ,
Đắc liễu bão phạn hựu tư y,
Y thực lưỡng ban câu phong túc
Tiện tưởng cao lâu dữ mỹ thê,
Thú hạ kiều thê tịnh mỹ thiếp,
Xuất nhập vô thuyền thiểu phi cơ,
Luân thuyền phi cơ cụ kỷ bị,
Hựu vô quan chức bị nhân khi,
Ngũ phẩm Tứ phẩm hiềm quan tiểu,
Tam phẩm Nhị phẩm dã hiềm đê,
Nhất phẩm đương triều tát Tể tướng,
Cánh tưởng diện nam khứ đăng cơ,
Nhất nhật đăng cơ tọa liễu điện,
Hựu tưởng thành Tiên hạ cuộc kỳ.
Nghĩa là:
Cả ngày bận rộn chỉ vì đói,
Được no cơm lại nghĩ áo quần,
Khi cơm áo hai thứ đầy đủ,
Bèn tưởng muốn nhà cao vợ đẹp,
Cưới vợ đẹp, thiếp hầu xinh xắn,
Dạo đi còn thiếu tàu máy bay,
Khi sắm đủ tàu thuyền phi cơ,
Lại chưa chức phận bị người khinh,
Ngũ phẩm Tứ phẩm chê là nhỏ,
Tam phẩm Nhị phẩm vẫn còn thấp,
Được chức Tể Tướng đệ nhất triều,
Kế muốn đội mão lên ngôi Đế,
Một ngày chểm chệ trên ngai điện,
Lại muốn cùng Tiên họp đánh cờ.
Con
người suốt ngày bận rộn chỉ vì lo cho no bụng. Khi bụng no rồi, người
ta lại nghĩ đến quần áo đẹp, chưng diện đồ tây thẳng cón và thích kết
giao với các quan chức thượng lưu trong xã hội. Đến khi chuyện ăn no,
mặc đẹp đã đầy đủ, người ta lại nghĩ đến chuyện cưới vợ đẹp, hoặc lấy
được ông chồng tuấn tú đẹp trai. Khi được vợ đẹp, thiếp hầu xinh xắn,
hoặc chồng khôi ngô tuấn tú, họ lại nghĩ đến kiệu xe, mua một cỗ xe có
tiếng, thậm chí còn muốn có phi cơ để đi đó, đi đây. Khi trong tay có đủ
máy bay, xe hơi, họ lại nghĩ nếu chẳng có chức vị quan tước, mình sẽ bị
người ta coi thường. Thế là họ lại lân la đến quan trường. Làm quan Ngũ
phẩm Tứ phẩm, cho đến Tam phẩm, Nhị phẩm mà họ vẫn chê là nhỏ. Cuối
cùng họ làm tới chức Nhất phẩm, tức đại Tể Tướng hay Quốc vụ khanh.
Nhưng vẫn chưa cho là đủ, họ lại còn muốn làm Tổng Thống, hay làm Hoàng
Đế. Một khi được đăng triều lên bảo điện làm Hoàng Đế, họ lại muốn thành
Tiên, trường sanh bất tử và được đánh cờ với các vị Tiên nhân.
Đó
là hình dung về cái lòng tham không đáy của con người chúng ta. Dù đã
có được gia tài ngàn vạn, nhưng lại muốn nắm trọn quyền kinh tế quốc
gia. Khi nắm được nền kinh tế toàn quốc rồi, thậm chí còn muốn nắm luôn
cả mạch mạng kinh tế của toàn thế giới. Nói tóm lại, trên thế gian có
hai hạng người, một loại là tham danh, một loại là tham lợi. Kẻ tham
danh thì cố dùng trăm phương ngàn kế để làm cho tiếng tăm mình được to
lớn thêm. Người tham lợi thì dốc lòng tìm mọi mưu kế để càng kiếm được
nhiều tiền hơn. Tất cả đều là do lòng tham sai khiến mà ra.
Trong
tâm lại còn có độc sân. Sân tức là tâm sân hận, nổi nóng bừng bừng, gọi
là: “Khuyết đức đới mạo yên” tức là thiếu đức như đầu đội khói. Người
có tánh nóng dữ dội thì giống như suốt ngày đầu bị đội khói, có khí nóng
cuồn cuộn xông lên. Đó là dấu hiệu của sự thiếu đức.
Người
cao quý thật sự thì không nổi nóng. Nếu có tánh nóng, nhất định là họ
cũng phải tự kiềm chế, hàng phục, điều hòa cho thân tâm được bình tĩnh
và biết biến độc sân thành ra hiền hòa, biến dao mác thành ra ngọc lụa.
Ba độc tham, sân, si có mối liên hệ với nhau. Tất cả phiền muộn của con
người đều là do từ tham dục mà ra. Khi có lòng ham muốn, chúng ta bèn
hướng ra bên ngoài để tìm cầu. Thấy đồ tốt đẹp là chúng ta muốn chiếm
làm của riêng. Nếu chiếm không được thì chúng ta nổi sân. Một khi đã nổi
sân, đầu óc chúng ta trở nên tối tăm mê muội, rồi biến thành ngu si.
Cái độc si nầy, không phải là chỉ đến cái ngu si của loài bạch tượng, mà
nói về người không biết lý lẽ, mê muội về luật nhân quả, bởi năng khiếu
nhận thức của tâm đã bị che khuất rồi. Ba thứ độc nầy là căn nguyên của
tất cả các phiền não. Muốn trừ phiền não, trước hết là chúng ta phải
chặt đứt cái gốc của ba độc tham, sân, si.
Khẩu
nghiệp của chúng ta rất dễ phạm đến bốn lỗi như: ỷ ngữ, vọng ngữ, ác
khẩu và lưỡng thiệt. Ỷ ngữ là nói lời thêu dệt bâng quơ, không thật,
hoặc nói những lời không đàng hoàng, khiến người nghe khởi vọng tưởng
bất tịnh. Vọng ngữ là lời nói không chân thật, dối trá. Ác khẩu là dùng
lời nói ác độc mắng nhiếc người, khiến cho người nghe không thể nào chịu
nổi. Lưỡng thiệt là nói thị phi phải trái, xúi giục làm cho hai bên ly
gián, như rắn hai đầu.
Trên
đây là phần giải thích sơ lược về thập ác của thân khẩu ý. Nếu chúng ta
có thể chuyển thập ác thành thập thiện, cẩn thận giữ gìn để không vi
phạm, tức là giữ giới luật. Tâm Bồ Đề là một biệt danh của giới luật.
Giới luật là dạy mình giác ngộ. Tâm Bồ Đề là chủng tử thiện vốn có trong
tâm mọi người. Nếu chúng ta không quên tâm Bồ Đề thì thiện căn của
chúng ta sẽ không đứt đoạn. Không hồ đồ tức là tâm Bồ Đề. Chúng ta hãy
cố gắng vun bồi cho hạt giống Bồ Đề tăng trưởng, và hướng thẳng đi trên
con đường thành Phật.
Giảng ngày 18 tháng 6 năm 1987