Phật
giáo Việt Nam đang chuyển mình ra sao, quá khứ được cảm nhận như thế
nào trong tư duy của con người hiện đại? Phật giáo và dân tộc là mối
tương quan, đồng hành, hứa hẹn hơn bao giờ hết niềm tin hướng thiện gắn
liền với vận mệnh của một dân tộc.
VHPGVN xin giới thiệu đến quý độc giả bài phỏng vấn Hoà thượng Thích Trí Quảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
VHPGVN:
Với cương vị là một vị giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam,
kính xin Hòa thượng cho biết cách nhìn của Hòa thượng về tình hình đổi
thay của Phật giáo nước nhà hiện nay?
HT. Thích Trí Quảng:
Điều mà tôi nhìn thấy là tăng ni trẻ có được sự học rộng so với thời
trước, có thể thích ứng được với hoàn cảnh hiện tại. Ngược lại, các vị
tôn túc lại đặt nặng về vấn đề tu hành, về giới luật, cho nên ít nhiều
có những mâu thuẫn giữa lớp trẻ và lớp già. Do đó các ngài chưa dám giao
lại sự lãnh đạo giáo hội cho thế hệ kế tiếp. Tôi vẫn có ý muốn là làm
sao cho lớp lớn tuổi hiểu được lớp trẻ, và bồi đắp cho họ thêm một số về
kinh nghiệm tâm linh, để họ nhìn cuộc đời được sáng suốt hơn, để họ
tiếp nối sự lãnh đạo giáo hội trong giai đoạn mới này tốt hơn. Các vị
lãnh đạo giáo hội đương thời hầu hết tuổi đời đã trên 70, cho nên mặc
dầu uy tín có, nhưng sức lực kém. Nếu kết hợp được uy tín của chư tôn
túc trưởng lão và năng lực và lòng nhiệt huyết của tăng ni trẻ thì chắc
chắn Phật giáo sẽ thích nghi được với xã hội đương đại và phát triển hơn
nữa.
VHPGVN: Trong suốt chiều dài lịch sử, Phật giáo Việt Nam
luôn thể hiện tinh thần “hộ quốc, an dân”, “đồng hành cùng dân tộc”.
Xin Hòa thượng cho biết những giá trị tinh thần đó, cụ thể là qua đại lễ
Phật giáo kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, đang được thể hiện như
thế nào trong những sinh hoạt của Giáo hội hiện nay?
HT. Thích Trí Quảng:
Điều may mắn của chúng ta là trong lịch sử Phật giáo luôn đồng hành
cùng dân tộc, đặc biệt nhất là tinh thần hộ quốc an dân đời Lý - Trần
với cái nhìn sáng suốt của các bậc Thiền sư ngộ đạo, với niềm tin trong
sáng của các vua tôi thời bấy giờ. Có thể nói đó là thời vàng son rất
hiếm có lại trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Năm nay, chúng ta kỷ niệm 1000 năm Thăng Long lịch sử, cũng là kỷ niệm
1000 năm Thiền sư Vạn Hạnh có những sắp đặt thuận lý, thuận lòng người
là đưa Lý Công Uẩn vào vai trò lãnh đạo một quốc gia, đưa những giá trị
Phật giáo đi vào đời sống. Đây là một sự kiện văn hóa - lịch sử lớn của
đất nước, đồng thời là một dịp vô cùng quý giá đối với Phật giáo, làm
cho giới Phật giáo đương đại có cái nhìn sâu sắc hơn về lịch sử truyền
thống của cha ông. Để từ truyền thống đó, có những giải pháp cho hôm
nay, đặc biệt là cách Phật giáo đi vào đời sống như thế nào cho thích
hợp, xứng đáng kế thừa vị trí quan trọng trong lòng của dân tộc, tỏ rõ
đặc điểm đồng hành, đồng sự, những chia sẻ thiết thực với lợi ích của
đất nước, yêu cầu của thời đại.
VHPGVN: Kính
bạch Hòa thượng, thực tế, Phật giáo đang vận động trong xu thế hội nhập
chung của đất nước và của Phật giáo thế giới. Theo Hòa thượng, đâu là
những thách thức chủ yếu trong quản lý và điều hành Giáo hội?
HT. Thích Trí Quảng:
Vấn đề hội nhập, đương nhiên Phật giáo chúng ta chủ trương tuệ giác, tu
chứng để nhìn thấy cuộc sống thực mà dấn thân vào đời. Tuy nhiên ngày
nay, cũng có một số tăng ni vẫn nghĩ theo cách truyền thống, chịu ảnh
hưởng nhiều từ quá khứ, trong đó có những điều không còn thích hợp với
xã hội hiện đại. Hễ cái gì đã không còn thích hợp với hiện tại mà mình
áp đặt lên thế hệ con em mình thì chắc chắn rằng thế hệ trẻ khó chấp
nhận, khó tiếp thu, mặc dù về đạo lý trong lòng họ vẫn quý trọng các bậc
tiền nhân, thế hệ đi trước. Tôi nghĩ thách thức chủ yếu là phải làm sao
có sự hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, phải làm mới giá trị
truyền thống. Điều đó có nghĩa là phải biết chọn lọc những gì cần thiết
làm căn bản cho sự phát triển hôm nay và trong tương lai, chứ không dựa
vào truyền thống, quá khứ để làm cản bước tiến của các Phật sự mang dấu
ấn thời đại.
VHPGVN: Trước
những khủng hoảng về lối sống con người, môi trường sinh thái, theo Hoà
thượng, Phật giáo Việt Nam đã, đang và sẽ làm gì để góp phần vào sự
điều chỉnh chung của toàn xã hội?
HT. Thích Trí Quảng:
Đây là điều mà Phật giáo chúng ta phải có tiếng nói mạnh mẽ. Ngay thời
Đức Phật còn tại thế, ý thức bảo vệ môi trường sống, tôn trọng sự sống
cho người, cho vật, đã được thể hiện trong tinh thần cộng tồn. Truyền
thống đó vẫn kéo dài cho tới ngày nay, nên đối với môi trường sống thì
tăng ni phật tử chúng ta là người tôn trọng cao nhất. Nó hoàn toàn khác
với tư tưởng muốn chinh phục thế giới của châu Âu, châu Mỹ. Tư tưởng đó
từng hủy hoại môi trường sống của loài người, loài vật, làm cho nhiều
loài phải tuyệt chủng, và nay người Âu, Mỹ đã phải nhận thức lại và đã
có những hành động sửa sai. Phật giáo chúng ta không có tư tưởng như
vậy, chúng ta nhận thức thế giới là duyên sinh. Phật giáo luôn chủ
trương thiểu dục tri túc, luôn có ý thức bảo vệ môi trường sinh thái như
bảo vệ mạng sống của chính mình.
Đa
số tu viện Phật giáo được xây dựng trong khuôn viên có sức sống gần gũi
với môi trường nhiều hơn. Như khu đất chùa Huê Nghiêm II, quận 2, rộng
khoảng 20.000m2 nhưng tôi chỉ sử dụng 3.000m2 cho việc xây dựng, còn lại 17.000m2
tôi chủ trương xây dựng hồ, ao và trồng cây xanh để tạo sức sống hài
hòa. Tăng sĩ Phật giáo chủ trương sống thiểu dục tri túc, ăn uống vừa
biết đủ, nên không quá lạm dụng những nhu cầu mà khai thác cạn kiệt tài
nguyên thiên nhiên. Tôi nghĩ, chính đời sống tu hành theo hạnh Phật,
theo giới luật Phật chế đã là cách bảo vệ môi trường sinh thái rồi.
Mỗi
Tăng Ni, Phật tử siêng năng tu tập, giữ gìn giới pháp đã thọ, tạo môi
trường sống tốt lành theo ảnh hưởng của mình, đó là cách tích cực góp
phần điều chỉnh lối sống cũng như môi trường sinh thái theo hướng tốt
lành.
VHPGVN: Kính
bạch Hòa thượng, có một số cảnh báo cho rằng, Phật giáo Việt Nam nên
kịp thời điều chỉnh phương pháp tiếp cận và đưa những giá trị Phật giáo
vào cuộc sống, nếu không muốn trở thành tôn giáo thiểu số trên quê hương
Việt Nam trong một tương lai gần, Hòa thượng nghĩ về điều này như thế
nào?
HT. Thích Trí Quảng:
Tôi không nghĩ bi quan như một số người lo xa, vì tuệ giác của đạo Phật
nhìn nhận thế gian là vô thường. Mọi vật luôn biến đổi, còn hay mất đều
tuân theo định luật vô thường. Tuy nhiên, khi nào Phật giáo phát triển
mạnh thì chúng ta nhìn thấy rõ có những bậc cao tăng, đắc đạo, những
người được quần chúng nhân dân tín ngưỡng, khi đó chúng ta gọi là Phật
giáo thịnh hành. Trong lịch sử Phật giáo đã có thời suy đồi, do tu sĩ
nghèo nàn về kiến thức cũng như đạo đức. Nhưng rồi chúng ta lại có thời
phục hưng qua các phong trào chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ XX. Có thịnh
có suy. Điều quan trọng nhất là chúng ta sống nhịp nhàng theo sự vận
động chung. Chúng ta cần thấy rõ những nguyên nhân thịnh suy để sống một
cách hài hòa, giữ chí hướng thượng một cách kiên định.
VHPGVN: Theo
thống kê của nhà nước thì Phật giáo Việt Nam có khoảng hơn 10 triệu tín
đồ trên tổng số 86 triệu dân, điều này cũng đặt ra những thách thức khi
một số các tôn giáo đẩy mạnh mục đích “cải đạo”, Hòa thượng nhận định
như thế nào về vấn đề này?
HT. Thích Trí Quảng:
Tôi thấy đó là việc bình thường, thống kê của nhà nước là thống kê dân
số, cái này không thể đem đặt vào tín ngưỡng tâm linh được. Có những
người ngày hôm qua họ theo đạo Thiên chúa, nhưng hôm nay họ gặp được vị
cao tăng nào đó thì họ cũng có thể trở thành một vị Phật tử. Nhưng cũng
có vị Phật tử, thuần thành, đóng góp cho đạo rất nhiều mà không may gặp
vị nào đó tu hành không đúng với chánh pháp thì họ trở thành bất mãn rồi
bỏ đạo. Đó là chuyện mà tôi nghĩ nó bình thường. Ngay trong thời Đức
Phật cũng có rất nhiều người ngoại đạo đi theo Đức Phật. Trong lịch sử
Phật giáo Việt Nam, chúng ta cũng có một số vị tu sĩ bỏ đạo đi theo
những đạo khác, rồi đến thời kỳ chấn hưng Phật giáo có không ít người
tôn giáo khác lại theo đạo Phật vì họ nhìn thấy trong Đạo Phật một lý
tưởng sống rất đẹp. Đạo Phật không giống như những tôn giáo khác, không
phải là một tổ chức với những giáo điều, nên chúng ta theo Đạo Phật là
để học những lời dạy của Đức Phật và ứng dụng vào trong cuộc sống. Khi
có niềm tin chân chính như thế, chúng ta thấy đạo Phật là một lẽ sống,
vì lợi ích của lẽ sống mà ta theo chứ không phải theo như một hình thức
nô lệ về tinh thần.
VHPGVN: Nhiều
người nói rằng, Hòa thượng là người luôn giữ được thái độ điềm tĩnh,
hài hòa trước mọi khen chê, có khi nào Hòa thượng bi quan về một điều gì
đó trong công việc cũng như trong cuộc sống?
HT. Thích Trí Quảng:
Tôi nhớ lại trong suốt 60 mươi năm đời tu, chưa bao giờ tôi có những bi
quan, nên tôi luôn có ý thức phấn đấu nhiều hơn. Thí dụ như khi thấy
Phật giáo suy đồi, tăng ni kém đức hạnh, thì tôi nỗ lực tu hành nhiều
hơn, nỗ lực xây dựng lối sống đạo đức của mình nhiều hơn. Khi tôi còn
trẻ, tôi thấy đa số tăng ni ít học thì tôi nỗ lực cho việc học hành,
tăng ni còn sống trong thủ phận thì tôi nỗ lực trong việc hoằng pháp lợi
sanh. Tôi đã dấn thân nhiều trong những giai đoạn khó khăn, nguy hiểm,
nên tôi coi đó là lý tưởng của mình. Nếu không có những chướng duyên như
vậy thì tôi thấy cuộc sống, cái hiện hữu của tôi trên cuộc đời này nó
không có ý nghĩa. Càng có những khó khăn thì tư duy của tôi càng sáng
thêm, để hiểu được lời dạy của Đức Phật một cách rõ ràng hơn.
VHPGVN: Theo Hòa thượng thì đâu là biểu tượng cho tinh thần dấn thân phụng sự đạo pháp của Phật giáo Việt Nam trong thời hiện đại?
HT. Thích Trí Quảng:
Ngày nay, khi chúng ta tiếp xúc với bạn bè trên thế giới, họ thấy được
Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một tổ chức thống nhất, đây là điểm đặc
sắc nhất của Phật giáo Việt Nam. Chúng ta có sự hòa hợp của tất cả các
hệ phái Phật giáo. Cả Nam
truyền và Bắc truyền đều ở chung trong một Giáo hội, thì đây là một
điều hiếm có ở các nước khác. Tính hoà hợp đó được Giáo hội chú ý, đưa
vào nền giáo dục Phật giáo từ trung cấp cho đến đại học (các học viện
Phật giáo Việt Nam
trên ba miền, tăng ni các hệ phái có thể học chung, có điều kiện để
hiểu biết lẫn nhau). Khi làm công tác giáo dục, tôi luôn triển khai về
mặt đồng nhất của Giáo hội, cũng là cái đồng nhất của giáo lý. Khi tôi
giảng Kinh Pháp Hoa cho tăng ni của nhiều hệ phái, tôi thường dẫn phẩm Thí dụ
về “nhà lửa tam giới”. Đó là bài pháp đầu tiên mà Đức Phật nói ở thôn
Ưu Lâu Tần Loa cho ba anh em tôn giả Ca Diếp. Ngài nói rõ rằng, mặc dù
tu viện có 1.000 tu sĩ, nhưng nếu trong thâm tâm của các vị bằng mặt mà
không bằng lòng, thì sẽ đốt cháy hết tâm can của mọi người. Nhờ Đức Phật
nói điều đó mà 3 anh em nhà Ca Diếp mới ngộ được và 1000 tu sĩ ngoại
đạo mới trở thành tu sĩ Phật giáo.
Tinh
thần dấn thân của Phật giáo chính là việc nhận thức những Phật sự quan
trọng, bỏ qua những khác biệt về hình thức và truyền thống được quy định
trong quá khứ để chung lòng chung sức xây dựng ngôi nhà Giáo hội, thúc
đẩy các Phật sự phát triển.
VHPGVN: Kính bạch Hòa thượng, hiện nay, điều gì Hòa thượng quan tâm nhiều nhất?
HT. Thích Trí Quảng:
Với tuổi ngoài 70 tuổi như tôi, thanh thản và buông xả là điều quan
trọng. Phật sự Giáo hội giao phó, về trách nhiệm đứng đầu Ban Phật giáo
Quốc tế, tôi cố gắng làm sao bạn bè khắp 5 châu hiểu được Phật giáo Việt
Nam và tạo mối quan hệ tốt với các tổ chức Phật giáo trên thế giới. Với
trách nhiệm Viện trưởng Học viện Phật giáo tại Tp. Hồ Chí Minh, thì tôi
mong làm sao phát triển Học viện này thành Trường Đại học có tầm cỡ
quốc tế. Gần đây nhất, tôi có ký một Bản ghi nhớ với Đại học Tổng hợp
Bắc Kinh, về công tác trao đổi sinh viên Học viện Phật giáo Việt Nam
với họ. Trước đó, tôi cũng ký Bản ghi nhớ với Đại học Phật Quang ở Đài
Bắc, nhằm mục tiêu trao đổi về vấn đề học thuật. Và với Đại học Nananda
Ấn Độ, Đại học Mahamakut Thái Lan…, tất cả những việc làm đó nhằm cố
gắng nâng cấp giáo dục Phật giáo nước nhà, tạo tiền đề cho những bước
phát triển sau này, nhằm giúp cho Tăng Ni sinh có nhiều cơ hội lựa chọn
học hành, nghiên cứu sâu tốt hơn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao và rộng
của thời đại.
VHPGVN: Nhân dịp Xuân về, Hòa thượng gửi gắm niềm tin và ước nguyện gì cho Phật giáo Việt Nam nói riêng và cho đất nước nói chung?
HT. Thích Trí Quảng: Tôi tin tưởng vào sự phát triển của đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam
trong thời kỳ mới. Đương nhiên tăng ni Phật tử chúng ta có ý thức hòa
quyện cùng sinh hoạt chung của đất nước, chúng ta cố gắng giữ những tinh
thần đó để thực hiện được lời dạy của Hòa thượng Trí Thủ, vị Chủ tịch
đầu tiên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam: những gì ta làm cho dân tộc
này là ta làm cho Phật pháp, những gì ta làm cho Phật pháp cũng chính là
những đóng góp cho dân tộc như cha ông chúng ta đã từng làm.
VHPGVN: Xin chân thành cảm ơn và kính chúc Hòa thượng thân tâm thường lạc, Phật sự viên thành.
Thích Giác Đạo thực hiện
(Theo Văn Hoá Phật Giáo Việt Nam – số Xuân Tân Mão 2011) |