Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
HT Nhất Hạnh: Khai mở trong tình dục đồng tính
HT. Thích Nhất Hạnh
03/01/2011 14:55 (GMT+7)


Theo cái thấy của nhà thờ thì những người đồng tính luyến ái không nên có tình dục đó. Quan niệm gần nhất của nhà thờ là những người đồng tính từ khi sinh ra đã thế rồi và họ đâu có muốn như vậy. Thành ra mình phải chấp nhận họ. Phía nhà thờ mới đi được tới chỗ đó thôi. Còn chuyện những người đồng tính quan hệ tình dục với nhau thì nhà thờ chưa chấp nhận.

Khi những người đồng tính nói tới một cái quyền là những người đồng tính  có thể cưới nhau, có thể làm hôn thú đàng hoàng thì Giáo hội nói rằng không, cái đó là không có đạo đức. Mà không có đạo đức thì không có quyền làm. Lập trường của Giáo hội Công giáo hiện bây giờ là đang như vậy.

Ngày xưa Natural law. Aristote khởi xướng lý thuyết gọi là “Luật lệ thiên nhiên”. Ông nói, bất kỳ cái gì ở trong vũ trụ cũng đều có một công dụng hết. Ví dụ Trời sinh ra cái răng để nhai thức ăn, sinh ra cái lưỡi để nếm, sinh ra con mắt để nhìn.

Sau này Giáo hội đã chấp nhận lý thuyết đó. Nói rằng đó là chính là Thượng đế đã sinh ra như vậy. Hỏi : «Thượng đế sinh ra tình dục để làm gì?»

Trả lời một cách rất là dĩ nhiên : «Sở dĩ con người có năng lượng tình dục là để có con, để có sự nối dõi. Tại vì bất cứ một hiện tượng nào trong vũ trụ đều phải có một mục đích hết… Đó là ý muốn của Thượng đế.»

Vì vậy cho nên tình dục chỉ là để có con thôi. Còn đối với những người đồng tính luyến ái thì họ đâu có con? Vậy nên tình dục của họ là  không đúng. Do đó tình dục của những người đồng tính luyến ái bị lên án.

Đó là lý luận của nhà thờ trong một giai đoạn nào đó, của lịch sử. Và họ căn cứ trên cái gọi là « luật tự nhiên ».

Luật tự nhiên là bất cứ một hiện tượng nào trong vũ trụ đều có một mục đích, có một công dụng rõ ràng. Cái răng để nhai, con mắt để thấy thì tình dục để tạo ra những em bé. Mà nếu tình dục không phải để tạo ra em bé thì đó là sử dụng sai.

Nhưng có những người họ lý luận như thế này: Con mắt là để thấy, nhưng có nhiều người dùng con mắt trừng lên một cái để cấm đoán thì con mắt đó đâu phải để thấy, mà là để cấm.

Con mắt còn dùng để đưa tình, chứ con mắt đâu phải chỉ để thấy không thôi. Vậy thì tình dục cũng thế.

Tình dục, mục đích của nó là làm ra những đứa con nhưng mà tình dục cũng có thể dùng để tỏ bày tình cảm của mình đối với một người mà mình thương rất nhiều, coi người đó là người mình tin tưởng nhất trên đời. Những người nghĩ như vậy họ chấp nhận chuyện tình dục giữa những người đồng tính luyến ái.

Cũng như là con mắt tuy là để nhìn nhưng con mắt cũng có thể để háy, để nguýt, để trừng trừng, để ngăn cấm .v.v…

Cho nên trong đạo Phật có rất nhiều không gian tại vì đạo Phật có chữ “Khai”. Khai tức là khai mở, có những trường hợp đặc biệt mình có thể khai mở.

Trong những trường hợp đặc biệt mình có thể phá thai để kiểm soát sinh nở được. Có những trường hợp mà  mình có thể giúp người kia chết một cách an lành, có những trường hợp mình có thể nói dối. Nhưng tất cả những cái đó đều phải làm trên căn bản của tình thương.

Nếu không có tình thương, nếu không theo tiêu chuẩn mê - ngộ, lợi - hại, khổ - vui thì mình không thể làm được.

Có những triết gia như là Kant không chịu như vậy. Kant nói rằng có những mệnh lệnh, những nguyên tắc tuyệt đối phải tuân theo. Ví dụ không nói dối là tuyệt đối không nói dối, không thể lấy cớ này, cớ nọ để nói dối được. Mọi trường hợp đều phải nói thật 100%. Tại vì mình muốn làm như thế nào để tất cả những người khác đều làm như mình hết.

Đó là một thái độ rất cứng.

Quan điểm đó cho rằng, cái đúng và cái sai, cái chính và cái tà là do Thượng Đế quyết định chứ không phải do con người quyết định.

Cái đó nó đúng vì Thượng đế bảo là nó đúng. Cái đó sai vì Thượng đế nói nó sai. Mình chỉ đi theo thôi. Thượng đế là tạo hoá còn mình là tạo vật.

Khi tạo hoá dựng ra con người, dựng ra vạn vật thì tạo hoá bỏ cái đúng và cái sai vào trong đó. Vì vậy cho nên cái đó gọi là mệnh lệnh của Thượng đế. Và nó có tính cách tuyệt đối.

Đạo Phật thì không cứng nhắc như vậy, nền đạo đức của đạo Phật có phương tiện quyền xảo gọi là “Khai”, đó là sự linh động.

Một mặt là « khai », một mặt là « giá ». Giá tức là ngăn lại. Ngăn lại cái hành động đó, tuy là nó không gây ra đau khổ, nhưng nếu để cho đi quá đà thì nó sẽ gây ra tai hại.

Trích pháp thoại "Những Đóng Góp Của Đạo Bụt Cho Nền Đạo Đức Toàn Cầu" của Hòa thượng Thích Nhất Hạnh

Nguon: http://www.phattuvietnam.net/4/tamsu/12802.html

Các tin đã đăng:
Về đầu trang