Buổi giảng Pháp ngày thứ nhất
New
Delhi, Ấn Độ, ngày 22 Tháng Ba 2013 - Đức Đạt Lai Lạt Ma đã có buổi
truyền trao giáo pháp cho một nhóm các học sinh từ lớp 10 tới lớp 12
đang theo học tại chín trường khác nhau trong các vùng lân cận của
Delhi. Ngài đã bắt đầu bằng lời chào nồng nhiệt:
"Quý
Thiện hữu tri thức, tôi hoan hỷ được gặp gỡ tất cả các bạn. Tôi đã ở
tuổi 78, đời sống của bản thân cũng phải đối mặt với nhiều thăng trầm,
nhưng những gì tôi muốn chia sẻ với các bạn là hầu hết các rắc rối
chúng ta đang phải đối mặt đều do con người tạo ra. Chúng ta tạo ra
chúng nhưng đồng thời cũng có cơ hội để giảm thiểu chúng."
|
Đức
Đạt Lai Lạt Ma chào mừng đoàn học sinh trước buổi giảng pháp tại New
Delhi, Ấn Độ, ngày 22 tháng ba năm 2013. Photo / Tenzin Phuntsog / Nava
|
Ngài
đã nói về thế kỷ XX, một kỷ nguyên với những thành tựu to lớn, nhưng
cũng đầy bạo lực. Nếu bạo lực mang lại kết quả tốt đẹp, thì chắc là nó
phải có lý do để tồn tại, nhưng thay vào đó bạo lực đã mang lại những
thống khổ khôn cùng và reo rắc sợ hãi cho hàng triệu người. Sự bùng
phát bạo lực mà chúng ta chứng kiến ngày nay là dấu hiệu của những sai
lầm trong quá khứ của chúng ta. Ngài dạy rằng:
"Những
người trẻ các bạn, những người thuộc về thế kỷ XXI, có cơ hội để tạo ra
một thế giới hòa bình hơn. Tiềm năng xung đột vẫn còn, nhưng dù cho còn
những khác biệt về quan điểm và lợi ích thì vẫn có thể duy trì hòa
bình thông qua đối thoại thay vì sử dụng vũ lực".
Ngài
nhắc nhở thính chúng rằng mỗi một người trong 7 tỷ người còn đang sống
ngày nay đều mong cầu một cuộc sống hạnh phúc và có quyền sống như
vậy. Chúng ta phải nhớ tôn trọng các quyền này, ngay cả khi đối mặt với
xung đột.
"Tôn
trọng quyền của người khác và cuộc sống của họ là nền tảng của truyền
thống ahimsa - bất bạo động của Ấn Độ cổ đại. Khi dân số tăng, thay
đổi khí hậu cũng tăng và các nguồn tài nguyên thiên nhiên trở nên khan
hiếm, tiềm năng lớn cho các xung đột lợi ích vẫn còn, nhưng chúng ta
phải tìm cách để giải quyết những thách thức như vậy theo cách bất bạo
động."
Thính
chúng đã rất chú tâm khi Đức Đạt Lai Lạt Ma chia sẻ với họ rằng ngài
đã rất hạnh phúc khi được gặp gỡ các thành viên của thế hệ mới, những
người thực sự thuộc về thế kỷ XXI, và là người Ấn Độ. Ngài cũng chia sẻ
rằng, người Tây Tạng chịu ân sâu tới Ấn Độ, nơi là nguồn cội của hầu
hết tri thức Tây Tạng. người Tạng luôn coi mình là đệ tử của các Bậc
thầy Ấn Độ, nhưng cũng đã chứng minh bản thân là những đệ tử chân chính
bởi trong khi mà Phật giáo phải đối mặt với những pháp nạn tại nơi khởi
nguồn của mình trong quá khứ, thì vùng đất của người Tạng đã trì giữ
nguồn chân lý này một cách nguyên vẹn. Ngài cũng chia sẻ thêm trên
phương diện cá nhân của mình,
"Tôi
thường coi bản thân là một Pháp tử của Ấn Độ bởi vì bộ não của tôi tràn
đầy tư tưởng Ấn Độ, và cơ thể của tôi đã được nuôi dưỡng 50 năm qua và
nhiều năm tới bằng gạo, thực phẩm Ấn Độ.”
Ngài
đã khuyên rằng rằng mặc dù gần 70 năm đã trôi qua kể từ khi Ấn Độ giành
được độc lập, nhưng dấu ấn về tinh thần vô ngã, vị tha nơi các
chiến sĩ tranh đấu cho tự do vẫn rất cần thiết. Ngày nay, các vấn
nạn như nạn tham nhũng vẫn lan tràn, nên nhu cầu cần phải có sự trung
thực, minh bạch vẫn rất bức thiết. Cũng cần có một nhu cầu cần tới
các giá trị đạo đức bắt nguồn từ thế tục, ví dụ, theo kinh nghiệm thông
thường chúng ta thấy mình được sinh ra, được mẹ chăm sóc và chở che
cho chúng ta. Những chăm sóc và tình cảm như vậy là nguồn hạnh phúc cho
ta sau này trong cuộc đời. Hiển nhiên rằng, dù cho gia đình có giàu có
hay thiếu thốn thì các mối quan hệ đó đều tràn đầy niềm tin yêu
và hạnh phúc. Chúng ta có hạnh phúc hay không đều phụ thuộc vào thái độ
của chúng ta; ví dụ lòng từ bi sẽ dẫn đến một tâm thức bình an hơn. Đặt
tất cả niềm hy vọng của chúng ta vào sự phát triển vật chất rõ ràng là
sai lầm; nguồn gốc tối hậu của hạnh phúc là trong nội tâm.
|
Đức
Đạt Lai Lạt Ma chia sẻ giáo pháp với một nhóm sinh viên Ấn Độ ở New
Delhi, Ấn Độ, ngày 22 tháng 3 năm 2013. Photo / Jeremy Russell / OHHDL
|
Đức
Đạt Lai Lạt Ma giải thích rằng tâm nguyện trước tiên của ngài là thúc
đẩy lòng tốt để mang lại hạnh phúc lớn hơn cho con người. Tâm nguyện
thứ hai, là một tu sĩ Phật giáo, ngài mong nguyện thúc đẩy sự hòa hợp
giữa các tôn giáo. Các tôn giáo hữu thần có xu hướng đặt niềm tin vào
một đấng sáng tạo, trong khi truyền thống tôn giáo vô thần như đạo
Giai-na, một chi nhánh của Samkhyas và Phật giáo cho rằng chính chúng ta
là những người sáng tạo. Trong số đó chỉ có Phật giáo dạy về vô ngã.
Tuy nhiên, tất cả các tôn giáo đều dạy về tình yêu thương, lòng bi mẫn
và sự tha thứ và tất cả đều được hiến dâng để tạo ra những con người
an lạc hơn, từ mẫn hơn. Ngài chia sẻ rằng ngài từng giữ tâm nguyện thứ
ba trong cuộc đấu tranh cho người dân Tây Tạng, nhưng nay ngài đã nghỉ
hưu và chuyển giao trách nhiệm chính trị của mình cho một thể chế
lãnh đạo được bầu cử. Tuy nhiên, ngài thừa nhận rằng mình vẫn một người
Tạng và 6 triệu người dân bên trong và bên ngoài Tây Tạng vẫn đặt tiếp
tục niềm tin nơi ngài, bởi vậy trách nhiệm vẫn còn. Ngài chia sẻ:
“Các
bạn cũng có trách nhiệm nghĩ đến phúc lợi của con người và các bạn,
những người có niềm tin tâm linh cũng có trách nhiệm xây dựng sự hiểu
biết giữa những tín đồ của các tín ngưỡng khác nhau."
Một
câu hỏi làm thế nào cân bằng sự tiến bộ với sự mãn nguyện, Đức Đạt
Lai Lạt Ma dạy rằng bản thân vật chất có giới hạn, do đó, có một cảm
giác của sự mãn nguyện có thể hữu ích. Mặt khác, trở nên quen thuộc với
các giá trị tinh thần nội tại có tiềm năng phát triển vô hạn. Ngài lưu
ý rằng, ngay cả ở tuổi 78, hàng ngày ngài vẫn đọc sách, làm việc, vì
vậy mỗi ngày kiến thức vẫn tăng trưởng. Trong phạm vi kiến thức, ngài
không tự mãn cũng không mãn nguyện.
Khi
được hỏi về lý do tại sao ngày nay Trung Quốc lại như vậy, Đức Đạt Lai
Lạt Ma cho rằng có một khoảng cách giữa hiện tượng bên ngoài và thực
tế. Trong trường hợp này, câu hỏi có vẻ đơn giản, nhưng thực tế lại rất
phức tạp. Thanh niên Tây Tạng có thể kêu gọi cho nền độc lập, nhưng lại
có sự khác biệt giữa bên ngoài và thực tế, bởi vì ngày nay Trung Quốc và
quân đội rất mạnh và thô bạo. Nhưng đồng thời nhiều trí thức Trung
Quốc, những người ủng hộ cuộc đấu tranh của Tây Tạng cũng đồng ý rằng
cần phải có một giải pháp cùng có lợi và Ấn Độ, chính phủ Mỹ và EU cũng
ủng hộ phương pháp tiếp cận Trung Đạo
|
Một
học sinh đặt câu hỏi lên Đức Đạt Lai Lạt Ma trong buổi giảng pháp tại
New Delhi, Ấn Độ, ngày 22 Tháng Ba năm 2013. Photo / Tenzin Phuntsog /
Nava
|
Một
câu hỏi được đưa lên về giác ngộ là gì, Đức Đạt Lai Lạt Ma dạy rằng tự
tính của tâm là toàn tri, nhưng lại bị che khuất bởi vô minh. Vô minh
sai lệch được tiêu trừ, bằng cách lấp đầy khoảng cách giữa hiện tượng
và thực tại. Khi ta thấy thế giới là như huyễn thì năng lực của những
xúc tình phiền não đang che chướng tâm thức sẽ được giảm thiểu. Khi ở
trạng thái thức giấc, tâm bị chi phối bởi ý thức giác quan, nhưng trong
các trạng thái ví như trạng thái khi mơ ngủ, chúng ta có thể tiếp cận
tâm thức một cách rõ ràng hơn rất nhiều. Tâm vi tế có thể được rèn
luyện để trở nên tỉnh thức hơn, và theo quan điểm Phật giáo, đó là bản
chất của giác ngộ.
Ngài
tiếp tục dạy rằng, chúng ta luôn cần một trái tim nồng ấm cùng một
trí tuệ sắc bén, và thêm nữa các phẩm chất như trung thực, chân
thành sẽ mang lại sự tự tin to lớn hơn và giúp ta có thể hành động
một cách tích cực hơn.
Vào
buổi chiều, cũng được tổ chức bởi Quỹ trách nhiệm toàn cầu, ngài đã
chia sẻ với nhóm thính chúng cao tuổi, trong đó có nhiều Pháp hữu lâu
năm của ngài.
Đức Đạt Lai Lạt Ma dạy rằng:
"Mục
đích của việc vân tập nơi đây là để học hỏi làm thế nào sử dụng thời
gian của chúng ta một cách đúng đắn. Điều quan trọng là phải sống
một đời sống có ý nghĩa. Bức hại và lừa dối người khác có thể giành lợi
ích trước mắt nhưng để lại một cảm giác day dứt dai dẳng. Tiền không
mang lại sự thỏa mãn đích thực, chỉ có tâm từ bi mới mang lại trạng thái
đó".
Ngài
dạy rằng tất thảy chúng sinh đều trải qua niềm vui thích và khổ đau,
và chúng ta cũng trong số đó. Điều làm cho con người khác biệt là chúng
ta có một trí tuệ đầy năng lực và khả năng to lớn hơn nhiều để đạt
được hạnh phúc và tránh khổ đau. Hạnh phúc và tình đạo hữu đích thực
không đến từ tiền hoặc thậm chí cả tri thức, mà từ một trái tim nồng
ấm. Một khi đã nhận ra điều này, chúng ta sẽ sẵn sàng trưởng dưỡng nó.
Tại
Ấn Độ, các quan niệm về chủ nghĩa thế tục và đạo đức thế gian đã phát
triển và từ đó xuất hiện tư tưởng ahimsa, tư tưởng không làm tổn hại
tới người khác. Những giá trị cổ xưa như vậy rất thích hợp trong thế
giới ngày nay.
Chuyển
sang luận giảng bộ luận “Ngọn đèn cho con đường giác ngộ” của đạo
sư Atisha, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã dạy rằng ngài đã thụ nhận khẩu truyền
kinh văn từ Lạt ma Kinnauri, Rinzing Tenpa. Trong một hội thảo ở Ấn
Độ vào năm 1947, Mahatma Gandhi đã đặt câu hỏi tới Lạt ma Rinzing về
những bộ kinh mà ông đã tu học, và đây là một trong những bộ luận mà
Lạt ma đã nhắc tới. "Ngọn đèn cho Con Đường Giác ngộ" rất có giá trị
bởi đã toát yếu một cách rõ ràng, dễ hiểu con đường tới giác ngộ;
đạo sư Atisha đã trước tác theo thỉnh cầu của vị vua Guge miền Tây Tây
Tạng.
|
Thính
chúng lắng nghe Đức Đạt Lai Lạt Ma giảng pháp tại New Delhi, Ấn Độ,
ngày 22 tháng ba năm 2013. Photo / Tenzin Phuntsog / Nava
|
Sau
giờ nghỉ dùng trà, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã trả lời những câu hỏi của
thính chúng, "một viên chức nhà nước có thể đạt đến giác ngộ?" Ngài dạy
rằng tất cả mọi thứ phụ thuộc vào động cơ của chúng ta. Về câu hỏi, tại
sao trên con đường tâm linh, một số người rất tiến bộ trong khi
nhiều người lại không, ngài dạy rằng theo quan điểm của Phật giáo,
phần lớn phụ thuộc vào các hành động của chúng ta từ những đời trước.
Ngài chỉ ra rằng bản thân trọng trách tâm linh của Đức Phật được cho là
đã kéo dài từ vô số kiếp; đức Đạt lai Lama đã trì tụng lời cầu nguyện
của đạo sư Shantideva mà ngài thường thực hành:
Dù có một phương trời nào có chúng sinh,
Xin nguyện cho con vẫn ở lại mãi trong thế gian này
Để nỗ lực tận trừ thống khổ cho họ.
Ngài
dạy rằng lời cầu nguyện này đã mang lại cho ngài mục đích của cuộc
đời, và là một nguồn gốc của sự mãn nguyện, năng lực và sức mạnh nội
tâm.
Ngày giảng Pháp thứ hai
New
Delhi, Ấn Độ, 23 tháng 3, 2013 - Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục chia sẻ
giáo pháp cho nhóm học sinh trung học tại khách sạn Taj Mahal ở Delhi,
ngài đã bắt đầu với việc tán thán tầm quan trọng của truyền thống
ahimsa - bất bạo động 1000 năm cổ xưa tại Ấn Độ. Ngài dạy rằng việc
phụng sự và trợ giúp người khác bởi lòng từ bi cũng chính là thể hiện
của hành động bất bạo động. Tương tự như vậy, từ bỏ việc làm tổn
hại, không phải bởi sự sợ hãi, mà bởi sự quan tâm và tôn trọng tới người
khác, tới hạnh phúc của họ chính là bất bạo động.
Đối
với sự hòa hợp giữa các tôn giáo, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã luận giải
rằng, khoảng 5000 năm trước đây, con người đã bắt đầu phát triển các ý
niệm tôn giáo. Con người bị thúc đẩy bởi những cảm giác về các nguy
hiểm nên đã tìm kiếm sự chở che từ các “quyền năng cao hơn”. Đây là
những điều chỉ duy có con người mới có khả năng suy nghĩ tới. Dần dần,
con người hướng tâm thức từ thờ phụng mặt trời, mặt trăng và lửa tới
những tư tưởng tinh tế hơn về Đấng sáng tạo.
|
Đức
Đạt Lai Lạt Ma chia sẻ giáo pháp với một nhóm học sinh Ấn Độ ở New
Delhi, Ấn Độ, ngày 23 tháng 3 năm 2013. Photo / Jeremy Russell / OHHDL
|
Khi
những truyền thống tôn giáo đặt niềm tin nơi thượng đế sáng tạo được
phát triển, họ bắt đầu mô tả ngài là đấng có tình yêu thương vô hạn và
bắt đầu phát triển các ý niệm về ngài thông qua các nguyên tắc của
tình yêu thương. Đối lập với tình thương yêu là tự ngã và khi bạn quy
ngưỡng tự thân tới đấng tối cao thì ý thức về sự ích kỷ nơi bạn tự
nhiên sẽ giảm thiểu.
Đức
Đạt Lai Lạt Ma nhận xét: "Chúng ta thấy rằng tình cảm người mẹ dành cho
con cái có ở trong số hầu hết các loài động vật có vú; đây không phải
là một chức năng của tôn giáo mà là một yếu tố về mặt sinh học. Tuy
nhiên, chúng ta thấy rằng tất cả các tôn giáo đều dạy về tầm quan trọng
của sự quan tâm tới người khác."
Những
truyền thống tâm linh như một phần của Samkhyas, Kỳ Na Giáo và Phật
giáo không tin vào một đấng sáng tạo, mà luận giải sự tồn tại của
chúng ta tuân theo luật nhân quả và sự vận hành của nghiệp. Bất kỳ hành
động nào đem lại khổ đau cho người khác đều là tiêu cực và hành động
mang lại niềm hạnh phúc là tích cực.
"Vì
vậy, những gì xảy ra tới chúng ta phụ thuộc vào hành động của chúng ta,
đó là lý do tại sao sẽ thật là sáng suốt khi giúp đỡ người khác nếu
có thể, thậm chí ngay cả khi ta chưa thể làm điều đó, thì ít nhất cũng
đừng làm tổn hại họ."
Trong
các truyền thống Ấn Độ, khi thực hành thiền định (shamatha) và thiền
quán (vipasyana) sẽ mang lại những hiểu biết về sự vận hành của tâm
thức và các cảm xúc. Do đó, các mô tả của Phật giáo về sự vận hành của
tâm thức rất hữu ích cho các nhà khoa học hiện đại. Một trong số họ,
chuyên gia nghiên cứu về não người Đức là Wolf Singer đã giải thích cho
Đức Đạt Lai Lạt Ma rằng, ông đang giữ một mô hình của não bộ trong tay,
bởi vì bộ não là một mạng lưới phụ thuộc lẫn nhau, không có quyền lực
trung tâm chi phối, từ đó ông đã khẳng định tầm quan trọng của quan
điểm Phật giáo về vô ngã, vị tha.
Ngài chia sẻ:
"Mục đích chính của tôi, là bản chất của việc thực hành của tất cả các
truyền thống tôn giáo lớn là tình yêu thương, lòng từ bi và sự khoan
dung. Trong số các tín đồ tôn giáo, rất nhiều người đã mang lại các lợi ích to lớn cho người khác."
"Tiếp
tục làm rõ các quan điểm Phật Giáo, Đức Đạt Lai Lạt Ma chia sẻ rằng Đức
Phật đã truyền trao các giáo pháp dường như mâu thuẫn nhau ở những
thời điểm và ở những nơi chốn khác nhau. Ngài nhắc đến hợp thể ngũ
uẩn thân- tâm là chướng ngại và con người chính là một hợp thể của
ngũ uẩn. Ngài đã dạy một số trường hợp sự vật tồn tại bên ngoài, và
một số trường hợp khác ngài lại dạy chúng chỉ là sự phóng chiếu của
tâm. Đức Phật truyền dạy như vậy bởi ngài truyền pháp theo căn cơ,
trình độ của người nghe pháp.
"Tôi
tha thiết mong nguyện các bạn, những người thuộc thế hệ trẻ , những
người thật sự của thế kỷ 21 hãy hành động cho sự hòa hợp giữa các tôn
giáo không phải chỉ vì đó là một truyền thống cổ. Hãy là một tấm
gương cho phần còn lại của thế giới thấy rằng các tôn giáo Ấn Độ có thể
cùng chung sống bên nhau. Chủ nghĩa thế tục tôn trọng nhau trong hành
động là một mẫu hình rất có giá giá trị có thể noi theo. "
|
Đức
Đạt Lai Lạt Ma cùng với các học sinh tại buổi giảng pháp ở New Delhi
vào ngày 23 Tháng Ba 2013. Photo / Jeremy Russell / OHHDL
|
Một
thanh niên đã đặt câu hỏi vậy niềm tin vào điều tốt có giống như niềm
tin nơi đấng tối cao không. Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời:
"Nhiều
người dường như cư xử rất ngoan đạo ở những nơi thờ phụng, nhưng trong
đời sống thực sự của mình, họ lại không trong sạch và tham gia vào các
việc gây ảnh hưởng tiêu cực bởi vì họ dường như không quan tâm. Lời cầu
nguyện của họ dường như là: "Xin hãy ban phước cho con để các hành
động xấu xa và lầm sai của con có thể thành tựu." Điều đó là như thế
nào? Có những mong nguyện tôn giáo nào lại như vậy không? "
Đức
Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục chỉ ra rằng chính hành động chứ không phải
những lời cầu nguyện sẽ mang lại hiệu quả. Nếu bạn khát nước, bạn không
thể làm dịu cơn khát bằng lời cầu nguyện, mà phải bằng việc uống nước.
Ngài kể lại mình được nghe rằng khi người Tây Tạng đã bị bỏ đói trong
nhà tù Trung Quốc, các lính canh đã chế giễu họ là hãy cầu nguyện để
Đức Phật ban cho thức ăn.
Khi
được hỏi về các cơ hội mang lại hiệu quả hơn cho hòa bình ở châu Á,
Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời rằng cho dù chúng ta xem xét ở mức độ nào đi
nữa, mức độ cá nhân, gia đình, địa phương, quốc gia hay quốc tế thì
hòa bình phải xuất phát từ sự bình an nội tâm. Ví dụ, cầu nguyện cho
hòa bình nhưng trong khi vẫn tiếp tục nuôi dưỡng sự sân hận là điều
vô ích. Rèn luyện tâm và điều phục sân giận hiệu quả hơn nhiều so với
lời cầu nguyện đơn thuần. Ngài dạy rằng sân giận, hận thù và ghanh tị
không bao giờ giải quyết được vấn đề, chỉ có sự quan tâm, sẻ chia và tôn
trọng mới có thể làm được. Ngài đề nghị rằng cũng giống như chúng ta
đang rèn luyện để bảo vệ sức khỏe thân thể, chúng ta cần phải có một
thực hành rèn luyện tinh thần và cảm xúc. Chúng ta cần một bản đồ về
các cảm xúc chỉ cho thấy đâu là cảm xúc hữu ích, đâu là cảm xúc có hại.
Đó là sự phát triển kỷ luật tự thân dựa trên sự tỉnh thức, mà chúng ta
có thể đạt được thông qua giáo dục.
Đức
Đạt Lai Lạt Ma kết thúc buổi chia sẻ giáo pháp với các học sinh trẻ
bằng ban cho họ một pháp thiền định ngắn về Phật mẫu trí tuệ
Sarasvati, ngài cho phép họ có thể thực hành để nâng cao trí nhớ và sự
sắc bén của tâm thức.
Vào
buổi chiều, ngài tiếp tục luận giải về bộ luận "Ngọn đèn soi đường
giác ngộ" của đạo sư Atisha cùng với "Các dòng Trải nghiệm" của đức Je
Tsongkhapa. Bàn về Tứ Diệu Đế là giáo pháp căn bản của Đức Phật, ngài
đã luận giải rằng giáo pháp được dựa trên lý duyên sinh tràn đầy năng
lực. Như một kết quả phải phụ thuộc vào nhân của nó, do đó, có một sự
phụ thuộc lẫn nhau giữa nhân và quả. Ngài nhắc lại rằng sự vật về bản
chất không tồn tại cố hữu mà chỉ đơn thuần là những định danh, nhưng
điều đó không có nghĩa là chúng ta có thể nghĩ về bất cứ điều gì chỉ
để làm cho nó xảy ra. Ngài dạy rằng nếu chúng ta nhìn một cái cốc, đặt
câu hỏi xem màu sắc, hình dáng hay vật liệu đã làm nên cái cốc, thì
chúng ta sẽ kết luận rằng cái cốc đơn thuần được định danh trên cơ sở
tất cả những thứ đó.
|
Thính
chúng lắng nghe giáo pháp từ Đức Đạt Lai Lạt Ma ở New Delhi, Ấn Độ, vào
ngày 23 Tháng Ba năm 2013. Photo / Tenzin Phuntsog / Nava
|
"Đâu là ý nghĩa của những điều trên? Khi
chúng ta sân giận, đối tượng xuất hiện dường như hoàn toàn độc lập và
hoàn toàn tiêu cực, nhưng hầu hết trong số này đều là phóng chiếu của
tâm ta. Ý niệm về duyên sinh là pháp đối trị đầy năng lực nhất đối
với các cảm xúc phá hủy như sự sân hận. "
Đức
Je Tsongkhapa đã làm sáng tỏ rằng những ai còn chưa điều phục sự vô
minh và các xúc tình tiêu cực của chính mình thì không thể có khả năng
giúp đỡ người khác điều phục chúng. Kỷ luật tự thân trong Phật giáo bao
gồm việc rèn luyện tự thân trên con đường đạo được khai mở trong
giáo pháp của Đức Phật, thông qua giới, định, tuệ. Có một nhu cầu cấp
bách cho sự thực hành Pháp, như đức Gungtang Tenpai Jungney đã cảnh
tỉnh: "Chúng ta mất 20 năm không thực hành, 20 năm mong cầu được thực
hành và 20 năm nữa hối tiếc rằng chúng ta đã không thực hành."
Ngài đã nhắc lại một luận đề Phật giáo kinh điển:
"Đến
khi chết, tiền tài, danh vọng và quyền lực không để lại lợi ích gì.
Nếu tin vào đời sau thì điều duy nhất có thể trợ giúp là dấu ấn trong
tâm, những hành động tích cực mà mình đã tạo. Cái chết là không thể
tránh, nhưng thời điểm chết là bất định. Tài sản, gia đình, bằng hữu,
thậm chí thân thể này cũng không thể giúp ta. Vì vậy, một khi vô minh
vẫn còn thì khổ đau sẽ chưa chấm dứt. Nếu muốn hết khổ đau, phải
điều phục được vô minh. Tất cả các cảm xúc tiêu cực bắt nguồn
từ vô minh, tỉnh thức là cách duy nhất để điều phục vô minh, và muốn
vậy đòi hỏi phải thực hành giới, định, tuệ.”
Đức Đạt Lai Lạt Ma dạy rằng ngày mai ngài sẽ chia sẻ nhiều hơn về lòng vị tha cùng với sự gia trì từ đức Phật Dược Sư.
Ngày giảng Pháp thứ ba: Gia trì đức Phật Dược Sư
New
Delhi, Ấn Độ, ngày 24 tháng 3 năm 2013 - Rất nhiều thính chúng tham dự
buổi giảng pháp của Đức Đạt Lai Lạt Ma, được tổ chức bởi Tổ chức Trách
nhiệm Toàn cầu tại Khách sạn Mahal Taj ở Delhi trong hai ngày qua. Đức
Đạt lai lạt ma đã quang lâm rất sớm để chuẩn bị đàn tràng cho buổi
gia trì quán đỉnh đức Phật Dược Sư. Thính chúng đã giành nửa tiếng
đồng hồ yên lặng trong khi Đức Đạt Lai Lạt Ma thiền định. Sau đó, ngài
lại tiếp tục luận giải hai bộ luận "Ngọn Đèn soi sáng con đường giác
ngộ” của đạo sư Atisha và "Các giai trình của đạo giác ngộ" của đức
Je Tsongkhapa.
Ngài cũng lưu ý sự tương đồng giữa các câu kệ của bộ luận “Ngọn Đèn soi sáng con đường giác ngộ”:
Giống như chú chim chưa trưởng thành
Đôi cánh không thể bay trên bầu trời,
Những ai không có năng lực của trí tuệ
Không thể mang lại lợi ích cho chúng sinh.
với một câu kệ trong bộ "60 khổ thơ về lý trí" của bồ tát Long Thọ,
Trên đôi cánh của trí tuệ
Thực tại thế và xuất thế gian,
Nguyện cho chim linh thứu
Sải cánh qua đại dương của bể luân hồi.
Đề
cập đến Phật tính, Đức Đạt Lai Lạt Ma dạy rằng nguồn gốc tối hậu của
tâm Phật là tâm vi tế tối thượng. Mỗi chúng ta đều có tiềm năng đó
trong dạng thức tâm vi tế nhất. Tuy nhiên, chúng ta không nên sai lầm
khi cho rằng có Phật tính có nghĩa rằng, bằng cách nào đó, chúng ta đã
là Phật. Chúng ta không được nghĩ hạt giống của một cây đã bao chứa
đầy đủ một cái cây phát triển đầy đủ, mặc dù tiềm năng của cây vốn
có sẵn trong hạt giống.
Đức
Đạt Lai Lạt Ma dạy rằng tất cả các giáo pháp đạo Phật đều dựa trên Tứ
Diệu Đế, được đức Phật tuyên thuyết trong lần chuyển Pháp luân đầu
tiên. Lần chuyển pháp luân thứ hai, trong đó bao gồm cả truyền trao
các Kinh Bát nhã, chủ yếu làm rõ ý nghĩa của Diệt đế và khả năng
chứng đạt Diệt đế. Đồng thời cũng chỉ rõ những phẩm chất của một vị
Phật. Lần chuyển Pháp luân thứ ba bao gồm các giáo pháp cho những ai đã
thấu đạt những giáo pháp trong lần chuyển pháp luân thứ hai, rằng
vạn pháp đều không có thực tướng, một giáo pháp rất khó thấu đạt.
Đức Phật đã luận giải vạn pháp từ một góc độ khác liên quan tới bản
chất phụ thuộc, toàn hảo và thanh tịnh của vạn pháp. Lần chuyển pháp
luân thứ ba cũng luận giải tâm vi tế tối thượng nhất, đó là nền
tảng của Tantra.
Về
pháp thực hành trưởng dưỡng tâm tĩnh trụ, Đức Đạt Lai Lạt Ma luận giải
đặc tính của bảy tư thế Phật Vairochana, trong đó bao gồm tư thế kết
già, lưng thẳng, tay trong thế ấn thiền định tại rốn, đầu hơi hướng
về phía trước, môi và lưỡi thả lỏng tự nhiên. Có thể bao gồm thêm tư
thế thứ tám - quán sát hơi thở. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã dẫn dắt tất cả
mọi người qua các giai đoạn thực hành 9 vòng hơi thở bắt nguồn từ Sáu
Yoga của Naropa, đó là phương pháp giúp an định tâm thức khi bị kích
động. Tiếp theo, ngài luận giải các đối tượng quán tưởng mà các Phật
tử quán, đó là hình ảnh của Đức Phật.
"Hãy
quán tưởng một hình ảnh của Đức Phật cao phía trước lông mày bạn khoảnh
cách chừng một inch và khoảng bốn feet ở trên phía trước bạn. Hãy
quán tưởng hình ảnh sáng và rực rỡ, sẽ làm cho tâm thức sắc bén mặc dù
quán hình ảnh đặc kệt có thể làm cho tâm thức bình ổn.”
Ngài
cũng dạy rằng hành giả Kitô có thể tập trung vào hình ảnh của Chúa
Giêsu hay Đức Mẹ Maria, nếu họ mong muốn, và hành giả Hồi giáo có thể
quán tưởng hình ảnh của đấng tối cao Mecca. Dù bất kỳ đối tượng nào
mà bạn chọn cũng sẽ có hai trở ngại để phát triển sự định tâm: đó là sự
phân tâm, pháp đối trị là chính niệm, và hôn trầm, do quán tưởng hình
ảnh không rõ ràng và sắc nét, pháp đối trị là tỉnh thức. Nếu bạn muốn
đạt được sự rõ ràng của tâm, điều quan trọng là phải có an lạc và tỉnh
thức. Liên quan tới thực hành Vipasyana hay hồi quang phản chiếu trong
kinh văn, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã lưu ý những phẩm chất vĩ đại trong bộ
luận "Trí tuệ căn bản" của Bồ tát Long Thọ và những bài luận của đạo
sư Bhavaviveka và Chandrakirti. Ngài nhớ lại một dịp 40 năm trước khi
đại học giả tiếng Phạn Upadhyaya đến diện kiến ngài: "Tôi thỉnh ngài
tụng đọc những câu kệ mở đầu Minh Cú Luận (Prasanapada) của đạo sư
Chandrakirti bằng tiếng Phạn, và tôi đã trào dâng nước mắt khi được lắng
nghe ngài tụng đọc.”
Cuối
cùng, bởi lý do sử dụng tâm vi tế có năng lực và hiệu quả hơn cho sự
chứng đạt giác ngộ, nên đạo sư Atisha đã dạy cần bước vào con đường Mật
thừa. Tương tự như vậy, đức Je Tsongkhapa dạy rằng, sau khi đã thuần
thục sáu Ba la mật, hợp nhất thiền định và trí tuệ và thấm nhuần
con đường Đại thừa, hãy bước vào con đường của Tantra. Đức Đạt Lai Lạt
Ma dạy rằng, về Kinh điển Đại thừa, các truyền thống Phật giáo Tây
Tạng đều tu học như nhau, tuy nhiên cách thức thực hành Tantra có những
phương pháp khác nhau. Ngài luận giải rằng trong truyền thống Nyingma
có những truyền thừa lâu đời bắt nguồn từ Ấn Độ, có truyền thừa ngắn
hơn được phát lộ qua các terma và có truyền thừa bí mật bắt nguồn từ
quan kiến thanh tịnh. Sự gia trì từ đức Phật Dược Sư mà ngài truyền
trao bắt nguồn từ quan kiến thanh tịnh như vậy của đức Đức Đạt Lai
Lạt Ma đời thứ V, cũng giống như đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ hai, ngài
cũng có trải nghiệm vô số quan kiến thanh tịnh.
Vào
cuối buổi gia trì đức Phật Dược Sư, Đức Đạt Lai Lạt Ma bày tỏ niềm
hoan hỷ khi truyền trao các giáo pháp và ngài mong nguyện buổi giảng
pháp này sẽ tiếp tục trong năm tới. Ngài cảm ơn các nhà tổ chức và nhân
viên, và Khách sạn Taj Mahal đã cúng dường cơ sở cho buổi giảng pháp.
Thỉnh nguyện cuối cùng của ngài trong buổi giảng pháp tới thính chúng
là hãy chia sẻ những gì họ được nghe hiểu cho người khác:
"Hãy
chia sẻ những điều nồng ấm tới gia đình và bằng hữu của quý vị; đó
là cách giúp chúng ta ban trải rộng khắp sự tỉnh thức.”
Phúc Cường
(Phật Tử Việt Nam)