Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Cứ bước tới
30/10/2013 13:26 (GMT+7)



Nhìn các giới tử lần lượt kéo nhau từng đoàn bước vào giới trường, tôi thấy thương thương… Nhớ lúc còn nhỏ mình cũng thế.


Cứ bước tới - Ảnh minh họa

Sắp xếp chỗ nghỉ cho các giới tử đã có các sư cô quản giới tử, tôi chỉ thỉnh thoảng tới thăm hỏi, động viên, hoặc có thể hướng dẫn họ cách thức sinh hoạt, sám hối trước khi thọ giới.

4 giờ 30 phút chiều, chuông đổ báo hiệu giờ tiểu thực. Thấy giới tử đến trai đường ít quá, tôi trở lên phòng chúng thấy khoảng hơn chục vị kẻ nằm, người ngồi không ăn uống gì. Tôi chào các giới tử, họ chào đáp nhưng vẫn yên lặng nơi vị trí của họ. Tôi ngồi xuống bên cạnh một giới tử và hỏi:

- Huynh mới tới à?

- Dạ, mô Phật.

- Huynh không dùng chiều à?

- Dạ, mô Phật.

- Huynh không dùng chiều đã mấy năm rồi?

- Dạ, mô Phật. Con mới không dùng chiều hôm nay thôi. Vì đi thọ giới, sư phụ dặn không nên ăn chiều để thời gian sám hối và thọ giới.

Tôi ngạc nhiên:

- Huynh à! Chùa dọn cơm chiều cho giới tử, vì muốn đắc giới thì thân tâm phải thanh tịnh, trí tuệ minh mẫn. Nếu các huynh đệ chưa quen việc không ăn chiều, lỡ tối đói bụng thì làm sao thanh tịnh mà thọ lãnh giới pháp?

Thấy vị ấy lưỡng lự, tôi lại tiếp:

- Huynh à! Không những cho ăn chiều mà sau khi sám hối xong chùa còn đãi thêm cháo nêm nữa đó. Ni sư ngại mấy huynh đệ đi đường xa, lại không quen thức ăn nên cố gắng phục vụ ăn uống cho đầy đủ, đảm bảo sức khỏe trong những ngày nơi giới trường. Huynh à! Nếu mình thành tâm, thanh tịnh lãnh thọ giới pháp bằng một trí tuệ minh mẫn trong một thân thể khỏe mạnh thì mới đắc giới. Huynh nghĩ lại mà xem, nếu thọ giới xong mà các huynh ngã bệnh hoặc trong lúc lãnh thọ giới pháp chẳng may các huynh xỉu xuống hay ngã quỵ nửa chừng thì tiếc lắm!

Im lặng suy nghĩ, sau đó giới tử ấy trả lời:

- Sư ơi! Con sợ dùng chiều rồi chùa đánh giá tụi con tu không nghiêm…

Tôi mỉm cười:

- Đừng ngại chuyện ấy, chuyện dùng chiều là do chùa đã có chủ trương từ lâu. Vì nơi đây là Ni trường nuôi chúng tu học. Họ cần phải có sức khỏe thì mới tu học được.

Chớp mắt nhìn tôi, giới tử ấy hỏi:

- Thưa, sư là quản giới tử?

- Tôi là…

- Hay sư là dẫn thỉnh?

- Tôi là giáo thọ.

- Con xin lỗi sư! Tụi con mới tới nên không biết. Nếu quý sư đã có lòng nghĩ và lo cho giới tử tụi con, vậy thì tụi con xin vâng lời.

Các giới tử nãy giờ đang ngồi gần đó cũng từ từ đứng dậy và kéo nhau đến trai đường.

Ngày xưa cách thức của các giới trường rất nghiêm, các giới tử vào giới trường rồi là không cho bước ra ngoài, không cho gặp gỡ, tiếp xúc với bên ngoài, không lớn tiếng khi trao đổi, không phải chỗ của mình thì không được lui tới…, nhất cử nhất động đều phải thanh tịnh. Thực hiện theo hạnh Hòa thượng Đàn đầu, nếu vị ấy không dùng chiều thì chúng tôi cũng không dùng chiều.

Bây giờ thì mỗi thời mỗi khác, tôi nghĩ nếu mình cố gắng giải thích cho giới tử hiểu mục đích thọ giới và vì sao phải thọ giới thì họ sẽ cảm thấy an tâm, nhẹ nhàng hơn để lãnh thọ giới pháp. Mục đích của sự thọ giới là để tiếp tục khai mở đạo tâm, trưởng dưỡng lòng từ, phát huy Thánh chủng một cách mạnh mẽ hơn.

Khi bước vào hàng Tăng tức là Tỳ-kheo thì tự bản thân mình phải tinh tấn đoạn trừ phiền não, nội chướng, ngoại ma… diệt trừ tánh ỷ lại khi thấy mình bắt đầu được sự cung kính, cúng dường.

Là Tỳ-kheo, tự mình ý thức về hành động đã làm; tự mình gánh lấy ác nghiệp nếu gây tạo. Công đức tu tập cũng từ đây mà sinh, nghiệp lực cũng từ đây mà lãnh… Nếu không ý thức được điều này để thanh tịnh ba nghiệp thì mọi hành động, lời nói, ý niệm của mình hàng ngày đều là phí phạm của tín thí đàn-na.

Khi tự biết trau dồi giới pháp đã thọ, giữ trọn vẹn công hạnh của bậc xuất gia với cái tâm ban đầu thì mới xứng đáng đứng trong hàng Tăng, nối nghiệp tổ thầy, hoằng dương Chánh pháp.

Nhìn những giới tử đến giới đàn với tâm trọn vẹn một niềm tin chân chánh, tôi tin rằng họ sẽ là những sư tử con không bao lâu sẽ vươn mình lớn dậy cùng gánh vác sự nghiệp Chánh pháp với các thế hệ tiền bối đang ở tuổi về chiều như chúng tôi.

Tôi tự nhủ, mình vốn ngại ngùng nhút nhát nhưng đôi khi có người còn ngại ngùng nhút nhát hơn cả mình. Nếu hôm nay mình không đến để hỏi thăm thì có những giới tử đã nhịn ăn chiều một cách tội nghiệp rồi.

Thôi, hãy cố gắng khắc phục sự ngại ngùng nhút nhát! Cứ mạnh dạn bước tới!

Bóng chiều đã loang, ánh nắng dịu dần, bóng cây mờ hẳn trên sân chùa, tôi chợt liên tưởng đến mình và những hình ảnh trong ca khúc “Biết đâu nguồn cội” của Trịnh Công Sơn:

Tôi vui chơi giữa đời (ối a) biết đâu nguồn cội
Tôi thu tôi bé lại làm mưa tan giữa đời... 

Ni sư Huệ Thân

http://giacngo.vn/tuvansongdao/songdao/2013/10/29/3F460A/

Các tin đã đăng:
Về đầu trang