Phật Giáo trong hơn 2500 năm truyền thừa
và phát triển, đi đến đâu, ở phương nào Tăng đoàn cũng tôn trọng giữ
gìn nghiêm trì giới luật, luôn chú trọng việc truyền giới và sách tấn sự
tu trì giới pháp. Cho nên nghe nơi nào có khai Đàn truyền giới là biết
nơi ấy Phật Pháp hưng long, Tăng già nghiêm tịnh, vì lẽ đó trong lịch sử
Phật Giáo Giới Đàn luôn là những dấu ấn lịch sử và người ta y cứ vào đó
để chứng minh cho sự phát triển của Phật Giáo trong thời đại đó ở địa
phương ấy.
Phật Giáo ở Ấn Độ là Phật Giáo từ Hoàng
Cung bước vào nhân thế, nhưng khi Phật Giáo được truyền qua Đông Độ thì
ngược lại, từ nhân gian đi đến Hoàng Cung. Chính sự khác biệt này tạo
thành một nếp văn hóa sống mới trong Phật Giáo, nếp sống văn hóa Phật
Giáo Bắc Truyền trong tâm niệm “Nhập gia tùy tục”, “Tùy duyên bất biến”
để hoằng Pháp độ sanh. Chính vì lẽ đó mà nếp sống nguyên thủy của Phật
Giáo chỉ còn là tính ước lệ nguồn gốc trong Phật Giáo Bắc Truyền, thay
vào đó một nếp văn hóa tu tập, hoằng Pháp và lối sống mới mang đậm sắc
màu văn hóa Phương Đông
Phật Giáo Bắc Truyền phát triển trong
mạch sống văn hóa Phương Đông, đại diện là văn hóa Trung Hoa, hầu hết
trên mọi lĩnh vực văn hóa, đời sống, lễ nghi, học thuật, nghệ thuật,
kiến trúc, âm nhạc Phật Giáo Bắc Truyền .v.v… đâu đâu cũng thấy sự hiện
diện đậm nét của văn hóa Trung Hoa, tính chất thực tế, hợp tình hợp lý
của văn hóa Trung Hoa hòa quyện vào tinh thần “Diệu dụng tùy duyên bất
biến” của Phật Giáo như nước với sữa, làm cho người Phương Đông chấp
nhận văn hóa Phật Giáo Bắc Truyền một cách dễ dàng và đôi lúc còn như
quên mất nơi sản sinh ra nền văn hóa đó, lẫn lộn giữa cội nguồn Ấn Độ và
Trung Hoa.
Ngày nay Phật Giáo ở Phương Đông thuộc
Phật Giáo Bắc Truyền phần đa ảnh hưởng văn hóa Phật Giáo Trung Hoa hầu
như tất cả các phương diện, sự khác biệt giữa văn hóa Phật Giáo các nước
thuộc Phật Giáo Bắc Truyền và văn hóa Phật Giáo Trung Hoa ở tính độc
lập văn hóa truyền thống dân tộc, ngôn ngữ địa phương và các tập tục tín
ngưỡng dân gian được đưa vào trong Phật Giáo.
Lễ Nghi là bản sắc văn hóa, chuẩn mực
đạo đức, lối sống thanh cao của người Đông Độ, trong quan niệm sống ảnh
hưởng văn hóa Đạo Nho “Nhân Lễ Nghĩa Trí Tín”, cuộc sống ở Đông Độ hình
như không có một sinh hoạt nào của con người mà không gắn với lễ nghi
hay nghi thức. Chính vì vậy mà khi Phật Giáo truyền vào Trung Quốc,
không sinh hoạt nào trong Phật Giáo lại không được các vị Tôn Túc Tăng
Phật Giáo Bắc Truyền đưa nghi lễ vào và soạn ra nghi thức, để phù hợp
tính văn hóa đạo đức truyền thống Á Đông và là phương tiện để đưa Phật
Giáo hòa quyện vào văn hóa các dân tộc, từ đây tạo dựng Phật Giáo Bắc
Truyền để độ người Phương Đông.
Giới Luật Phật Giáo nguồn gốc từ Ấn Độ
và do chính từ kim khẩu Đức Phật thuyết, nhưng Luật Tông của Phật Giáo
Bắc Truyền lại do chính các vị Tổ sư người Trung Quốc sáng lập cho nên
việc có nhiều điểm không tương đồng với các luật lệ Phật Giáo thời
nguyên thủy cũng như nghi thức truyền giới là điều tự nhiên vì địa vực
khác nhau, con người và văn hóa tư tưởng cũng không đồng. Để phù hợp với
điểm không đồng cũng như khác biệt trên, nên việc vay mượn văn hóa
Trung Quốc để hoằng pháp là điều kiện tốt nhất để Phật Giáo đi vào
Phương đông. Xây Đàn để truyền giới trong Luật Tông Phật Giáo Bắc Truyền
là kết tinh của sự ảnh hưởng văn hóa tư tưởng lễ chế phong kiến Trung
Hoa.
Đàn hay Đài theo sách Trung Quốc Kiến Trúc
ghi: “Đàn là là kiến trúc tế tự có lịch sử rất lâu đời trong văn hóa
Trung Hoa, trong những di chỉ thời đồ đá mới người ta đã phát hiện dấu
vết của tế đàn, đàn thường được đắp bằng đất có ba tầng, hình tròn hoặc
vuông, và ngày nay tại Bắc Kinh còn các di tích của tế Đàn, gồm có Thiên
Đàn để tế trời, Địa Đàn, Nhật Đàn, Nguyệt Đàn, Xã Tắc Đàn, Tiên Nông
Đàn.v.v…”
Thiên Đàn - Bắc kinh - Trung Quốc
Trong chế độ phong kiến Trung Quốc các
vị vua đều tự cho mình là thiên tử con trời thống trị thiên hạ, cho nên
việc cúng tế trời đất là việc của vua vậy “ Vương giả Phụng sự Thiên” vì
vậy việc tế tự trời đất được các vương triều hết sức chú trọng, vì sao
không tế trong đại điện mà tế trên đàn ở ngoài trời. Trong Lễ Ký-Tế Pháp chép:
“Khi đốt củi nướng đồ cúng tế làm hương khói bay lên trời gọi tế
trời…Thiên thần ở trên trời nếu không đốt lửa cúng tế thì không đủ vậy…”
vì thế việc lập đàn tế thiên ngoài trời là việc tất yếu vậy.
Thiên Đàn
Đàn còn một ý nghĩa khác nữa đó là “Trúc
Đàn bái tướng, kiến tiết phong hầu” vào thời Xuân Thu Chiến Quốc các
nước chư hầu đua nhau xưng bá, nước nào lên ngôi bá chủ tập hội chư hầu
kiến đàn xưng vương, trong lễ phong vương có tế trời cho nên cũng đắp
đàn, trong Yến Tử Xuân Thu có đoạn chép: “ Cảnh công
đăng đàn, đàn cao quá lên không tới, buồn giận mà nói rằng, đắp đài cao
quá, người bịnh lên không nổi” vậy theo quan niệm văn hóa Trung Hoa, Đàn
là kiến trúc tế tự đồng thời là nơi để thực hành các nghi thức quan
trọng của chế độ phong kiến như lên ngôi vua tế cáo trời đất, phong
vương cho các nước chư hầu.
Đàn Tế Trời của Vua
Giới Đài của Luật Tông Phật Giáo Bắc
Truyền được ra đời trong quan niệm văn hóa của phương Đông đại diện là
tư tưởng văn hóa Trung Hoa. Truyền giới trong Phật Giáo Bắc Truyền ngoài
tính chất thiên liêng cần cầu Giới Pháp tu hành giải thoát ra nó còn
mang một tính chất khác đó là một lễ phong chức. Vì giới tử khi thọ giới
xong trở thành Tỳ Kheo hay Sa Di là đầy đủ pháp nhân trở thành thành
viên trong Tăng đoàn Phật Giáo, còn các vị Tôn Túc đăng đàn truyền Giới
theo thông lệ ngày xưa đều được tấn phong giáo phẩm chức vị trong Phật
giáo. Vì là một lễ tấn phong Giáo chức, mà ngày xưa khi đăng đàn truyền
Giới thường là các vị Đại Tăng có địa vị trong Phật Giáo cũng như ngoài
xã hội rất cao, như Quốc Sư hoặc là Tăng Cang nên lễ Tấn Phong của các
vị này không thể làm sơ sài được.
Thứ nữa đôi lúc truyền giới cho chính nhà Vua cho nên việt kiến đàn là viêc làm cần thiết. Trong Tông Phụng Tạp Tập chép:
“Tùy Dưỡng Đế thỉnh Thiên Đài Tông Trí Khải Đăng Đài Truyền Bồ Tát Giới
cho nhà vua…” cho nên sử dụng thể chế phong vương của triều đình trong
Giới Đàn là việc tất nhiên trong Phật Giáo Bắc Truyền và vị vua đầu
tiên cho xây Giới Đàn để truyền giới trong Phật Giáo Băc Truyền đó là
Vua Lương Võ Đế. Theo NAM Sử chép: “ Năm Thứ 18 niên hiệu Thiên Giám
(519) Vua Lương Võ Đế vì muốn hoằng truyền Giới Luật phổ cập đến chúng
dân, nên phát nguện tự mình thọ giới… xây Giới Đài hình tròn… thỉnh Ngài
Huệ Ước đăng đàn truyền Bồ Tát Giới…”
Giới Đài - Chùa Đàm Chá - Bắc Kinh
Sách Thích Thị Yếu Lãm
định nghĩa về Giới Đàn: “ Đàn được xây cao lên khỏi mặt đất, trường là
mặt đất bằng được kết giới để truyền giới, thời nay gọi chung Đàn Trường
là có sự ngộ nhận vậy”. Giới luật là mạng mạch của Tăng Già là Pháp
Luật của Phật Giáo, cho nên phàm chế ra điều gì có liên quan đến Giới
luật đều phải có nguồn gốc để y cứ. Như lập Giới Đàn để truyền giới.
Trong Thích Thị Yếu Lãm
chép: “tại Kỳ Viên ở Tây Thiên, Tỳ Kheo Lâu Chí thỉnh Phật lập Đàn, cho
Tăng thọ Tỳ Kheo Giới. Đức Như Lai dạy lập Đàn phía ngoài Viện Kỳ Viên
hướng Đông Nam, đây là Giới Đàn đầu tiên của Phật Giáo có nguồn gốc từ
Phật vậy.” Lịch sử kiến đàn truyền giới của Luật Tông Trung Quốc có từ
thời Nhà Tấn cho đến thời đại Tùy, Đường trong suốt 300 năm, theo sách Trung quốc Phật Giáo Đại Quang
chép: “Như ngài Pháp Thái đời Đông Tấn lập Giới Đàn tại chùa Ngõa Quan ở
Dương Đô, Ngài Chi Đạo Lâm lập Giới Đàn ở Thạch Thành và Ốc Châu, ngài
Chi Pháp Tồn lập Giới Đàn ở Thiệu Hưng…..Ngài Tăng Hữu lập Giới Đàn ở
Bốn Chùa Vân Cư, Thê Hà, Quy Thiện, Ái Kính.v.v… đến đời Đường đã có gần
300 giới Đàn, tất cả những Giới Đàn này được xây dựng như thế nào hình
thức ra sao đến nay không thể khảo cứu được…”
Thời Đường niên hiệu Càn Phong năm thứ
hai (667) Ngài Đạo Tuyên Luật Sư lập Giới Đàn tại chùa Tịnh Nghiệp-Tây
An mới bắt đầu định ra các phép tắc và hình dạng của Giới Đài. Theo Tứ Phần Luật Hành Sự Sao
của Ngài Đạo Tuyên quyển thượng có ghi: “Các Giới Đàn ở các nước ngoài
đa số đều ở ngoài trời cũng như Đàn Tế Giao ở nước ta vậy”. Căn cứ theo Giới Đàn Đồ Kinh
của ngài Đạo Tuyên Luật Sư, Giới Đài gồm có ba tầng, tầng thứ nhất mỗi
tầng dài rộng 8m chiều cao1,2m, tầng thứ nhì dài rộng 7m cao 0,9m, tầng
thứ ba dài rộng 6m cao 0,7m. Giới Đài tạo theo hình dáng của Tu Di tòa
trên Giới Đài có tôn trí tượng 72 vị Hộ Giới Thần và Tứ Thiên Vương,
trên tầng cao nhất nếu như Phương Đẳng Giới Đài thì Phụng thờ Đức Phật
Lô Xá Na, nếu như Cam Lộ Giới Đàn thì Phụng thờ Đức Thích Ca Mâu Ni
Phật.
Phương Đẳng Giới Đàn theo Tăng Sử Lược
chép: “Pháp truyền Giới Thọ Giới Thanh Văn, nhất nhất đều phải theo
luật nếu như người thọ giới các căn không cụ túc, không được thọ giới,
nếu cố đăng đàn thọ giới thì cũng không đắc giới vậy. Nay có Pháp Phương
Đẳng Bồ Tát Giới Đại Thừa, những người không cụ túc các căn nhưng phát
tâm lãnh nạp thì đều được đắc Giới, cho nên gọi là quảng đại bình đẳng
cùng khắp vậy. Nên xưng là Phương đẳng Giới Đàn”. Cam Lộ Giới Đàn theo Thích Thị Yếu Lãm
chép: “Cam lộ tức là dụ cho Niết Bàn vậy, vì Giới là cánh cửa đầu tiên
đưa con người đi vào Niết Bàn, cho nên gọi Giới là Cam Lộ vậy”.
Đàn Tế Giao có ba tầng tượng trưng cho
thuyết “Tam Tài” Thiên, Điạ, Nhân, ở đây người là mối liên kết giữa trời
và đất, cho nên việc cúng tế được thực hiện theo lễ chế thế gian mục
đích cầu nguyện sự oai linh của trời đất gia hộ cho đất nước phong điều
vũ thuận quốc thái dân an. Giới Đàn cũng có ba tầng tượng trưng cho “Tam
Giới” Dục giới, Sắc giới, Vô Sắc Giới, con người muốn thoát ra ba cõi
vào cứu cánh Niết Bàn điều trước tiên phải phát tâm đăng Đàn thọ trì
Giới Pháp.
Trong Sa Di Luật Nghi
chép: “nhơn Giới sanh Định, nhơn Định phát Huệ, là những bước cơ bản để
thành tựu Thánh Đạo”. Người thế gian đăng đàn cúng tế trời đất để cầu
nguyện tha lực bảo hộ che chở, người xuất gia đăng đàn thọ Giới vì phát
tâm muốn giải thoát sanh tử đạt đến cứu cánh Niết Bàn cho nên thọ giới
rồi phải tự mình tự lực tấn tu. Vua khi lên ngôi đăng đàn tế Thiên Địa
bố cáo với muôn dân, thế thì một vị Phật trong tương lai khi bắc đầu
cuộc hành trình đi đến quả vị “Vô Thượng Bồ Đề” hay “Nhơn Thiên Chi Đạo
Sư” có lý nào lại không lập Đàn thọ Giới .
Giới Đài - Chùa Đàm Chá - Bắc Kinh
Giới Đài trong Luật Tông Phật Giáo Bắc
Truyền với ý nghĩa đầu tiên là tôn trọng kính ngưỡng đối với địa vị tôn
quí vô thượng Giới Pháp của Phật, thứ đến là tỏ niềm cung kính đối với
các bật Bồ Tát sơ phát tâm bước vào sơ địa. Giới Đài là nơi phô diễn lý
tướng, nghĩa sự của Đại Thừa Thánh Giáo đồng thời cũng chứng minh cho sự
phát triển của Phật Giáo Bắc Truyền, sự hòa nhập văn hóa của Phật Giáo
trên tinh thần tiếp thu làm đẹp xây dựng bản sắc văn hóa riêng của Phật
Giáo Đông Độ, với hình tượng trang nghiêm, hùng tráng của Giới Đài làm
cho Giới tử khi thọ giới khởi đại tín tâm đắc được Giới Thể. Giới Đài là
tướng đại hùng của Phật, là đại lực của Ba La Đề Mộc Xoa, là đại từ bi
trong tinh thần vô ngã của Đạo Phật.