Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
ĐẠO ĐỨC VƯỢT KHỎI TÔN GIÁO
19/07/2017 15:26 (GMT+7)


Nguyên bản: Ethics beyond Religion
His Holiness the Fourteenth Dalai Lama, Fribourg, Switzerland, April 2013
Hiệu đính:  Alexander Berzin
Chuyển ngữ: Tuệ Uyển

 


Nhìn Lại Việc Nhấn Mạnh Vào Những Trình Độ Thứ Yếu Khác Nhau

Anh chị em thân mến, tôi cực kỳ vui mừng có cơ hội để nói chuyện với quý vị. Trước nhất, tôi luôn luôn thích để nói rõ ràng rằng khi tôi nói chuyện với mọi người, xin hãy tự nghĩ như một con người. Đấy là tôi muốn nói rằng, đừng nghĩ "tôi là một người Thụy Sĩ", "Tôi là người Ý Đại Lợi", hay "Tôi là người Pháp."  Thông dịch viên cho tôi không nên nghĩ rằng ông ấy là người Pháp! Tôi cũng không nên nghĩ tôi là người Tây Tạng. Xa hơn nữa, tôi không nên tự nghĩ mình là một Phật tử, bởi vì thường thường trong bài nói chuyện của tôi, cách để sống hạnh phúc, đời sống ít bị phiền não là trên căn bản sự hiện hữu của một con người.

Mỗi người trong bảy tỉ người chúng ta muốn một đời sống hạnh phúc, và mỗi cá nhân có quyền để đạt đến mục tiêu ấy. Nếu chúng ta nhấn mạnh vào những trình độ khác biệt thứ yếu như “tôi là người Tây Tạng”, thế thì nó làm cho tôi dường như quan hệ với Tây Tạng hơn. Cũng thế, “tôi là Phật tử” cho thấy một loại cảm nhận gần gũi với những người Phật tử khác, nhưng tự động tạo nên một loại khoảng cách nho nhỏ nào đó với những đức tin khác.

Loại quan điểm này thật sự là một nguồn gốc của các rắc rối, kể cả nhiều rắc rối và vô số bạo động mà con người đối diện trong quá khứ và tiếp tục đối mặt trong thế kỷ 21.  Bạo động không bao giờ xảy ra nếu quý vị xem người khác là những con người, giống như chính quý vị. Không có lý do gì để giết hại lẫn nhau; nhưng khi chúng ta quên lãng sự duy nhất của loài người và thay vì tập trung vào những trình độ thứ yếu khác nhau như "quốc ta tôi" và "quốc gia họ", "tôn giáo tôi" và "tôn giáo họ", chúng ta tạo nên những sự phân biệt và quan tâm hơn cho những con người của chính chúng ta và những thành viên của tôn giáo chúng ta. Thế rồi, chúng ta bất chấp quyền lợi của người khác và ngay cả không tôn trọng sự sống của kẻ khác. Nhiều vấn nạn chúng ta đối diện ngày nay sinh khởi từ căn bản này, của việc nhấn mạnh và đặt nặng quá nhiều trên những thứ khác biệt thứ yếu.

Bây giờ, công thức duy nhất cho điều này là suy nghĩ một cách hợp lý về chính chúng ta trên trình độ của những con người, mà không có những phân biệt và rào cản. Khi tôi diễn thuyết, thí dụ, nếu xem tôi như một Phật tử Tây Tạng và có lẻ ngay cả hơn thế ấy nếu tôi tự nghĩ như "Đức Thánh Thiện Đạt Lai Lạt Ma", điều này tạo nên một loại khoảng cách nào đó giữa thính chúng và chính tôi, như vậy là không thông minh. Nếu tôi chân thành quan tâm đến sự cát tường của quý vị, tôi phải nói với quý vị trên trình độ như những người anh chị em con người, cùng là những con người như chính tôi. Thật sự rằng chúng ta giống nhau: tinh thần, cảm xúc, và thân thể. Quan trọng hơn nữa, mọi người muốn một đời sống hạnh phúc không có bất cứ khổ đau nào, và tôi cũng giống như vậy, cho nên chúng ta sẽ nói chuyện trên trình độ này.

Đạo Đức Thế Tục

Đạo đức thế tục liên hệ liên hệ rất nhiều đến những nhân tố sinh học, nhưng niềm tin tôn giáo là điều đấy chỉ có loài người có. Trong loài người, niềm tin được phát triển nhưng chắc chắn không phải là một nhân tố sinh học. Đạo đức thế tục bao phủ toàn bộ dân số 7 tỉ người. Như tôi đã đề cập hôm qua, từ 7 tỉ người, một tỉ người tuyên bố chính thức họ là những người không tín ngưỡng, và nếu chúng ta nghĩ về 6 tỉ người cho là những người có tín ngưỡng, thì có rất nhiều người trong ấy là sai lạc. Có những tai tiếng, bóc lột, tham nhũng, lừa đảo, dối trá, và bắt nạt. Điều này, tôi nghĩ, qua việc thiếu vắng một sự tin tưởng chân thành vào những nguyên tắc đạo đức. Thế nên, ngay cả tôn giáo cũng bị sử dụng cho những mục tiêu sai quấy. Cho dù tôi có đề cập đến điều ấy hôm qua hay không, đôi khi tôi thật sự nghĩ rằng tôn giáo đã dạy chúng ta ngụy thiện. Chúng ta nói những lời như “từ ái” và “bi mẫn”, nhưng trong thực tế chúng ta không hành động như thế, và có rất nhiều thành kiến.

Tôn giáo nói về những thứ dễ thương này trong một cung cách truyền thống, chứ không phải trong cách thật sự nối kết với trái tim của chúng ta. Đây là do người ta thiếu những nguyên tắc đạo đức hay thiếu niềm tin về giá trị của những nguyên tắc đạo đức. Bất chấp một người là có tín ngưỡng hay không tín ngưỡng đi nữa thì chúng ta cũng cần suy nghĩ một cách nghiêm túc hơn vấn đề giáo dục con người về những nguyên tắc đạo đức này như thế nào. Và trên điều này, quý vị có thể thêm tôn giáo vào, và nó trở thành một tôn giáo chân thành thật sự. Tất cả những tôn giáo, như tôi đã đề cập hôm qua, đều nói về những giá trị này.

Phát Triển Hành Xả Vào Lãnh Vực Cá Nhân

Trong thế kỷ trước, trong khi người ta giết nhau, cả hai phía đều cầu nguyện Thượng Đế. Khó khăn thay! Ngay cả ngày nay đôi khi quý vị thấy những cuộc xung đột nhân danh tôn giáo, và tôi nghĩ cả hai phía để cầu nguyện Thượng Đế. Tôi đôi khi đùa rằng, dường như Thượng Đế bị bối rối! Ngài quyết định như thế nào, với cả hai phía đều đang cầu nguyện đến ngài, tìm cầu sự gia hộ? Thật khó khăn. Một lần nọ ở Argentina trong một buổi thảo luận với những nhà khoa học và một số lãnh tụ tôn giáo, mặc dù đó không phải là một cuộc gặp gở liên tôn, nhưng tôi đã gặp một nhà vật lý học tên là Maturana. Ông là thầy giáo của Varela và tôi đã gặp ông trước đây ở Thụy Sĩ, và rồi ở Argentina, nhưng rồi không gặp nữa từ dạo đó. Trong bài nói chuyện, ông đề cập rằng như một nhà vật lý học, ông không nên dính mắc nhiều với lãnh vực khoa học của ông. Do vậy, đây là một sự thừa nhận tuyệt vời và thông tuệ mà tôi đã học được.

Tôi là một Phật tử, nhưng tôi không nên phát triển sự dính mắc đối với Đạo Phật bởi vì dính mắc là một cảm xúc tiêu cực. Khi chúng ta phát triển sự dính mắc, thì quan điểm của chúng ta trở nên thành kiến. Một khi tâm thức chúng ta trở thành thành kiến, thì chúng ta không thể thấy mọi thứ một cách khách quan.

Đó là tại sao đối với những người liên hệ trong những xung đột nhân danh tôn giáo, trong hầu hết mọi trường hợp, tôi nghĩ nguyên nhân thật sự không phải là niềm tin tôn giáo, nhưng đúng hơn, đó là nhưng quan tâm kinh tế và chính trị. Nhưng dối với một số trường hợp, chẳng hạn những người theo trào lưu tôn giáo chính thống, họ quá bị dính mắc với tôn giáo của họ và rồi thì do bởi điều đó, họ không thể thấy giá trị của những truyền thống tôn giáo khác.

Sự thừa nhận của Maturana đối với tôi là một lời ý tưởng lớn. Như một kết quả của cuộc gặp gở với nhiều người, tôi ngưỡng mộ nhiều truyền thống khác và dĩ nhiên tôi hy vọng là tôi không là một người bảo thủ hay cực đoan tôn giáo. Đôi khi tôi nhớ lại một lần tôi ở Lourdes, miền nam nước Pháp. Tôi là một khách hành hương, trước tượng của Chúa Giê-Su, tôi lấy một ít nước. Tôi đã đứng trước tượng và quán chiếu trong tâm tôi, và đã nghe về hàng triệu người qua hàng thế kỷ đã viếng thăm nơi này, tìm kiếm sự bình an, với một số người bệnh tật, qua đức tin của họ và một loại phước lành nào đó đã được chửa trị. Thế đấy, tôi đã quán chiếu về những điều này và cảm nhận sâu sắc lòng tri ân với Ki Tô Giáo và gần như rơi nước mắt. Và rồi một lần khác, một điều lạ kỳ đã xảy ra ở Fatima, Bồ Đào Nha. Chung quanh là những người Thiên Chúa Giáo và Ki Tô Hữu, chúng tôi có một thời khắc ngắn trong thiền quán im lặng trước bức tượng nhỏ của Đức Mẹ Maria. Khi tôi và mọi người sắp rời đi, tôi quay lại và bức tượng thật sự mĩm cười với tôi. Tôi nhìn đi nhìn lại, và vâng, bức tượng mĩm cười. Tôi cảm thấy rằng Đức Mẹ Maria thế nào đấy đã cảm thông với cung cách không phân biệt tôn giáo của tôi! Tuy nhiên, nếu ở lâu hơn và thảo luận về triết lý với bà thì có thể nhiều vấn đề phức tạp hơn sẽ xảy ra!

Thế nào đi nữa, dính mắc ngay cả với tôn giáo của chính chúng ta cũng không tốt. Đôi khi tôn giáo tạo ra xung đột và chia rẻ và đây thật sự là một vấn đề nghiêm trọng. Tôn giáo đáng lẻ là một phương pháp để tăng trưởng từ bi và tha thứ, vốn là những biện pháp để chửa trị sân hận và thù oán. Thế nên, nếu tự tôn giáo tạo thêm thù hận đối những niềm tin tôn giáo khác, điều nay giống như một loại thuốc đáng lẻ để trị bệnh, nhưng thay vì thế lại tạo thêm nhiều bệnh tật. Làm gì bây giờ? Tất cả những thứ đáng buồn này một cách căn bản là qua một sự thiếu vắng niềm tin trong những nguyên tắc đạo đức, cho nên tôi tin rằng chúng ta cần những sự thực tập và những nhân tố đa dạng để hiện  thực một nổ lực chân thành để thúc đẩy những đạo đức thế tục.

Chủ Nghĩa Thế Tục Và Việc Tôn Trọng Người Khác

Bây giờ trên vấn đề đạo đức thế tục. Tôi biết rất rõ cựu quyền Thủ Tướng Ấn Độ, Advani. Có một lần ông đã đề cập rằng đoàn truyền hình Canada phỏng vấn đã hỏi ông là trên căn bản nào mà việc thực tập dân chủ ở Ấn Độ thành công. Ông đã trả lời rằng trong hàng nghìn năm ở Ấn Độ, truyền thống đã luôn luôn tôn trọng người khác, mặc cho những cuộc tranh cải hay những quan điểm khác nhau. Ông nói với tôi rằng khoảng ba nghìn năm trước, quan điểm của “triết lý hư vô”, the Charvaka, đã phát triển ở Ấn Độ. Những thủ lãnh của các quan điểm triết lý khác đã phê phán và lên án quan điểm của họ, nhưng thủ lãnh của triết lý hư vô vẫn được gọi là “rishi”, có nghĩa là hiền nhân. Đây là một biểu hiện cho thấy rằng mặc cho những bất đồng hay những cuộc thảo luận nóng bỏng, thì vẫn có sự tôn trọng. Nó có nghĩa là chúng ta cũng phải tôn trọng những người không tín ngưỡng.

Hôm qua tôi đã nói với một số người bạn của tôi, một số là người Ki tô và một số  là người Hồi giáo có hơi bảo lưu về chính chữ “chủ nghĩa thế tục”. Tôi nghĩ đó là vì trong cuộc cách mạng Pháp và cách mạng Xô Viết đã có một xu hướng chống lại tôn giáo. Nhưng tôi muốn làm rõ sự phân biệt giữa tôn giáo và thể chế tôn giáo, vốn là hai vấn đề khác nhau. Làm sao một người biết phải trái lại chống tôn giáo? Tôn giáo có nghĩa là từ ái và bi mẫn, và không ai có thể phê phán những thứ này. Tuy nhiên, thể chế tôn giáo là điều gì đó khác biệt. Trong thời kỳ cách mạng Pháp và Xô Viết, trong cả hai trường hợp, tầng lớp thống trị thật sự ngược đãi đám đông. Hơn thế nữa, tầng lớp thống trị được sự ủng hộ hoàn toàn của những thể chế tôn giáo, và thế cho nên một cách hợp lý, nhằm để phát triển sự quyết tâm chống lại tầng lớp thống trị thì nó cũng bao gồm cả việc chống lại những thể chế tôn giáo. Do vậy, có một loại xu hướng nào đó chống lại tôn giáo hay Thượng Đế.

Ngay cả ngày nay, nếu có một loại lợi dụng nào đó đang xảy trong những thể chế tôn giáo kể cả trong cộng đồng Phật giáo Tây Tạng, thì chúng ta phải chống lại điều này. Sự thực tập của tôi là hai năm trước tôi đã chấm dứt truyền thống bốn trăm năm của thể chế Đạt Lai Lạt Ma tự động trở thành lãnh tụ thế quyền và giáo quyền của người Tây Tạng. Tôi đã chấm dứt nó, một cách tự nguyện, vui vẻ và tự hào. Những thứ như vậy thật sự làm tổn hại giá trị chân chính của tôn giáo, hay giáo pháp. Thế nên, chúng ta phải thực hiện một sự phân biệt giữa những thể chế hay tổ chức tôn giáo, với những sự thực hành và những thông điệp tôn giáo thật sự.

Theo quan niệm của Ấn Độ về chủ nghĩa thế tục, thì chẳng bao giờ có cảm nhận tiêu cực về tôn giáo, mà đúng hơn là sự tôn trọng tất cả các tôn giáo, cũng như sự tôn trọng cho những người không tín ngưỡng. Tôi nghĩ điều này rất thông tuệ. Chúng ta thúc đẩy điều này như thế nào? Qua thuyết giảng? Không. Thế thì qua một sự cầu nguyện nào đó? Không. Nhưng qua giáo dục, vâng. Chúng ta tiếp nhận sự giáo dục về vệ sinh thân thể. Vậy thì tại sao chúng ta không giáo dục về vệ sinh cảm giác hay tinh thần, những kiến thức cơ bản về vấn đề chăm sóc một tâm hồn khoẻ mạnh như thế nào? Không cần  nói về Thượng Đế hay kiếp sống tới, hay Đức Phật hay niết bàn, nhưng chỉ đơn giản về vấn đề phát triển thành một con người hạnh phúc với một tâm thức. Một con người hạnh phúc làm nên một gia đình hạnh phúc, vốn làm nên một cộng đồng hạnh phúc. Do vậy, tôi nghĩ chúng ta cần một số bài học về vệ sinh cảm giác.

Vệ sinh cảm xúc

Vệ sinh cảm xúc là gì? Nó có nghĩa là chăm sóc những nhân tố vốn tàn phá tâm thức tĩnh lặng của chúng ta, hay sự hòa bình của tâm hồn. Những nhân tố này như những bệnh tật tinh thần, do bởi những cảm xúc tiêu cực này không chỉ tàn phá niềm hòa bình của chúng ta, tâm thức lành mạnh của chúng ta, mà chúng cũng tàn phá năng lực tinh thần của chúng ta để phán xét thực tại. Điều này tạo ra rất nhiều  tổn hại vì khi chúng ta đầy dẫy sân hận, thì chúng ta không thể thấy thực tại và tâm tư chúng ta trở nên thành kiến. Cũng thế với dính mắc, chúng ta không thể thấy thực tại một cách đúng đắn. Đây là một loại bệnh của tâm thức. Bản chất tâm thức của chúng ta tỉnh giác và vì thế bất cứ một loại nhân tố tinh thần nào làm giảm thiểu năng lực tỉnh giác này là một thứ tiêu cực.

Vệ sinh cảm xúc do vậy là việc làm giảm thiểu những loại cảm xúc này và việc nuôi dưỡng năng lực tinh thần của ta cho trong sáng và tĩnh lặng, đấy là một tâm thức lành mạnh. Nhằm để làm việc này, trước nhất chúng ta phải trau dồi và phát triển sự thích thú để làm việc này. Không có sự thích thú, chúng ta không thể bắt người khác thực thi như vậy được. Không có luật lệ hay thể chế bắt người ta phải làm như vậy. Cho nên việc này phải hình thành qua lòng nhiệt tình cá nhân, vốn hiện thực khi chúng ta thấy giá trị trong việc làm như vậy. Và những giá trị này là những thứ mà chúng ta phải giảng dạy.

Những Khám Phá Của Khoa Học Về Tâm Thức Và Cảm Xúc

Bây giờ chúng ta có thể tham khảo với khoa học. Trước đây, khoa học hiện đại tập trung trên vật chất, nơi mà chúng ta có thể đo lường. Tôi nghĩ là ở cuối thế kỷ 20 và bây giờ, bắt đầu thế kỷ 21, ngày càng nhiều các nhà khoa học đang thật sự cho thấy một sự thích thú trong tâm thức và những cảm xúc của nó, bởi vì có một sự nối kết gần gủi giữa tâm thức và cảm xúc của nó khi nói đến sức khỏe. Một số nhà khoa học đang nói “tâm thức khỏe mạnh, thân thể khỏe mạnh”. Những nhà y khoa cũng nói rằng sự sợ hãi, sân hận và thù oán liên tục thật sự tàn phá hệ thống miễn nhiễm của chúng ta, trong khi một tâm thức từ bi yêu thương duy trì một cách căn bản và thậm chí có thể gia tăng sức khỏe thân thể. Rõ ràng chúng ta biết rằng đối với những người có hạnh phúc tinh thần, những tác động tích cực cho thân thể của họ là rất lớn.

Việc Nhận Ra Những Hoàn Cảnh Tích Cực Và Tiêu Cực

Trong đời của tôi, vào lúc 16 tuổi, tôi đã tiếp nhận nhiều trách nhiệm, và hoàn cảnh trở nên rất khó khăn. Rồi thì vào lúc 24 tuổi, tôi đánh mất quê hương và bây giờ sống hầu hết cuộc đời tôi như một người tị nạn. Trong khi đó, có rất nhiều khổ đau và rắc rối bên trong Tây Tạng, và dân tộc đặt nhiều hy vọng và niềm tin ở tôi. Nhưng tôi thì bất lực. Tuy nhiên, niềm hòa bình của tâm thức đã cho phép tôi thấy  tất cả việc này một cách thực tế hơn. Như ngài Tịch Thiên đã nói, nếu những khó khăn có thể giải quyết thì không cần phải lo lắng. Và nếu có một hoàn cảnh khó khăn mà không có khả năng để vượt qua, thế thì lo lắng nhiều cũng vô ích. Điều này rất thực tế, cho nên tôi thực tập những thứ này.

Thật rất quan trọng để nhìn vào mọi việc trong một cách thực tế hơn và cũng để thấy tất cả mọi thứ là liên hệ với nhau. Bất cứ điều gì xảy ra, thì phải có một ảnh hưởng tích cực nào đó. Trong trường hợp của tôi, tôi đã trở thành một người tị nạn, nhưng do bởi điều này tôi đã có cơ hội để gặp gỡ nhiều người và học hỏi rất nhiều quan điểm. Tôi đã gặp những người hành khất, lãnh tụ, học giả từ những lãnh vực khác nhau, và những người chống đối tôn giáo. Điều này rất hữu ích, bởi vì nếu vẫn ở bên trong Tây Tạng, tôi nghĩ kiến thức của tôi chỉ bằng phân nửa so với bây giờ. Do thế, nói một cách, thì đó là một thảm kịch kinh khủng, nhưng nhìn vào cách khác nó đã cho tôi nhiều cơ hội tốt. Nếu chúng ta nhìn vào những khía cạnh đa dạng, rồi thì chúng ta thấy, à cũng tốt. Những điều xấu xí có thể xảy ra, nhưng có thể có những thứ tốt đẹp nào đó ở bên trong.

Dân tộc Tây Tạng trong quá khứ hơi cô lập, nhưng bây giờ sự suy nghĩ của họ đã rộng rải hơn nhiều. Qua hàng thế kỷ, người Tây Tạng đã sống trong trạng thái như ngủ, nhưng bây giờ họ đã thức dậy. Như vậy là tốt quá! Thế nên thấy đấy, nếu chúng ta nhìn từ những khía cạnh khác nhau, chúng ta có thể tìm thấy một số điều tích cực. Đây là một sự hổ trợ lớn lao trong việc duy trì sự an bình của tâm hồn. Hiện tại, nhiều người bạn già đã nói khuôn mặt của tôi vẫn trông trẻ như thế nào ấy khi tôi gặp họ, và vì thế một số người này đã hỏi bí mật của tôi. Tôi thường nói với họ rằng tám hay chín giờ ngủ giúp cho sự an bình của tâm hồn. Thật sự đây chắc chắn là một nhân tố, nhưng điều lợi lạc chân thật là những thể trạng tâm thức và tinh thần thế nào ấy hòa bình và tĩnh lặng.

Một tâm thức tĩnh lặng thậm chí giúp chúng ta hồi phục từ những việc như giải  phẩu. Khi tôi phải giải phẩu túi mật, thật sự rất nghiêm trọng. Những nhà giải phẩu sau đó nói với tôi rằng thông thường cuộc giải phẩu mất khoảng mười lăm đến hai mươi phút, nhưng trong trường hợp của tôi rất nghiêm trọng nên họ phải mất đến gần ba giờ, vì túi mật của tôi phình to đến gần gấp đôi, với nhiều mủ. Nhưng rồi thì tôi đã bình phục sau năm ngày như thế. Do vậy một tâm thức tĩnh lặng và một thái độ lạc quan thật sự hổ trợ cho việc duy trì một thân thể khỏe mạnh, và rồi nếu điều gì đấy không may xảy ra thì quý vị sẽ bình phục một cách mau chóng. Sự hòa bình của tâm thức thật sự là một nhân tố rất quan trọng của sức khỏe.

Vẻ Đẹp Bên Trong Chống Lại Vẻ Đẹp Bên Ngoài

Tôi cũng sẽ đề cập ở đây, phần thì đùa và phần thì trêu chọc, rằng một số người thich tiêu xài nhiều tiền vào son phấn. Một số người lại muốn sử dụng những màu sắc khác nhau trên khuôn mặt của họ - xanh dương, xanh lục và những màu khác. Nó trông không đẹp lắm, nhưng họ nghĩ là rất đẹp! Người ta dường như chú ý nhiều vào vẻ đẹp bên ngoài. Trong một lần nói chuyện công cộng, có một người tóc xanh dương, thật rất bất thường. Cho nên dĩ nhiên vẻ đẹp bên ngoài là quan trọng, nhưng điều quan trọng nhất là vẻ đẹp bên trong. Những người ấy tiêu rất nhiều tiền cho vẻ đẹp bên ngoài, nhưng xin hãy chú ý hơn với sự xinh đẹp bên trong, vốn là tốt đẹp hơn nhiều.

Tâm Thức Và Những Cảm Xúc Như Một Chủ Đề Học Thuật

Chúng ta đang nói về những khám phá khoa học. Sự hòa bình tinh thần thật sự của tâm thức là then chốt. Căn bản cho sự hòa bình của tâm thức là sự tự tin và sức mạnh nội tại, vốn đến từ sự thực tập từ ái và bi mẫn, với một ý nghĩa tôn trọng người khác và quan tâm cho sự cát tường của họ. Đây là đạo đức thế tục.

Từ nhà trẻ cho đến đại học, chúng ta có thể giáo dục về tâm thức và về vấn đề chăm sóc những cảm xúc của chúng ta như thế nào. Chủ đề thật là rộng lớn, và có nhiều giải thích về tâm thức và những cảm xúc của chúng ta cùng sự nối kết giữa chúng. Chúng ta có thể thấy một loại nguyên nhân và hệ quả, nơi mà nếu điều gì đó xảy ra ở phần này của tâm thức, thì sẽ có điều gì đấy xảy ra ở đâu đấy. Cho nên để đối phó với điều này, chúng ta cần một cung cách quan tâm nghiêm túc mà trong ấy tâm thức và toàn thể não bộ là liên kết với nhau.

Chủ đề rộng lớn này thật đáng giá để nghiên cứu học tập. Trong vài năm qua ở Hoa Kỳ, các nhà khoa học đã và đang thực hiện những thí nghiệm về căn bản của kiến thức này, và một số kết quả thật cụ thể đã hiện diện. Như một kết quả, bây giờ đã có những chương trình giáo dục về đạo đức thế tục. Giờ đây, chúng ta cũng cam kết để xây dựng một dự thảo chương trình quan tâm đến đạo đức phẩm hạnh căn cứ trên chủ nghĩa thế tục, vốn có thể thích hợp trong lãnh vực giáo dục thế tục.

Thính chúng, và đặc biệt có những nhà giáo dục và tư tưởng nào ở đây, nên suy nghĩ hơn về điều này và nếu có một cơ hội nào thuận tiện, chúng ta nên có những thảo luận nào đó về chủ đề này. Hệ thống giáo dục hiện tại dường như thiếu vắng những bài học về đạo đức phẩm cách, cho nên hầu hết mọi người đều phải dựa vào những giáo lý tôn giáo cho việc này. Dĩ nhiên điều này là tốt, nhưng có những người không thích thú với tôn giáo và thấy khó khăn để chấp nhận những khái niệm tôn giáo. Điều này làm nó khó khăn hơn. Do vậy, chúng ta cần một cung cách thế tục, để cho có một sự chấp nhận phổ quát.

Tôi xin tạm chấm dứt. Bây giờ xin đặt câu hỏi.

HỎI & ĐÁP

HỎI: Thưa Đức Thánh Thiện, trong bình luận sau cùng của ngài đã chạm đến câu hỏi mà tôi sắp hỏi, nhưng nhằm để có một câu trả lời trọn vẹn, tôi sẽ hỏi ngài một lần nữa nếu ngài không phiền. Với việc quan tâm đến sự giảng dạy đạo đức thế tục tại các trường học và đại học, thì ngài có đang hành động để phát triển một chương trình giáo huấn thích hợp với mọi người không? Nếu thế, ngài có bất cứ tổ chức giáo dục hay tài chính nào hổ trợ cho ngài không?

ĐÁP: Ở Ấn Độ, với sự hổ trợ của một vài trường đại học ở Delhi, chúng tôi đã bắt đầu làm việc để hình thành một chương trình phác thảo, như tôi đã đề cập ở phía trước. Rồi thì chúng tôi cũng có Viện Tâm Thức và Đời Sống. Ở Hoa Kỳ, những thành viên cá nhân trong lãnh vực của riêng họ ở những nơi như Đại học Wisconsin, Emory, Stanford và v.v… đã tiến hành việc giáo dục với đạo đức thế tục. Và những tổ chức này chúng tôi đã mở rộng sang Âu châu. Sắp tới chúng tôi sẽ thiết lập một trụ sở ở trong hay gần Delhi. Đến bây giờ đơn giản là chúng tôi đang làm việc này. Một khi chương trình đã sẳn sàng, rồi thì có lẻ chúng tôi có thể huấn luyện một số giáo viên, và điều gì đó sẽ xảy ra. Có thể nó hữu dụng và chúng ta sẽ thấy.

HỎI: Thưa Đức Thánh Thiện, tôi yêu hành tinh và mọi thứ tạo nên nó, trái đất, cây cỏ, và loài vật, và những con người hấp dẫn như chúng ta. Nhưng những con người này vẫn đang phá hoại hành tinh, với có lẻ nhiều thứ rất nhỏ và đơn giản như mua những chai nhựa, và rồi thì những thứ lớn và quan trọng hơn như tàn phá rừng. Tôi biết rằng tôi phải nhẫn nại hơn nhưng khi tôi thấy rằng sự sống đang chết và đau khổ, có rất nhiều sân hận từ trong lòng tôi và tôi muốn đấu tranh. Do vậy, câu hỏi của tôi là, có một loại sân hận lành mạnh chứ? Tôi có thể đấu tranh với sự yêu thương không?

ĐÁP: Sân hận như tôi đề cập trước đây, là liên hệ với động cơ. Do thế, sân hận vì quan tâm đến điều gì đó hay người khác là một thứ, và sân hận bị thúc đẩy bởi thù ghét là điều gì đấy rất khác biệt.

HỎI: Thưa Đức Thánh Thiện, cảm ơn ngài đã hiện diện ở đây. Thật là tuyệt vời để được thấy ngài và lắng nghe ngài. Tôi có một câu hỏi rất đơn giản. Nếu ngài có thời gian rổi rảnh ngày mai, ngài muốn làm gì? Cảm ơn.

ĐÁP: Thường thường, bất khi nào có thời gian thì tôi đọc kinh điển, chính yếu là kinh điển Tây Tạng. Trong Phật giáo Tây Tạng, chúng tôi có 300 bộ, 100 bộ là lời của chính Đức Phật, gần giống như Thánh kinh. Rồi thì chúng tôi có 200 bộ luận giải. Thế nên tôi thường nói với người Tây Tạng rằng những thứ này không phải là đối tượng để tôn thờ, nhưng là những tài liệu để học hỏi. Trong khi tôi nói với những người khác điều này, thì tự chính tôi cũng đang cố gắng để đọc những quyển sách này.  Vậy thì có rất nhiều sách chưa được học hỏi. Và có lẻ nếu tôi có hai ngày nghỉ ngơi, thế thì tôi muốn đi đến một nơi với những ngọn núi tuyết. Tôi muốn thấy tuyết hơn!

HỎI: Thưa Đức Thánh Thiện, ngài đang nói về 6 tỉ người có tín ngưỡng và có lẻ một tỉ người là vô thần trên hành tinh. Tôi có ấn tượng rằng có một nhóm thứ ba của những người không còn cảm thấy thoải mái với những tổ chức tôn giáo truyền thống nhưng cũng không là những người vô thần, và đang tìm kiếm tâm linh vượt ngoài hệ thống tôn giáo. Ngài sẽ khuyên bảo họ như thế nào?

ĐÁP: Nhiều năm trước đây ở Stockholm, tôi đã gặp một nhóm nhỏ. Họ không thích những truyền thống hay tôn giáo hiện tại nhưng vẫn đang tìm kiếm một loại tâm linh. Vâng, có những người như vậy. Tuy nhiên, tôi thấy rằng những gì quý vị gọi là “tân thời đại (new age)”, hay lấy nơi này một ít, nơi kia một ít và tạo nên một phối hợp mới, thì không hữu dụng lắm!

Tôi nghĩ thật là tốt khi không chỉ hài lòng với những nhu cầu vật chất, mà cố gắng và tìm kiếm những giá trị sâu xa hơn là rất tốt. Thật đáng giá để phân tích đời sống của chúng ta, và để thấy rằng sự hạnh phúc của chúng ta không đến từ một loại hài lòng cảm giác nào đấy. Như khi nhạc đang biểu diễn, chúng ta cảm thấy hài lòng, nhưng nếu nó ngừng lại thì sự hài lòng chấm dứt. Ở trình độ tinh thần, để có một cảm giác mênh mang của niềm tin hay từ bi yêu thương – sự toại nguyện đến từ điều này thì bền lâu hơn nhiều.

HỎI: Đối với ngài, điều quan trọng nhất trong đời sống của một con người là gì?

ĐÁP: Tôi luôn luôn nói với mọi người rằng mục tiêu cuộc sống của chúng ta là để có một đời sống hạnh phúc. Bây giờ nhằm để đạt được sự hạnh phúc hay sung sướng, thì nó không lệ thuộc vào những năng lực hay kinh nghiệm cảm quan, mà đúng hơn là nên lệ thuộc vào thể  trạng tinh thần của chúng ta. Do vậy, như tôi thường nói, chúng ta phải chú ý nhiều hơn vào những giá trị nội tại của chúng ta. Cảm ơn rất nhiều

Fribourg, Switzerland, April 2013 Slightly edited by Alexander Berzin

https://studybuddhism.com/en/buddhism-in-daily-life/universal-values/ethics-beyond-religion

 

Ẩn Tâm Lộ, Monday, July 17, 2017

https://thuvienhoasen.org/a28191/dao-duc-vuot-khoi-ton-giao

Các tin đã đăng:
Về đầu trang