Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Ý nghĩa Luân hồi, Sinh-Tử
Lê Sỹ Minh Tùng
28/02/2012 14:13 (GMT+7)


Đã là con người thì ai lại không quan tâm đến chuyện tử sanh. Người giàu sang, quyền quý thì họ muốn được sống thật lâu để tận hưởng những lạc thú trên đời, còn kẻ cùng đinh thì càng từ chối hội ngộ với diêm vương. Nhắc lại chuyện xưa, vua Tần Thủy Hoàng vì muốn kéo dài sự hưởng thụ ngôi cao tột thế của mình, nên sai không biết bao nhiêu người tâm phúc đi tìm thuốc trường sinh bất tử, nhưng ông ta có thoát khỏi bàn tay lông lá của tử thần không? Bởi thế, kể từ khi khai thiên lập địa đến giờ, từ thiên tử đến chí dân, từ giàu sang đến rách rưới, ai ai cũng không qua khỏi cửa tử cả. Vì thế mới có câu: “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử”. Thật vậy, có sanh tất phải có diệt.


Nhưng thế nào là chết?


Theo dấu hiệu thông thường của cái chết là khi chấm dứt hơi thở và tim ngừng đập. Còn theo Phật giáo thì chỉ gọi là chết khi nào thần thức (linh hồn)  chính thức lìa khỏi thân xác mà thôi. Thần thức thì có hai phần: phần thô và phần tinh tế. Khi hơi thở dứt và tim ngừng đập, thì phần thô của thần thức đã tan mất. Tuy nhiên, phần tinh tế của tâm thức vẫn còn lưu lại trong xác thân của người chết trong một thời gian dài hơn. Có những trường hợp nó lưu lại trong thân xác ba, bốn ngày hoặc là cả tuần lễ nữa. Trong thời gian thần thức còn lưu lại trong thân xác thì thi hài không bốc mùi hoặc thối rữa. Nhưng trong kinh điển Phật giáo đều khuyến khích là chúng ta cố gắng đừng đụng tới thi hài tối thiểu là sau 8 tiếng đồng hồ kể từ khi tắt thở để thần thức có cơ hội thoát ra một cách bình yên. Khi người đang hấp hối, thì phải tránh gieo cho họ những trạng thái bi ai, luyến ái, hay giận hờn. Bởi vì nếu họ không an tâm mà nhắm mắt thì ảnh hưởng rất lớn cho việc đầu thai hoặc vãng sanh của họ. Tuyệt đối không nên khóc lóc hay bi lụy mà chỉ nên niệm Phật, hoặc tụng kinh Địa Tạng hay kinh A Di Đà cho họ sớm được siêu thoát. (Xin đọc thêm trong phần Pháp tu Tịnh độ).


Khi nói về cái chết, Đức Phật đã nói rằng:


- Hễ có hơi thở ra mà không thở vào là chết.


Chính Đức Phật đã khẳng định cái chết đến với mọi người thật dễ dàng vì đời người quá ngắn ngủi mong manh. Vì thế cái chết luôn luôn như chực chờ bên ngoài, bên trong cơ thể và ở ngay trong mỗi con người chúng ta từng giây từng phút.


Theo Phật giáo thì có ba trường hợp đáng lưu ý về sự chết của con người:


1) Sammattimarana: Đây là sự chết thông thường của con người, đó là tim ngừng đập và sự ngừng thở hoàn toàn.


2) Samucchedamarana: Chết và không còn tái sinh. Khi những bậc tu hành đắc đạo hay niệm Phật đến chỗ tam muội (Nhất tâm bất loạn) thì được vãng sanh vào cõi Thánh hay vào cõi bất sinh bất diệt.


3) Khanakamarana: Chết trong một Sát na (một giây). Đây là cái chết đặc biệt trong tâm tức là sự chấm dứt tư tưởng của dòng tâm thức. Chẳng hạn khi tâm đang suy nghĩ về một vấn đề gì rồi dứt bỏ, chấm dứt, không suy nghĩ đến vấn đề đó nữa thì đây là trạng thái của tâm diệt.


Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cái chết:


1. Kãlamarana: Khi thọ mạng hết khiến con người sinh bệnh rồi chết.


2. Ãyukhayena: Chết do tuổi thọ đã hết.


3. Kammak-Hayena: Chết vì nghiệp báo ở kiếp nầy đã trả xong.


4. Ãyukammakhayena: Chết do tuổi thọ và nghiệp quả đã hết.


5. Upaccheda-marana: Chết vì nghiệp quả quá nặng tác động vào.


6. Akãlamarana: Chết bất đắc kỳ tử khi đoạn nghiệp của một người phát sinh quá mạnh.


Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra sau khi chết? hoặc là người chết sẽ đi về đâu? từ những thắc mắc đó mà trong nhân gian đã nẩy sinh ra vô số tôn giáo.


Có tôn giáo nói rằng, loài người cũng như loài vật, một lần chết là mất hẳn, cát bụi sẽ trở về với cát bụi, chết là hết. Nhưng có những tôn giáo khác lại không đồng ý với tôn giáo trên và nói rằng: loài người chết đi, nhưng linh hồn vẫn vỉnh viễn còn lại, hoặc lên thiên đàng để mãi mãi hưởng những khoái lạc, an vui, hay xuống địa ngục lãnh án cực hình thê thảm.


Vậy ta nên tin theo triết lý nào?


Theo giáo lý nhà Phật thì hai triết lý trên không giải thích được cái gì cả bởi vì nó chỉ là những định đề đơn giản, không hợp lý và không thực tế. Tại sao? Nếu quan niệm rằng sau khi chết muốn được lên Thiên Đàng hay bị đọa vào Địa Ngục thì thần thức (linh hồn) phải đổi thay toàn diện. Đó là nếu muốn được lên Thiên Đàng thì thần thức bây giờ sẽ mất hết tính xấu để trở nên toàn thiện như một vị thiên thần. Ngược lại khi chết thần thức mất hết tính tốt để trở nên xấu xa mà biến thành một thứ ma quỷ và bị đẩy vào Địa Ngục. Điều nầy vô lý vì bất cứ sự tiến hóa nào cũng phải diễn biến từ từ chớ không thể nào đột ngột được và một điều chắc chắn là không một ai toàn thiện hay toàn ác trên thế gian nầy cả. Trong mỗi chúng ta đều có đầy đủ chủng tử thiện ác hoặc là do chúng ta tạo ra trong đời nầy hoặc là do những đời trong quá khứ mang đến. Nếu có những người trong đời nầy biết tu tâm dưỡng tánh nên có rất nhiều chủng tử thiện nhưng những chủng tử thiện ác đã tạo ra trong đời quá khứ họ vẫn phải đeo mang.


Sự chết chỉ là giai đoạn chuyển tiếp chứ không phải là hết. Vì thế không có việc quỷ sứ hành hạ tội nhân hoặc thiên thần có cánh bay vèo vèo như những loài chuồn chuồn châu chấu. 


Phật giáo gọi chữ linh hồn của những tôn giáo khác là thần thức và thần thức thì vốn như hư không và không có hình tướng. Khi còn sống, con người hằng ngày đã tạo nên rất nhiều nghiệp báo. Những nghiệp tốt thì gọi là thiện nghiệp còn nghiệp dử thì gọi là ác nghiệp và những thiện nghiệp cũng ác nghiệp nầy được gọi chung là nghiệp thức. Tất cả những nghiệp thức mà chúng ta tạo ra trong đời nầy sẽ được ghi nhận lại bởi một hệ khác là Mạt-Na thức. Sau đó, tất cả những nghiệp thức được chuyển qua và giữ lại ở A-Lại- Da thức. Những chủng tử (cái mầm) của nghiệp thức một khi đã được dồn chứa trong A-Lại-Da thức, thì chúng sẽ tồn tại từ đời nầy sang đời khác cho đến khi gom góp đủ nhân duyên thì chúng sẽ phát sanh. Đến lúc thân chết, thì thần thức phải đi theo nghiệp báo mà biến hóa đổi đời để mang lấy thân khác. Khi đã sang đời khác lại phải chịu ở trong bào thai, tất nhiên mọi sự thấy biết cũng đều khác hết nên không còn nhớ đến những việc cũ nữa.


Nhưng tại sao chúng ta không nhớ đến việc đời trước? Để trả lời Đức Phật dạy rằng:


“ Cũng ví như người thợ đúc, khi ông nấu đá quặng để luyện thành sắt, khi thành sắt rồi lại chế thành đồ dùng. Vậy khi đã thành đồ dùng rồi, có thể làm cho nó trở lại thành đá quặng nữa chăng?


Thần thức dời chuyển ở trong thân Trung Ấm (khoảng thời gian vừa chết cho đến khi đi đầu thai sang kiếp khác, thường thường thì khoảng 49 ngày) cũng như đá quặng nấu thành sắt, từ Trung Ấm chuyển sang thân khác, cũng như sắt đã chế thành đồ, hình cũ tiêu đi thể chất đổi khác. Vậy cái thần thức lúc đó thay đổi rồi, không còn nhớ những việc trước nữa. Tại sao thế? Bởi vì phải theo với nghiệp thiện ác của mình đã tạo lập như thế nào, thì thần thức sẽ lại theo nó để hưởng thụ lấy quả báo (tội hay phước) biến hóa đổi đời cũng như đá chuyển thành sắt vậy.


Vì thế, nếu trong đời này chúng ta làm những việc ác đức, thì lúc chết đi thần thức sẽ phải sa vào làm kiếp súc sanh, hay địa ngục. Nói một cách khác, khi ta chết, không có nghĩa là hết, cũng không có nghĩa là sẽ lên trên hoặc xuống dưới chỉ một lần, mà chúng ta phải quay lộn trong cảnh sanh tử luân hồi. Nên nhớ tất cả những chủng tử của nghiệp thức dồn chứa trong A-Lại-Da thức thì bất biến. Nói một cách một khi chúng ta gây ra một nghiệp nào thì nó sẽ ở mãi trong A-Lại-Da (Tàng thức) từ đời nầy đến đời khác không mất. Khi gặp nhân duyên thì chủng tử sẽ phát sinh để tạo thành quả báo và nó là kết quả của cái vui hay cái buồn của con người trong đời nầy. Chủng tử ví cũng như cái mầm, hột giống. Một khi cái mầm hay hột giống (cái nhân) gặp mưa, gặp đất tốt tức là nhân duyên thì cái mầm sẽ nẩy chồi, sanh rễ rồi thành cây thành quả. Do đó nếu nghiệp mà không có nhân duyên thì nghiệp sẽ không bao giờ thành quả. Vì thế người tu Phật không nên gây ra thêm nhân duyên bất thiện để kết với nghiệp ác trong quá khứ mà thành quả báo dữ làm cho mình đau khổ.


Thế nào là luân hồi?


Luân là bánh xe, Hồi là xoay tròn. Đức Phật đã dùng hình ảnh bánh xe quay tròn để hình dung sự xoay chuyển, lên xuống, xuất hiện của mọi chúng sanh trong cõi lục đạo. Khi thì đầu thai ở cõi nầy, khi ở cõi khác, luôn luôn tiếp nối sanh tử, tử sanh không ngừng, như bánh xe lăn.


Luân hồi chẳng qua là nhân quả liên tục, nhưng vì nó khi biến, khi hiện, khi lên, khi xuống, khi mất, khi còn, khi thay hình đổi dạng, nên chúng ta cứ tưởng như gián đoạn và không ảnh hưởng chi phối lẫn nhau.


Sau đây là lục đạo luân hồi mà chúng sinh có thể nhập vào tùy theo nghiệp nhân mà mình tạo:


1) Địa ngục (nơi chịu cảnh khổ): khi sanh tiền chúng ta tạo ra lắm điều sân hận, độc ác thì khi chết phải luân hồi vào địa ngục, chịu đủ điều đau khổ.


2) Ngạ quỷ (quỷ đói): khi sống thì quá tham lam, bỏn sẻn, không biết bố thí, chẳng những không giúp đở người khốn khổ mà còn lập mưu sâu, kế độc để cướp đoạt của người. Khi chết sẽ luân hồi làm ngạ quỷ.


3) Súc sanh: lúc sống thì si mê sa đọa theo thất tình, lục dục, tửu sắc, khi chết luân hồi làm súc sanh.


4) A-tu-la (cõi Thần): những người nầy khi sống gặp việc nhân nghĩa thì làm, gặp việc sai quấy cũng không tránh, vừa cương trực mà cũng vừa độc ác. Mặc dù có làm những điều phước thiện, nhưng tánh hung ác vẫn còn, lại thêm tà kiến, si mê, khi chết luân hồi vào cõi A-tu-la. Cõi nầy thì vui sướng cũng có mà đau khổ cũng nhiều.


5) Loài người: chỉ cần giữ ngũ giới: không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không dối trá, không rượu chè say sưa, thì đời sau trở lại làm người.


6) Cõi trời: bỏ mười điều ác để tạo mười điều thiện thì sẽ luân hồi vào cõi trời, nhưng cõi trời này vẫn còn ở trong vòng phàm tục có nghĩa là vẫn còn chịu cảnh luân hồi sanh tử về sau.


Khi chết thần thức thoát ra khỏi thân xác và chuyển qua một thế giới trung gian (cõi trung giới) trong thời gian từ một đến bảy tuần lễ. Họ trút bỏ thân xác sắc uẩn nặng nề và sự sống tiếp tục bằng cách mang một thân không có xác thịt mà chỉ bằng tư tưởng được gọi là Thân Trung Ấm. Mỗi cảnh giới trong lục đạo được cấu tạo bằng những nguyên tử mà có những tần số rung động (Vibration) khác nhau. Tùy theo nghiệp thức mà nghiệp lực chi phối Thân Trung Ấm có được những rung động tương ứng. Nếu người tạo nhiều nghiệp dữ thì sẽ có tần số rung động thấp, ngược lại người tu hành thanh cao thì có tần rung động rất cao. Sự rung động của Thân Trung Ấm sẽ tương ứng với cảnh giới tần số rung động của một trong sáu cõi luân hồi. Đây chính là “đồng thanh tương ứng” vậy. Thí dụ như trong cõi địa ngục có tần số rung động nặng nề, u ám nhất tương xứng với những vong linh bất hảo, những kẻ sát nhân, người giết hại súc vật, những cặn bả trong xã hội, những kẻ có tư tưởng xấu đầy thú tánh…Ngược lại một người có đời sống trong sạch, tinh khiết sẽ thức tỉnh và tái sinh vào một cảnh giới an lành, tự tại.


Cử Chỉ Của Người Sắp Chết


Đức Phật dạy rằng thân xác tức là sắc uẩn của con người là do tứ đại kết hợp:


* Đất là địa tức là thành phần chính tạo nên xương, thịt, bắp thịt, gân, mô, chất sụn hay mô sụn…


* Nước là Thủy chính là thành phần cấu tạo nên chất nhờn như đàm, nước miếng, tinh khí, máu huyết, mồ hôi…


* Gió thuộc Phong tạo nên hơi thở, sinh khí.


* Lửa là Hỏa là phần tạo nên thân nhiệt, sức nóng của cơ thể và cũng là nguồn năng lượng tiềm tàng phát sinh khi toàn bộ cơ thể hay một phần cơ thể hoạt động.


Khi người sắp chết thì tứ đại lần lượt lìa ra khỏi xác thân vì thế thịt, gân, xương trở thành các chất bắt đầu tự hủy hoại từ trong lẫn ngoài. Kế đến là các chất lỏng bắt đầu cô đặc dần dần và máu tụ về một nơi nên lúc đó tim vẫn còn thoi thóp và hơi thở dần dần giảm thiểu rồi dứt hẳn. Quả tim đập một cách yếu ớt và lúc nầy Hỏa vẫn còn lưu chuyển nên ngực còn hơi ấm để rồi tách dần khỏi thể xác khiến cơ thể lạnh dần và da tái mét hay tím ngắt vì đã mất máu và năng lượng nhiệt.


Thông thường mỗi người trước khi trút hơi thở cuối cùng có những cử chỉ đặc biệt, nhưng tựu trung cũng nằm trong bốn trạng thái sau đây:


1) Hốt hoảng, lo sợ và tiếc nuối làm chân tay run rẩy, chới với và ngơ ngác…


2) Đau đớn, khổ sở với nét mặt nhăn nhúm, dáng mặt xanh xám nhợt nhạt, mắt trợn trừng, tay chân co quắp, co giật và quằn quại…


3) Thâm trầm, lặng lẽ, buông xuôi…


4) Bình thản với những cử chỉ tự nhiên. Sắp dặt, dặn dò, khuyên nhủ người thân mọi việc như đang chuẩn bị cho chuyến đi xa rồi sau đó mới từ từ nhắm mắt.


Dựa theo Phật giáo thì có 10 hiện tượng lành mà người sắp chết sẽ về cõi Thánh hay được vãng sanh về cõi Tây phương Cực lạc:


1. Đối với những người bình tĩnh, sáng suốt, không hốt hoảng hay bấn loạn tinh thần.


2. Biết trước mình sẽ chết nên rất bình thản và tự nhiên chờ đợi.


3. Họ chuẩn bị mọi việc trước khi ra đi và tắm rửa sạch sẻ, thay quần áo mới và căn dặn người thân như không có gì đáng sợ cả.


4. Tự nhiên có mùi thơm của hương, hoa tỏa ra quanh người sắp chết.


5. Tự nhiên như có âm thanh xa vắng mênh mông khác với âm thanh thông thường của thế gian.


6. Tự nhiên có vầng sáng chiếu vào thân thể người sắp chết.


7. Tự nói ra bài thơ, bài kệ, hay lời giáo huấn có tính cách Pháp thoại cho đại chúng.


8. Tự nhiện đọc kinh hay niệm Phật.


9. Ngồi ngay thẳng, xếp bằng, chấp tay trước ngực rồi nhắm mắt  và trút hơi thở cuối cùng giống như Lục Tổ Huệ Năng tại chùa Nam Hoa, Quảng Đông.


10. Niệm Phật Tam Muội mong về cõi Tịnh độ Phật A Di Đà.


Nếu có chúng sinh nào đạt được phần lớn hay tất cả những điều ở trên thì chắc chắn thoát khỏi sinh tử Luân hồi hay được vãng sanh về cõi Tịnh độ.


Nhắc lại khi con người sắp chết thì mỗi người có các hiện tượng khác nhau bởi vì tất cả đều do nghiệp nhân lành hay dữ của họ gây ra từ trước mà cảm nhận được. Cho nên khi sắp lìa đời thì nghiệp nhân ấy phát khởi, sôi nổi trong tâm thức. Nghiệp nào mạnh thì sẽ bị lôi vào cảnh giới tương đương với nó để thọ báo. Thí dụ như nghiệp lành mạnh thì sẽ hiện ra cảnh giới sung sướng. Ngược lại nghiệp hung dữ ác độc thì hiện ra cảnh giới đau khổ xấu xa.


Nếu có chúng sinh sắp bị đọa vào địa ngục thì nghiệp duyên sẽ khiến họ có những hiện tượng như sau:


§ Gặp con cái, bà con họ hàng nhìn kẻ chết bằng cặp mắt hung dữ ghét bỏ.


§ Người chết đưa hai tay lên mà rờ mò giữa hư không.



§ Cho dù có bậc Thiện-Tri-Thức chỉ bảo, họ cũng không chịu tùy thuận.



§ Kẻ chết kêu gào than khóc.



§ Đi đại tiện và tiểu tiện mà vẫn không hay biết gì.



§ Nhắm nghiền đôi mắt không mở.



§ Thường hay che úp mặt mày.



§ Nằm nghiêng mà ăn uống.



§ Mình mẩy miệng mồm đều hôi hám.



§ Gót chân đầu gối luôn luôn run rẩy.



§ Sống mũi xiên xẹo.



§ Mắt bên trái hay động đậy tức là máy mắt.



§ Hai mắt đỏ ngầu.



§ Úp mặt mà nằm.



§ Thân hình co rút và tay bên trái chấm xuống đất mà nằm.



Nếu có chúng sinh bị lôi vào trong ngạ quỷ thì cũng có những dấu hiệu như sau:



¨ Ưa liếm môi miếng.



¨ Thân nóng như lửa.



¨ Thường lo đói khát và hay nói đến việc ăn uống.



¨ Mắt thường trừng lên mà không chịu nhắm.



¨ Hai mắt khô khan như mắt chim gỗ.



¨ Không có tiểu tiện nhưng đại tiện thì nhiều.



¨ Đầu gối bên phải lạnh trước.



¨ Tay bên phải thường nắm lại tức là biểu hiệu ôm lòng bỏn sẻn.



Nếu có chúng sinh bị lôi vào loài súc vật thì cũng có những hiện tượng như sau:



· Yêu mếm vợ con, đắm đuối không bỏ.



· Ngón tay và ngón chân co quắp.



· Khắp trong thân mình toát ra mồ hôi.



· Tiếng nói ra khò khè.



· Miệng thường ngậm đồ ăn.



Nếu có chúng sinh được tái sinh làm người thì trước khi chết có những hiện tượng như sau:



o Đến khi chết hay khởi niệm lành tức là lòng dạ dịu dàng, phước đức, vui vẻ và vô tư.



o Thân không đau khổ.



o Chăm lòng nhớ nghĩ cha mẹ.



o Con cái đều đem lòng thương mến và gần gũi.



o Tai thường muốn nghe tên họ của anh em, chị em, bè bạn…


o Đối với việc lành hay việc dữ lòng không lầm loạn.


o Tâm tính chính trực, không dua nịnh.



o Rõ biết bà con bạn bè giúp đỡ cho mình.



o Thấy bà con chăm sóc sinh lòng vui mừng.



o Di chúc việc nhà, phân chia tiền của.


o Sinh lòng tịnh tính, thỉnh Phật, Pháp, Tăng để quy y.


Nếu có chúng sinh được sanh lên cõi an lạc cũng có những hiện tượng sau:


¨ Khởi lòng thương mến.


¨ Phát khởi tiện niệm.


¨ Lòng thường vui vẻ.


¨ Chánh niệm được rõ ràng.


¨ Không có những điều hôi hám.


¨ Sống mũi không xiên xẹo.

 

¨ Lòng không giận dữ.


¨ Lòng không lưu luyến của cải vợ con quyến thuộc.


¨ Mắt được trong sáng.


¨ Ngửa mặt lên mĩm cười mà nghĩ tưởng thiên cung đến rước họ.


Không nhất thiết tất cả những điều ghi nhận trên đây nhất nhất phải hiển hiện, nhưng chỉ có những điều kiện quan trọng sẽ được hiển hiện mà thôi.


Có thể quan sát các cảm giác trên gương mặt và thân xác của người chết để biết nơi thoát ra của thần thức.


1. Nếu người sắp chết mà chết tự nhiên, bình tĩnh, sáng suốt và căn dặn mọi điều với con cháu hay bình thản giã từ thân nhân thì thần thức sẽ thoát ra từ ngực.



2. Nếu người sắp chết từ từ nhắm mắt lìa đời một cách êm ái nhẹ nhàng như đi vào giấc ngủ bình thường thì thần thức sẽ thoát ra từ trán hay ngực.


3. Nếu trái lại, cơ thể tím ngắt, xạm đen, xanh xám với tiếng rên rỉ, mặt nhăn nhó, quằn quại thân mình thì thần thức chắc chắn sẽ rời khỏi thể xác bằng ngả bàn chân.



4. Khi người sắp chết tỏ vẻ nuối tiếc, nét mặt khổ đau, kêu than đau đớn, kêu khát nước, đòi ăn, vật vã thì lúc đó thần thức đang chuyển xuống bụng hay đầu gối để tách rời khỏi thể xác.



Vì thế khi rờ nhẹ trên người của người mới chết thì cũng có thể đoán biết thần thức của người chết sẽ đi về đâu:



1) Nếu người sắp chết mà toàn thân từ từ lạnh ngắt mà đôi mắt vẫn còn nóng thì thần thức sẽ thoát ra nơi đôi mắt và người đó sẽ thọ sanh về cõi Thánh hiền.



2) Nếu người chết mà toàn thân lạnh ngắt chỉ có đỉnh đầu còn nóng thì thần thức sẽ thoát ra ở đỉnh đầu và người nầy chắc chắn sẽ sanh về một trong những cỏi Trời để hưởng phước lạc.



3) Nếu người mới chết mà toàn thân lạnh ngắt nhưng ngực còn nóng thì thần thức sẽ thọ sanh vào làm người trở lại. Nên nhớ khi tái sinh thì nghiệp lực cùng với nhân duyên mới có thể sẽ đưa họ đầu thai vào những giống dân khác với giống dân trước khi họ chết. Thí dụ khi sống thì họ là người Tàu, nhưng lúc tái sinh lại trở thành người Ấn độ.



4) Nếu người chết khắp nơi đều lạnh ngắt mà bụng vẫn còn nóng thì thần thức sẽ sinh vào loài ngạ quỷ.



5) Nếu người mới chết toàn thân đều lạnh ngắt mà chỉ còn hai đầu gối là nóng thì chắc chắn thần thức sẽ sinh vào loài súc sanh.



6) Nếu người mới chết toàn thân lạnh ngắt mà hai bàn chân còn nóng thì thần thức sẽ bị đọa vào địa ngục.



Theo Phật giáo thì tùy theo hơi ấm tụ ở nơi đâu mà có thể biết thần thức được chuyển vào cõi tốt lành thanh thoát hay cõi địa ngục tối tăm. Hơi ấm càng đưa xuống phần dưới cơ thể thì càng xấu. Nói chung hơi ấm mà tụ ở bàn chân, ở đầu gối, ở bụng là xấu. Ngược lại, hơi ấm tập trung ở trán và đầu của người sắp chết là tốt. Khi gặp trường hợp trán và đầu của người sắp chết lạnh trước tiên thì thân nhân hay người đang có mặt phải dùng hai bàn tay để chuyển động như cố ý dồn đẩy hơi ấm vào đầu và trán người sắp chết cho đến khi đầu và trán có chút hơi ấm thì thôi.

 

Có Ma Hay Không?


Ma luôn luôn là hình ảnh ám ảnh loài người cho dù con người có tin hay không. Con người sợ hãi về ma nhưng vẫn muốn nghe chuyện ma. Rất nhiều người hoặc nghe hoặc thấy ma nhưng thật sự nếu chứng minh có ma hay không theo quan niệm của khoa học thì không phải là chuyện dễ nếu không muốn nói là không thể được. Ma là hiện tượng vô hình nhưng lại xuất hiện rất nhiều trong ý tưởng và trong quan niệm sống của con người trên khắp hoàn cầu. Mỗi tôn giáo có lối giải thích hơi khác nhau về ma, nhưng dựa theo Phật giáo thì ma là những thần thức chưa siêu thoát và không có chỗ nương tựa. Có người khi chết thì thần thức lìa khỏi xác, nhưng thần thức không chịu xa lìa người thân vì chính người chết cũng không nghĩ rằng mình đã chết và họ vẫn sống tự nhiên trong nhà.



Điều làm họ rất đau khổ là tuy họ muốn sinh hoạt với người thân nhưng người thân đâu có thấy họ nên ai ai cũng ơ hờ, hất hủi họ. Thật ra thần thức được cấu tạo bởi những nguyên tử có tần số rung cao hơn cho nên khi chẳng được ai nghe, thấy, biết mình thì họ sẽ vô cùng khổ sở. Đôi khi quá tức giận họ cố tập trung tất cả năng lực làm cho đồ đạc di chuyển hay phát ra tiếng động để tạo sự chú ý với người thân. Một vài trường hợp họ nhờ năng lực cực mạnh để có thể mượn tạm xác thân để hiện ra làm kinh hãi người sống mà chúng ta gọi là ma. Kinh điển Phật giáo xác định ma tức là những thần thức ở cõi âm không đáng sợ vì chúng chỉ xuất hiện ở trạng thái thấp hơn loài người. Đối với người Việt Nam thì không ai lạ gì về câu chuyện con ma nhà họ Hứa tức là con gái ông chú Hỏa.



Riêng tại Hoa Kỳ, Tổng Thống Abraham Lincoln là vị tổng thống có nhiều huyền thoại đầy bí ẩn và kinh dị nhất. Trước hết người con trai tên là William qua đời trong khi ông còn ở tòa Bạch Ốc. Sau khi ông bị ám sát chết ngày 15 tháng 4 năm 1865 thì có những hiện tượng lạ lùng được ghi lại trong cuốn tự điển ma quỷ (Encyclopedia of Ghosts) được nhà xuất bản Avon Books phát hành năm 1991 như sau: Nhiều người nghe tiếng chân đi quanh tòa nhà trắng vào lúc gần sáng. Chính bà Grace Coolidge là vợ của Tổng Thống Calvin Coolidge đã xác định rằng chính bà đã thấy gương mặt của Tổng Thống Lincoln đang nhìn trừng trừng qua cửa sổ của văn phòng bầu dục (Oval Office)  trong tòa Bạch Ốc. Ngay cả Tổng Thống Roosevelt cũng nhiều lần thấy hình dáng rõ ràng của Tổng Thống Lincoln ngay chính nơi phòng mà ngày trước Tổng Thống Lincoln đã ở và làm việc cũng như các phòng lân cận.



Con người gặp ma thường thì xảy ra bất thình lình chớ không bao giờ được định trước cả và các thần thức ma ít khi tấn công hay gây tổn thương cho bất cứ người nào. Vì có sự ngăn cách về thể chất và môi trường sống tức là có sự ngăn cách của hai thế giới âm và dương cho nên nếu có gặp gở, con người thấy có những điểm kỳ lạ gây ra sự khiếp đảm ngay cả khi hồn ma xuất hiện một cách thầm lặng và hiền hòa.



Bà Margaret E. Wilson là một nữ họa sĩ nổi tiếng vào những năm 1938, vì nghe tòa biệt thự Borley Rectory với nhiều điều kỳ quái nên xin đến để vẽ một bức tranh. Trong cuốn nhật ký, bà ghi lại như sau:”..Tôi có cảm tưởng như tất cả đều lắng yên nhìn tôi làm việc, lúc đầu tôi không quan tâm vì lo chuẩn bị đồ đạc để vẽ, nhưng khi công việc đã sắp đặt đâu vào đó tôi mới cảm thấy một điều kỳ dị như có ai đó đang chăm chú nhìn tôi. Cái nhìn đôi khi rất gần như áp sát vào tôi rồi đảo quanh tôi.” Rồi bà viết tiếp:” Lúc đó khoảng 3 giờ chiều, trong lúc đang mãi mê vẽ tranh bỗng nhiên tôi nghe như có tiếng động, tiếng động dễ làm cho tôi chú ý vì phát ra trong cái yên lặng mà tôi chưa từng gặp bao giờ. Tiếng động phát ra như từ một vật có cánh lao nhanh về phía tôi. Giật mình, tôi ngẩng lên nhìn thấy ngay một vật quái dị có 2 con mắt bự màu đen, thân hình màu đen và như có đốt. Đặc biệt cơ thể dẹp chứ không no tròn. Tôi đứng sửng nhìn, không kịp bỏ tấm pha trộn màu xuống…”.



Các nhà vật lý học sau khi nghiên cứu rất nhiều trường hợp đã đưa ra kết luận là hầu hết các căn nhà có ma thường có nhiệt độ giảm thiểu. Sự sụt giảm nhiệt độ sẽ diển biến rất nhanh khi có hồn ma xuất hiện mà theo họ có thể là do hồn ma thuộc về âm hơn là dương tính.



Có một điều làm nhiều người thắc mắc là tại sao hồn ma luôn luôn xuất hiện cùng với bộ áo quần đang mặc lúc họ qua đời chớ không phải là áo quần mới khác. Theo Phật giáo thì hồn ma nầy chưa được đầu thai hay chính hồn ma chưa chịu đầu thai. Hình ảnh hồn ma xuất hiện luôn mặc nguyên bộ áo quần củ lúc chết chứng tỏ hồn ma còn ở tình trạng mượn lấy phần dạng thể của thân xác củ chớ chưa nhập vào thân xác khác. Điều nầy xác định là hồn ma chưa được siêu thoát.



Riêng đối với người Việt Nam vì ảnh hưởng rất nhiều ngàn năm của đạo ông bà, đó là sống có nhà còn chết phải có mồ. Cho nên con cháu cố gắng xây cho ông bà cha mẹ những ngôi mộ rất nguy nga đồ sộ để tỏ sự hiếu để đối với người quá cố và cũng để lưu lại cho dòng họ. Thật ra đạo ông bà có mặt tại Việt Nam trước khi đạo Phật du nhập vào vì thế người Việt Nam mặc dù theo đạo Phật vẫn duy trì truyền thống cố hữu của ông bà. Mới đây có một cụ già kể lại câu chuyện là ông cụ đã chết trên hai mươi mấy năm và được chôn cất rất lớn ở ngoại ô tỉnh Quảng Nam, Việt Nam. Mấy lúc gần đây nhà nước muốn dùng đất để xây khách sạn nên con cháu được thông báo phải dời mộ. Vì tất cả gia đình ở Hoa Kỳ nên họ đều đồng ý là hỏa táng hài cốt ông cụ rồi đem qua Mỹ mà thờ. Một ngày nọ bà cụ đang nằm chợt có chuông cửa reng. Bà vội mở đèn ra xem thì mở đèn hai ba lần mà đèn không sáng. Đến khi nhìn kỷ thì bà thấy ông cụ với bộ đồ củ ngày xưa, mặt rất buồn nhìn bà rất lâu rồi biến mất. Tại sao một người chết đã lâu mà còn báo hiện?



Dựa theo đạo ông bà một khi ông bà cha mẹ chết thì con cháu muốn tỏ lòng hiếu để thường xây cho người chết ngôi mộ thật khang trang đồ sộ. Tuy thần thức đã lìa khỏi xác nhưng họ vẫn còn bám vào mộ của mình vì đó là chỗ họ nương tựa. Cho nên họ không muốn đi đầu thai hoặc bỏ lở cơ hội đi tái sinh tức là chưa được siêu thoát. Nếu ai đụng chạm đến ngôi mộ tức là nhà của họ thì dĩ nhiên hồn ma không tha. Vì thế mà đạo Phật khuyên chúng sinh nên hỏa thiêu thân tứ đại để thần thức không có chỗ nương tựa mà dựa theo ánh sáng của chư Phật để được vãng sinh hay tái sinh. Nói tóm lại nếu thần thức được siêu thoát thì sẽ không có hiện tượng hồn ma bóng quế.

 

Địa ngục có thật không?


Theo kinh điển Phật giáo thì địa là chỗ còn ngục là hình phạt đau khổ. Vì thế khi chúng sinh khi còn sinh tiền tạo quá nhiều nghiệp ác thì sau khi chết phải thọ sanh vào chỗ chịu những hình phạt đau khổ thì đó gọi là địa ngục. Cũng theo Phật giáo thì Địa Ngục không phải là cõi giới có 18 tầng với bọn quỷ sứ đầu trâu mặt ngựa lăm le để trừng phạt con người như người Trung Hoa đã vẽ trong kinh sách. Thật ra Địa Ngục chỉ do Nghiệp Thức biến hiện bởi vì tự thể chính địa ngục cũng chỉ là cái Không. Khi một người chết thì thần thức thoát khỏi thân xác trong một trạng thái mơ hồ, tối tăm mê muội trong khoảng ba, bốn ngày.


Lúc bấy giờ chính thần thức cũng không nghĩ rằng mình đã chết và dĩ nhiên cũng không biết mình sẽ đi về đâu. Những nghiệp thức hiện đến làm cho thần thức cảm nhận những điều ghê sợ. Lúc bấy giờ có một thứ gió Nghiệp (Nghiệp Phong) nhẹ nhàng thổi đến đưa nghiệp thức vào nơi không phương hướng bềnh bồng như một con thuyền không người lái trên đại dương mênh mông. Tiếp theo là những vầng sáng lạ lùng tỏa ra hòa với những âm thanh kỳ lạ mà thần thức chưa từng được nghe thấy như lúc còn sống ở thế gian.


Chưa hết những hình tượng đầy vẻ ma quái rùng rợn của những con vật mình người đầu thú, hung tợn, gầm gừ như muốn nhảy tới phanh thây, nhai  nuốt người chết. Sau cùng là những khối lửa lớn ngùn ngụt phụt lên từ mọi phía cùng với giông tố sấm sét chớp lòa làm cho Thần Thức kinh hoàng. Tất cả những hiện tượng kinh hoàng đó thật ra đều do nghiệp lực mà chiêu cảm nhưng Thần Thức không biết mà tin là thật cũng giống như nếu để một em bé trước một cái TiVi lớn có hình ảnh sấm sét kinh hồn làm cho đứa bé tin là thật mà khóc thét lên.


Vì do nghiệp lực chiêu cảm và Thần Thức vẫn còn mê mờ tăm tối nên nó càng thấy nhiều cảnh tượng kinh hoàng làm cho nó càng sợ hãi và tìm cách trốn tránh bất chấp đó là chỗ nào.  Bây giờ nếu nghiệp cảm của người chết muốn sinh vào cõi địa ngục thì trong thời điểm nầy Thần Thức sẽ thấy một khoảng mờ ảo với âm thanh trầm buồn lặng lẽ. Thần Thức nghĩ rằng đây chính là một nơi yên lành có thể dung thân trong giai đoạn nguy hiểm nên mới dấn thân vào đó.


Từ đó tất cả những nghiệp thức sẽ phát sinh ra những cảnh giới như nhà cửa, đường xá… Thần thức sẽ thấy những căn nhà có màu sắc đen hay trắng đục và có vẻ mờ ảo lung linh. Còn đường xá thì như chìm dưới lớp sương màu xám tro và thỉnh thoảng lộ ra những đoạn gập gềnh, hang lỗ tối đen. Cảnh vật nơi đây thì vô cùng lạnh lẽo, âm u và vắng lặng và cũng có nơi nóng ran như thiêu đốt. Dần dần Thần thức cảm nhận những sự nóng lạnh rất rõ ràng như khi còn sống ở thế gian.


Nếu người chết bị đọa vào Hỏa ngục thì Thần Thức trước tiên cảm nhận một sự lạnh lẽo ghê hồn xuyên qua Thân Trung Ấm khiến họ mong mỏi có cơ hội thoát khỏi cái lạnh khủng khiếp nầy. Tư tưởng nầy vừa xuất hiện đã làm phát sinh một làn hơi nóng ấm từ đâu đó thoát ra khiến họ vô cùng mừng rở và dĩ nhiên Thần Thức vội vàng tìm đến đó. Thế là họ tức thì rơi vào Hỏa ngục mà chính họ không hay biết gì. Nên nhớ tất cả những cảnh tượng chợt biến chợt hiện đó đều do Nghiệp Cảm tạo thành cho nên khi lòng nghĩ đến điều gì thì hình ảnh liên quan sẽ hiện ra như có thật trước mắt.


Thân Trung Ấm là thân không có xác thịt mà chỉ lấy tư tưởng làm thân nên tất cả đều không thật mà chỉ là giả tướng. Nếu đã là không thật thì không có gì phải khiếp sợ. Người có tu đạo thì họ làm chủ được Thần Thức của mình nên dễ dàng tránh xa những cảm nhận thích nghi với những âm thanh và ánh sáng dễ chịu mà thoát ra khỏi lục đạo.


Nếu lỡ đã sa vào Địa ngục hay chạm trán với quỷ sứ Ma Vương thì cũng chỉ là đối diện với hư ảnh mà thôi. Bởi vì tất cả những hình tượng ấy đều do nghiệp thức biến hiện và tự thể của nó là không thật. Nhưng trong thật tế hầu như tất cả mọi người khi chết đều rung sợ và mê mờ tối tăm trước những hình ảnh hư ảo ở cõi âm. Một lần nữa, kinh điển Phật giáo khẳng định là địa ngục không phải là nơi có các quỷ sứ hiện diện để moi tim, móc ruột, chặt tay, cưa chân hay thả tội hồn vào vạt dầu…Mà Địa Ngục chỉ là nơi tối tăm mà con người khi chết phải vào đó để thọ lãnh những đau khổ mà họ đã tạo tác trong khi còn sinh tiền.


Nói một cách khác theo tinh thần Phật giáo thì Địa Ngục không có quỷ sứ xử phạt kẻ có tội với những cực hình thê thảm mà thật ra Địa Ngục chính là cõi thế gian mà loài người đang sống. Từng giây, từng phút và từng ngày họ phải thọ báo những đau khổ, những xấu xa, những tội lỗi mà nghiệp báo đã chuyển đến cho họ sau khi họ được tái sinh. Đây chính là Địa Ngục trần gian vậy. Biết bao người hằng ngày phải sống trong thiếu thốn khổ đau. Họ bị đọa đày từ tinh thần đến xác thân thì có phải đây là địa ngục chăng? Trong kiếp quá khứ chúng ta gây nên ác nghiệp nên bây giờ thân phải chịu bệnh tật hiểm nghèo. Có người vì bệnh mà phải chịu mổ xẻ tim, gan, thận, cắt tay, cắt chân, mổ óc…Đây có phải là giống như cảnh chặt tay, cưa chân, móc óc trong cảnh địa ngục chăng? Có người trong tiền kiếp gây ra nghiệp sát hại nên khi qua đến kiếp nầy phải bị sát hại mà tệ hại hơn nữa là bị sát hại ngay khi còn nằm trong bụng mẹ tức là phá thai.  Đây có phải là địa ngục chăng?


Trong cuốn Hồi Dương Nhân Quả của Linh Tự Kỳ và sách Địa Ngục Du Ký xuất bản đời nhà Đường có ghi lại những lời đối thoại của Tế Phật cho một nhân vật tên là Dương Sinh nghe về cảnh giới của địa ngục. Dựa theo sách nầy thì địa ngục gồm có 10 điện chính và mỗi điện có 16 ngục. Sách diễn tả khá rõ ràng về kích thước và cảnh giới của mỗi điện địa ngục. Thêm nữa sách nầy cũng mô tả những gì liên quan đến cõi Diêm phù mà từ lâu trong thế gian thường hay nói đến. Chẳng hạn như cây cầu ở chốn địa ngục mà người Việt Nam hay Trung Hoa thường gọi là cầu Nại Hà. Cầu Nại Hà nầy là một trong 6 cây cầu chính ở địa ngục. Cầu treo lơ lửng trên cao và người chết vào địa ngục thì phải đi qua cầu nầy. Các quỷ sứ có nhiệm vụ áp giải tội hồn đi qua cầu.


Khi tội nhân tới giữa cầu thì các tội hồn nầy sẽ bị quỷ sứ đẩy xuống vực sâu thăm thẳm. Nơi đó vô cùng tối tăm lạnh lẽo và đầy rắn độc. Còn những kẻ ác ở thế gian khi chết đi qua cầu nầy tự nhiên tâm thức kinh động nên tự nhào xuống vực chớ không cần quỷ sứ xô xuống. Khi xuống đến địa ngục thì có 18 tầng và còn thêm 16 tiểu ngục nữa để trừng phạt tội hồn. Có lẻ tất cả đều là do óc tưởng tượng của người Trung Hoa vì có ai xuống được địa ngục rồi trở về để ghi chép quá chi tiết như thế bao giờ? Nằm mơ, nằm mộng kể lại thì ai nói gì chẳng được. Đạo Phật là đạo giải thoát mà cứ ôm khư khư những tư tưởng kinh hồn, khiếp vía ràng buộc cứng ngắt như thế thì làm sao giải thoát cho được.


Riêng đối với các nhà khoa học thì quan niệm về Địa Ngục quả là một quan niệm chứa đầy tính chất siêu hình. Khó có ai thấy được rõ ràng trước mắt cõi Địa ngục và khó có ai chụp được hình ảnh của cõi Địa ngục. Cho đến nay, những nhà nghiên cứu về các hiện tượng siêu linh huyền bí cũng chỉ ở giai đoạn thu thập các tư liệu liên quan đến những gì gọi là cõi giới bên kia cửa tử mà chúng ta gọi là Địa ngục mà thôi.

 

Còn thế nào là Thân Trung Ấm?

 

Thân Trung Ấm (intermediate state) có thể được giải thích như là sự sống sau khi chết trước khi thần thức của người ấy đi tái sinh vào một trong Lục đạo Luân hồi (cõi trời, làm người trở lại, A ta la, sa vào địa ngục, vào cõi ngạ quỷ, hoặc làm kiếp súc sanh). Thân trung ấm là thân không có xác thịt mà chỉ lấy tư tưởng làm thân. Sau khi con người chết, thì thần thức thoát ra khỏi xác và lưu lại ở một thế giới trung gian trong khoảng từ một đến bảy tuần lễ, rồi sau đó tùy theo nghiệp lực của mình mà đi tái sanh. Nếu trong thời gian nầy, thân trung ấm chưa tìm thấy một nơi tương ứng với mình để tái sinh thì nó lại chết đi sau mỗi bảy ngày. Sau đó thần thức được chuyển qua một thân trung ấm khác, chu kỳ sinh diệt nầy cứ lập lại cho đến khi thần thức được đi tái sanh.



Trong thời gian ở lại trong cõi trung ấm nầy, vào những ngày đầu, thì vong linh chưa nhận ra mình đã chết. Thần thức quay trở lại gia đình để gặp lại những người thân nhưng không ai biết. Họ hỏi thăm từng người nhưng không ai trả lời. Họ cố gắng sinh hoạt trở lại bình thường như lúc còn sống nhưng không thể được, cho đến khi họ phát hiện là bóng hình của họ không in trên đất và cũng không còn phản chiếu trên gương thì lúc đó họ mới nhận ra là mình đã chết. Từ đây, họ lần lượt nhớ lại tất cả những nghiệp thiện ác mà họ đã tạo ra khi họ còn sống. Tất cả những cảnh tượng hạnh phúc hay khổ đau đều hiện ra trước mắt họ như một cuộn phim ghi lại suốt cuộc đời của họ.


Nếu vong linh là người từng tạo phước, tu tâm dưỡng tánh, thì sẽ có những cảm giác yên bình, thanh thản và dễ dàng để tìm đường tái sanh vào cõi lành. Còn nếu người đã từng tạo ra nhiều ác nghiệp, thì họ sẽ đối diện với những cảnh tượng khổ đau, kinh hoàng, sợ hãi, thất vọng và chán chường. Họ lang thang một cách tuyệt vọng trong cõi trung ấm và muốn tìm một thân xác để tái sinh tương xứng với nghiệp lực của họ. Nếu thân trung ấm có tu tập và làm chủ được thần thức của mình, thì người ấy được chọn cho mình một cảnh giới tốt để tái sinh. Trái lại, những người có ác nghiệp thì bị bắt buộc phải thọ sinh vào một cảnh giới thích hợp với nghiệp lực của họ cho dù họ có muốn hay không.

 

Vậy thế nào là Tái Sinh?


Nếu được tái sinh trở lại cõi người, thì thần thức của người ấy thấy cha mẹ tương lai của mình đang ăn nằm với nhau. Khi thần thức có sự giao động thì đây là điểm bắt đầu chấm dứt thân trung ấm của họ. Cái thời điểm mà Thân Trung Ấm tan biến chính là lúc tinh trùng của người cha lọt vào noãn bào của người mẹ. Giây phút thiêng liêng nầy cái Ngã cũ đã hết nên thần thức của người chết không còn nhớ minh là ai nữa. Vì thế khi mang một hình hài mới, dòng họ mới và số phận mới thì tất cả những chuyện về đời trước đã quên hết. Thần thức được chuyển qua đời sống kế tiếp bằng cách nhập vào bào thai của người mẹ và bắt đầu với hình dáng của một con người. Khi ấy tinh cha và huyết mẹ được kết hợp với thần thức của người ấy. Họ tự nhiên và dần dần phát triển thành một con người. Nói tóm lại, khi đến ngày gần tái sinh, thần thức của người ấy bị lôi kéo về nơi tái sinh tương lai, thậm chí nơi ấy là địa ngục.


Chẳng hạn như thần thức của một anh đồ tể đang nhìn thấy một con bò đang đi. Anh ta muốn đuổi bắt và giết chết nó, nhưng anh ta thấy bóng con bò xuất hiện càng lúc càng xa làm cho anh ta khởi tâm giận dữ. Chính cơn giận nầy đã kết liễu thân trung ấm của anh ta và thần thức của anh ta bị rơi vào địa ngục tức thì. Nên nhớ rằng sự chuyển tiếp của thần thức từ đời nầy sang đời khác là do nghiệp lực mà ra.

 

Ngạ Quỷ Có Thật Không?

 

Quỷ là những thần thức có nhiều tham vọng, oan tức và nuối tiếc khi chết. Trong bộ kinh Ngã quỷ kinh giải (Petakkathà) nói về 24 thứ Ngạ quỷ:


1) Ngạ quỷ Vantàsà: Đây là thứ ngạ quỷ đói khác, khổ đau. Nó xuất hiện ở đâu thì thối tha tới đó. Hễ nghe ai khạc nhổ là nó chạy lại liếm láp cho đỡ đói.


2) Ngạ quỷ Kunapà: Là loại ngạ quỷ chuyên tìm các tử thi để ăn vì quá đói nên đây cũng là loại quỷ thối tha. Mặc dầu đã ăn nhưng nó vẫn không thỏa mãn vì càng ăn càng đói.


3) Ngạ quỷ Gùthakhad: Loại quỷ đói nầy thường xuất hiện ở những nơi hôi hám như cầu tiêu công cộng và những chỗ phế thải đồ dơ đã bốc mùi khó ngữi.


4) Ngạ quỷ Aggijàla: Da thị lở lói khắp thân thể cùng với lửa cháy trên mặt da đến bốc khói. Chúng thường hiện ra ở núi rừng gần mé biển hay cồn, bãi.


5) Ngạ quỷ Sucimukha: Miệng dài nhọn như ống hút, thân mình đầy rong riêu và chất dơ bẩn. Suốt đời làm quỉ đói khát không cùng. Loại quỷ nầy thường xuất hiện chập chờn nơi rừng sâu núi thẳm khiến nhiều người lầm tưởng là người rừng.


6) Ngạ quỷ Khanhaji: Loại nầy mình cũng đầy long lá và chịu đói khát nghiệt ngã luôn luôn. Lại còn bị ảo tưởng dày vò. Khi ở xa thì thấy có nước để uống mà chạy lại gần thì không có gì. Thấy thức ăn thì chạy lại nhưng tất cả chỉ là đá với lửa.


7) Ngạ quỷ Nijjhà: Loại ngạ quỷ nầy có những điểm đặc biệt như tay chân chỉ có một ngón, môi xệ và từ miệng mọc ra một cái đuôi dài.


8) Ngạ quỷ Sabbakà: Thân mình đầy vết xây xát lở lói đến hôi thúi và tay chân có móng nhọn moi móc thịt sình thối để ăn.


9) Ngạ quỷ Pabbankhà: Loại nầy có thân hình to lớn và trên da thịt luôn luôn bôc lửa làm quỷ đau đớn vô cùng. Quỷ nầy thường xuất hiện ở núi Kỳ-Xà-Quật và Tuyết lãnh sơn.


10) Ngạ quỷ Ajagara: Thân hình giống con rắn lớn có nhiều đầu và các đầu thường thay đổi, khi thì đầu người khi thì đầu loài thú. Quỷ nầy xuất hiện nơi cồn, bãi.

11) Ngạ quỷ Vemànika: Đây là thứ quỷ vô thường về tánh khí, vui buồn, hung dữ lẫn lộn. Tay luôn luôn cầm khí giới nên thường được gọi là Diêm Vương (Yamarãja).

12) Ngạ quỷ Mahiddhika: Dạng thể chững chạc, gọn gàng, có áo quần đàng hoàng. Tuy nhiên là quỷ đói thường đi tìm thức ăn thừa nên cơ thể tỏa ra mùi hôi thối.

13) Ngạ quỷ Sociluma: Loại quỷ nầy thì khắp người long tóc tua tủa những kim đâm qua da thịt khiến loang lổ đầy máu làm quỷ than khóc thảm thiết vì đau đớn. Quỷ nầy thường trôi nổi bình bồng ở hư không gần núi Kỳ-Xà-Quật.


14) Ngạ quỷ Kumbhanda: Loại quỷ nầy có đôi ngọc hành sưng lớn đau nhức không thể ngồi được nên phải vác lên vai để đi.


15) Ngạ quỷ Ahi: Có mình rắn đầu người rất to lớn và thường bị lửa cháy quanh thân mình nên rất đau đớn. Thường xuất hiện nơi rừng núi.


16) Ngạ quỷ Nicchavi: Thân thể tiều tụy, lại còn bị các loài chim kên kên bay đến mổ thịt. Quỷ nầy cũng ở gần vùng núi Kỳ-Xà-Quật và thường lơ lửng trên không.


17) Ngạ quỷ Nimugga: Da thịt thối tha ghê tởm chuyên ăn phân người và súc vật nên bụng luôn luôn sình lên đến khủng khiếp.


18) Ngạ quỷ Sùkara: Miệng có đuôi thú mọc ra và ăn uống không được nên đói khác và đau khổ vô cùng.


19) Ngạ quỷ Manguli: Trông vô cùng ghê tởm, lưng gù, bụng lớn và thường bị các loài chim dữ bay theo rỉa thịt nên vô cùng khổ sở.


20) Ngạ quỷ Chàtaka Mới nhìn như bộ xương khô và đây là loài quỷ đói thường rên xiết than khóc.


21) Ngạ quỷ Kukkutha: Chân cẳng xiêu vẹo, đầu tròn nhẵn, mắt lồi, bụng lớn. Thường cầm búa đập đầu nhau làm máu me đầy mình. Lại lấy lửa đốt cháy da thịt nên phải phát tiếng kêu khóc đến rợn người.


22)  Ngạ quỷ Asĩsa: Có thân hình vô cùng khủng khiếp và cũng thường phát tiếng rên la kỳ lạ trong đêm khuya khiến người nghe phải rung mình.


23)  Ngạ quỷ Satthikùtà: Đây còn gọi là ngạ quỷ thọ hình. Luôn luôn trên đầu quỷ nầy có nghiều cái búa chuyển động lên xuống nhắm đập vào khiến máu me đầm đìa trông rất ghê sợ.


24) Ngạ quỷ Pabbajita: Quỷ nầy mặc áo nhà tu nhưng khắp thân mình có lửa cháy khiến quỷ đau xót phát tiếng kêu la rất rùng rợn.


Ngày xưa Tôn giả Mục Kiền Liên vì nhờ chứng đắc được lục đại thần thông mà thấy được một số ngạ quỷ như sau:


1. Ngạ quỷ Atthisankhalika: Chỉ có da bọc xương.


2. Ngạ quỷ Maimsapesĩ: Thân hình cũng giống như một đống thịt bầy nhầy bốc mùi hôi thối  nồng nặc.


3. Ngạ quỷ Mansapinda: Thân hình cũng giống một cục thịt nhầy nhụa.


4. Ngạ quỷ Asiloma: Thân hình có những lông lá trông tựa như những lưỡi dao đâm vào da thịt.


5. Ngạ quỷ Okilima: Luôn luôn bị lửa và than đỏ từ trên dội xuống thân mình khiến quỷ vô cùng đau đớn kêu than thảm thiết.


6. Ngã quỷ Asisakabandha: Thân hình giống tử thi không đầu.


Đây là những loài ngạ quỷ trong cõi giới vô hình và chúng thường xuất hiện trong cõi giới hữu hình của loài người chúng ta. Nhưng thông thường thì người đời không thấy chúng được chỉ có những bậc tu hành chứng đắc, thần thông quảng đại thì thấy chúng rất rõ ràng.


Tùy theo dục vọng riêng tư mà những loài ma quỷ thường tụ tập quanh các nơi thích ứng và dĩ nhiên người cõi trần không nhìn thấy chúng được. Những loài ma đói khát quanh quẩn ở những nơi trà đình tửu quán, các nơi mổ xẻ thú vật để tìm cách rung động theo những khoái lạc vật chất tại đây. Chẳng hạn như một người đang ăn uống rất ngon thì họ có những rung động, khoái lạc mà loài ma quỷ cũng cũng tìm cách hưởng thụ theo tư tưởng nầy. Những loài ma dục tình thì quanh quẩn những nơi buôn hương bán phấn để rung động theo những khoái lạc của người chốn đó và đôi khi tìm cách ảnh hưởng họ.


Nếu người sống đang uống rượu say thì trong thời điểm say sưa họ không còn tự chủ được nửa thì loài ma tìm cách nhập vào trong thoáng giây để hưởng một chút khoái lạc vật chất dư thừa. Các loài ma hung dữ, khát máu thường tự tập nơi mổ xẻ súc vật, các lò sát sinh để rung động theo những không khí thô bạo ở đó. Những người giết hại súc vật trong nhà vô tình họ đã mời gọi các vong linh nầy đến và sự có mặt của chúng nó có thể gây nhiều ảnh hưởng xấu nhất là những người dễ thụ cảm.


Người chết bất đắc kỳ tử thường lưu lại cõi âm lâu hơn người chết già vì còn nhiều ham muốn hơn. Những kẻ sát nhân bị hành quyết vẫn sống trong cảnh tù tội, giận hờn và có ý định trả thù. Còn những người tự tử để trốn nợ đời thì thân thức sẽ bị hôn mê trong trạng thái khổ sở rất lâu như lúc mới tự tử. Vì thế mà định luật cõi âm xác định rằng:”Chính cái dục vọng của ta quyết định cảnh giới mà ta sẽ đến và lưu lại ở đó lâu hay mau”.

 

Người chết có thấy người sống được không?

 

Khi chết, tất cả các quan của thân vật chất tan rả nên không sử dụng được nữa, nhưng người chết vẫn theo dõi tất cả mọi sự rất dễ dàng nhờ các tư tưởng giác quan trong Thân Trung Ấm. Vì bây giờ họ không còn bị ngăn ngại bởi thân vật chất nên thân tư tưởng rất dễ cảm nhận. Họ biết rõ tư tưởng, tình cảm và những liên hệ chung quanh mặc dù họ không nghe, thấy như chúng ta. Nhờ đọc được tư tưởng của người sống nên họ vẫn hiểu rất rõ ràng điều chúng ta muốn diễn tả.


Vậy có cách nào người sống có thể tiếp xúc được với thân nhân quá cố ở cõi âm chăng? Thật ra sự chết là bước vào đời sống mới và hòa nhập vào một thế giới tương ứng với nghiệp lực của mình. Khi mới từ trần, người chết luôn quanh quẩn bên gia đình, bên người thân, nhưng theo thời gian khi ý thức được hoàn cảnh mới họ sẽ tách rời các ràng buộc gia đình mà thọ sinh vào cảnh giới tương ứng với nghiệp thức của họ. Do đó trong thời gian đầu, thân nhân có thể nghĩ đến họ trong giấc ngủ vì đây là một cách truyền giao cách cảm nhạy bén nhất. Cõi âm là cõi của tư tưởng cho nên chỉ cần nghĩ đến nhau là đã gặp nhau rồi. Nhưng chúng ta không nên quấy rầy họ vì làm như thế chỉ gây trở ngại cho việc siêu thoát của họ mà thôi.


Ngoài ra cõi âm là một thế giới lạ lùng, phức tạp với những định luật thiên nhiên khác hẳn cõi trần. Một số thầy phù thủy, những người cầu cơ, những người luyện thiên linh cái, bùa ngải…thường liên lạc với những vong linh hung ác, dữ tợn, cô đơn…để mưu cầu lợi lộc, chửa bệnh, trù ếm, thư phù…Một thầy phù thủy sau khi niệm thần chú có thể sai khiến âm binh che chở giúp cho người đó nằm trên lưởi dao thật bén mà không hề hấn gì hay ông ta ném toàn bó nhang trên sân xi măng mà các cây nhang vẫn đứng thẳng. Những người luyện thiên linh cái có thể sai khiến vong linh đến nhà người nầy, người nọ quan sát rồi về mach bảo cho họ cho nên họ nói cái gì cũng đúng cả. Đôi khi họ sai vong linh đi tìm chồng, kiếm vợ về…Nhưng về lại tại ma bảo về chớ thật tâm người đó có muốn về đâu do đó còn cầu vong linh thì còn hạnh phúc hết cầu thì hạnh phúc cũng bay theo. Vì thế cuộc sống của những người nầy phải tùy thuộc vào ma quỷ nên tâm trí thiếu sáng suốt và sống trong phập phồng lo sợ.


Nên nhớ những việc gì có tính cách phản thiên nhiên, ngược luật tạo hóa đều mang lại hậu quả không tốt. Mặc dù những vong linh nầy nhất thời có thể mang lại cho họ rất nhiều lợi lộc cá nhân, nhưng chúng là những vong linh rất nguy hiểm, hay phản phúc nên thường giết chết kẻ lợi dụng chúng bất cứ lúc nào.


Phật giáo khuyên chúng sinh nên tin sâu vào luật Nhân Quả và sống dựa theo Chánh đạo thì còn sợ gì. Có gieo nhân lành thì chắc chắn sẽ gặp quả tốt, ngược lại tạo nhân ác thì trước sau tự mình phải lãnh chịu quả khổ mà thôi. Các hồn ma quỷ nầy không thể tự cứu chúng được thì làm sao chúng giúp được ai? Phải gạt bỏ tất cả những tà kiến nầy ra khỏi tâm thức để tâm được thanh tịnh mà sống đời an vui tự tại. Nên nhớ tất cả những nổi khổ vui mà con người nhận chịu trong đời nầy là cái quả mà chúng ta đã tạo tác từ bao đời quá khứ cho nên cái khổ có đến cũng chính là chúng ta đã trả xong một món nợ rồi. Trả xong thì hết khổ, hết bận lòng.

 

Những ác nghiệp gì để phải chịu sanh vào cõi ngạ quỷ đói khác?

 

Những ác nghiệp mà con người thường gây ra khi còn sống trong thế gian thì rất nhiều chẳng hạn như: những kẻ giết hại súc vật quá nhiều trong đời. Những kẻ tra khảo, đánh đập, tàn sát đồng loại. Những kẻ dùng quyền lực ra lệnh giết quá nhiều người. Những người ăn chận tiền cúng cấp, trợ cấp cho người nghèo khổ, nạn nhân chiến tranh hoặc thiên tai bảo lụt. Những kẻ hãm hiếp đàn bà con gái và làm chuyện vô luân. Những kẻ lập mưu phao vu hãm hại người khác. Những kẻ tham tàn, ăn chơi sa đọa bất kể vợ con, gia đình, cha mẹ. Những kẻ cười đùa, sảng khoái trên những đau khổ bất hạnh của kẻ khác…Vì ác nghiệp đã gây ra trong nhiều kiếp nên ngạ quỷ phải chịu khổ sở đói khác rất nhiều đời. Có khi đến 10 kiếp hay 100 kiếp hoặc 500 kiếp mới thoát ra khỏi cảnh ngạ quỷ nầy. Khi làm phước điền thì con người nên hồi hướng công đức và phước đức đến thân nhân đã quá vãng thì cũng giải được nhiều kiếp luân hồi của họ bằng câu kệ Pali như sau:

 

Idam vo nãtinam hotu sukhita hontu nãtayo.

 

Nghĩa là: Xin hồi hướng đến thân quyến đã quá vãng, cầu xin các vị ấy hưỡng được sự an vui.


Ngoài Lục đạo Luân hồi ra, trong kinh Kim Cang Đức Phật còn nói thêm về Tứ sanh.

Đó là:


1. Noãn sanh: Là người đời trước vì kế sinh nhai mà tâm hay sắp đặt mưu mô xảo trá lừa gạt, nên đọa làm noãn sanh như các loài chim cá…Người tham kế cao thì làm chim, thấy người thì bay cao. Người mưu sâu thì làm cá, gặp người thì lặn xuống.


2. Thai sanh: Người nầy đời trước tham đắm dâm dục nên đọa thai sanh như người, dê, heo, hoặc những thú có vú đẻ con như trâu, bò, ngựa, mèo, chó. Tội tham dâm sanh làm người thì được đứng thẳng, nếu lòng ngang ngược, tham dục không có tiết độ thì sanh làm thú đi ngang bốn cẳng.


3. Thấp sanh: Người nầy đời trước tham ăn rượu thịt làm việc vui chơi, đánh lộn giữa chợ, loạn tâm điên đảo, nên đọa làm thấp sanh là loài cua, tôm, rùa, trạch…


4. Hóa sanh: Người nầy đời trước hay đổi dời, ý niệm khác thường, trước mặt nói phải, sau lưng nói quấy, làm nhiều tội ác, nên đọa hóa sanh như loài ve, bướm, muỗi, ruồi…


Phật dạy rằng trong lục đạo tứ sanh thì chỉ có con người là quý trọng, vì chỉ con người mới có tánh linh.


Nhưng có người thắc mắc là người và thú vật hoàn toàn khác nhau, thì làm sao người có thể tái sanh thành súc vật và thú vật thành người được?


Xin thưa rằng: con người ta thường hay có quan niệm sai lầm là người có linh hồn người còn chó có linh hồn của chó, và linh hồn người hay linh hồn chó đều bất biến (không thay đổi ) cho dù chết hay còn sống. Nhưng đúng ra, nghiệp căn không phải là linh hồn mà là một năng lực do các hoạt động của Thân và Tâm sinh ra, và khi chết chúng sẽ phát sinh ra những hiện tượng tâm linh và thể chất mới. Do đó, thay vì nói người trở thành thú vật hoặc thú vật trở thành người, thì chúng ta có thể nói nghiệp lực phát triển dưới hình thể người hay dưới hình thể súc vật.


Có người lại thắc mắc là khi chết rồi. một người thì chỉ sanh một người thôi, tại sao trên thế giới nầy mỗi ngày nhân loại lại thêm đông?


Xin thưa rằng: chúng ta thấy trong lục đạo luân hồi có 6 cõi, do đó con người cũng như súc vật thay phiên nhau đầu thai lúc lên, lúc xuống, biến từ thế giới này qua thế giới khác, chứ không nhất thiết chỉ có con người mới được đầu thai làm người.


Thêm nữa, trong kinh Phật có nói là thế giới trong vũ trụ thì hằng hà sa số như cát sông Hằng, chứ đâu chỉ có trái đất nầy là trung tâm vũ trụ đâu. Vũ trụ thì biến đổi không ngừng, nay sinh hành tinh này, mai hành tinh khác chết, nhưng tất cả cũng chỉ quy vào trong luật luân hồi. Còn chúng sinh thì không nhất thiết chỉ có tại quả đất nầy mà chúng sinh hiện hữu khắp mọi nơi trong vũ trụ. Tại sao mà chúng ta biết chắc như vậy? Vì trong kinh Phật nói rằng: Phật thì hằng hà sa số ở khắp mười phương và họ thì lúc nào cũng đi hóa độ chúng sinh trong muôn vạn thế giới chứ không tự tại ở nơi Cực lạc trong khi chúng sinh còn đang lặn hụp trong biển trầm luân.


Sau khi hiểu rõ lục đạo luân hồi rồi, thì chúng ta đểu đồng ý rằng luân hồi là sự trừng phạt ghê gớm. Nếu chúng ta để tham, sân, si  tạo ra nhiều ác nghiệp thì chắc chắn tương lai hậu vận của mình sẽ vô cùng âm u đen tối.  Nhưng một khi chúng ta đã nắm chắc giáo lý luân hồi thì chính mình phải cố gắng sống một cuộc đời đạo đức, lìa xa tội lỗi, tâm tư hướng thiện, và phải tự tin chính mình là chủ nhân của đời mình. Hể mình tạo nghiệp nhân gì thì mình phải chịu quả nghiệp ấy chứ không ai có thể cầm cân thưởng phạt, ban phước, giáng họa cho mình cả.


Nên nhớ tu hành là phải chinh phục nơi tâm mình, và phải dẹp bỏ vọng tưởng. Nếu chúng ta nhận lầm vọng tưởng là tâm mình thì cái vọng tưởng này sẽ dẫn chúng ta chạy ngược chạy xuôi không biết bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp. Nói một cách khác Tâm vọng tưởng là ý nghiệp, là động cơ dẫn dắt chúng ta đi trong vòng luân hồi sanh tử. Ngày nào dứt được nghiệp thì vòng sanh tử cũng theo đó mà ngừng. Cũng như chiếc xe mà  hết xăng thì máy có còn chạy được nữa không!


Giáo lý luân hồi là một liều thuốc nhiệm màu giúp tẩy sạch mọi nhân ác của tiền căn hậu kiếp để đưa con người thoát ta khỏi vòng luân hồi sanh tử và đạt đến cảnh giới tốt đẹp, an lành bất sanh bất diệt của A-la-hán, Bồ tát, hay Phật.



Lê Sỹ Minh Tùng


http://tongiaovadantoc.com/c1044/20120228103946762/y-nghia-luan-hoi-sinhtu-le-sy-minh-tung.htm

Các tin đã đăng:
Về đầu trang