CHÁNH VĂN:
Lúc bấy giờ, Ngài Vô Tận Ý Bồ Tát liền từ chỗ ngồi đứng dậy
trịch áo bày vai hữu, chắp tay hướng Phật mà bạch rằng: "Thế Tôn! Ngài
Quán Thế Âm Bồ Tát do nhơn duyên gì mà tên là Quán Thế Âm?".
Phật bảo Ngài Vô Tận Ý Bồ Tát: "Thiện nam tử! Nếu có vô lượng
trăm nghìn muôn ức chúng sanh chịu các khổ não, nghe Quán Thế Âm Bồ Tát
này một lòng xưng danh. Quán Thế Âm Bồ Tát tức thời xem xét tiếng tăm
kia, đều đặng giải thoát.
Nếu có người trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát này, dầu vào trong
lửa lớn, lửa chẳng cháy đặng, vì do sức thần của Bồ Tát này đặng như
vậy.
Nếu bị nước lớn làm trôi, xưng danh hiệu Bồ Tát này liền đặng chỗ cạn.
Nếu có trăm nghìn muôn ức chúng sanh vì tìm vàng, bạc, lưu ly,
xà cừ, mã não, san hô, hổ phách, trân châu các thứ báu, nên vào trong
biểnlớn, giả sử gió lớn thổi ghe thuyền của kia trôi tấp nơi nước La
sát, trong ấy nếu có nhẫn đến một người xưng danh hiệu Quán Thế Âm Bồ
Tát, thời các người đó đều đặng thoát khỏi nạn quỉ La sát. Do nhơn
duyên đó mà tên là Quán Thế Âm.
Nếu lại có người sắp sẽ bị hại, xưng danh hiệu Quán Thế Âm Bồ
Tát, thời dao gậy của người cầm liền gãy từng khúc, mà đặng thoát khỏi.
Nếu quỉ Dạ xoa cùng La sát đầy trong cõi tam thiên đại thiên
muốn đến hại người, nghe người xưng hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, thời các
quỉ dữ đó còn không có thể dùng mắt dữ mà nhìn người, huống lại làm hại
đặng.
Dầu lại có người hoặc có tội, hoặc không tội, gông cùm xiềng
xích trói buộc nơi thân, xưng danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, thảy đều
đứt rã, liền đặng thoát khỏi.
Nếu kẻ oán tặc đầy trong cõi tam thiên đại thiên, có một vị
thương chủ dắt các người buôn đem theo nhiều của báu. Trải qua nơi
đường hiểm trở, trong đó có một người xướng rằng: "Các thiện nam tử!
Chớ nên sợ sệt, các ông phải nên một lòng xưng danh hiệu Quán Thế Âm Bồ
Tát, vị Bồ Tát đó hay đem pháp vô úy thí cho chúng sanh, các ông nếu
xưng danh hiệu thời sẽ đặng thoát khỏi oán tặc này.
Các người buôn nghe rồi, đều lên tiếng xưng rằng: "Nam mô Quán
Thế Âm Bồ Tát", vì xưng danh hiệu Bồ Tát nên liền đặng thoát khỏi.
Vô Tận Ý! Quán Thế Âm Đại Bồ Tát sức oai thần cao lớn như thế.
GIẢNG:
Nhiều người thường thích tụng Phổ Môn như vậy đó, vì nghe nói cầu gì
cũng được hết, nhưng không hiểu được ý sâu xa của phẩm Phổ Môn. Nếu
phẩm Phổ Môn tụng cho mình cầu cái này, thoát khỏi cái kia, thì có gì
sâu xa lắm? Ở đây phẩm này đợi qua phần thể nhập tri kiến Phật mới nói
thì phải biết ý nghĩa rất sâu.
Phổ Môn là gì? Là cửa rộng khắp, đây là phá tưởng ấm. Mà tưởng thì
đâu đâu nó cũng đến, đâu đâu cũng tới được. Ngồi đây tưởng tới bên Mỹ,
tưởng tới trên trời, cho nên cửa này là cửa rộng khắp, phá được nó thì
mình sẽ thông suốt khắp nơi. Mới vào, Bồ Tát Vô Tận Ý hỏi Phật Thích
Ca: "Bồ Tát Quán Thế Âm do nhân duyên gì mà tên Quán Thế Âm". Tức do Bồ
Tát Vô Tận Ý khơi dậy, phát khởi.
Vô Tận Ý là tâm ý vô tận, không cùng, không ranh giới. Phải từ cái
tâm ý không cùng tận, không ranh giới đó thì mới thấu qua được cái
tưởng nổi. Nếu dùng tâm có giới hạn thì không phá nó nổi. Vậy nên đây
Bồ Tát Vô Tận Ý đứng dậy hỏi. Phật dạy: Nếu có vô lượng trăm nghìn muôn
ức chúng sanh chịu các khổ não nghe đến Bồ Tát Quán Thế Âm này, một
lòng xưng danh, Bồ Tát Quán Thế Âm liền xem xét tiếng tăm kia mà đặng
giải thoát, hết khổ. Chỉ cần bao nhiêu đó liền hết khổ, mà hết nổi
không? Người đọc kinh thường không đọc hết ý nghĩa, trong đây có chỗ
quan trọng ít ai để ý, chỉ nhớ là xưng danh Bồ Tát thôi, mà quên mất
"một lòng": tức là "nhất tâm", nhất tâm mà xưng danh thì mới hết khổ.
Chỉ niệm Bồ Tát thôi, nhưng niệm không có nhất tâm thì không hết khổ
nổi, phải hiểu được ý đó. Nghe danh là nghe tên mà niệm Ngài tức là
chưa thấy, chưa thấy tức là Tưởng thôi. Một lòng xưng danh mới bặt
những niệm lăng xăng, niệm lăng xăng mới hợp trở về với tự tánh nên mới
cảm được Bồ Tát mà giải thoát. Vị Bồ Tát này là quán nơi tiếng thế
gian. Quán thế âm mà cứu khổ. Chỉ quán nơi tiếng mà sao cứu khổ được,
mình phải thấy ý đó. Bởi vì chúng sanh thì theo tiếng, theo nơi danh mà
khởi tưởng nên thành khổ. Nghe người ta nói nặng là gì? Là tiếng thôi,
rồi khởi tưởng phân biệt. Hoặc ngồi đây, nghe người kể bên Mỹ thế này
thế kia rồi tưởng muốn đi qua bên đó, suy nghĩ tìm cách này cách kia để
đi.
Bây giờ, Bồ Tát Quán Thế Âm khiến cho mình dứt tưởng, lìa tiếng thì
qua nơi khổ. Vậy niệm Bồ Tát Quán Thế Âm không phải niệm cái tên, mà
niệm Bồ Tát Quán Thế Âm là dứt tưởng, nhớ lại tự tánh của mình thì đó
là con đường thoát khổ. Đây nói có ai trì danh hiệu Ngài, vào trong
nước cũng không bị trôi chìm, vào lửa, lửa không cháy. Vậy quí vị niệm
rồi vào bếp đưa tay vào lửa coi cháy không? Cho nên phải hiểu được ý
này. Ở đây là luôn luôn niệm phải nhất tâm, phải một lòng, mà nhất tâm
một lòng không có niệm gì khác nó chen vào, thì còn nhớ tới cái ta này
nữa không? Không còn nhớ cái ta này, không còn tưởng cái tôi này, thì
hợp trở về tự tánh lúc đó mới gọi là vào lửa không cháy, vào nước không
chìm. Không tôi lấy gì cháy? không có tôi thì chìm cái gì? Nước, lửa
làm sao cháy đến chỗ nhất tâm kia, thấy không?
Vậy niệm Quan Thế Âm nhất tâm là quên danh, quên tướng mà trở về tánh thì mới qua được lửa cháy, qua được nước chìm.
Có vị Tăng hỏi Thiền Sư Tùng Triển:
- Thế nào vào lửa chẳng cháy? Vào nước chẳng chìm?
Thiền Sư Tùng Triển đáp:
- Nếu là nước, lửa liền bị cháy, chìm.
Sư đáp đơn giản mà rất chí lý. Nghĩa là nếu ở trong nước, trong lửa,
vừa khởi cái hiểu là nước, là lửa, thì bị cháy, bị chìm ngay. Vừa khởi
hiểu là động tâm, động tâm là có ngã, là cháy chìm. Còn bây giờ quý vị
khéo xét trở lại, trước khi khởi niệm, thì làm sao mà cháy tới chỗ đó.
Dù cho mình ở trong nước, trong lửa, mà mình chưa động niệm thì cũng
không thấy khổ, nước lửa không cháy được chỗ đó.
Rồi người đi tìm vàng bạc và trân châu, vào trong biển lớn, gặp gió
lớn (hắc phong) thổi ghe thuyền trôi vào trong nước quỷ La sát có người
niệm Quán Âm liền được thoát khỏi. Chỗ này bây giờ mình ít thấy, nước
quỉ La sát ở đâu? Gió lớn hay gió đen muốn chỉ cái gì? Chỗ này có lần
Tướng công Vu Địch hỏi Thiền sư Đạo Thông vốn đắc pháp với Mã Tổ:
- Thế nào là gió đen thổi thuyền bè trôi dạt vào nước quỉ La sát?
Thiền sư Đạo Thông không giải thích theo danh từ chữ nghĩa, mà bảo:
- Cái gã khách Vu Địch này hỏi việc ấy làm gì?
Một ông Tướng bị gọi lại tên như bị hạ bệ vậy, thì ông liền tự ái, đỏ mặt, Đạo Thông liền chỉ vô mặt nói:
- Chính cái đó là trôi dạt vào nước quỉ La sát.
Tâm đang bình thường, an ổn bị gió sân thổi thì trôi vào chỗ nguy
haiï, chết chóc liền, chỗ đó mà không dừng được là rất nguy hiểm, không
phải trôi vào chỗ quỉ La sát sao? Nếu ngay đó niệm Quan Âm, một lòng
không động, tức dừng cái tưởng, bặt niệm lăng xăng thì qua khỏi nạn
liền, đâu còn sân hận. Như vậy thấy rõ nước quỉ La sát đó ở khắp nơi
trước mắt mình đây, bất giác thì gặp liền.
Thêm niệm Quán Âm thì dao gậy đều bị gãy hết, rồi quỉ Dạ xoa, La sát
muốn nhìn không còn dùng mắt dữ nhìn nữa, mà thành ra bà con bạn bè
hết dữ dằn. Dao gậy tức là niệm đấu tranh đó. Nếu niệm Quan Âm nhất tâm
thì những niệm đấu tranh đâu còn đến được chỗ đó, thì đều gãy hết
thôi.
Còn quỉ dữ là những niệm ác, nhưng bây giờ niệm đến nhất tâm rồi
những niệm đó cũng đâu còn, nó được chuyển hết. Gông cùm, xiềng xích là
niệm dính mắc chỗ này chỗ kia. Nhất tâm rồi nó cởi mở hết.
Và trong khi đi buôn, trong những đường hiểm trở, gặp kẻ oán tặc,
niệm Quán Thế Âm cũng qua được. Đường hiểm là đường hiểm sanh tử, lo
sợ. Niệm oán tặc là niệm thù hận đó. Mình niệm Quán Thế Âm nhất tâm bặt
tưởng rồi thì cũng qua hết.
Cho nên theo tiếng mà khởi tưởng thì đi vào khổ nạn, đi vào lo sợ,
còn quên tiếng, lìa tưởng, lìa danh đó để sống về tự tánh thì sẽ thoát
được các khổ.
CHÁNH VĂN:
Nếu có chúng sinh nào nhiều lòng dâm dục, thường cung kính niệm
Quán Thế Âm Bồ Tát, liền đặng ly dục. Nếu người nhiều ngu si, thường
cung kính niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, liền đặng lìa ngu si.
Vô Tận Ý! Quán Thế Âm Bồ Tát có những sức oai thần lớn, nhiều
lợi ích như thế, cho nên chúng sanh thường phải một lòng tưởng nhớ.
Nếu có người nữ, giả sử muốn cầu con trai, lễ lạy cúng dường
Quán Thế Âm Bồ Tát, liền sanh con trai phước đức trí huệ; giả sử muốn
cầu con gái, bèn sanh con gái có tướng xinh đẹp, trước đã trồng cội
phước đức, mọi người đều kính mến.
Vô Tận Ý! Quán Thế Âm có sức thần như thế.
Nếu có chúng sanh cung kính lễ lạy Quán Thế Âm Bồ Tát, thời
phước đức chẳng luống mất. Cho nên chúng sanh đều phải thọ trì danh
hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát.
Vô Tận Ý! Nếu có người thọ trì danh tự của sáu mươi hai ức hằng
hà sa Bồ Tát, lại trọn đời cúng dường đồ ăn uống, y phục, giường nằm,
thuốc thang. Ý ông nghĩ sao? Công đức của người thiện nam tử, thiện nữ
nhơn đó có nhiều chăng?
Vô Tận Ý thưa: "Bạch Thế Tôn! Rất nhiều". Phật nói: "Nếu lại có
người thọ trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, nhẫn đến một thời lễ lạy
cúng dường, thời phước của hai người đó bằng nhau không khác, trong
trăm nghìn muôn ức kiếp không thể cùng tận.
Vô Tận Ý! Thọ trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát đặng vô lượng vô biên phước đức lợi ích như thế.
GIẢNG:
Đây là thọ trì danh hiệu Bồ Tát
Quán Thế Âm lìa cả tham, sân si. Có nhiều tham dục, niệm thì cũng được
lìa dục. Giận hờn niệm Quán Thế Âm cũng được lìa lòng giận. Nhiều ngu
si niệm Quán Thế Âm cũng lìa ngu si. Đây rất rõ ràng, mình theo tưởng
mà quên tự tánh là si, rồi theo cái tưởng đó mà sanh tình, khởi tham,
tham không được thì sân. Còn đây mình dừng tưởng, trở về tự tánh là lìa
tham, sân, si.
Tiếp là cầu con trai được con trai, cầu con gái được con gái. Nếu
mình nhất tâm trở về tự tánh thì kết quả được như ý, công đức trí tuệ
theo đó mà thanh tịnh gọi là cầu liền được. Chuyện Ngài Huệ Nam, cứ mỗi
lần tham vấn Ngài Từ Minh đều bị mắng chửi. Ngài buồn tủi, hổ thẹn,
hôm đó Ngài nhìn hai bên mà nói rằng:
- Bây giờ chính vì chưa hiểu cho nên mới cầu giải quyết các nghi ngờ, còn mắng chửi đâu phải là qui củ của từ bi thí pháp.
Ngài Từ Minh cười bảo: Đó là mắng chửi sao?
Thì ngay đó Huệ Nam liền tỉnh ngộ, mới thấy chính cái đó là khai
thị. Vì mình nghe chửi mắng thì theo tiếng đó thôi, nên tưởng đó là
mắng chửi thành khổ, thành có sân, có si trong đó. Còn khi Ngài Từ Minh
bảo đó là mắng chửi sao? Ngay đó Ngài tỉnh lại lìa tướng, thì tỉnh ngộ
liền. Khi ngộ trở lại thì liền giải thoát, hết có niệm buồn, khổ, sân.
Vậy niệm Quán Âm phải hiểu ý đó.
Rồi thọ trì danh hiệu 62 ức hằng sa Bồ Tát, dùng cả tứ sự cúng dường
so với người niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm nhẫn đến một thời lễ
lạy cúng dường, phước hai bên bằng nhau, quí vị tin nổi không? Niệm
danh hiệu của 62 ức Bồ Tát tức là theo danh bên ngoài, hướng ra bên
ngoài để tu, thì mất công phu rất nhiều. Còn niệm Bồ Tát Quán Âm nghĩa
là soi trở về tự tánh, quên danh, quên tướng, thì sẽ ít tốn công phu mà
được lợi ích lớn. Cho nên trong đây muốn ngầm ý trở về tự tánh mình,
quên cái niệm là một, là nhiều sai biệt. Vì mình còn thấy niệm nhiều
danh hiệu Bồ Tát là có phước nhiều, còn đây niệm một Bồ Tát là ít, đó
là còn niệm "một, nhiều" sai biệt. Còn đây mình quay về tự tánh, quên
niệm sai biệt đó khi trở về tự tánh, rõ tự tánh rồi thì bao nhiêu Bồ
Tát cũng trở về chỗ đó thôi. Do đó quên niệm sai biệt đó, thì công đức
ngang nhau.
CHÁNH VĂN:
Ngài Vô Tận Ý Bồ Tát bạch Phật rằng: "Thế Tôn! Quán Thế Âm Bồ Tát
dạo đi trong cõi Ta Bà như thế nào? Nói pháp cho chúng sanh như thế
nào? Sức phương tiện việc đó thế nào?".
Phật bảo Vô Tận Ý Bồ Tát: "Thiện nam tử! Nếu có chúng sanh trong
quốc độ nào đáng dùng thân Phật đặng độ thoát, thời Quán Thế Âm Bồ Tát
liền hiện thân Phật mà vì đó nói pháp.
Người đáng dùng thân Duyên Giác đặng độ thoát, liền hiện thân Duyên Giác mà vì đó nói pháp.
Người đáng dùng thân Thanh Văn đặng độ thoát, liền hiện thân Thanh Văn mà vì đó nói pháp.
Người đáng dùng thân Phạm Vương đặng độ thoát, liền hiện thân Phạm Vương mà vì đó nói pháp.
Người đáng dùng thân Đế Thích đặng độ thoát, liền hiện thân Đế Thích mà vì đó nói pháp.
Người đáng dùng thân Tự Tại Thiên đặng độ thoát, liền hiện thân Tự Tại Thiên mà vì đó nói pháp.
Người đáng dùng thân Đại Tự Tại Thiên đặng độ hoát, liền hiện thân Đại Tự Tại Thiên mà vì đó nói pháp.
Người đáng dùng thân Thiên Đại Tướng Quân đặng độ thoát, liền hiện thân Thiên Đại Tướng Quân mà vì đó nói pháp.
Người đáng dùng thân Tỳ Sa Môn đặng độ thoát, liền hiện thân Tỳ Sa Môn mà vì đó nói pháp.
Người đáng dùng thân Tiểu Vương đặng độ thoát, liền hiện thân Tiểu Vương mà vì đó nói pháp.
Người đáng dùng thân Trưởng Giả đặng độ thoát, liền hiện thân Trưởng Giả mà vì đó nói pháp.
Người đáng dùng thân Cư sĩ đặng độ thoát, liền hiện thân Cư sĩ mà vì đó nói pháp.
Người đáng dùng thân Tể quan đặng độ thoát, liền hiện thân Tể quan mà vì đó nói pháp.
Người đáng dùng thân Bà La Môn đặng độ thoát, liền hiện thân Bà La Môn mà vì đó nói pháp.
Người đáng dùng thân Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di
đặng độ thoát, liền hiện thân Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di
mà vì đó nói pháp.
Người đáng dùng thân phụ nữ của Trưởng Giả, Cư sĩ, Tể quan, Bà
La môn đặng độ thoát, liền hiện thân phụ nữ đó vì đó mà nói pháp.
Người đáng dùng thân đồng nam, đồng nữ đặng độ thoát, liền hiện thân đồng nam, đồng nữ mà vì đó nói pháp.
Người đáng dùng thân Trời, Rồng, Dạ xoa, Càn thát bà, A tu la,
Ca lâu la, Khẩn na la, Ma hầu la già, nhơn cùng phi nhơn đặng độ thoát,
liền đều hiện ra mà vì đó nói pháp.
Người đáng dùng thân Chấp Kim Cang thần đặng độ thoát, liền hiện Chấp Kim Cang thần mà vì đó nói pháp.
Vô Tận Ý! Quán Thế Âm Bồ Tát đó thành tựu công đức như thế, dùng
các thân hình, dạo đi trong các cõi nước để độ thoát chúng sanh, cho
nên các ông phải một lòng cúng dường Quán Thế Âm Bồ Tát.
Quán Thế Âm Đại Bồ Tát đó ở trong chỗ nạn gấp sợ sệt hay ban sự vô úy, cho nên cõi Ta bà này đều gọi Ngài là vị "Thí Vô Úy".
GIẢNG:
Đây gọi là 32 ứng thân của Bồ Tát Quán Thế Âm cần hiện thân gì độ, thì
hiện thân đó ra mà độ. Vậy thân nào là thân thiệt của Ngài? Đây là ý
nghĩa ngay nơi sanh tử tức là vô sanh. Thí dụ hiện ra thân người nữ, khi
Ngài hết duyên thân người nữ rồi, thì Ngài ẩn, hiện ra thân khác, thân
đồng nam chẳng hạn.
Vậy khi hiện thân người nữ thì thấy là sanh, có sanh ra, mà khi ẩn
là diệt nhưng trong đó, cái gì là sanh? cái gì là diệt? Đó là Ngài tạm
hiện thân thôi, chưa phải là thân thật của Ngài. Nếu thật diệt rồi thì
làm sao hiện thân khác được? Cho thấy rõ, hiện thân này, thân kia, đó
là tướng huyễn hóa thôi, ngay khi sanh đó không thật sanh, ngay nơi
diệt đó không thật diệt, thì ngay đó là vô sanh rồi. Quý vị thấy cái
tưởng của mình giống vậy không? Mới tưởng này rồi diệt qua tưởng khác.
Vậy cái tưởng nào là cái tưởng của mình, chỉ ra xem? Khi một cái tưởng
hiện ra tức là sanh, nó mất đi là diệt mà nếu thật diệt rồi thì làm sao
tưởng khác được? Ngay nơi cái tưởng đó thấy nghĩa vô sanh rồi. Cho nên
tuy có hiện có ẩn mà không mất đi đâu.
Đây muốn thấy Ngài Quán Thế Âm, phải khéo vượt qua những tướng đó,
thầm ngộ trở về tự tánh pháp thân, thì mới thấy được tướng thật của
Ngài, và thể nhập đó là thể nhập vô sanh. Vì vậy vô sanh không phải một
bề chết lặng, mà tùy duyên ứng hiện. Cũng vậy không phải mình phá được
tưởng, thành ra không còn hiểu biết gì hết. Lúc đó nó biết còn nhanh,
còn bén nữa, vì nó không còn mắc kẹt trong tướng sanh diệt. Thường cái
tưởng của mình có giới hạn, ngồi đây mình tưởng về Sài Gòn, khi mình
tưởng về Sài Gòn, chỉ nhớ Sài Gòn thôi, không nhớ chỗ khác được, hoặc
nhớ đến lúc năm ba tuổi thôi. Nhưng khi dừng vọng tưởng, sống về tự
tánh, nó thành diệu trí rồi, thì nó nhớ còn vi diệu hơn. Khi Phật thành
đạo Ngài nhớ đến vô lượng kiếp. Bây giờ mình hôm nay mà nhớ hôm qua,
thấy đó là vọng tưởng rồi. Còn lúc đó Ngài nhớ vô lượng kiếp nữa mà
không vọng tưởng, nhớ trong sáng suốt. Mình nhớ hôm qua thì quên mất
tướng hiện tiền hôm nay nên thành vọng tưởng, còn Ngài nhớ bằng trí nên
nhớ mà vẫn sáng suốt không lầm mê, vẫn ở trong chánh giác. Hiểu được
như vậy thì mọi tướng hiện ra đó là huyễn hóa hết. Ngay tướng sanh đó
mình rõ được vô sanh, ngay sanh tức là vô sanh.
Chính chỗ này Tiệm Nguyên cùng Ngài Đạo Ngô đi điếu tang, đến nhà
thí chủ, khi đến quan tài, Tiệm Nguyên vỗ quan tài, nói: Đây sanh ư, tử
ư?
Thì Ngài Đạo Ngô nói:
- Sanh cũng chẳng nói, tử cũng chẳng nói.
Tiệm Nguyên hỏi: Tại sao không nói? Đạo Ngô bảo: không nói là không
nói. Sau đó hai thầy trò đi về giữa đường, Tiệm Nguyên chịu hết nổi,
thưa với Ngài Đạo Ngô:
- Hòa thượng phải vì con mà nói, nếu không nói con đánh Hòa thượng.
Ngài Đạo Ngô bảo:
- Đánh thì cứ đánh, nhưng nói thì không nói.
Ngay đó, Tiệm Nguyên liền đánh. Ngài Đạo Ngô bảo:
- Vậy thôi ông hãy tìm một chỗ ông ẩn, nếu về chùa, tri sự biết được việc này e không tốt cho ông.
Sau đó Tiệm Nguyên tìm ngôi chùa nhỏ trong thôn ở, một hôm nghe vị
Tăng tụng phẩm Phổ Môn này đến chỗ: "Đáng dùng thân Tỳ kheo đặng độ
thoát, liền hiện thân Tỳ kheo mà vì nói pháp". Sư liền ngộ, thấy được ý
sanh ư, tử ư.
Hỏi sanh ư? Tử ư? Là Tiệm Nguyên còn mắc kẹt trong đầu hai ý niệm
sanh tử, còn Ngài Đạo Ngô nói: "sanh chẳng nói, tử cũng chẳng nói". Hỏi
"tại sao chẳng nói", Ngài nói: Chẳng nói là chẳng nói. Bởi sanh tử
không thật, làm sao nói cố định là sanh hay cố định là tử. Nếu nói cố
định là sanh, cố định là tử thì mình mắc kẹt trong cái ngã giả dối này
rồi. Nếu người lanh lợi ngay đó ngộ liền, sanh tử vốn là vô sanh, đâu
nói là sanh hay tử. Tiệm Nguyên không ngộ, cứ nghi chỗ đó hoài, giữa
đường bức ép ngài Đạo Ngô nói, nhưng ngài vẫn không nói để cho Sư thắc
mắc chỗ đó. Đến khi nghe tụng phẩm Phổ Môn này tới chỗ: "đáng dùng thân
Tỳ Kheo đặng độ thoát, thì dùng thân Tỳ kheo mà vì nói pháp", là sanh
nhưng không phải thật sanh, thì ngay đó ngộ liền: Sanh tức vô sanh,
giải quyết xong cái nghi sanh tử.
Nói Bồ Tát Quán Thế Âm ở chỗ nạn gấp sợ sệt ban cho sự "vô úy". Vô
úy tức là không sợ hãi, trong chỗ nạn gấp, chỗ sợ sệt đó, mà mình nhất
tâm niệm Quán Âm lìa tưởng, thì đâu còn sợ sệt.
Thí dụ đang đêm đi qua chỗ nghĩa địa, thì sợ sệt liền, có khi nghe
gì xẹp xẹp sau, tưởng ma, đó rõ ràng là tưởng thôi. Lúc đó nhất tâm
niệm Quán Âm chỉ còn nhớ có danh từ Quán Âm thôi, thì đâu còn tưởng gì
nữa, dứt tưởng thì hết sợ, sợ là do tưởng. Cho nên đây niệm Quán Âm qua
được sợ sệt là như vậy. Thêm một ý nghĩa nữa. Thí dụ trong này mê lầm,
tưởng tượng sai biệt mới sanh ra những cái sợ sệt, chẳng hạn đang đêm
đi xa xa thấy sợi dây tưởng con rắn, liền sợ. Nhưng khi đốt đèn lên
thấy rõ sợi dây là hết sợ. Cũng vậy do cái chấp sai lầm cho nên tưởng
thân mình là thiệt, cảnh là thiệt, rồi tạo thành những khổ sở, sợ sệt
này nọ. Nếu dùng con mắt trí tuệ nhìn trở lại đúng như thật: Thân này
nó không phải thật là mình, cảnh là tướng vô thường sanh diệt thôi,
không lầm lẫn nữa là giải thoát được cái đau khổ, sợ sệt của thế gian.
Bồ Tát Quán Thế Âm bố thí vô úy là như vậy.
CHÁNH VĂN:
Vô Tận Ý Bồ Tát bạch Phật: "Thế Tôn! Con nay phải cúng dường
Quán Thế Âm Bồ Tát". Liền mở chuỗi ngọc bằng các châu báu nơi cổ giá
trị trăm nghìn lượng vàng, đem trao cho Ngài Quán Thế Âm mà nói rằng:
"Xin Ngài nhận chuỗi trân bảo pháp thí này".
Khi ấy Quán Thế Âm Bồ Tát chẳng chịu nhận chuỗi. Ngài Vô Tận Ý
lại thưa cùng Quán Thế Âm Bồ Tát rằng: "Xin Ngài vì thương chúng tôi mà
nhận chuỗi ngọc này".
Bấy giờ, Phật bảo Quán Thế Âm Bồ Tát: "Ông nên thương Vô Tận Ý
Bồ Tát này và hàng tứ chúng cùng Trời, Rồng, Dạ xoa, Càn thát bà, A tu
la, Ca lâu la, Khẩn na la, Ma hầu la dà, nhơn và phi nhơn… mà nhận
chuỗi ngọc đó".
Tức thời Quán Thế Âm Bồ Tát thương hàng tứ chúng và Trời, Rồng,
nhơn, phi nhơn… mà nhận chuỗi ngọc đó chia làm hai phần: một phần dâng
đức Thích Ca Mâu Ni Phật, một phần dâng tháp của Phật Đa Bảo.
Vô Tận Ý! Quán Thế Âm Bồ Tát có sức thần tự tại như thế, dạo đi nơi cõi Ta bà".
GIẢNG:
Đây Ngài Vô Tận Ý mở chuỗi ngọc, dâng lên Bồ Tát Quán Thế Âm, nhưng Bồ
Tát không nhận, sau đó Phật bảo, Ngài mới nhận nhưng Ngài nhận là vì
tất cả tứ chúng. Vậy cởi chuỗi ngọc đó là cởi cái gì? Đó là cởi những
cái tưởng quí báu, tưởng cao siêu. Xả những công đức đã đeo mang từ lâu
đó. Ngài Vô Tận Ý cởi đó dâng cho Bồ Tát Quán Âm, mà Bồ Tát Quán Âm
không chịu nhận, bởi vì còn thấy có dâng, còn thấy có nhận là chưa tự
tại. Còn thấy có người dâng cho, có nhận, vậy làm sao tự tại, làm sao
quán khắp thế gian được, gọi là Quán Thế Âm? Khi Phật bảo: "Thôi ông vì
thương Bồ Tát Vô Tận Ý cũng như hàng tứ chúng mà nhận". Thì bây giờ Bồ
Tát Quán Âm thương hàng tứ chúng mới nhận chuỗi ngọc đó, vậy nhận
không vì "ta nhận", mà vì tứ chúng thôi, nhưng nhận rồi thì chia hai
dâng lên cho đức Phật Thích Ca và tháp Phật Đa Bảo. Đây muốn nói lìa
cái tưởng là pháp thân là ứng thân sai biệt tách rời nhau. Phật Đa Bảo
chỉ cho pháp thân, Phật Thích Ca chỉ ứng thân, còn có cái tưởng đây là
pháp thân, đây là ứng thân tách rời nhau tức cũng còn nằm trong niệm
sai biệt. Cho nên đây chia hai cùng dâng lên hai đức Phật hết. Chính đó
mới rõ được Thể và Dụng không có hai. Bởi vì pháp thân là chỉ cho thể,
ứng thân là dụng, thể dụng không hai thì ứng dụng được tự tại, còn
chia ra đây là thể, kia là dụng, làm sao được tự tại.
CHÁNH VĂN:
Lúc đó Bồ Tát Vô Tận Ý nói kệ hỏi Phật:
Thế Tôn đủ tướng tốt
Con nay lại hỏi kia
Phật tử nhơn duyên gì
Tên là Quán Thế Âm
Đấng đầy đủ tướng tốt
Kệ đáp Vô Tận Ý
Ông nghe hạnh Quán Âm
Khéo ứng các nơi chỗ
Thệ rộng sâu như biển
Nhiều kiếp chẳng nghĩ bàn
Hầu nhiều nghìn ức Phật
Phát nguyện thanh tịnh lớn.
GIẢNG:
Thuật lại Bồ Tát Quán Âm đó khéo ứng thân nơi các chỗ và theo hầu nhiều
đức Phật, Ngài phát nguyện lớn thanh tịnh, khéo ứng thân các nơi, chỗ
nào cũng đến được. Nếu khéo nhận, ở chỗ nào cũng gặp được Bồ Tát Quán
Thế Âm.
Ta vì ông lược nói
Nghe tên cùng thấy thân
Tâm niệm chẳng luống qua
Hay diệt khổ các cõi
Tức là nghe tiếng mình nhớ lại tự tánh thì dừng được tưởng, qua được
khổ, cho nên nghe tên hay thấy thân, tâm niệm chẳng luống qua hay khiến
diệt được khổ các cõi.
Giả sử sanh lòng hại
Xô rớt hầm lửa lớn
Do sức niệm Quán Âm
Hầm lửa biến thành ao
Hoặc trôi dạt biển lớn
Các nạn quỉ, cá, rồng
Do sức niệm Quán Âm
Sóng mòi chẳng chìm đặng
Đây nói rằng mình dừng được tưởng, xoay về tự tánh đó thì qua khỏi những nạn nước nạn lửa, lửa không cháy, nước không chìm.
Hoặc ở chót Tu Di
Bị người xô rớt xuống
Do sức niệm Quán Âm
Như mặt nhựt treo không
Hoặc bị người dữ rượt
Rớt xuống núi Kim Cang
Do sức niệm Quán Âm
Chẳng tổn đến mảy lông.
Đây nói nếu bặt tưởng quên ngã, thì qua được khổ không còn chỗ rơi. Núi
Tu Di là chỗ ngã mạn to mà bị rớt xuống, do sức niệm Quan Âm, thì
giống như rớt trong không, tức là bặt tưởng, quên ngã, thì rơi chỗ nào?
Có gì rơi? Cũng giống như rơi trong không thôi, còn thấy có ngã thì có
khổ liền. Rồi bị người dữ rượt rớt xuống núi Kim Cang, cũng vậy, nếu
quên cái ngã tưởng, thì có gì tổn hại.
Hoặc gặp oán tặc vây
Đều cầm dao làm hại
Do sức niệm Quán Âm
Đều liền sanh lòng lành
Hoặc bị khổ nạn vua
Khi hành hình sắp chết
Do sức niệm Quán Âm
Dao liền gãy từng đoạn
Hoặc tù cấm xiềng xích
Tay chân bị gông cùm
Do sức niệm Quán Âm
Tháo rã đặng giải thoát
Nguyền rủa các thuốc độc
Muốn hại đến thân đó
Do sức niệm Quán Âm
Trở lại nơi bổn nhơn.
Đây là quên được niệm thù hận, đấu tranh, hơn thua, soi trở về tự tánh thì qua được những cái khổ này.
Hoặc gặp La sát dữ
Rồng độc các loài quỉ
Do sức niệm Quán Âm
Liền đều không dám hại
Hoặc thú dữ vây quanh
Nanh vút nhọn đáng sợ
Do sức niệm Quán Âm
Vội vàng bỏ chạy thẳng
Rắn độc cùng bò cạp
Hơi độc khói lửa đốt
Do sức niệm Quán Âm
Theo tiếng tự bỏ đi
Mây sấm nổ sét đánh
Tuôn giá, xối mưa lớn
Do sức niệm Quán Âm
Liền đặng tiêu tan cả.
Đây là bặt những niệm ác hại, những niệm đối nghịch, chỉ nhất tâm quay trở về nơi tự tánh liền qua được hết khổ này.
Chúng sanh bị khổ ách
Vô lượng khổ bức thân
Quán Âm sức trí diệu
Hay cứu khổ thế gian
Đầy đủ sức thần thông
Rộng tu trí phương tiện
Các cõi nước mười phương
Không cõi nào chẳng hiện
Tức là chúng sanh bị vô lượng khổ làm bức thân mình, nhưng do sức trí
diệu của Quán Âm đó hay cứu khổ cho hết. Bây giờ sức trí diệu Quán Âm đó
là sức nào mà hay cứu khổ những cái đó? Trong nhà thiền có câu chuyện:
Có vị Tăng hỏi Ngài Qui Tông:
- Thế nào là sức trí diệu Quán Âm?
Ngài Qui Tông gõ cái đỉnh ba tiếng hỏi:
- Ông có nghe chăng?
Vị Tăng đó đáp:
- Dạ nghe.
Ngài Qui Tông bảo:
- Sao ta chẳng nghe?
Ông Tăng không đáp được, Sư đánh đuổi ra.
Hỏi sức trí diệu Quán Âm, Ngài gõ cái đỉnh ba tiếng hỏi: "nghe
chăng?" Ông Tăng đáp: nghe. Ngài nói: "sao ta không nghe". Vậy quý vị
thấy sức trí diệu ở chỗ nào? Ông tăng nghe gõ ba tiếng thì theo tiếng
mà nghe, quên mất chính mình, cho nên Ngài nói: sao ta chẳng nghe? Đó
là muốn nhắc ông Tăng, nghe đó phải nhớ lại chính mình, thì đó là sức
trí diệu Quán Âm, mới qua hết mọi khổ, còn theo tiếng đó mà nghe là bị
khổ, nhưng ông Tăng không tỉnh được, nên Ngài mới đánh đuổi ra.
Sức trí diệu là như vậy, còn mình không hiểu, theo danh từ giải hoài không thấy.
Rộng tu trí phương tiện
Các cõi nước mười phương
Không cõi nào chẳng hiện
Theo phương tiện, Ngài hiện khắp mười phương không cõi nào mà không
có hiện. Nói rõ hơn thì cõi nào cũng hiện hết, vậy ngay đây có hiện
không? Tức nghe tiếng gió, nghe tiếng chim, nghe tiếng trống gì đều có
hiện cả, nếu mình khéo nghe trở lại.
Các loài trong đường dữ
Địa ngục, quỉ, súc sanh
Sanh, già, bệnh, chết, khổ
Lần đều khiến dứt hết
Trở về tự tánh thì qua được khổ này, cả khổ địa ngục, súc sanh, tức là trong ba đường dữ.
Chơn quán thanh tịnh quán
Trí huệ quán rộng lớn
Bi quán và từ quán
Thường nguyện thường chiêm ngưỡng
Sáng thanh tịnh không nhơ
Huệ nhựt phá các tối
Hay tiêu tai khói lửa
Khắp soi sáng thế gian
Đây quán chân thật, quán thanh tịnh, quán trí tuệ rộng lớn, quán từ quán bi.
Rồi trong đó sáng thanh tịnh, không nhơ, giống như mặt trời trí tuệ
phá các tối. Quán Âm là quán như vậy, chính chỗ này là chỗ Ngài thổ lộ
rõ ràng, nhưng nhiều khi đọc chữ nghĩa không thấy. Quán chân, quán
thanh tịnh, quán trí tuệ rộng lớn, quán từ bi đó là cái gì? Đó là lìa
tưởng, trở về tánh, nếu có tướng thì hết thanh tịnh, hết chân thật rồi.
Tánh chân thật đó vốn sáng suốt đâu có nhơ.
Lòng bi răn như sấm
Ý từ diệu dường mây
Xối mưa pháp cam lồ
Dứt trừ lửa phiền não
Lòng bi như sấm nổ, bây giờ có ai nghe được? Tâm từ nó bủa khắp, có ai
cảm được? Tại sao không nghe được, không cảm được trong khi nó vang như
sấm, nó bủa khắp hết? tại vì còn đang sống theo tưởng thôi. Còn nếu
cảm được cái đó thì dứt trừ lửa phiền não.
Cãi kiện qua chỗ gian
Trong quân trận sợ sệt
Do sức niệm Quán Âm
Cừu oán đều lui tan
Diệu Âm, Quán Thế Âm
Phạm Âm, Hải Triều Âm
Tiếng hơn thế gian kia
Cho nên phải thường niệm.
Diệu Âm là tiếng nhiệm mầu, Quán Thế Âm là quán tiếng của thế gian.
Phạm Âm là tiếng thanh tịnh. Hải triều âm là tiếng sóng biển nó vang
không dừng.
Vậy tiếng gì là tiếng nhiệm mầu, tiếng thanh tịnh, tiếng hải triều?
Đó là tiếng không lời ở nơi mình, nghĩa là vượt khỏi căn và trần này,
không còn mất kẹt nơi căn, không còn mắc kẹt nơi trần thì mới nghe được
tiếng đó. Cho nên ở đây thường niệm luôn luôn, nhớ chỗ đó không quên,
được như vậy đó là không theo tiếng mà mất mình.
Niệm niệm chớ sanh nghi
Quán Âm bực tịnh thánh
Nơi khổ não nạn chết
Hay vì làm nương cậy
Đủ tất cả công đức
Mắt lành trông chúng sanh
Biển phước lớn không lường
Cho nên phải đảnh lễ.
Đây kết lại, Quán Âm đó là bậc thánh thanh tịnh, nơi mọi khổ não hay
làm chỗ nương tựa. Nếu mình khéo dừng tưởng trở về tự tánh, thì đó là
chỗ nương tựa qua khổ, trong đó đủ tất cả công đức. Mắt lành trông chúng
sanh là trông sao? Tức là quên cái niệm ta, quên cái niệm người, không
còn thấy có ta, không còn thấy có người, chỉ có tâm từ đó mà nhìn tất
cả thôi. Bởi vì sống trong tri kiến Phật thì thấy ai ai cũng có tri
kiến Phật, không còn thấy có mình khác, có người khác, thì mới dùng
được con mắt từ mà nhìn chúng sanh. Nếu dùng con mắt từ mà nhìn chúng
sanh thì sao? Bớt khổ liền.
CHÁNH VĂN:
Bấy giờ, Ngài Trì Địa Bồ
Tát liền từ chỗ ngồi đứng dậy đến trước Phật bạch rằng: "Thế Tôn! Nếu
có chúng sanh nào nghe phẩm Quán Thế Âm Bồ Tát đạo nghiệp tự tại, Phổ
Môn thị hiện sức thần thông này, thời phải biết công đức người đó chẳng
ít".
Lúc Phật nói phẩm Phổ Môn này, trong chúng có tám muôn bốn nghìn
chúng sanh đều phát tâm Vô đẳng đẳng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
GIẢNG:
Bây giờ Bồ Tát Trì Địa, từ chỗ ngồi đứng dậy, đến trước Phật bạch
rằng: Nếu có chúng sanh vào nghe phẩm này, thời phải biết công đức của
người đó rất là lớn, không ít! Tại sao đến đây Bồ Tát Trì Địa đứng dậy?
Trì là giữ gìn, Địa là đất. Giữ gìn đất tâm. Bồ Tát Trì Địa tu công
hạnh thường đi chỗ nào đất lồi lõm thì Ngài ban, sửa cho nó bằng phẳn.
Ngầm nhắc mọi người phải soi về đất tâm của mình, hễ tâm bình thì thế
giới bình. Nếu cứ lo bình bên ngoài thì không bao giờ bình nổi. Soi lại
tâm mình đó, rõ được chỗ chân thật thì thấy rõ mình với mọi người đều
có lẽ thật đó, mới có thông cảm thì mới bình được. Sống trở về tự tâm,
thì đâu cũng là cửa Phổ Môn tự tại. Khi Phật nói phẩm Phổ Môn này,
trong chúng có tới 84000 chúng sanh phát tâm Vô đẳng đẳng vô thượng
chánh đẳng chánh giác. Tâm đó ở đâu mà phát? Thường người tu hướng về ở
đâu đâu mà phát tâm Vô thượng Bồ đề, quên mất tâm đó ở nơi mình, nhớ
mình có tâm thật đó, tin chắc mình có tâm thật sáng ra tức là phát tâm
chứ gì. Có người nghĩ rằng tâm Vô thượng chánh đẳng chánh giác đó tức
là tâm của Phật. Mình phát tâm là hướng về Phật, đó là hiểu theo chữ
nghĩa rồi. Sự thật tâm Vô thượng chánh đẳng chánh giác là tâm giác ngộ
hằng hữu, không bao giờ gián đoạn, tâm đó ngay cái thấy nghe hiểu biết
của mình ở đây, không đâu khác hết. Vậy ở đây, ai không phát tâm được?
Cửa này là cửa Phổ Môn rộng khắp đâu có chừa ai ?
Nguồn: TV Thường Chiếu