Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Người Phật tử nên quan niệm về Phong thủy như thế nào?
22/09/2012 18:58 (GMT+7)

 Những thuật ấy cũng có một số đạo lý nhưng không phải là đạo lý tuyệt đối, có thể tin nhưng không mê tín, cũng có thể không tin, mà không tin cũng không gây ra tai nạn lớn gì. Đức Phật Thích Ca cấm các đệ tử không được làm các thuật xem sao, xem địa lý, bói toán, nhưng cũng không phản đối sự tồn tại của các môn thuật đó. Thuật chiêm tinh nói về các mối liên hệ giữa sự vận hành của các thiên thể và vị trí trái đất chúng ta. Do có mối quan hệ đó nên có sự biến đổi về khí hậu và thời tiết, phối hợp vị trí địa lý hoàn cảnh cư trú của nhân vật, với ngày tháng năm sinh, rồi cộng trừ chia mà thành nguyên tắc mang lý tám chữ của thời điểm sinh. Tỉ dụ sinh năm ngưu vào mùa đông ở Phương Bắc thì vận mệnh sẽ không tốt, vì ngưu sinh vào mùa đông mà lại ở phương Bắc lấy cỏ đâu mà ăn ? Nếu sinh năm ngưu ở vào tiết xuân ở phương Nam, lại gần núi, gần sông thì chắc chắn là vận mệnh tốt. Thế nhưng theo quan điểm Phật giáo thì vấn đề họa, phú, may mắn hay bất hạnh đều do nghiệp nhân thiện ác tạo ra từ đời sống trước rồi đời này chịu quả báo. Lại cộng thêm sự nỗ lực hay chây lười trong đời sống hiện tại mà thay đổi hoặc ảnh hưởng đến vận mạng của đời này. Do nghiệp nhân khác nhau tạo nên trong đời trước mà tiếp nhận hoàn cảnh khác nhau trong đời này. Cái gọi là hoàn cảnh bao quát cả di truyền của cha mẹ, bối cảnh văn hóa, văn minh nuôi dưỡng và giáo dục anh em họ hàng, thầy dạy, bạn bè và đồng nghiệp, tất cả đều ảnh hưởng đến vận mạng của cả một cuộc đời. Dù cho nghiệp nhân tạo ra ở đời trước là xấu, dẫn tới hoàn cảnh hiện tại nhưng nếu có sự tu dưỡng về mặt nội tâm, chú ý luyện tập thân thể tốt, trau dồi thêm ý thức mở mang trí tuệ thì vận mạng cũng sẽ biến đổi theo chiều hướng tốt. Cho nên, xem tướng chỉ thuần túy dựa vào 8 chữ sinh ra để phán đoán vận mạng một con người, là không có gì chắc chắn cả, nhất là đối với người có dũng khí, có nỗ lực. Mạng lý và tướng lý nên tách đôi ra. Mạng lý chỉ có ý nghĩa đối với nghiệp nhân đời trước (tám chữ lúc sinh ra). Còn tướng lý có giá trị từ sau khi sinh ra, tiếp thu phần tướng di truyền của cha mẹ, bao gồm tướng mặt, tướng xương cốt, tướng của giọng nói, tướng tay v.v… Mặt khác do sự rèn luyện hoặc buông thả do tình trạng sức khỏe kể cả tâm lý có bình thường ổn định hay không khiến cho thần tướng lúc sinh ra cùng với quá trình cuộc đời có sự thay đổi. Đó mới là sự tổng hòa của tướng lý. Vì vậy mạng lý không thể chuyển được, còn tướng lý có thể chuyển biến theo tùy thời, tùy tâm của mình. Do đó tướng không có định mệnh, tất nhiên là có thể tin và có thể không tin. Còn địa lý phong thủy là dựa vào ảnh hưởng của vị trí các thiên thể và vị trí địa lý mà quyết định ảnh hưởng tốt hay xấu, lợi hay hại đối với con người. Đó là thuộc về tự nhiên và cũng có ý nghĩa thường thức. Thuận với tự nhiên là được thiên thời là có lợi, trái với tự nhiên là bất lợi. Đó là khoa học tự nhiên, là môn học mà triết gia gọi là hình nhi hạ. Hiện nay, người ta lại dùng các căn cứ khoa học từ trường, từ lực để giải thích các nguyên lý về địa lý và phong thủy. Điểm tập trung của từ lực, phương vị thuận của từ trường, có lợi đối với thân thể con người, cũng như đối với trạng thái tinh thần của con người. Ngược lại là không lợi. Trong phong thủy, thì phong là không khí, là hoạt lực đến không trung còn thủy là nước là hoạt lực từ dưới đất, cần thiết cho sự sinh trưởng của vạn vật. Có sự phối hợp của phong thủy, thêm vào là vị trí địa lý thuận lợi để hấp thụ đầy đủ ánh sáng mặt trời, phải chăng đó chính là ba yếu tố của sinh mạng là ánh sáng mặt trời, không khí và nước ? Ông Lý Dị Nồng, nhà địa lý học trứ danh đã nói phải có sự phối hợp của 3 điều kiện là :

  1. Tích lũy phúc đức
  1. Tám chữ lúc sinh ra
  1. Địa lý phong thủy thì mới được phú quý và thọ mạng lâu dài. Cái gọi là 8 chữ lúc sinh ra là mạng lý có từ đời trước. Tích lũy phúc đức là sự tu dưỡng, cố gắng trong đời này, phong thủy địa lý chỉ là một trong ba yếu tố. Nếu vận mạng xấu mà tâm lại ác hành vi không chính đáng, phong thủy tốt thì dù cho tìm được vị trí địa lý, vị trí này cũng sẽ bị nạn lụt hay nạn động đất phá hoại. Ông Nông lại nói: "Ba phần phong thủy, bảy phần cố gắng". Ý muốn nói phong thủy phải cộng thêm sự cố gắng của con người để cải tạo hoàn cảnh. Theo quan điểm Phật giáo, địa lý, phong thủy tuy có đạo lý nhưng không phải là đạo lý quyết định.
Xưa nay, các vị Tổ sư thường chọn nơi núi cao, rừng sâu, đầm lớn để xây dựng Tùng lâm, bố trí Tăng chúng ở đó, sau này trở thành những danh sơn, thắng cảnh. Đã gọi là danh sơn, thắng cảnh thì chắc là địa lý phong cảnh phải tốt, tuy rằng các vị ấy chưa có ý thức chuyên nghiệp về địa lý phong thủy. Họ có thể cải tạo địa lý, thay đổi tự nhiên tuy rằng không dùng đến sức người. Như năm Dân Quốc thứ 25 khi Hòa Thượng Hư Vân tu bổ lại chùa Nam Hoa của Tổ đình Tào Khê đã xảy ra các hiện tượng tự nhiên như mưa lớn, sông đổi dòng chảy. Khi chọn địa điểm xây dựng nhà văn hóa Phật giáo ở Đài Bắc, bản thân tôi tự mình xem xét cảnh và chọn địa điểm thích hợp, sau đó mời các chuyên gia đến tham khảo ý kiến. Thấy người nào cũng nói "tốt, tốt". Tôi là người không có trí thức về địa lý, phong thủy mà chỉ biết về nguyên lý của vấn đề này thôi. Vì vậy, tôi vừa không tin, vừa tin. Đối với bản thân, tôi thấy không cần phải tin. Nhưng đối với quần chúng để họ khỏi thắc mắc nên phải mời chuyên gia phong thủy đến để tham khảo ý kiến, điều này không có gì là sai trái. Trên thực tế, rất ít nhà địa lý tìm ra cho mình một địa điểm phong thủy tốt, cũng có rất ít nhà chiêm ngưỡng dùng trí thức và kinh nghiệm của mình để thay đổi số mệnh của mình. Vì vậy, các Phật tử nên lấy Phật pháp giáo hóa chúng sinh làm căn bản, nếu lấy việc bói sao, xem tướng, xem phong thủy làm sự nghiệp của mình thì sẽ lãng phí thời gian, có hại cho việc tu học chính đáng.
   
  HT. Thích Thánh Nghiêm

http://nguoiphattu.com/?id/34923/nguoi-phat-tu-nen-quan-niem-ve-phong-thuy-nhu-the-nao?

Các tin đã đăng:
Về đầu trang