Ngạn ngữ Hy Lạp
Chiều Chủ nhật, tôi ngồi trước bậc thềm quan sát những đứa trẻ trong
xóm chơi với nhau. Chúng thường chơi đi chơi lại mấy trò. Trước hết là
trò cao bồi, một đứa làm cao bồi kiêm cảnh sát trưởng, vài đứa đóng vai
thổ dân, và một tên cướp. Không cậu bé nào chịu đóng vai tên cướp cả.
Tất cả đều muốn làm cảnh sát trưởng. Cãi nhau mãi, cuối cùng chúng quyết
định những người qua đường sẽ là tên cướp. Những tên cướp luôn luôn bỏ
chạy. Và người qua đường cũng thế…Vì vậy chúng hò reo và đuổi theo
những người đi qua xóm.
Trò chơi vì thế mà nhanh chóng trở nên nguy hiểm và bị người lớn
nghiêm cấm. Những đứa trẻ ngay lập tức chuyển sang trò chơi yêu thích
khác, trò “Ta là chúa tể”.
Một cậu bé học lớp Ba, cao nhất và khôn lanh nhất, là người khởi xướng
và vì thế nghiễm nhiên trở thành chúa tể. Trò chơi rất đơn giản, “chúa
tể” sẽ đội cái xô nhựa lên đầu, tay cầm cây kiếm nhựa giơ lên cao và hét
vang “Ta là chúa tể”, sau đó nghiêm mặt quát to“Lính đâu!”. Những đứa
trẻ khác sẽ khúm núm cung kính “Thưa chủ nhân!”. Chúa tể sẽ sai vặt
“quân lính” (đương nhiên): đi rót nước, đi lượm rác, đi mua kem, hoặc
đôi khi, đi trừng phạt một “tên phản bội”, bắt “hắn” lại và nhốt vào nhà
tù…
Quân lính nhìn chung tỏ vẻ chán ngán, và một cô bé mới nhập bọn lắc
đầu nguầy nguậy. Không công bằng, phải oẳn tù tì để chọn ra người làm
chúa tể chứ. “Đâu phải mình anh, ai cũng thích làm chúa tể hết mà” – cô
bé càu nhàu.
Những người lớn ngồi trên thềm nhà xung quanh đó cười nghiêng ngả.
Chợt nhớ hôm nọ, cô bạn đang làm giáo viên ở một trường tiểu học Quốc
tế kể rằng, ở lớp cô lần lượt mỗi học sinh sẽ được làm lớp trưởng trong
một tuần. Bởi cô nghiệm ra rằng để có những cách thức dạy dỗ hoặc điều
chỉnh thích hợp, điều cần nhất là giáo viên phải thấy được bản tính của
đứa trẻ một cách rõ ràng nhất. Và cũng giống như người lớn, tính cách
của trẻ con sẽ bộc lộ rõ nhất khi ta trao cho chúng trách nhiệm và uy
quyền trong vai trò thủ lĩnh.
Khi ngồi nhìn những đứa trẻ ngây thơ chơi trò “ta là chúa tể”, tôi mới
nhận ra ý tưởng của cô bạn thật tuyệt vời, bởi chính Abraham Lincoln
cũng từng nói “Gần như tất cả mọi người đều có thể chịu đựng được nghịch
cảnh. Nhưng nếu muốn kiểm tra tính cách của một người nào đó – hãy trao
cho anh ta uy quyền”.
“Ai cũng muốn được làm chúa tể” – cô bé kia đã nói như vậy. Chúng ta
mới giống nhau làm sao! Ta đều mơ trở thành thuyền trưởng trên mọi con
tàu.
Hẳn nhiên khi lớn lên, tôi cũng như bạn, sẽ dần hiểu rằng làm “thủ
lĩnh” – dù chỉ là “thủ lĩnh” của một lớp học vài mươi học sinh, hay một
công ty hàng trăm người – nghĩa là sẽ được nể vì, được ra oai, sai khiến
và đôi khi…trừng phạt người khác. Nhưng nó cũng có nghĩa là phải gánh
thêm những trách nhiệm và cả những phiền toái, những thứ luôn khiến cho
vai trò đó trở nên ít hấp dẫn hơn. Ví như việc thuyền trưởng luôn phải
là người cuối cùng rời khỏi con tàu sắp đắm.
Vì thế khi lớn lên, chúng ta hiểu rằng không phải ai cũng có thể trở
thành người “đứng mũi chịu sào”. Phần đông chúng ta sẽ trở thành thủy
thủ.
Và sẽ chẳng còn gì trên bờ cát thời gian….
Chúng ta vẫn thường cho rằng quyền lực
chỉ đi kèm với địa vị hay chức vụ, nhưng tác giả Brain Tracy trong cuốn
sách “100 quy luật bất biến trong kinh doanh” đã đúc kết rằng có bốn
kiểu quyền lực khác nhau: quyền lực chuyên môn, quyền lực cá nhân, quyền
lực địa vị và quyền lực được phong tặng…
Nghĩa là dù không thể có được quyền lực từ chức vụ cao, bất cứ ai
trong số chúng ta cũng có khả năng tác động đến người khác bằng năng lực
chuyên môn hoặc bằng nhân cách của mình, hoặc cả hai. Chính vì vậy, nếu
bạn có địa vị thì đừng áp chế, và nếu bạn không có địa vị, cũng đừng sợ
hãi. Bởi địa vị cao là những con tàu trên biển cả, còn quyền lực chính
là những cơn gió. Chúng có thể đưa chúng ta đi xa, nhưng cũng có thể
khiến ta lật nhào. Cả những con tàu vĩ đại như Titanic vẫn có thể bị
đánh
đắm.
Chúng ta thường nhanh chóng quên rằng, một khi càng dễ điều khiển
người khác thì chúng ta càng khó điều khiển bản thân mình. Quá trình đó
diễn ra tinh vi đến nỗi hiếm khi nào người trong cuộc nhận ra. Đó là sự
thật. Chúng ta luôn dễ dàng nhìn ra con người thật của ai đó một khi họ
nắm giữ quyền lực, điều đó cũng có nghĩa chúng ta gần như không thể che
giấu con người thật của mình khi có quyền lực trong tay.
Đôi khi, tôi vẫn tự hỏi mình: phải chăng chúng ta đã mang trong mình
khao khát quyền lực như một thứ bản năng, khởi từ thuở bình minh của
loài người? Có lẽ đúng như vậy. Dường như không ai trong chúng ta có thể
vượt qua nổi sự cám dỗ của việc có được quyền năng chi phối người khác,
dù chỉ trong một giới hạn nào đó. Nhưng sử dụng quyền lực ấy để làm gì,
và như thế nào, là điều khiến chúng ta trở nên khác nhau.
Có người xem quyền lực là mục đích tối thượng còn công việc là chiếc
cầu để đạt đến nó. Và họ dùng nó để thống trị người khác, để mưu lợi cho
riêng bản thân mình. Cũng có người xem quyền lực là một công cụ hữu ích
giúp họ làm tốt hơn công việc của mình. Họ dùng nó để khơi gợi cảm hứng
và tài năng của người khác, nhằm đạt được những mục tiêu chung và cố
gắng mang lại những lợi ích lớn lao nhất cho nhiều người nhất. Bạn sẽ
chọn ai trong những người đó, hoặc sẽ trở thành ai trong những người đó?
Bạn sẽ là ai với quyền lực trong tay? Và bạn sẽ là ai trước uy quyền
của người khác?
Tôi tin rằng, đó chính là những câu hỏi đáng để đặt ra trong cuộc đời.
Bởi câu trả lời sẽ vẽ nên tâm thế và bản lĩnh của chúng ta trong thế
giới xô bồ này: ung dung hay hoảng sợ, vững vàng hay bị khuất phục, tự
tin hay tự ti, thành công hay thất bại…
Bạn biết chăng, bạn vẫn còn rất trẻ. Và mai kia chính bạn sẽ là người
chọn ra thuyền trưởng cho rất nhiều con tàu. Hoặc chính bạn sẽ trở thành
thuyền trưởng.
Tôi chỉ mong khi ấy bạn sẽ không quên những gì Edward Counsel đã viết,
rằng “những dấu chân của quyền lực thường là những dấu chân trên cát”.
Những cơn gió vẫn mải miết thổi qua nơi ấy, và sẽ chẳng để lại gì trên
bờ cát thời gian.
Phạm Lữ Ân
http://www.nguoiduatin.vn/va-se-chang-con-ai-tren-bo-cat-the-gian-a117814.html