Hỏi: Thưa Thầy, con có người anh và một người em, người anh
chết vì chiến tranh, còn người em thì chết khi tuổi còn nhỏ. Ðối với người em
vì tuổi quá nhỏ, nên trong gia đình không có cầu siêu cúng kiến chi hết. Nay
hiểu ra, nên con tụng kinh cầu siêu cho họ. Không biết việc tụng niệm cầu siêu
của con có ảnh hưởng gì đến người chết hay không? Kính mong thầy giải đáp cho
con rõ. Cám ơn thầy.
Ðáp: Như trên chúng tôi đã có
nói, việc cầu nguyện đương nhiên là có ảnh hưởng. Dù người mất đã lâu, nếu
chúng ta thành tâm tụng niệm hồi hướng công đức về cho các hương linh đó, thì
chắc chắn lời cầu nguyện của chúng ta sẽ có tác dụng ảnh hưởng đến họ.
Tuy
nhiên, sự ảnh hưởng này là một trợ duyên có thể giúp phần nào cho họ sớm hồi
tâm chuyển ý hướng về con đường tu niệm. Nhưng với điều kiện là người cầu
nguyện phải hết sức thành tâm tha thiết trong khi hành thiện. Như niệm Phật,
tụng kinh hay làm mọi việc lành khác. Ðiều này sẽ có ảnh hưởng là đánh động
được tâm thức của họ. Chứ không phải do những lời cầu nguyện hồi hướng này mà
họ được siêu thoát. Việc này, có lần chúng tôi cũng có đề cập đến trường hợp
của bà Mục Liên Thanh Ðề ở trong 100 câu hỏi Phật pháp tập một. Muốn biết rõ
thêm, xin phật tử hãy tìm đọc lại 100 câu hỏi tập một ở trang 68 mục 27 nói về
việc cầu nguyện có siêu độ hay không.
Tôi thành thật khuyên phật tử cứ tiếp tục tụng
kinh, niệm Phật và hành thiện để hồi hướng công đức về cho các hương linh quá
cố, dù mới hay cũ, dù lớn hay nhỏ gì cũng đều được dự phần lợi ích cả.
Ngoài
việc cầu nguyện cho những vong linh trong thân thuộc của mình, phật tử cũng nên
cầu nguyện cho các vong hồn yểu tử trong pháp giới chúng sinh chóng được siêu
sinh thoát hóa. Việc làm này, trước tiên là lợi lạc cho phật tử rất nhiều và
cũng đem lại sự lợi lạc phần nào cho các vong linh nữa.
Ðó là một việc làm đúng
theo tinh thần tự lợi, lợi tha của người phật tử. Cầu nguyện cho phật tử được
dồi dào sức khỏe và luôn tinh tấn tu hành để được an lạc giải thoát.
Thích Phước Thái