đã khiến cho phụ huynh đau đầu trong quá trình dạy dỗ, xây dựng nhân cách của
chúng. Có nhiều ý kiến trong việc đánh giá, đưa ra những “chuẩn mực” cho vẻ đẹp
con người thời đại ngày nay, điều này khiến cho người ta nhớ đến câu chuyện
cách đây hơn 2.500 năm trước ghi trong kinh Thất nữ, Đức Phật nói về cái
đẹp của con người:
“Có một
người nhà giàu sinh được bảy cô con gái xinh đẹp tuyệt trần. Vừa là bậc đại phú
gia, lại có con gái nhan sắc không ai bì, ông nhà giàu rất lấy làm hãnh diện.
Một hôm có
một người bạn nói với ông:
Anh hãy
đưa các con anh vào trong thành dạo chơi, dân chúng trong thành trông thấy con
anh, nếu có người chê một trong bảy cô xấu thì anh đưa cho tôi năm trăm lạng
vàng, bằng như không có ai chê thì tôi thua anh năm trăm lạng.
Người nhà
giàu đồng ý đánh cuộc với người bạn. Thế là hai người dẫn bảy cô gái đi dạo
khắp nơi trong thành. Họ đi đến đâu, mọi người đều hết lời ngợi khen bảy cô con
gái xinh đẹp. Thời gian dạo chơi đến chín mươi ngày mà họ không nghe thấy một
ai chê bảy cô con gái xấu dù chỉ nửa lời.
Bấy giờ
hai ông nghe tin Đức Phật đang giảng pháp tại tinh xá Kỳ Viên, bèn rủ nhau đến
gặp Phật mà thưa rằng:
Ngài hay
du hóa nhiều nơi, đi khắp các nước, Ngài đã từng thấy có người con gái nào xinh
đẹp như các con của tôi không?
Đức Phật
mỉm cười bảo:
- Những cô
gái này không có gì đẹp cả.
Ông nhà giàu hết sức kinh ngạc, tỏ ra không bằng
lòng, thắc mắc:
- Cả nước
không một ai chê các con tôi xấu, cớ sao Ngài lại chê chúng xấu?
Đức Phật
đáp:
- Người
đời họ cho cái đẹp của sắc thân là đẹp, còn Ta cho rằng cái thân chẳng làm điều
xấu ác, cái miệng chẳng nói lời xấu ác, tâm ý chẳng nghĩ điều xấu ác mới là đẹp
vậy”.
Người đời
thường chú trọng vẻ đẹp bên ngoài, cho rằng một người đẹp là người có hình
dung, tướng mạo khiến người khác nhìn vào sinh tâm ưa thích, có sức hấp dẫn
cuốn hút người khác, tức đẹp về cái răng, cái tóc, đôi mắt, làn da, đẹp về hình
thể. Ngược lại, Đức Phật khẳng định chân giá trị của một con người ở chỗ đời
sống của người đó có giá trị, ý nghĩa, tâm hồn của người đó cao quý. Một người
đẹp lý tưởng là một người không chỉ đẹp về ngoại hình như nhan sắc, trang phục,
về dáng vẻ, hình thức bên ngoài mà còn đẹp cả tư cách, nếp suy nghĩ, ngôn ngữ
và hành vi, lối sống.
Ngày nay
những cuộc thi hoa hậu không chỉ đánh giá về sắc đẹp mà còn đánh giá về tri
thức, văn hóa ứng xử, tư cách tác phong và tinh thần phục vụ đóng góp cho cộng
đồng xã hội. Trong các lĩnh vực nghệ thuật, giải trí, người ta rất chú trọng
đến vẻ đẹp bên ngoài cùng với tài năng, bản lĩnh, trình độ văn hóa, trình độ
chuyên môn.
Trong quan hệ
tình cảm nam nữ, thường thì đầu tiên người ta thu hút nhau bằng vẻ đẹp bên
ngoài: ánh mắt, nụ cười, làn môi, mái tóc, lời nói, dáng điệu v.v.. nhưng về
sau người ta sẽ không thể gắn kết lâu dài nếu như hai tâm hồn không hòa điệu,
không có sự “cảm” về tâm hồn, sự rung động chân thành, vì những ứng xử cao đẹp.
Tình yêu và hạnh phúc chân thật, bền vững
thường được xây dựng bằng phẩm chất tốt đẹp. Cuộc sống cũng chỉ tươi đẹp, có ý
nghĩa và phát triển bền vững khi con người biết xây dựng nó bằng những giá trị
đích thực lâu bền.
Có những
người đàn ông đẹp trai, bảnh bao nhưng bên trong vẻ hào nhoáng đó là tính sở
khanh, đạo đức giả, ngụy quân tử. Có những người phụ nữ xinh đẹp, quyến rũ
nhưng đầu óc rỗng tuếch, phẩm chất kém, tính trăng hoa, hám lợi, gian trá, giả
dối. Có những người đàn ông vai u thịt bắp, cao lớn khỏe mạnh nhưng lại nhu
nhược yếu đuối, không đủ ý chí, nghị lực để vượt qua những cám dỗ, buông mình
sa đọa trong ăn chơi trụy lạc, sống lối sống buông thả. Vì thế không thể dựa
vào hình thức bên ngoài để nhận xét, đánh giá một con người. Hình thức đôi khi
cũng phản ánh phần nào về một người, ví dụ cách ăn mặc, đi đứng, nói năng, cách làm việc v.v.. cũng nói lên đuợc phần
nào tính cách của người đó, tuy nhiên chỉ căn cứ vào những điều đó thôi thì
chưa đủ. Nhất là trong cái xã hội đầy phức tạp như hiện nay, có rất nhiều
trường hợp người ta dùng cái vẻ hoa hòe, hào nhoáng bên ngoài để ngụy trang,
che giấu những điều không tốt, không hay, thậm chí là xấu xa, tội lỗi. Những hình
thức ấy chẳng phản ánh được gì cho “nội dung”, nó chỉ là lớp vỏ bọc để
đánh lừa những đối tượng chuộng vẻ bên ngoài, ham chạy theo hình thức. Người
xưa vốn kinh nghiệm sâu sắc về điều này nên đã có những lời khuyên giá trị:
“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, “Cái nết đánh chết cái đẹp”. Vẻ đẹp bên ngoài không
thể xem thường, nhưng phẩm chất bên trong
mới là quan trọng nhất.
Một người đàn
ông hay một người phụ nữ đẹp cần có “nội dung” bên trong nếu như không muốn
mình sinh ra chỉ để làm trò tiêu khiển giải trí, giải buồn. Nội dung bên trong
là gì? Đó là tâm hồn, tình cảm, đạo đức, là trí tuệ, là ý chí, năng lực góp
phần làm đẹp cuộc đời. Đối với những chàng trai, những cô gái xinh đẹp, có
ngoại hình thì ước mơ được nhiều người theo đuổi dễ dàng thực hiện được. Nhưng
điều đó chỉ mang lại cảm giác thích thú, thỏa mãn một lúc rồi dần dần tan biến,
và người ta nhận ra rằng đó chỉ là những giá trị ảo hết sức phù du, giả tạm.
Cái con người cần là đời sống hạnh phúc được xây dựng bằng nhiều nhân tố chứ
không chỉ có vẻ đẹp và sự đam mê vẻ đẹp. Những nhân tố căn bản mang lại hạnh
phúc cho con người là: Ở người đàn ông cần có tri thức, trình độ hiểu biết, có
ý chí, nghị lực, có tình cảm đạo đức, sự chân thành, tính rộng lượng, có tinh
thần trách nhiệm, biết quan tâm đến người khác… Ở người phụ nữ cần có công,
dung, ngôn, hạnh. Công là trình độ hiểu biết, học vấn, nghề nghiệp chuyên môn.
Dung là dáng vẻ, ngoại hình, cách ăn mặc, trang điểm sao cho sạch đẹp, dễ nhìn.
Ngôn là lời ăn tiếng nói, khả năng giao tiếp, ứng xử. Hạnh là đức hạnh, những
phẩm chất đạo đức, chẳng hạn như lòng tự trọng, lòng chung thủy, tinh thần
trách nhiệm, đức tính hy sinh, cần cù, đảm đang tháo vát.
Chỉ vẻ đẹp
bên ngoài thôi chưa đủ để đánh đồng nó với giá trị một con người, giá trị một
đời sống. Bởi chỉ vẻ đẹp thì không thể làm nên cuộc sống, vẻ đẹp chỉ góp phần
tạo “sắc màu” cho cuộc sống. Hơn nữa cái đẹp rất phù du, nó không tồn tại lâu
dài, không có cái đẹp nào vĩnh cửu với thời gian. Sự đánh giá về cái đẹp cũng
không nhất định, không có cái đẹp nào là tuyệt đối, những quy chuẩn về cái đẹp
luôn thay đổi theo thời đại, theo địa phương, theo từng quốc gia, từng khu vực,
và nhất là tùy thuộc vào cảm xúc thẩm mỹ của con người.
Trong xã hội luôn có những người
kiếm tiền, lập nghiệp hay thăng tiến bằng cách dùng nhan sắc của mình để lót
đường, nhưng thành tựu của họ không được bao nhiêu mà hậu quả lắm nỗi ê chề.
Theo thời gian, phấn hương phai nhạt, nhan sắc úa tàn thì bướm chán ong chê.
Không có tài năng thực sự, không có bản lĩnh, không có trình độ học thức, yếu
kém về chuyên môn thì sớm muộn gì cũng gặp khó khăn trở ngại trong công việc
hoặc phạm phải sai lầm.
Không ít người đàn ông và phụ nữ có quá nhiều ảo tưởng
về “sắc đẹp” của mình, họ nghĩ mọi người sẽ vây quanh họ, sẽ ngửa tay xin tình
cảm của họ, sẽ quý trọng họ nên họ sinh tâm kiêu ngạo, tự mãn, không màng tới
việc trau giồi nhân cách, đạo đức, nâng cao học vấn, rèn luyện bản thân, có
người còn làm khổ cho bao nhiêu người khác bằng chính cái “sắc đẹp” của mình,
đó là lừa tình, gạt tiền, đùa giỡn bỡn cợt trong tình yêu đối với những cô gái
nhẹ dạ, cả tin; đối với những người đàn ông hiếu sắc. Tâm hồn không đẹp thì dù
ngoại hình có đẹp cũng chỉ là con người rất xấu. Đừng vì cái đẹp phù du, giả
trá mà làm méo mó nhân cách con người.