Bụt
ở trong ta là sự có mặt của những hạt giống tốt, vì vậy Bụt không phải
là một ý niệm mà là những hạt giống có thật ở trong ta. Mỗi khi ta nghĩ
tới, ta tiếp xúc với, ta tư tưởng vào những hạt giống đó tức là ta đang
quay về nương tựa nơi Bụt.
Quay
về nương tựa như vậy thì ta làm cho những hạt giống đó lớn lên và ta
được năng lượng của niềm tin đó bảo vệ. Những khi chúng ta sầu khổ, bực
bội, nếu chúng ta biết theo dõi hơi thở, mỉm cười và tiếp xúc với những
hạt giống của tình thương, của sự tha thứ ở trong ta, thì tự nhiên năng
lượng của Bụt phát sinh và chúng ta thấy mình đang đi về cực hướng
thượng. Đi về cực hướng thượng là ta có hạnh phúc. Nếu không làm vậy thì
chúng ta buông thả thân tâm và chúng ta tuột dốc về phía hướng hạ, và
trong thời gian đó chúng ta đau khổ. Do đó, khi nhận ra rằng ta đang
tuột dốc, đang trôi lăn về phía hướng hạ, thì chúng ta hãy lập tức thực
tập nắm lấy hơi thở. Hãy thở vào, hãy thở ra, hãy mỉm cười và tiếp xúc
với những hạt giống của Bụt ở trong ta, thì tự nhiên ta chận đứng được
đà tuột dốc, và bắt đầu đi về cực hướng thượng.
Đây là cách thực tập
của chúng ta trong đời sống hàng ngày. Tại vì những hạt giống của buồn
rầu, của ganh tị, của giận hờn, của chán nản, của sợ hãi luôn luôn có
đó, như là những đống rác, và chúng luôn luôn có khuynh hướng muốn phát
hiện. Nếu không tu tập thì chúng ta trở thành nạn nhân của những năng
lượng đó, và những năng lượng đó sẽ bít lấp những năng lượng hướng
thượng ở trong ta. Vì vậy mà thực tập hơi thở, thực tập bước chân là
những phương pháp rất mầu nhiệm để chúng ta ngăn chận đà tuột dốc về cực
hướng hạ, và để chúng ta có thể chuyển năng lực của ta đi về phía hướng
thượng, hướng của hạnh phúc.
Khi
chúng ta đang đi trên đường, hay chúng ta đang nấu cơm, đang quét nhà
mà năng lượng trong ta đang hướng thượng, thì có nghĩa là trong giờ phút
đó chúng ta đang được sự che chở của Tam Bảo. Chúng ta đang ở trong
tình trạng an ninh, vững chãi và thảnh thơi. Khi người khác nhìn thấy
chúng ta quét nhà, rửa chén, đi thiền hành, làm điểm tâm cho đại chúng
trong chánh niệm, thì người đó có thể thừa hưởng được sự có mặt của ta,
tại vì người đó thấy ta có an lạc, có vững chãi và có thảnh thơi. Có thể
rằng người đó đang tuột dốc, đang đi về cực hướng hạ, nhưng khi thấy
được ta, tiếp xúc được với ta, người đó có thể ngưng lại đà tuột dốc của
mình, trèo lên và đi về phía hướng thượng trở lại.
Do
đó sự có mặt của một sư anh, một sư chị, một sư em, một người bạn tu có
chánh niệm, là rất quan trọng cho ta. Đó cũng là sự thực tập quay về
nương tựa Tăng, đoàn thể của những người biết quy y Bụt trong đời sống
hàng ngày. Nhờ anh thực tập quy y Bụt cho nên tôi được thừa hưởng. Vì
vậy cho nên trong đời sống hàng ngày tôi cũng thực tập quay về nương tựa
Bụt để không phải chỉ một mình tôi được hưởng cái năng lượng của sự tự
do, vững chãi và hạnh phúc, mà những người khác tiếp xúc với tôi, sống
quanh tôi cũng được thừa hưởng sự thực tập đó của tôi.
Khi
chúng ta thực tập quay về nương tựa Bụt, thì đồng thời chúng ta cũng
đang thực tập quay về nương tựa Pháp, tại vì nếu chúng ta đang hướng về
cực hướng thượng thì Pháp đang ở với chúng ta, và chúng ta trở thành một
thành phần tốt của tăng thân. Nếu cần định nghĩa thế nào là một thành
phần tốt của Tăng thân thì chúng ta có thể nói ngay rằng: Một thành phần
tốt của tăng thân là một thành phần biết thực
tập Quy Y Tam Bảo trong đời sống hàng ngày. Nếu mình muốn phục vụ tăng
thân, muốn tạo hạnh phúc cho tăng thân, muốn có ích cho tăng thân thì
mình thực tập Quy Y Tam Bảo trong đời sống hàng ngày.
Khi
thấy một người đang khổ đau, đang tuột dốc, mình biết người đó đang
không được Tam Bảo che chở, đang không có năng lượng của Bụt, Pháp, và
Tăng hộ trì, mình nên đến với người đó, ngồi cạnh người đó với tư cách
của một người đang được Tam Bảo che chở mà hỗ trợ, cầm lấy tay người đó,
hay nhìn người đó. Tuy không làm gì hết, không khuyên nhủ gì hết, nhưng
thực sự là mình đang đem đến cho người đó cái quý nhất của mình: Tình
trạng vững chãi, thảnh thơi và hạnh phúc của mình. Khi người kia tiếp
xúc được với những điều đó thì người kia có thể dừng lại sự tuột dốc mà
quay về nương tựa vào Bụt, vào Pháp và vào Tăng.
Khi
chúng ta biết nương tựa Tăng tức là biết thừa hưởng sự có mặt của những
phần tử vững chãi thảnh thơi và hạnh phúc, thì đồng thời chúng ta cũng
đang nương tựa vào Bụt, vào Pháp, và cả vào Tăng, tức là vào ba viên
ngọc quý. Cho nên chúng ta thấy rằng Tam Bảo cũng có tính tương tức,
nghĩa là nhìn vào Phật bảo, chúng ta thấy Pháp bảo và Tăng bảo. Nhìn vào
Pháp bảo, chúng ta thấy Phật bảo và Tăng bảo. Tiếp xúc với Tăng bảo,
chúng ta đồng thời tiếp xúc được với Phật bảo và Pháp bảo. Quay về nương
tựa một viên ngọc quý cho sâu sắc là đồng thời ta quay về nương tựa với
cả ba viên ngọc quý. Chúng ta không cần thực tập, học hỏi gì nhiều,
chúng ta chỉ cần học hỏi về phương pháp quy y Tam Bảo là chúng ta có thể
tạo ra an lạc, thảnh thơi cho ta và cho những người chung quanh ta.
HT. Thích Nhất Hạnh