Phúc hạnh thật sự chỉ có
thể đạt được nhờ vào đạo đức của nghiệp, tích lũy những hành vi đạo đức sẽ tạo
ra trong tâm thức những « hạt giống » làm nẩy nở khả năng mang đến hạnh phúc.
Phương pháp loại bỏ những sai lầm là cách làm cho phát sinh trong ta tâm thức
của Phật, tức Bồ-đề tâm.
Muốn đạt được thể dạng
của Phật, tức Bồ-đề tâm, phải tu tập về Đạo Pháp, tu tập để biết được « những
gì » phải trút bỏ và « những gì » phải thực hiện ; thân xác quý giá của con
người thật là cần thiết để thực thi điều này. Trong lúc này đây khi tôi đang
giảng huấn, chung quanh chúng ta có vô số sinh vật, trên nguyên tắc, chúng phải
nghe được tiếng tôi giảng, nhưng dạng thể súc vật đã cản trở, không cho phép
chúng hiểu được một điều gì cả. Chúng ta may mắn hơn, có được một cơ sở cần
thiết, đó là sự sống con người. Chúng ta lại có được sự sống đó trong một xứ sở
mà Đạo Pháp nở hoa, chúng ta có khả năng biết đọc, biết nghe, biết suy nghĩ, và
biết cả phân biệt. Vậy ta có tất cả các khả năng cần thiết để tu tập Đạo Pháp.
Nếu trong số quý vị có những người đã già, không biết đọc, cũng chẳng biết
viết, nhưng ít ra cũng nghe được và hiểu được một vài câu về Đạo Pháp. Một thân
xác dù quá già và quá mỏi mòn, nhưng vẫn là thân xác « quý giá » của con người,
vẫn quý giá hơn là thân xác tốt đẹp của một con thú còn trẻ và khoẻ mạnh. Sự
sống con người là một giá trị lớn lao, tuy rằng có đến hàng nhiều triệu con
người trên địa cầu này, nhưng dịp may được làm thân con người quả thật hiếm
hoi. Chúng ta lại đang có nó trong lúc này, và hơn thế nữa, chúng ta đây là
những người Tây Tạng, và một số người khác liên hệ ít nhiều với chúng ta hôm
nay, tất cả được biết đến một thứ Đạo Pháp vẹn toàn nhất, ấy là Đại thừa
tan-tra. Chúng ta đừng đánh mất dịp may đó ; chúng ta có thấy phi lý chăng nếu
một người có nhiều tiền, đi vào một khu chợ đầy rẫy hàng hóa, nhưng khi trở về
thì hai bàn tay trống không. Dù cho ta còn trẻ hay già nua, mỗi người trong
chúng ta cần phải cố gắng để đừng phí phạm sự sống con người « quý giá » này.
Sự sống con người, hết
sức là khó tìm ra nó và cũng hết sức dễ để đánh mất nó, muốn có nó phải có
những hành vi đạo đức từ kiếp trước, nhưng không phải là những hành vi lẻ tẻ và
hời hợt, nhưng là những hành vi thường xuyên và liên tục. Ngay lúc này đây ta
phải tích lũy một số lớn những điều xứng đáng, không được chờ đến ngay mai, hay
về sau này. Những điều xứng đáng ta làm được sẽ bị tiêu hủy nhanh chóng nếu có một
chút lỗi lầm, kiêu ngạo, ác cảm, ích kỷ, đấy là những thứ xúc cảm mà chúng ta
đều có và chúng chỉ chờ bất cứ một dịp thuận tiện nhỏ nhoi nào đó để bất thần
xâm chiếm lấy ta. Vì thế, chắc gì những xứng đáng trong quá khứ, dựa vào
đó ta có được sự sống hôm nay, sẽ vẫn còn nguyên vẹn mãi mãi. Chúng ta hãy đổi
mới chúng, gia tăng thêm và đừng nghĩ đến cái « gia tài » mà ta tự cho rằng đã
có sẵn.
Mỗi người đều có thể tu
tập Đạo Pháp, vì điều này không đòi hỏi phải hy sinh tất cả và phải chui vào
một cái hang để thiền định. Chúng ta có thể tu tập Đạo Pháp trong đời sống hằng
ngày bằng cách vẫn giữ một số sinh hoạt không thuộc thế tục. Cần có tâm linh
cao cả, nhân từ, cởi mở, không giao động, cũng không hiếu chiến, để khi hoàn
cảnh bên ngoài trở nên thuận lợi, sẽ giúp ta thăng tiến nhanh chóng trên Con
Đường. Hãy bắt đầu từ tối hôm nay, đừng trông chờ sau này. Hãy canh chừng những
lỗi lầm nhỏ bé, dù rằng khi thoạt nhìn chúng tỏ ra vô hại ; chẳng hạn canh
chừng cả những chuyện nói dối vặt vãnh : có những kẻ chuyện gì cũng nói dối,
chẳng nghĩ đến và cũng chẳng nhận ra là có hại. Đó là những xu hướng do nghiệp
thúc đẩy ; cần phải tháo gỡ chúng từng tí một và đừng nản chí. Không nên nói :
« Đạo Pháp quá lớn lao đối với tôi, tôi là một kẻ mang đầy tội lỗi ». Tất cả chúng
ta là những người mang đầy tội lỗi, thế nhưng kể từ tối hôm nay, chúng ta thử
thay đổi một chút xem sao. Cả tôi đây, ngay từ lúc này, tôi cũng sẽ tự xét xem
còn những gì sai lầm sót lại trong tôi. Hãy làm như thế và đừng để mọi sự cứ
tiếp tục xảy ra như trước, đễ rồi ta tự đổ thừa là không làm nổi.
Tu tập Đạo Pháp, tức là
loại dần những sai lầm và làm gia tăng các phẩm tính đích thực, để sau cùng đạt
được những gì tối thượng ; chính lúc ấy sự khéo léo của ta trong công tác giúp
đỡ tất cả các sinh linh sẽ trở nên hoàn hảo. Bồ-đề tâm phát sinh từ sự tu tập
Đạo Pháp, và chỉ có thể dạng ấy mới có thể giúp ta tạo ra phúc hạnh tối thượng
và đích thực ; muốn hiểu được cái quả hoàn hảo ấy như thế nào khi biết tu tập
Đạo Pháp, ta cứ nhìn vào các vị Bồ-tát và Phật, ấy là những bằng chứng cho ta.
Nhưng noi theo con đường đó không phải chỉ cần vỏn vẹn một mớ kiến thức thông
thái về Đạo Pháp là đủ ; các phẩm tính cần thiết chỉ có thể phát huy bằng sự tu
tập, và vì vậy phải biết « những gì » quan trọng cần nên đem ra thực hành.
Đạt được sự tu tập hoàn
hảo sẽ đem đến cho ta khả năng giúp đỡ được mọi sinh linh tùy theo trình độ của
họ. Sự hoàn hảo đó là hiện thân của Quán Thế Âm, và chính vì vậy, ta nên tuân
theo văn bản này : « Tôi xin Quy y nơi Ngài, không phải cho ngày hôm nay mà
thôi, nhưng cho mãi mãi về sau, và không phải chỉ Quy y bằng cửa miệng tôi, mà
bằng cả ba cửa ngõ của thân tôi… Tôi xin tôn kính và quỳ lạy Ngài…».
Tất cả phúc hạnh và tất
cả an bình đều xuất phát từ những nghiệp « trắng », tức là từ những nghiệp tạo
dựng bằng sự tích lũy các hành động đúng đắn ; để nhắc lại thêm một lần nữa,
con đường duy nhất phải theo là con đường giúp loại bỏ tất cả sai lầm trong
hành vi, trong lời nói và cả trong tình cảm của ta. Tsong Khapa (1) có nói : «
Dù cho thân xác tôi và sự sống của tôi có tiêu tan, và nếu như tiêu tan vì
nguyên do tu tập Đạo Pháp, tôi vẫn cầu mong, dù bất cứ điều gì xảy ra, xin cho
tôi vẫn cứ tiếp tục tu tập Đạo Pháp ».
Ngoài những giờ học tập
(Đức Đạt-Lai Lạt Ma quay sang nói với những người thế tục), quý vị hãy cố gắng
sống thật đạo đức trong những ngày quý vị còn lưu lại nơi đây, tại Bodh
Gaya (Chánh Giác sơn) này. Theo tập quán, nên đi tản bộ chung quanh các tháp xá
lợi ; trong lúc đi hãy tìm cách khơi động trong tâm thức ước vọng đạt được Bồ-đề
tâm. Tập « Nhập Bồ-đề hành Kinh » (Bodhicharyâvatâra) có nói : «
Rộng lớn như địa cầu và các thành phần vĩ đại, mênh mông
1- Tsong Khapa : Tông
khách-ba (1357-1419) là một vi Lạt-Ma Tây Tạng, sáng lập tông phái Cách-lỗ
(Guelugpa). Ngài là một đại sư nổi danh đã để lại nhiều trước tác quan trọng.
như không gian bao la,
tôi cầu mong, vì vô số chúng sinh, xin được hoá làm cơ sở sinh động của yêu
thương ! ». Lời nguyện cầu này cất lên khi đi quanh các tháp xá lợi, sẽ rất
hiệu quả. Hãy hình dung ra con người của Phật, quán tưởng đến Ngài, nghĩ đến
những lời giáo huấn của Ngài, tình thương tràn đầy từ bi của Ngài và hãy tự
nguyện noi theo con đường của Ngài đã đi. Sức mạnh phát hiện từ sự thúc đẩy ấy
sẽ còn được gia tăng thêm nữa về sau này.
(Tiếp đó, Đức Đạt-Lai
Lạt-Ma hướng về các người tu hành và nói :) Rút lui vào tu viện, khoác
lên người chiếc áo nhà sư, chăm lo các nghi lễ thượng thặng pûjâ (1) theo đúng
như tập tục Tan-tra, các điều ấy chứng tỏ như ta đang tu tập Đạo Pháp, nhưng
nếu tâm thức bị xao lãng bởi những thứ vụn vặt bên ngoài của thế tục, thì nhất
định không có gì gọi là tu tập Đạo Pháp cả. Lắm khi trong lúc thi hành đại lễ
pujâ, tôi vẫn thấy chung quanh tôi có nhiều người đang xao lãng, rõ ràng là họ
đang chìm đắm trong những lo âu thế tục, nhưng bên ngoài vẫn có vẻ như rất
nghiêm trang, tôi nghĩ rằng : « Thật là thảm thương cho họ ! » rồi tôi cũng cảm
thấy nản lòng. Tu tập Đạo Pháp không phải chỉ tùy thuộc vào vẻ bên ngoài, nhưng
đúng hơn phải từ nơi tâm thức của ta, từ sự thúc đẩy bên trong ta. Tâm thức
phải thoát khỏi những suy tư phù phiếm, phải tinh khiết và hoàn toàn cống hiến
cho sự tu tập ; được như thế thì dù chỉ một giờ cũng quý báu.
Vậy thì một người già
nua, ốm đau và không còn khả năng nào nữa, cũng đừng thối chí và phải cố gắng
tùy theo sức mình ; tất cả những gì may mắn đang mời mọc chúng ta…,và tại sao
lại gọi là may mắn ? Chỉ vì chúng ta có được cái thân xác « quý giá » này của
con người.
(Ngài nói với tất cả mọi
người :) Vậy thì, khi ta có được cơ hội tốt đẹp này, cái may mắn này, cái thân
xác thuận lợi này, những giây phút nhàn hạ này, thời gian của những điều kiện
thuận lợi ấy phải được tận dụng tối đa, bằng cách tận lực
1- Pûjâ : là các nghi
lễ, cách tụng niệm man-tra, bắt ấn, v.v.
phát động những cố gắng
đạt đến Niết bàn và Bồ-đề tâm, vì sự an vui của tất cả chúng sinh. Cố gắng của
ta để hoàn thành mục đích đem lại an lành cho tất cả chúng sinh phải liên tục
như một giòng sông. Phương pháp tốt nhầt là trước hết phải học hỏi để thấu
triệt những gì cần phải biết, tiếp đó là thiền định về những điều giáo huấn ấy
của Đại thừa, đặt suy tư vào đó, phân tích những gì đã học, đào sâu cho đến lúc
hiểu thấu một cách vững chắc, sau cùng là tập trung vào những hiểu biết trong
sáng và vững chắc đã quán nhận được. Ta có thể luân phiên tập luyện đồng đều
giữa cách thiền định bằng phân giải, và cách thiền định yên lặng chú tâm vào
một điểm. Xuyên qua cách thực thi thiền định như thế, ta sẽ đạt được một kinh
nghiệm trực giác. Tóm lại, trước hết phải học cái đã, nhưng học vẫn chưa đủ ;
phải suy tư và phân tích, và sau hết là thiền định bằng cách tập trung. Như thế
ta mới gặt hái được kết quả. Ta không nên tách rời ba cách thực tập ấy, nhưng
phải thực hành luân phiên nhau.
Nghiên cứu Đạo Pháp
không giống như nghiên cứu bất cứ một ngành khoa học nào cả, như lịch sử
chẳng hạn. Tu tập Đạo Pháp đòi hỏi phải đem ra ứng dụng những phương pháp liên
quan đến Đạo Pháp, và như thế chính là cách tu tập của những người Bồ-tát.
Hoang Phong dịch
(Giáo Huấn của Đức Đạt Lai Lạt Ma)