Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Giảng dạy giáo lý trong bối cảnh hiện tại
Thích Quảng Trí
05/10/2010 20:54 (GMT+7)

 Những thành quả ấy đã giúp cho cuộc sống con người tiện nghi hơn nhiều, khoảng cách về không gian được thu ngắn lại. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả ấy thì cũng nảy sinh những vấn đề gây nhức nhối trong xã hội. Môi trường sống của con người đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Con người đang phải đối mặt với nhiều nguy hiểm do thiên tai gây ra. Chưa bao giờ mạng sống của con người lại mong manh như bây giờ, con người có thể bị ốm đau, bị mất khả năng lao động và thậm chí là có thể bị mất mạng chỉ trong phút chốc do những phương tiện hiện đại mà con người đã tạo ra. Nguy cơ hủy diệt loài người do chiến tranh hạt nhân, chiến tranh sinh học đang rình rập và có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Quan trọng hơn là vấn đề đạo đức, nhân phẩm của con người đang bị xuống dốc nghiêm trọng. Con người càng ngày càng ích kỷ hơn và sống theo bản năng nhiều hơn. Con người bị cuốn vào dòng xoáy của công việc, tiền tài, danh vọng và địa vị. Vì chịu nhiều áp lực của cuộc sống, họ luôn sống trong trạng thái căng thẳng, họ hiếm có được thời gian để thư giãn cho thật bổ ích, họ sống vội, sống cuồng, tìm thú vui trong vật chất để lấp đi khoảng trống trong tâm hồn, nhưng càng lấp thì càng cảm thấy trống trải. Vì vậy họ luôn phải đối mặt với sự cô đơn, buồn khổ. Sống trong biển lớn của vật chất mà vẫn luôn cảm thấy khát, cảm thấy thiếu. Họ thiếu tình thương yêu và khát khao có được sự bình lặng của tâm hồn. Hơn bao giờ hết, đây chính là lúc để cho các tôn giáo thể hiện chức năng của mình. Trong đó, vai trò của Phật giáo không kém phần quan trọng. Vậy thì Phật giáo phải làm gì, phải truyền bá giáo lý của mình như thế nào để có thể góp phần đưa nhân loại vượt qua được những khó khăn trong hiện tại?

Giáo lý mà đức Thế Tôn đã giảng dạy là cả một kho tàng vô cùng phong phú và quí báu. Mặc dầu đã trải qua hơn 25 thế kỷ, nhưng những lời dạy ấy mang lại nhiều giá trị, phù hợp với con người trong hiện tại và giúp ích rất nhiều cho xã hội.

Vì thế, những người đệ tử Phật phải là những tấm gương sáng trong việc học hỏi và thực hành theo những lời đức Phật dạy và phải chung sức với nhau để truyền bá đạo Phật, để giúp cho nhiều người biết đến đạo Phật, biết đến giáo lý của đức Phật và được tắm gội trong biển giáo pháp ấy.

Nhiệm vụ hoằng truyền giáo pháp của đức Phật là nhiệm vụ chung của những người đệ tử Phật, chứ không riêng gì tu sĩ. Tu sĩ cũng như cư sĩ đều có thế mạnh riêng của mình trong công cuộc hoằng truyền giáo pháp. Dẫu rằng tu sĩ là lực lượng nòng cốt, nhưng số lượng tu sĩ so với cư sĩ thì không đáng là bao. Hơn nữa, cư sĩ lại là những người trực tiếp tham gia vào các hoạt động của xã hội, vì thế họ có điều kiện tiếp xúc với nhiều người và môi trường sống, làm việc của họ rộng hơn nhiều so với tu sĩ. Vả lại, cư sĩ thường am hiểu nhiều về các lĩnh vực khoa học và đời sống. Nếu họ có nền tảng vững chắc về giáo lý đạo Phật thì họ sẽ rất dễ thành công trong việc hoằng truyền chánh pháp đến với mọi người, dễ cảm hóa người khác đến với đạo Phật. Chẳng hạn một giáo viên, trong lúc giảng về các lĩnh vực khoa học mà có thể trích dẫn những lời dạy của đức Phật để chứng minh, để giảng giải vấn đề và có thể lồng ghép một cách khéo léo những tư tưởng của đạo Phật vào trong bài giảng thì rất dễ làm cho người học cảm mến đạo Phật, tin vào đức Phật và niềm tin của họ kiên cố hơn nhiều. Có thể là những học viên đó không chính thức trở thành một Phật tử, không đi chùa, lễ Phật, nhưng không nhất thiết phải như thế. Chỉ cần họ hiểu giáo lý của đạo Phật và sống theo giáo lý ấy thì họ nghiễm nhiên đã là Phật tử rồi chứ không cần phải có lễ quy y. Tuy nhiên nếu họ có thể quy y Tam bảo thì càng tốt.

Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, có không ít những vị cư sĩ là giáo thọ sư, có công lao rất lớn trong công cuộc hoằng pháp. Họ không chỉ giảng dạy cho cư sĩ mà họ còn là bậc thầy của những vị tu sĩ. Thời đại Lý Trần thì có Tuệ Trung thượng sĩ, thầy của Sơ tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông. Trong công cuộc chấn hưng Phật giáo vào đầu thế kỷ XX thì có Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, có bác Chánh Trí Mai Thọ Tuyền, cư sĩ Thiều Chửu, v.v… Những vị ấy có sức ảnh hưởng lớn không kém gì các vị cao tăng, thạc đức. Vì thế, các vị cư sĩ cần ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình trong công cuộc hoằng truyền giáo pháp, cư sĩ cũng có thể giảng đạo, cũng có thể truyền bá chánh pháp. Và không nhất thiết phải “thăng tòa thuyết pháp” mới là giảng đạo. Họ có thể truyền bá chánh pháp dưới bất cứ hình thức nào và bất cứ ở đâu, đôi khi chỉ cần một lời an ủi, động viên, chỉ cần lắng nghe và tâm sự với bạn bè, người thân… cũng đã là truyền bá chánh pháp.

Một điều hết sức quan trọng mà những người truyền bá chánh pháp phải luôn luôn ghi nhớ, giáo lý của đức Phật không phải là triết thuyết, không phải để luận bàn suông. Giáo lý ấy là giáo lý thực nghiệm, tri hành hợp nhất. Vì thế, tự thân mình phải biết vận dụng những lời dạy của Ngài vào trong cuộc sống, phải là những người mẫu mực trong giáo pháp của Phật. Truyền bá chánh pháp không chỉ bằng lời nói mà bằng hành động, hay nói cách khác là không chỉ có “khẩu giáo” mà còn phải có cả “thân giáo”. Trong đó, thân giáo có sức cảm hóa lớn hơn nhiều. Và khi mình đã thực tập thì mình sẽ có được kinh nghiệm tu tập. Kinh nghiệm ấy sẽ giúp ích rất nhiều cho mình trong việc giảng dạy hay chia sẻ với người khác.

Để cho tất cả Phật tử đều có thể trở thành sứ giả của Như Lai, có thể giảng giải cho người khác hiểu giáo lý của Phật thì họ cần được đào tạo. Ít nhất là phải giúp họ hiểu và nắm vững những vấn đề cơ bản, những giáo lý nền tảng, cốt yếu của đạo Phật. Vì thế, bên cạnh công việc tất yếu là phải đào tạo những vị tu sĩ trẻ, chăm lo cho thế hệ tương lai của Phật giáo, cần phải tổ chức những khóa tu tập, các lớp học để giảng dạy giáo lý cho hàng ngũ Phật tử tại gia. Vấn đề này cũng không kém phần quan trọng. Còn về phía Phật tử tại gia thì phải có tinh thần học hỏi giáo lý, phải biết thao thức trước vận mệnh và tương lai của đạo pháp. Phật tử cần phải biết tận dụng mọi cơ hội để có thể học hỏi giáo lý và mở rộng tri thức, kinh nghiệm của mình. Những lúc Phật tử đến chùa lễ Phật, gặp gỡ quý thầy cô, trò chuyện cùng quý thầy cô là những dịp tốt để Phật tử học hỏi giáo lý, họ có thể nêu lên những nghi vấn của mình hoặc là nhờ các vị ấy giảng giải thêm về những giáo lý mà mình còn mập mờ, chưa hiểu thấu đáo… Nếu làm được như thế thì không chỉ người Phật tử hiểu sâu về đạo Phật, mà họ còn tạo ra động lực thúc đẩy các vị tu sĩ tích cực học tập và nghiên cứu giáo lý, chuyên tâm áp dụng những giáo lý đã được học tập trong đời sống của mình.

Việc giảng dạy giáo lý cũng như giảng dạy những kiến thức khác, phải tùy theo đối tượng mà lựa chọn những nội dung và phương pháp truyền thụ thích hợp. Tính phù hợp là nhân tố quyết định sự thành công của bài giảng. Để đánh giá một bài giảng hay thì không chỉ dựa vào nội dung của nó mà còn phải dựa vào tính phù hợp của nó nữa, tức là bài giảng đó được người học tiếp thu ở mức độ nào. Đành rằng nội dung hợp với chân lý, chuyển tải nhiều kiến thức, nhiều thông điệp là điều quan trọng. Nhưng nếu như khi nghe nội dung ấy, người nghe không hiểu, hoặc là hiểu rất mơ hồ thì không thể xem là thành công được. Do đó, không phải cứ trích dẫn cho thật nhiều kinh sách, chú thích nhiều ngoại ngữ, nêu lên thật nhiều những giáo lý cao siêu là đạt. Phải tùy theo đối tượng để rồi truyền đạt những nội dung phù hợp với họ. Có khi cần phân tích, đào sâu giáo lý, nhưng đôi khi chỉ cần những câu nói mộc mạc, đơn giản, những ví dụ cụ thể, gần gũi với cuộc sống cũng có thể giúp cho người nghe hiểu được vấn đề. Chính vì vậy, người truyền đạt cần phải linh động, cần phải nhạy cảm trước đối tượng của mình, phải nắm bắt được đặc điểm của đối tượng để có thể làm cho bài giảng của mình đem lại nhiều lợi ích cho người nghe. Để làm được điều đó thì có một vài vấn đề mà người truyền đạt cần phải đặt ra cho mình và phải giải quyết được chúng trước khi đến truyền đạt cho người, đó là phải biết: Giảng dạy cho ai? Giảng dạy những gì? Giảng dạy như thế nào? Giảng dạy như thế thì có thể giúp ích gì cho người nghe? Nếu người giảng thông suốt được những vấn đề này thì chắc chắn bài giảng sẽ thành công. Và những vấn đề này cũng nên đặt ra cả khi trò chuyện với người khác.

Trong xã hội hiện tại, mọi người đang chạy đua với thời gian, vùi đầu vào công việc, vì thế họ ít có thời gian để đến chùa nghe pháp. Do vậy, để có thể tổ chức những lớp học giáo lý tập trung cho Phật tử là vấn đề không phải dễ. Mà có tổ chức được thì hầu hết những người tham dự là những người Phật tử đã thuần thành. Để có thể rộng truyền chánh pháp trong thời đại ngày nay, chúng ta phải biết tận dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, phải biết tận dụng các phương tiện truyền thông hiện đại trong việc hoằng pháp, chẳng hạn như mạng lưới Internet, băng, đĩa, sách, báo, và cả vô tuyến truyền thanh, vô tuyến truyền hình nữa. Đấy là những phương tiện hỗ trợ rất đắc lực cho việc truyền bá chánh pháp đến với mọi thành phần, mọi tầng lớp trong xã hội.

Có một thực trạng đáng buồn trong Phật giáo hiện tại, có một bộ phận không nhỏ những người Phật tử không hiểu gì về giáo lý của đạo Phật, hoặc là hiểu rất mơ hồ. Họ đến với đạo Phật với niềm tin không đúng đắn. Phật hay Bồ-tát đối với họ là những vị thần có thể ban phước giáng họa, là những vị thần tài, thần hộ mạng. Họ lễ Phật để cầu mua may bán đắt, để cầu tai qua nạn khỏi, tật bệnh tiêu trừ,… Họ rất sùng mộ đạo Phật, nhưng cũng rất dễ bỏ đạo, trở lại phỉ báng đạo. Như thế thì thật là tội nghiệp cho họ và nguy hiểm cho đạo vô cùng. Họ không biết được rằng, đức Phật chỉ là người thầy chỉ đường, Ngài không có uy quyền gì để ban phước giáng họa cả. Họa hay phước là do chính mình tạo ra. Tất cả đều vận hành theo định luật nhân quả. Họ chỉ có thể đạt được niềm an vui, hạnh phúc khi chính họ biết áp dụng những lời dạy của Phật vào trong đời sống của bản thân. Nguyên nhân chính của thực trạng trên là do sự thiếu hiểu biết. Ý thức là nhân tố ảnh hưởng, tác động đến hành động. Khi ý thức đã được thay đổi, có sự hiểu biết đúng đắn thì hành động cũng theo đó mà thay đổi dần dần. Vì thế, để giúp họ có được chánh tín đối với Tam bảo, trở thành một Phật tử chơn chánh thì phải tạo điều kiện cho họ học hỏi giáo lý, giúp họ hiểu giáo lý và biết cách áp dụng giáo lý vào trong cuộc sống, giúp họ cảm nhận được những lợi ích thiết thực từ việc thực tập giáo lý của đức Phật. Làm được điều đó thì không lo gì không có được những người Phật tử chơn chánh, có tâm huyết với đạo.

Đạo pháp được trường tồn là nhờ sự có mặt của chúng đệ tử xuất gia lẫn tại gia. Cả hai chúng ấy đều có trách nhiệm trong việc hoằng truyền chánh pháp, cộng tác với nhau và hỗ tương cho nhau để truyền dạy giáo lý đến với mọi người một cách hiệu quả nhất. Nếu thiếu một trong hai chúng đó thì đạo Phật không thể nào tồn tại ở thế gian được. Trong xã hội hiện tại, rất cần có sự cộng tác giữa tu sĩ và cư sĩ, rất cần có một lực lượng đủ mạnh có tâm huyết với đạo, có hiểu biết về giáo lý và có kinh nghiệm tu tập để có thể đem đạo vào đời. Mong sao những người đệ tử Phật sẽ sát cánh bên nhau để xiển dương đạo pháp, góp phần xây dựng cuộc sống ngày thêm tươi đẹp.■

 Nguồn: phapluanonline.com

Các tin đã đăng:
Về đầu trang