Người đời khi đã phát nguyện quy y Tam Bảo là họ đã an trú
trong ngôi nhà Như Lai, vì đó là ngôi nhà an vui vĩnh viễn nhất. Chánh
pháp Như Lai là hào quang chân lý, giúp cho chúng sanh phân định được
đâu là tính chất mê muội, luân hồi và đâu là giác ngộ, giải thoát. Chánh
pháp Như Lai còn soi sáng cho chúng sanh phá tan màn vô minh điên đảo
để dứt trừ mọi sai lầm đau khổ. Cho nên trong kinh Pháp Cú có dạy: "Vì
sợ hãi bất an mà đến quy y thần núi, quy y thần cây, quy y miếu thờ thổ
thần nhưng đó chẳng phải là chỗ nương dựa yên ổn, là chỗ quy y tối
thượng. Ai quy y như thế khổ não vẫn còn nguyên. Trái lại quy y Phật,
quy y Pháp, quy y Tăng, phát trí tuệ chân chính, hiểu thấu bốn lẽ mầu:
biết khổ, biết khổ nhân, biết khổ diệt và biết tám chi Thánh đạo diệt
trừ khổ não; đó là chỗ quy y an ổn, là chỗ quy y tối thượng. Ai quy y
như vậy, giải thoát hết đau khổ".
Vì không nhận chân đúng lời Phật dạy, nên chúng sanh sống trong cảnh
vọng tưởng mà khởi tà kiến: vô thường chấp là thường, vô ngã chấp là
ngã, không thanh tịnh chấp là thanh tịnh, khổ đau chấp là an lạc, nên bị
luân hồi và đau khổ triền miên.
Tất cả mọi sự vật trong thế gian này đều phải biến chuyển không
ngừng: chúng luôn luôn sanh, trụ, dị, diệt hoặc thành, trụ, hoại, không.
Thế giới không một vật nào tồn tại vĩnh viễn và có thể đứng yên một
chỗ; tất cả đều vô thường, không những vô thường trong từng năm, tháng,
ngày, giờ mà còn vô thường trong từng sát-na sanh diệt.
Đối với con người cũng vậy, hôm nay tóc còn đen nhánh, ngày mai soi
gương lại đã thấy bạc đầu. Hôm nay làn da còn tươi láng, ngày mai đã
thấy nếp nhăn nheo.
Vũ trụ, sơn hà, đại địa, dù rất to lớn khiến chúng ta tưởng lầm nó là
kiên cố, nhưng thật ra nó cũng chịu sự biến hoại vô thường không kém.
Hòn núi kia khi chúng ta chưa sanh nó đã có, đến khi chúng ta nhắm mắt
nó vẫn còn. Chúng ta tưởng hòn núi đó là thường; cho đến của cải vật
chất, nhà cửa chúng ta cũng tưởng lầm như thế. Vì tưởng lầm nên chúng ta
quay cuồng trong vòng điên đảo, đem cái tâm tham, sân, si để giành giựt
lấy những gì chúng ta cho là quý, là thường, là chân thật, nên mới gây
ra biết bao đau khổ xấu xa, thậm chí đôi lúc còn giành giựt nhau từng
đồng bạc, từng chút địa vị, từng lời ăn tiếng nói, từng bước đi, từng cử
chỉ... Đến như cái thân của chúng ta do tứ đại (đất, nước, gió, lửa)
hợp thành, do năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) cấu tạo nên, từ khi
cha mẹ sinh ra cho đến khi nhắm mắt lìa đời, không biết bao nhiêu lần
biến chuyển đổi thay cho đến các tế bào trong cơ thể chúng ta cũng thay
đổi trong từng giờ, từng khắc mà chúng ta không hay, không biết.
Thân thể của mọi người đều vô thường như thế - Đôi lúc chúng ta cũng
biết như thế, nhưng chính chúng ta vẫn cứ mong thân của chúng ta tồn tại
mãi mãi, tại vì lòng tham, chấp ngã, nên chúng ta thấy "ta" là quý hơn
tất cả mọi người, chỉ có "ta" mới đáng được trọng vọng, khen ngợi, còn
người khác thì không nên trọng vọng, khen ngợi. Chính là vì lòng chấp
ngã, ích kỷ, ganh ttham lam của chúng ta mà ra.
Vả lại trong ta có những lúc tham, lúc giận, lúc si, nhưng cũng có
những lúc từ bi, hỷ xả, tâm muốn bố thí giúp ích mọi người. Vậy nếu nói
lúc tham là ta và lúc giận, lúc si, lúc bố thí, lúc từ bi, hỷ xả cũng là
ta; thế thì, chính trong một bản thân ta hóa ra có không biết bao nhiêu
cái ta. Thử hỏi trong những cái ta đó cái nào đích thực là ta? Khi ta
tham lam thì cái tham đó thật là ta; khi ta giận, cái giận đó thật là
ta, hay khi ta kiêu mạn, tật đố cái kiêu mạn, tật đố đó là ta? Nếu nói
tham là ta thì ta sẽ là con người tham mãi không bao giờ thay đổi được!
Nếu nói kiêu mạn, tật đố là ta, thì kiêu mạn tật đố không bao giờ thay
đổi được! Nhưng không, dù có kiêu mạn, tật đố nhưng khi biết tu hành,
phá trừ kiêu mạn, sống một cách khiêm tốn, thì có thể thay đổi được. Dù
tham lam nhưng nếu hiểu được đạo lý thì cũng có thể chuyển đổi được lòng
tham lam ra lòng bố thí.
Rõ ràng, tâm của chúng ta luôn luôn thay đổi, thân thể của chúng ta
cũng thay đổi không ngừng, không có lúc nào thật là ta cả. Ngay trong
giờ phút ta tự nghĩ ta đây là ta, thì lời nói ta đó cũng đã sai đi rồi.
Bởi vì trong lúc ta nói ta đây, thì chính ảnh tượng mà ta tưởng là ta đó
cũng đổi khác đi rồi. Tâm hồn ta giờ này không còn như giờ phút trước.
Cho nên, vừa mới mở miệng nhắc đến cái ta thì cái ta đó đã bay đi mất.
Thế mà vì không hiểu, cho nên cứ đinh ninh rằng: "Ta đây, ta quý hơn tất
cả, muốn được tất cả mọi người tôn trọng, khen ngợi, và tuyệt đối không
ai được chê ta hết. Nhưng ngược lại ta cũng không muốn tôn trọng và
khen ngợi ai cả". Cái ta nó làm cho con người điên đảo, hẹp hòi như vậy
đó.
Cho nên, chúng sanh đau khổ là vì vô ngã mà chấp là ngã, không ta mà
chấp thật là ta. Ai biết nhìn kỹ thân thể của mình, qua pháp môn "Bất
tịnh quán" như đức Phật đã dạy thì sẽ thấy toàn thân chất chứa những đồ
bất tịnh, nếu bỏ lớp da ngoài thì ai cũng dơ bẩn như ai. Cái bất tịnh ấy
đã có từ trong bào thai, và khi lọt lòng mẹ cũng đã bất tịnh rồi. Dù
được trang điểm bao nhiêu cũng chỉ là cái thân bất tịnh, cho đến khi
nhắm mắt tắt thở, nó cũng là bất tịnh. Đối với cái thân bất tịnh này rõ
ràng như vậy mà chúng ta không nhận thấy; ngược lại còn chấp cái thân
này là tịnh, nên nâng niu, chiều chuộng, trau chuốt nó quá đáng. Vì mù
quáng đối với thân vô thường, lại cho là thường nên con người luôn luôn
đau khổ vì nó.
Ngày xưa có nàng Liên Hoa Sắc, khi nghe đức Phật dạy về đạo lý vô
thường, rằng thân thể bất tịnh, chúng sanh bất tịnh, hữu tình bất tịnh,
thì cô ta liền phát tâm muốn đi tu. Nhưng trên bước đường đi tu ngang
qua một dòng sông, cô xuống sông rửa mặt, nhìn thấy bóng mình dưới nước
có gương mặt quá đẹp, cô nghĩ thầm: "Mình đẹp như thế này mà đi tu thì
uổng quá!" Cô bèn quay trở lại. Bạn bè gặp cô trở về bèn hỏi: "Tại sao
trước kia chị phát tâm dõng mãnh, muốn đến đức Phật để cầu xin xuất gia,
tu hành, bây giờ chị lại thối chí trở lui là thế nào?" Cô ta trả lời
rằng: "Ôi! Tôi đẹp quá như thế này mà đi tu làm gì cho uổng!" Họ hỏi:
"Vậy chị đẹp như thế nào?" Cô ta trả lời: "Tôi soi mặt dưới nước thấy
cái bóng của tôi phản chiếu dưới đó, hết sức là đẹp".
Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy rằng: Cái đẹp của cô ta chỉ là cái
đẹp phản chiếu lại lòng tham đắm xác thân chứ đối với người khác chưa
chắc đã đẹp, và đôi với loài cá dưới nước khi thấy bóng cô ta thì phải
chạy trốn xa. Cô ta thấy cái bóng mình dưới nước cho là đẹp, vì nghĩ lầm
cái thân là đẹp, không ngờ nó đang xấu, đang hủy hoại từ từ mà cô ta
không biết không hay!
Cho nên trong kinh Xà Dụ, đức Phật dạy:
"Này các Tỷ-kheo, sắc là thường hay vô thường? Bạch Thế Tôn, vô
thường. Cái gì vô thường là khổ hay lạc? Bạch Thế Tôn, khổ... Do vậy này
các Tỷ-kheo, cái gì không phải của các ngươi, hãy từ bỏ thì sẽ đưa đến
hạnh phúc an lạc lâu dài cho các ngươi. Trong bốn sự thật mà đức Phật
dạy, sự thật đầu tiên là khổ (dukkha). Ngài nói cuộc đời dù có vui mấy
cũng chỉ là cái vui mong manh, rốt cuộc không thoát ly sự khổ được. Ngài
dạy: Chúng sanh mang không biết bao nhiêu cái khổ trong người: sanh,
già, bệnh, chết là khổ. Đó là cái khổ thường tình ai cũng nhận thấy, cái
khổ tự nhiên ai cũng mắc phải, hoặc ít hoặc nhiều không ai tránh khỏi.
Nếu một em bé sanh ra không khổ thì nó đã không cất ba tiếng khóc oa oa
oa khi mới lọt lòng. Nếu một người bịnh không khổ thì họ đã không rên
xiết. Người già không khổ thì đã không than phiền mắt mờ tai điếc, và
một người chết không khổ thì đã không ai khóc. Thế mới biết sanh khổ,
già khổ, bệnh khổ, chết khổ là một sự thật hiển nhiên mà đức Phật đã
từng tuyên bố. Ngoài cái khổ đó còn những cái khổ khác như: Những điều
mình ưa, những người mình thích, những đồ vật mình ham muốn tưởng rằng
đó là của mình, mình là cái đó, nó sẽ gắn liền với mình không bao giờ
rời xa được. Nhưng vì hoàn cảnh, vì luật vô thường, những thứ đó nó rời
khỏi tầm tay, không cách gì cầm giữ lại được. Đó chính là ái biệt ly
khổ.
Đối với những người, những vật mình ghét, muốn tránh cho khuất mắt mà
không thể tránh được; mình muốn lờ đi nhưng nó cứ hiện ra trước mặt.
Trên một con đường, ai cũng muốn đi trên con đường sạch sẽ, có hoa thơm,
cỏ lạ, không ai muốn đi trên con đường lầy lội, đầy gai góc hiểm độc
ấy, muốn tránh nhưng bước đâu vướng đó, muốn né nhưng đi đâu vấp đó. Đối
với sự vật bên ngoài đã vậy, còn đối với người xung quanh, có người ta
ưa thích, nhưng cũng có người ta ghét, ta không ưa vì lẽ này hay lẽ
khác. Nhưng ở giữa hai cái ưa và không ưa đó cũng tạo nên một cảnh ghét
mà phải gặp là khổ, cho nên tục ngữ ta có câu: "Ghét của nào trời trao
của ấy". Bên này oán bên kia và bên kia oán bên này. Một khi đã oán nhau
như vậy thì vũ trụ bao la trở thành thu hẹp lại một góc. Gặp một người
oán ghét ta muốn tránh, nhưng tránh hoài đến nỗi hết muốn gặp mà cũng
không sao tránh được. Vũ trụ bao la trong giờ phút này trở nên chật hẹp
đến nỗi ta tưởng nó không còn một chỗ an toàn cho ta dung thân. Đó là
cảnh oán tắng hội khổ. Cảnh này nếu nằm trong gia đình, trong thân tộc,
trong bản thân của mỗi người thì lại càng khổ hơn nữa.
Chúng sanh luôn luôn nuôi dưỡng lòng tham muốn và mong cầu, đối với
cuộc đời này họ chưa một lần biết đủ, cảm thấy mình như một người thiếu
thốn, họ tìm đủ mọi cách để ôm trọn thế gian này. Nhưng tiếc thay! Sự
sống con người thật ngắn ngủi, một trăm năm không đủ bề dày thời gian để
làm thỏa mãn lòng tham của họ, vì vậy họ chịu khổ đau suốt đời vì ham
muốn nhiều mà nhận chẳng được bao nhiêu, gọi là cầu bất đắc khổ.
Dẫu có người cho rằng đời còn có nhiều thú vui chứ đâu phải khổ hết.
Coi xi-nê, coi hát, bài bạc, rượu chè cũng vui, trúng số độc đắc hay làm
quan cũng vui. Đức Phật không phủ nhận điều đó, nhưng Ngài nói: Cái vui
đó là cái vui mong manh trong đau khổ, cái vui còn vướng trong vô minh
nghiệp chướng đưa đến khổ đau càng sâu dày thêm. Cho nên có một nhà thơ
Việt Nam viết:
"Bể khổ mênh mông nước ngập trời
Khách trần chèo một chiếc thuyền chơi,
Thuyền ai ngược gió ai xuôi gió,
Ngẫm lại cùng trong bể khổ thôi".
Ngược gió hay xuôi gió, chiếc thuyền cũng ở trong biển mà thôi, không
thể vượt lên trên biển được. Cho nên cái vui của con người trong cảnh
trầm luân này là cái vui trong đau khổ của thế gian, chưa phải là cái
vui giải thoát. Do thế, đức Phật nói đời là đau khổ, mặc dù chúng sanh
cho đời là vui, rồi say đắm theo đời, không giờ phút nào rời khỏi, cho
đến một ngày nào đó phải nhắm mắt tắt thở, bấy giờ mới hoảng hốt, khổ
đau!
Nếu biết đem toàn tâm lực an trú trong Chánh pháp thì sẽ nhận rõ lời
đó của đức Phật: tất cả sự vật là vô thường, chúng sanh là vô ngã, thân
thể là bất tịnh, mọi sự lãnh thọ đều là khổ: dù là thọ khổ hay thọ vui,
cũng đều ở trong vòng tương đối. Đã ở trong vòng tương đối thì có sanh
diệt, có sanh diệt tất nhiên lòng chúng ta không thỏa mãn, nên sanh ra
đau khổ. Đức Phật vì đại sự nhân duyên đó mà ra đời, để chuyển mê khai
ngộ cho chúng sanh. Mục đích tu hành của người tu Phật là để chuyển
nghiệp. Ngài dạy rằng: "Nghiệp dắt thế gian tới, nghiệp kéo thế gian đi,
thế gian chuyển theo nghiệp, như bánh xe lăn theo chân con vật kéo xe".
Con vật kéo xe đi vào trong con đường tối tăm mù mịt thì bánh xe cũng
phải lăn theo. Chúng sanh lăn theo nghiệp cũng tương tự như thế. Mỗi
người đều có những nghiệp riêng, nghiệp tốt thì làm cho con người tốt,
nghiệp xấu thì làm cho con người xấu, nghiệp cao thượng thì trở thành
con người cao thượng, và nghiệp thấp hèn thì trở thành con người thấp
hèn. Tất cả đều do nghiệp. Nghiệp là bào thai, nghiệp là sở hữu, cho nên
khi sanh ra, khi chết đi, ta cũng chỉ một mình đi theo nghiệp chớ không
có ai đi theo ta hết. Không ai thay thế ta để đi theo trong khi ta
sanh, già, bịnh, chết với cái nghiệp của ta mà thôi. Cái nghiệp luôn
luôn đi theo ta như bóng theo hình. Những người tạo nghiệp lành thì có
những người bạn lành cùng đi theo. Những người tạo nghiệp dữ thì có
những kẻ oan gia thù hận đi theo. Người tạo nghiệp lành thì như mang
bình cam lồ đi đây đi đó. Người tạo nghiệp ác thì như mang một bồ rắn
độc bên mình, luôn luôn nơm nớp sợ hãi, đau khổ. Theo lời Phật dạy, con
người là do nghiệp định đoạt tất cả. Vì vậy: "Con thiên nga chỉ bay được
giữa hư không, người có thần thông chỉ bay được khỏi mặt đất; chỉ có
bậc đại trí, đại hạnh dứt sạch nghiệp luân hồi mới bay được khỏi thế
gian này" (Pháp Cú 175).
Bay khỏi thế gian này tức giải thoát, tự tại. Nên con người tu hành
là để chuyển nghiệp. Chuyển nghiệp xấu thành tốt, vô minh ra giác ngộ,
trầm luân ra giải thoát. Tóm lại, chuyển cái nghiệp của chúng sanh ra
cái nghiệp của chư Phật, Thánh, Hiền. Khi chuyển nghiệp được rồi thì
chính cái nghiệp đó nó trở thành một tòa lâu đài để nâng đỡ chúng sanh,
giúp cho chúng sanh được an vui, giải thoát...