Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Nhân kỷ niệm Bồ tát Quảng Đức NGHĨ VỀ TƯỢNG PHÁP VÀ CHÁNH PHÁP
Nguyễn văn Nhật - Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo 130
26/04/2012 20:53 (GMT+7)



có thể có người nghĩ rằng ; già sừ vào năm 1963 , nếu chế độ Ngô Đình Diệm không thi hành chính sách kỳ thị tôn giáo , không tìm cách biến miền Nam Việt Nam thành một xứ Công Giáo toàn tòng , có lẽ người Việt đã thiếu đi một vị Bồ -tát .

Có thể , vào tháng 5-1963 , nếu Tăng Ni Phật tử Việt Nam không bị chính quyền Ngô Đình Diệm khủng bố , bắt bớ , giam cầm ,hành hạ , giết  chóc …để bóp chết nguyện vọng của Phật tử Việt Nam được tự do hành đạo , và treo cờ Phật giáo trong các dịp lễ , có lẽ Hòa Thượng Thích Quảng Đức , trú trì chùa Quán Âm ở Phú Nhuận , quận Tân Bình , tỉnh Gia Định lúc bấy giờ , vẫn tiếp tục hạnh nguyện “ thượng cầu Phật đạo , hạ hóa chúng sanh ” ; rồi đến đúng thời , Ngài cũng lặng lẽ thị tịch , để lại sự kính ngưỡng của  nhiều người trước sự ra đi an lạc của của một bậc chân tu . Dù vậy thì công đức của Ngài vẫn là công đức của một vị Bồ -tát như vô vàn Bồ -tát ẩn mình giữa nhân gian luôn lặng lẽ có mặt trong lịch sử truyền thừa của Phật giáo suốt 26 thế kỷ qua khiến chánh Pháp được lưu bố . Sự khác biệt là hành động tự thiêu cùa ngài đã thể hiện sự hy sinh  chói lọi khiến mọi người đều thấy ngài chính là hóa thân Bồ -tát thị hiện tại Việt Nam để khuyến dụ việc bảo vệ Chánh pháp .

Tưởng niệm ngày Bồ-tát Quảng Đức vị pháp thiêu thân ( 11-6-1963  , nhằm ngày 20 tháng Tư năm Quý Mão ) , có lẽ người Phật tử Việt Nam cần tìm hiểu xem nên có thái độ thế nào để góp phần thành toàn ý nguyện hy sinh của Ngài là giữ cho Phật pháp trường tồn .

1 – Nói về giáo pháp giải thoát mà Đức Phật đã chứng ngộ và truyền lại cho đời , kinh Trung Bộ ghi , “ Này các Tỳ – kheo , Pháp này thiết thực , hiện tại , không có thời gian , đến để mà thấy (2)…”Phật giáo cũng chỉ là một pháp trong vũ trụ . Tuy nhiên , Đức Phật nói rõ , pháp đó là thiết thực , hiện tại , và không có thời gian . Nghĩa là trong mọi “ thời hiện tại ” , pháp ấy đều thiết thực , hiện tại hãy đến để mà thấy ; vấn đề pháp ấy có được lưu xuất trong thế gian hay không mà thôi . Như vậy , có lẽ cần phải hiểu , khi nói đến việc bảo tồn Phật Giáo , Bồ -tát Thích Quảng Đức muốn nói đến việc  bảo vệ sự lưu xuất miên viễn của Phật pháp trong thế gian .Pháp ấy được lưu xuất nhờ hộ trì của Tăng bảo là chính ; sự đóng góp của cư sĩ tuy quan trọng nhưng phải dựa vào Tăng bảo .

2 -  Khi Tôn Giả  Đại Ca – diếp thắc mắc vì sao trước đây  ít giới mà chúng Tỳ – kheo ham học còn ngày nay giới được chế thêm nhiều thì chúng Tỳ- kheo lại ít học tập , Đức Phật giải thích vì chúng sanh suy giảm nên học giới nhiều mà ít người chứng đắc thánh trí .Ngài nói thêm : “ Này Ca-diếp , thí như lúc kiếp sắp chuyển hoại , tuy vật báu thật chưa diệt mất , nhưng vật báu ngụy tạo tương tợ lại xuất hiện ở thế gian . Khi vật báu ngụy tạo xuất hiện , vật báu thật sẽ mất . Cũng vậy , Ca-diếp , Chánh pháp Như Lai lúc sắp muốn diệt , lại có tượng pháp sanh ra . Khi tượng pháp đã xuất hiện ở thế gian rồi , Chánh Pháp sẽ bị diệt ”(3) . Qua đó  có thể thấy , ngay thời Đức Phật còn tại thế , đã có hiện tượng các Tỳ – kheo phóng túng . Tuy nhiên , Chánh pháp Như Lai vẫn lưu  xuất trong thế gian vì đã có những đệ tử của Phật biết nghiêm tri giới luật , thực hiện đúng lời dạy của Ngài . Nhờ luôn có những bậc chân tu đáng kính biết rõ giá trị giáo pháp của đấng Từ phụ và thực hành đúng , Chánh pháp Như Lai đã tồn tại trên thế gian ; được truyền bà ở Châu Á rồi được lưu truyền đến tận ngày nay trên khắp thế giới . Mặc dầu vậy , Đức Phật đã cảnh giác về sự xuất hiện của tượng pháp , là pháp tương tự , có vẽ giống với Chánh pháp nhưng thực ra đã bị xuyên tạc , và nguy hiểm ở chỗ mọi người cứ tưởng giáo pháp đã bị xuyên tạc như vậy là Chánh pháp đã được Đức Phật đích thân giảng dạy .

3 – Theo kinh Đại Bát – niết – bàn thuộc Trường bộ kinh , trên đường cùng với chúng Tỳ-kheo tới Kusinara , lúc nghỉ chân tại ngôi đền Ananda ở Bhoganagara , bậc Đạo sư đã cảnh giác các Tỳ-kheo về trường hợp có thể có vị Tỳ-kheo nào đó tuyên thuyết những điều được coi là Kinh-luật với lý do đích thân vị ấy đã được nghe nói ra bởi chính Đức Phật ; hoặc đích thân được nghe từ Tăng chúng , từ các vị Thượng thủ , hoặc từ các vị nổi tiếng từ đa văn nói là đã được nghe từ Đức Phật ; trong trường hợp đó , các Tỳ-kheo không nên lập tức bài bác hay tin tưởng , mà phải đối chiếu với Kinh-Luật đã chính thức được nghe , nếu phù hợp thì thọ trì , nếu không phù hợp thì từ bỏ . Điều đó cho thấy vào lúc sắp nhập Niết bàn , Đức Phật mại quan tâm đến việc tượng pháp có thể  xuất hiện để hủy hoại Chánh pháp . Ngài cũng khẳng định kẻ có khả năng tạo nên tượng pháp phải là Tỳ-kheo . Trong lịch sử Phật giáo , không ít trường hợp các vị Tăng với sự thông tuệ thế tục đã không ngần ngại lấy lý do Phật pháp phải khế cơ khế lý , giải thích xuyên tạc Kinh Luật , xây dựng những giáo thuyết riêng để cầu danh cầu lợi . Có thể thấy một số cuộc vận động mang mỹ danh “ cải cách giáo luật ” hay “ cách mạng giáo chế ” rơi vào trường hợp này . Kinh Tương Ưng Maha Kassapa có nói , “ khi vàng giả xuất hiện thì vàng thật biến mất ; cũng vậy , khi tượng pháp xuất hiện thì Chánh Pháp diệt ”(4) . Khi đã có nhửng cách giải thích xuyên tạc Kinh Luật được tuyên bố bởi chính những vị Tăng có danh phận , người Phật tử sẽ hoang mang và bị cuốn vào những cuộc tranh luận vô bổ về giáo pháp , quên đi trong tâm tu tập là hành trì lời Phật dạy ; dẫn đến hiếm người chứng được chánh trí . Đó chính là ý nghĩa của việc Tượng pháp diệt Chánh pháp .

4 – Tìm hiểu lịch sử truyền bá đạo Phật , người ta thấy nơi nào thời nào Chánh pháp hưng thịnh , xã hội nơi đó có sự an lạc . Thật vậy , Chánh pháp hiện hữu trong sự nghiêm trì giới luật , chứng đắc thánh trí của chư Tăng ; nhờ đó xây dựng tin tâm cho hàng bạch y khiến họ tự nguyện sống đúng giới luật mà Đức Phật dã chế cho giới cư sĩ , khiến cho xã hội được yên ổn . Ngược lại , khi tượng pháp có ảnh hưởng mạnh mẽ , người ta chứng kiến cảnh tượng tranh luận sôi nổi về giáo pháp , nhà nhà đua tranh trình kiến giải , huy động đồ chúng , nhà nhà đua nhau xây chùa to , dựng tượng lớn , lập nhiều kỷ lục Phật sự , tổ chức lễ hội linh đình , bày biện lễ đài hoành tráng , chế định pháp phục pháp khí phiền tạp …Trong cái không khí nhộn nhạo ấy , một vài bậc chân tu hiếm hoi thật sự có chứng đắc không có chỗ lên tiếng , hay nói đúng hơn , không nỡ lên tiếng , và ở nơi ấy , thời ấy , xã hội với nhau được công nhận là vàng như vậy , không hề có sự an lạc mà chỉ bày ra những hiện tượng đạo đức suy đồi .

Phật giáo xương thịnh khi Chánh pháp được lưu bố để đệ tử của Phật có nhiều người chứng đắc thánh trí . Phật giáo không xương thịnh ở những hình thức bên ngoài . Đó là điều có lẽ mọi người Phật tử cần phải tâm niệm . Tưởng nhớ công hạnh của Bồ -tát Quảng Đức và các vị Thánh tử đạo , người Phật tử ở mọi phương vị đều phải hết lòng gìn giữ Chánh pháp Như Lai để khỏi cô phụ sự hy sinh vô bờ của các ngài .

Chú thích :

(1) Trích thư Bồ -tát Quảng Đức viết , gửi Tổng Thống Ngô Đình Diệm , trước lúc tự thiêu .

(2) Đại kinh Đoạn Tận Ái , Trung Bộ kinh tập 1 , Thích Minh Châu dịch .

(3) Bản kinh số 1.287 Pháp Tướng Hoại , kinh Tạp A Hàm , Thích Đức Thắng dịch .

(4) Bản kinh Maha Kassapa thuộc Tương Ưng Bộ kinh , Thích Minh Châu dịch .

NGUYỄN VĂN NHẬT

Nguon: http://vanhoaphatgiaoblog.com/xahoi/nghi-ve-tuong-phap-va-chanh-phap.html

Các tin đã đăng:
Về đầu trang