Bài kinh “Không sợ hãi” thuộc Kinh Tăng Chi Bộ. Trong Đại tạng kinh Việt Nam, bài kinh nằm ở tập II, Kinh Tăng Chi Bộ, số thứ tự 22, trang 147, ấn bản do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam thực hiện.
Bài
kinh có tác động mạnh mẽ đến nỗi làm tôi cơ bản thoát hẳn ra ngay tình
trạng khủng hoảng, suy sụp tinh thần sau một cơn bệnh. Tôi tin rằng
nhiều người như tôi cũng sẽ giải quyết được tình trạng sợ hãi của mình
khi được tiếp xúc với bài kinh này.
Trường
hợp cá nhân tôi thì bệnh có vẻ không trầm trọng, nhưng quá trình nằm
viện điều trị làm cho tôi lâm vào khủng hoảng tinh thần sau đó, và kéo
dài rất lâu. Không khí trong phòng cấp cứu, những cái chết diễn ra trước
mắt, cuộc thủ thuật với giấy cam kết…, tất cả làm cho tôi cảm thấy cái
chết đang đến gần, như bản kinh miêu tả.
Tình trạng của tôi đúng là tinh trạng mà bản kinh đã ghi nhận và tôi cũng đã sợ hãi như thế. May thay, bài kinh “Không sợ hãi”
đã giúp đỡ tôi lấy lại tinh thần. Tôi đọc lại nhiều lần bài kinh. Cứ
mỗi lần đọc là cảm thấy an tâm hơn, vững tin hơn, giảm bớt lo sợ.
Tôi
nghĩ là không riêng gì người bệnh, mà những người có vấn đề phải lo sợ,
băn khoăn về tương lai, người già lão nặng nề về thọ mạng của mình…,
đều có thể tìm được lợi ích từ bài kinh “Không sợ hãi” này.
Dưới đây là toàn văn bài kinh.
“Rồi
Bà-la-môn Jànussoni đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên với Thế Tôn
những lời chào đón hỏi thăm ... Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Jànussoni
bạch Thế Tôn:
-
Thưa Tôn giả Gotama, tôi nói như sau, tôi thấy như sau: "Không có một
ai bản tánh bị chết mà không sợ hãi, không rơi vào run sợ, khi nghĩ đến
chết".
-
Này Bà-la-môn, có người bản tánh bị chết, sợ hãi, rơi vào run sợ khi
nghĩ đến chết. Nhưng này Bà-la-môn, có người bản tánh bị chết, không sợ
hãi, không rơi vào run sợ khi nghĩ đến chết.
2. Và này Bà-la-môn, thế nào là người bản tánh bị chết, sợ hãi, rơi vào run sợ khi nghĩ đến chết?
Ở
đây, này Bà-la-môn, có người không ly tham đối với các dục, không ly
ham muốn, không ly luyến ái, không ly khát ái, không ly nhiệt não, không
ly tham ái. Rồi một chứng bệnh trầm trọng khởi lên cho người ấy. Người
ấy bị cảm thọ chứng bệnh trầm trọng ấy, suy nghĩ như sau: "Thật sự các
dục khả ái sẽ bỏ ta", hay "Ta sẽ từ bỏ các dục khả ái". Người ấy sầu
muộn, than vãn, khóc lóc, đập ngực, rơi vào bất tỉnh. Này Bà-la-môn, đây
là người bản tánh bị chết, sợ hãi, rơi vào run sợ khi nghĩ đến chết.
3.
Lại nữa, này Bà-la-môn, ở đây có người không ly tham đối với thân ...
Rồi một chứng bệnh trầm trọng khởi lên cho người ấy. Người ấy bị cảm thọ
bởi chứng bệnh trầm trọng ấy, suy nghĩ như sau: "Thật sự thân khả ái sẽ
bỏ ta", hay "Ta sẽ từ bỏ thân khả ái". Người ấy sầu muộn, than vãn,
khóc lóc, đập ngực, rơi vào bất tỉnh. Này Bà-la-môn, đây là người bản
tánh bị chết, sợ hãi, rơi vào run sợ khi nghĩ đến chết.
4.
Lại nữa, này Bà-la-môn, ở đây có hạng người không làm điều lành, không
làm điều thiện, không che chở kẻ sợ hãi, làm điều ác, làm điều hung bạo,
làm điều phạm pháp. Rồi một chứng bệnh trầm trọng khởi lên cho người
ấy. Người ấy bị cảm thọ bởi chứng bệnh trầm trọng ấy, suy nghĩ như sau:
"Thật sự ta không làm điều lành, không làm điều thiện, không che chở kẻ
sợ hãi, làm điều ác, làm điều hung bạo, làm điều phạm pháp". Tại sanh
thú nào mà những người không làm điều lành, không làm điều thiện, không
che chở kẻ sợ hãi, làm điều ác, làm điều hung bạo, làm điều phạm pháp,
đi đến sau khi chết, ta đi đến sanh thú ấy. Người ấy sầu muộn, than vãn,
khóc lóc, đập ngực, rơi vào bất tỉnh. Này Bà-la-môn, đây là người bản
tánh bị chết, sợ hãi, rơi vào run sợ khi nghĩ đến chết.
5.
Lại nữa, này Bà-la-môn, ở đây có hạng người nghi ngờ do dự, không đi
đến kết luận đối với diệu pháp. Rồi một chứng bệnh trầm trọng khởi lên
cho người ấy. Người ấy bị cảm thọ bởi chứng bệnh trầm trọng ấy, suy nghĩ
như sau: "Thật sự ta có nghi ngờ do dự, không đi đến kết luận đối với
diệu pháp". Người ấy sầu muộn, than vãn, khóc lóc, đập ngực, rơi vào bất
tỉnh. Này Bà-la-môn, đây là bốn hạng người bản tánh bị chết, sợ hãi,
rơi vào run sợ khi nghĩ đến chết.
6. Và này Bà-la-môn, thế nào là người bản tánh bị chết, không sợ hãi, không rơi vào run sợ khi nghĩ đến chết?
Ở
đây, này Bà-la-môn, có hạng người ly tham đối với các dục, ly ham muốn,
ly luyến ái ... Rồi một chứng bệnh trầm trọng khởi lên cho người ấy.
Người ấy bị cảm thọ bởi chứng bệnh trầm trọng ấy, suy nghĩ như sau:
"Thật sự các dục khả ái sẽ bỏ ta", hay "Ta sẽ từ bỏ các dục khả ái".
Người ấy không sầu muộn, không than vãn, không khóc lóc, không đập ngực,
không rơi vào bất tỉnh. Này Bà-la-môn, đây là người bản tánh bị chết,
không sợ hãi, không rơi vào run sợ khi nghĩ đến chết.
7.
Lại nữa, này Bà-la-môn, ở đây có người ly tham đối với thân, ly ham
muốn, ly luyến ái ... Rồi một chứng bệnh trầm trọng khởi lên cho người
ấy. Người ấy bị cảm thọ bởi chứng bệnh trầm trọng ấy, suy nghĩ như sau:
"Thật sự thân khả ái sẽ bỏ ta", hay "Ta sẽ từ bỏ thân khả ái". Người ấy
không sầu muộn, không than vãn, không khóc lóc, không đập ngực, không
rơi vào bất tỉnh. Này Bà-la-môn, đây là hạng người bản tánh bị chết,
không sợ hãi, không rơi vào run sợ khi nghĩ đến chết.
8.
Lại nữa, này Bà-la-môn, ở đây có hạng người không làm ác, không làm
điều hung bạo, không làm điều phạm pháp, làm điều lành, làm điều thiện,
có che chở kẻ sợ hãi. Rồi một chứng bệnh trầm trọng khởi lên cho người
ấy. Người ấy bị cảm thọ bởi chứng bệnh trầm trọng ấy, suy nghĩ như sau:
"Thật sự ta không làm ác, không làm điều hung bạo, không làm điều phạm
pháp, làm điều lành, làm điều thiện, có che chở kẻ sợ hãi. Tại sanh thú
nào mà những người không làm điều ác, không làm điều hung bạo, không làm
điều phạm pháp, làm điều lành, làm điều thiện, có che chở kẻ sợ hãi đi
đến sau khi chết, ta đi đến sanh thú ấy". Người ấy không sầu muộn, không
than vãn, không khóc lóc, không đập ngực, không rơi vào bất tỉnh. Này
Bà-la-môn, đây là hạng người bản tánh bị chết, không sợ hãi, không rơi
vào run sợ khi nghĩ đến chết.
9.
Lại nữa, này Bà-la-môn, ở đây có hạng người không có nghi ngờ, không có
do dự, đi đến kết luận đối với diệu pháp. Rồi một chứng bệnh trầm trọng
khởi lên cho người ấy. Người ấy bị cảm thọ bởi chứng bệnh trầm trọng
ấy, suy nghĩ như sau: "Thật sự ta không có nghi ngờ, không có do dự, đi
đến kết luận đối với diệu pháp". Người ấy không có sầu muộn, không có
than vãn, không có khóc lóc, không có đập ngực, không rơi vào bất tỉnh.
Này Bà-la-môn, đây là hạng người bản tánh bị chết, không sợ hãi, không
rơi vào run sợ khi nghĩ đến chết.
Này Bà-la-môn, có bốn hạng người bản tánh bị chết, không có sợ hãi, không rơi vào run sợ khi nghĩ đến chết
-
Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama ... Mong Tôn giả Gotama chấp
nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy
ngưỡng”.
Cái
hay của bài kinh là sự cụ thể. Đức Phật đã đi vào chi tiết những trường
hợp lo sợ vì bệnh tật. Điều này là hết sức phổ biến ở cuộc đời sinh lão
bệnh tử.
Tuy
nhiên, Đức Phật không dạy chúng ta phải cầu nguyện. Ở các tôn giáo
khác, trong trường hợp này thì chỉ là cầu nguyện có thể sẽ có một “phép
lạ” xảy ra. Người bệnh hết bệnh. Nhưng cũng phải thấy có thể may mắn hết
bệnh mà cũng có thể không hết bệnh. Hết bệnh chỉ lần này, nhưng sinh
lão bệnh tử vẫn là chuyện thường trực, đương nhiên. Cầu nguyện có linh
ứng thì chỉ là tạm thời. Điều quan trọng là thái độ trước bệnh tật, cách
ứng xử đối với bệnh.
Có
khi tật bệnh làm người ta đau một, nhưng sự khủng hoảng tinh thần do
tật bệnh mang lại làm người ta đau đến mười, đến trăm lần. Tôi nghĩ
trường hợp của tôi cũng là trường hợp phổ biến ở rất nhiều người. Vết
thương do nội soi gây ra chỉ bằng hạt đậu, làm đau chỉ một vài ngày.
Nhưng sự khủng hoảng về vực thẳm sinh tử đè nặng lên tôi mỗi khi thức
dậy. Lại thêm một ngày trên cái dốc tuột xuống lão, bệnh, tử. Thấy những
hình ảnh người bệnh, bệnh viện, đám tang… là trong tôi dâng lên một nỗi
sợ hãi cùng tột, dù mình đang hết bệnh và cơ bản đã khỏi bệnh. Nếu theo
tôn giáo khác, tôi đã phải cầu nguyện cả ngày. Nhưng theo đạo Phật, tôi
may mắn tìm được lối thoát ở bài kinh “Không sợ hãi”.
Trong kinh “Không sợ hãi”, trạng thái sợ hãi được diễn tả bằng những biểu hiện bên ngoài” “Người ấy sầu muộn, than van, khóc lóc, đập ngực, rơi vào bất tỉnh”.
Cá nhân tôi cũng có những diễn tiến như vậy, nhưng rơi vào bên trong,
cũng sầu muộn, cũng tự than van, đau khổ đến mức muốn khóc nhưng không
khóc được, chính là đã khóc nhưng không thành tiếng, đau đớn nặng nề, và
cũng như Phật thuyết, rơi vào trạng thái sợ hãi cùng tột, chỉ biết sợ
hãi, là một dạng của bất tỉnh.
Bài kinh “Không sợ hãi”
đưa ra cách đối trị với tình trạng sợ hãi đó. Bài kinh tương đối dài và
các phương pháp đối trị với sợ hãi được trình bày khá chi tiết. Tuy
nhiên, tóm lại, liều thuốc cơ bản vẫn là thiện pháp, niềm tin chánh pháp
và sự tinh tấn. Những điều đó không làm thay đổi tình trạng bệnh tật,
không làm hết bệnh tật, nhưng sẽ làm thay đổi cách nhìn nhận đối với
bệnh tật, mở một con đường vượt qua bệnh tật.
Có được “ơn trên” phù hộ, qua được cơn bệnh này, con người rồi lại sẽ phải chịu một cơn bệnh khác, làm sao cho thoát?
Đạo
Phật không tìm con đường giải quyết tạm thời như thế, mà hướng đến một
cách giải quyết triệt để, hợp lý, công bằng và khoa học.
Tôi nghĩ bài kinh “Không sợ hãi”
rất thích hợp để làm một bài kinh cầu an. Đúng ra là “kinh… an” mới
phải, vì không phải cầu xin, chờ mong, trông cậy ở đâu cả, mà tìm an ổn ở
chính mình bằng việc thay đổi nhận thức, xây dựng niềm tin, thực hành
các thiện pháp.
MT