Thiền sư Vĩnh Minh Thọ
được xem như là hóa thân của đức Phật A Di Đà nên mọi người chọn ngày
sinh của Thiền sư là ngày 17 tháng 11 Âm lịch hàng năm cử hành lễ Vía,
nhớ lại Đức Phật A Di Đà.
Theo lời đức Bổn Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật
chỉ dạy trong kinh A Di Đà, cách thế giới Ta-Bà của chúng ta 10 muôn ức
cõi Phật về hướng Tây rất xa, có một thế giới tên là Cực Lạc, Đức Phật
giáo chủ cõi đó là Phật A-Di-Đà hiện đang thuyết pháp độ sanh
Đức phật A Di Đà là một ngôi giáo chủ
trên cõi Lạc Bang, oai đức không cùng, thệ nguyện rất lớn, mở môn phương
tiện, độ kẻ chúng sanh ra khỏi Ta bà đem về Tịnh độ.
Trong các Kinh thì không có nói đến ngày sinh của ngài mà có các câu truyện lưu truyền như sau:
Có một lần, Đức Phật A-Di-Đà thị hiện
vào đời nhà Đường làm một vị Hòa-Thượng tên là Thiện Đạo Đại Sư, hoằng
dương Tịnh Độ, dạy người chuyên niệm Phật cầu hóa sanh về cõi Tây-Phương
Cực-Lạc, và Ngài cũng là vị Tổ thứ II trong Tịnh Độ Tông.
Một lần khác cũng vào đời nhà Đường bên
Trung Hoa, Ngài hiện thân làm một vị Đại-sư tên là Pháp Chiếu, mở ra
“Ngũ Hội Đạo-Tràng” độ người về Cực Lạc, sau được suy tôn làm vị Tổ Thứ
IV của Tịnh Độ.
Nhưng có lẽ đặc biệt nhất là câu chuyện
giáng sinh của đức Phật A-Di-Đà vào đời nhà Tống, Trung Hoa, Ngài thị
hiện làm một vị Hòa-Thượng khác tên là Vĩnh-Minh Thiền Sư, suốt thông
tông giáo, triệt ngộ Thiền-cơ, nhưng tận lực hoằng dương Tịnh-Độ, là vị
Tổ thứ VI của Tịnh Độ Tông.
Diên Thọ Đại sư, tự Xung Huyền, người
đời Tống, con của họ Vương ở Tiền Đường. Lúc thiếu thời, ngài thích tụng
kinh Pháp Hoa, cảm đến quỳ mọp nghe kinh.
Lớn lên, Xung Huyền được Văn Mục Vương
tuyển dụng, cho làm quan trông nom về thuế vụ. Nhiều lần ngài lấy tiền
công qũy đến Tây Hồ mua cá trạnh phóng sanh. Việc phát giác ra, bị Pháp
ty thẩm định, xử ngài vào tội tử hình. Lúc sắp đem đi chém, Văn Mục
Vương bí mật cho người rình xem, nếu thấy ngài nhan sắc thản nhiên,
không tỏ về buồn rầu lo sợ, thì phải đem về trình lại. Thấy ngài trước
sau vẫn an điềm. Sứ giả trao sắc chỉ cho quan Giám trảm, rồi dẫn về diện
kiến vua. Khi Vương hỏi duyên cớ, ngài đáp: "Tôi tự dùng của công, đáng
tội chết. Nhưng toàn số tiền đó, tôi dùng mua cứu được muôn ức sanh
mạng, thì dù thân này có chết, cũng được vãng sanh về cõi Lạc Bang, vì
thế nên tôi không lo sợ". Văn Mục Vương nghe qua cảm động, ra lịnh tha
bổng. Ngài xin xuất gia, Vương bằng lòng.
Sau đó, ngài đến quy y với Thúy Nham
thiền sư ở Tứ Minh. Kế lại tham học với Thiều Quốc Sư ở Thiên Thai, tỏ
ngộ tâm yếu, được Quốc sư ấn khả, ngài từng tu Pháp Hoa Sám ở chùa Quốc
Thanh. Trong lúc thiền quán thấy đức Quán Thế Âm Bồ Tát rưới nước cam lồ
vào miệng, từ đó được biện tài vô ngại. Do túc nguyện muốn chuyên chủ
về Thiền hoặc Tịnh mà chưa quyết định, ngài đến thiền viện của Trí Giả
đại sư, làm hai lá thăm: một lá đề Nhất tâm Thiền định, còn lá kia là:
Trang nghiêm Tịnh độ. Kế lại chí tâm đảnh lễ Tam Bảo sám hối, cầu xin
gia bị. Đến khi rút thăm, luôn bảy lần đều nhằm lá Trang Nghiêm Tịnh Độ.
Từ đây ngài nhất ý tu về Tịnh nghiệp.
Năm Kiến Long thứ hai đời Tống. Trung Ý
Vương thỉnh ngài trụ trì chùa Vĩnh Minh, tôn hiệu là Trí Giác thiền sư.
Ngài ở đây trước sau mười lăm năm, độ được một ngàn bảy trăm vị Tăng.
Ngài trứ tác tập “Vạn Thiện đồng quy”, chủ ý khuyến tu các pháp lành qui
hướng về Tịnh độ. Đại sư lập công khóa, mỗi ngày đêm hành trì một trăm
lẻ tám điều và hai điều đặc biệt trong đó, là tụng một bộ kinh Pháp Hoa,
niệm mười muôn câu Phật hiệu. Ban đêm khi ngài qua gộp núi khác niệm
Phật, những người ở gần nghe tiếng loa pháp cùng thiên nhạc trầm bổng du
dượng. Về kinh Pháp Hoa, trọn đời ngài tụng được một muôn ba ngàn bộ.
Đại sư thường truyền giới Bồ Tát, mua chim cá phóng sanh, thí thức cho
qủi thần, tất cả công đức đều hồi hướng về Tịnh độ. Ngài có trứ tác một
trăm quyển Tông Cảnh Lục, hội chỉ thú dị đồng của ba tông: Hoa Nghiêm,
Pháp Hoa và Duy Thức.
Theo truyện ký, vào thời Ngô Việt Vương,
tại Hàng Châu có Hòa thượng Hành Tu, trụ trì chùa Pháp Tướng. Ngài vốn
con nhà họ Trần ở Tuyền Nam, sanh ra có tướng lạ, hai tai dài chấm tới
vai, đến bảy tuổi vẫn không nói. Một hôm có người đùa hỏi, ngài bỗng ứng
tiếng đáp: "Nếu không gặp bậc tác gia, nói cho lắm chỉ xô phá lầu khói
mà thôi!".
Sau ngài xuất gia ở chùa Ngõa Quan tại
Kim Lăng, tham phỏng với Tuyết Phong thiền sư, ngộ được tâm ấn. Từ đó
mãnh thú gặp ngài đều thuần thục, từng nổi tiếng là ông Tăng có nhiều sự
phi thường, linh dị. Có một Đại đức hỏi: "Thế nào ý nghĩa của đôi tai
dài?" Ngài không đáp, chỉ kéo dài hai tai mà biểu thị. Lại hỏi: "Chót
núi phương Nam có khó đến chăng"?". Ngài đáp: "Chỉ tại chưa từng đi
đến". Hỏi: "Sau khi đến rồi như thế nào?. Đáp: "Một mình nằm nghỉ đỉnh
non cao".
Ngô Việt Vương nhân khi đến chùa lễ
Phật, có hỏi ngài Vĩnh Minh: "Bạch tôn đức! Thời nay có bậc chân Tăng
nào khác chăng?" Đại sư đáp: "Có Hòa thượng Hành Tu, đôi tai dài, chính
là Phật Định Quang ứng thân đấy!". Vương tìm đến ngài Hành Tu cung kính
đảnh lễ, tôn xưng là Định Quang Như lai ra đời. Ngài bảo: "Vĩnh Minh Đại
sư thật khéo nhiều lời. Ông ta cũng chính là Phật A Di Đà ứng thân đó".
Nói xong, ngồi yên mà hóa. Ngô Việt Vương vội vã trở về chùa Vĩnh Minh
định gạn hỏi hết, thì Đại sư cũng đã thị tịch.
Do đó, người đương thời truyền nhau:
Vĩnh Minh đại sư là Phật a Di Đà ứng hóa nên hàng Tăng tục mới lấy ngày
sanh nhật của Đại sư ngày 17 tháng 11 là lễ vía kỷ niệm Phật A Di Đà.