cô đã viết về những vấn đề liên quan đến
chính trị, kinh tế, những vấn đề về phụ nữ, gia đình, truyền thông, văn hóa, trẻ
em và những vấn đề thời sự khác. Cô đã nhận được các giải
thưởng như Giải Edward R. Murrow, hai giải Golden Mike và bốn giải nhất của Hội
Nhà Báo Chuyên Nghiệp.
Cô đã tự sự về mình như sau: “Tôi lớn lên bên cạnh người mẹ
Nhật. Bà là một Phật tử. Cha tôi là người Anh gốc Nga, theo đạo Do Thái. Tôi đã tìm hiểu về nhiều
tôn giáo, phong tục và văn hóa với tư cách cá nhân, trong vai trò của người làm
mẹ, làm báo và người đi tìm chân lý. Hiện giờ tôi thực sự hạnh phúc hơn
vì tôi đã biết chấp nhận bản thân, và người khác như họ là, và nhận thức mỗi
ngày là một ngày mới, ngày đặc biệt, và tôi mãi mãi hàm ân về điều đó.
Khi còn nhỏ, tôi không biết có được một người mẹ Phật tử là
điều may mắn như thế nào. Tôi chỉ nghĩ là tất cả trẻ em đều lớn lên với món quà
của trí tuệ, tình thương sâu đậm và một cảm giác bình an
thực sự. Nhưng sau khi tôi đã bay xa tổ ấm của mẹ, tôi mới biết rằng thế giới
bên ngoài không yên ổn, không tử tế, và không an bình
chút nào. Tôi nhanh chóng nhận ra thế giới bên ngoài thường là một nơi đầy rẫy
những đớn đau, nghiệt ngã, sân hận và quá ồn ào đối với đôi
tai quá nhạy cảm của tôi. Nhưng chính sự nhạy cảm,
chánh niệm mà tôi đã học được trong Phật giáo đã giúp tôi vượt qua những đau khổ,
những thất vọng não nề mà tôi đã nếm trải.
Những giai đoạn đau khổ như thế là khi tôi phải chứng kiến
đứa con bé nhỏ của mình trải qua một ca phẫu thuật mổ tim,
phải chịu đựng một mối liên hệ chẳng tốt đẹp suốt nhiều năm, và chịu đựng những
thương tích nghiêm trọng trong một tai nạn xe hơi. Cũng có
những lúc tôi cảm thấy thất vọng, buồn chán trước những áp lực của cuộc sống.
Đó là những trải nghiệm trong các mối liên hệ trong từng ngày, việc sinh con và
nuôi dưỡng chúng, cố
gắng chăm sóc hay tìm người thân cận có thể chăm sóc cho cha mẹ già của mình và
những năm tháng đầu đời của tuổi trưởng thành khi ta cảm thấy quá cô đơn. Khi
lớn tuổi hơn, quán xét lại cuộc đời mình và có thể sống từng ngày với một tinh
thần sảng khoái, và hy vọng là sáng suốt hơn, thì những điều dạy dỗ của người mẹ
Phật tử của tôi luôn thầm thì những lời dịu dàng, đồng cảm đi thẳng vào tâm hồn
tôi.
Một giáo lý căn bản của Phật giáo dạy rằng hạnh phúc hay khổ
đau là trách nhiệm của từng cá nhân. Điều đó có nghĩa là tất
cả chúng ta đều hoàn toàn làm chủ việc chuyển đổi cuộc sống của chúng ta.
Thật là một tư duy mới mẻ, tràn đầy giác ngộ! Tôi tin rằng những bài học về cuộc
đời mà tôi đã học được từ Phật giáo sẽ tiếp tục truyền sức sống và ban trải sức
mạnh, uy lực thực sự của chúng cho tôi khi tôi đối mặt với những nỗi sợ hải,
thách thức và những cuộc chiến đấu với đau khổ mà giờ tôi mới biết rằng chúng
chỉ là một phần trong kinh nghiệm sống của một kiếp người. Tôi hy vọng là năm
khía cạnh của trí tuệ Phật giáo dưới đây sẽ giúp bạn được an
lành.
1. Thiền
Không dễ hành thiền.
Nếu dễ, nó sẽ không thể mang đến cho bạn sự tự tại, tĩnh lặng
thực sự. Giống như tất cả những nỗ lực đáng theo
đuổi khác, thiền cần được thực tập, cần kiên nhẫn và tinh tấn để được lợi ích từ
những phần thưởng vô giá mà nó sẽ mang lại. Thiền đã được sử
dụng hằng bao nhiêu thế kỷ để hàn gắn tâm linh, thanh tịnh tâm và ngay cả trị
liệu, hỗ trợ những đau đớn thể xác trầm trọng và tổn thương tâm lý. Trong
một thế giới đầy tốc độ, đầy bạo động nơi mà gần như tất cả mọi thành viên trong
đó đều bị áp lực, bị căng thẳng thì việc tập hành thiền là một cách để giúp
chúng ta được chữa trị và quan trọng hơn nữa được phát triển và tập bình tĩnh
ngay trước cả những trận bão đời to lớn nhất. Một phần trong quá trình này đơn
giản bắt đầu bằng việc tập ngồi yên, im lặng và thực sự thư giãn. Hành động này có thể giúp được
bất cứ ai, dù họ đang khổ đau hay đang muốn tìm một cuộc sống có ý nghĩa, có lý
tưởng hơn.
Hành động có chủ ý này hay đúng hơn bất-hành (non-act) này
của thiền là một phương cách đã được kiểm nhận, rất hữu hiệu trong việc giúp
người ta chữa trị những tâm bệnh hay ngay cả thân bệnh nặng.
Kể cả những ai bị chứng trầm cảm sau chấn thương trong chiến tranh và những xáo
trộn tâm lý như tâm thần và trầm cảm nặng. Có rất nhiều
cách hành thiền, và không có cách nào là cách duy nhất đúng cho tất cả mọi
người. Nhiều người sợ hành thiền vì họ trước tiên đã nghĩ là mình không hợp
với phương cách đó. Nhưng chính vì thế mà những người này cần hành thiền
– để buông thư nội tâm và để gạt bỏ mọi ý nghĩ tiêu cực
sang một bên. Điều quan trọng cần nhớ chỉ là bắt đầu hành thiền, và thử nghiệm
những phương cách thiền khác nhau cho đến khi bạn tìm thấy phương cách hợp với
bạn.
Bắt đầu Như thế nào?
Hãy tìm đọc vài quyển sách về Thiền,
trao đổi với những người đã có kinh nghiệm hành thiền, tham dự các khóa thiền để
tìm hiểu thêm.
Mỗi ngày, tôi thường bắt đầu thời thiền tập của mình bằng cách
rất đơn giản là ngồi yên, nhắm mắt trong vài phút. Tắt
điện thoại, truyền hình, máy tính và cả âm nhạc để bạn có thể cảm nhận và ngay
cả nghe được hơi thở của chính mình. Đừng bỏ cuộc nếu lúc đầu bạn cảm
thấy lo âu hay bồn chồn, không có cách đúng hay sai trong thiền tập. Hành thiền
cũng không phải là một cuộc chạy đua hay thi tài. Nếu lúc bắt
đầu bạn có thể ngồi yên trong năm phút, thì ít nhất là bạn biết rằng mình đang
trên đường tiền tới một bản ngã chân thật hơn và hy vọng là một con người có sức
khỏe hơn. Trên tất cả, hãy kiên trì thực hành.
Những chuyển biến mà bạn sẽ nhận thấy là tâm đổi thay và rồi cuộc đời của bạn
cũng thay đổi theo.
2. Bắt đầu Mỗi Ngày Với một Động Lực Tích Cực
Thay vì chỉ hy vọng là bạn sẽ có một ngày bình
an và những trải nghiệm tích cực, hãy làm cho điều đó xảy ra. Nói cách khác, trước khi bước ra khỏi một giấc ngủ sâu để đi vào
guồng máy của cuộc sống bận rộn, hãy dành ra năm hay mười phút quán tưởng đến
những cảm giác và quan điểm tích cực sẽ xảy ra trong ngày.
Cách này sẽ giúp bạn dễ trải nghiệm sự bình
an trong ngày trước mặt, và đón nhận bất cứ điều gì có
thể xảy ra trong ngày.
Động Lực và quan điểm của tôi bao gồm:
Tôi sẽ giữ bình tĩnh trong mọi giao
tiếp với người khác.
Tôi sẽ giữ tâm bình an, tĩnh lặng và
hạnh phúc trong tất cả mọi việc tôi làm.
Tôi sẽ giữ sự giác ngộ tích cực suốt
ngày và luôn học hỏi từ người khác.
Tôi sẽ xem mọi người đều dễ thương,
hiền lành và cởi mở như tôi, và tôi sẽ không phán xét người.
Mục đích của hành động này là để
chính bạn làm người tạo tác ra những cảm giác đầu tiên trong ngày của mình, và
dĩ nhiên là chúng sẽ ảnh hưởng đến trọn ngày của bạn.
Những cảm giác đầu tiên trong ngày ảnh hưởng rất lớn đến tâm
trạng của bạn trọn ngày. Nếu bạn cố gắng biến các tư duy trên thành một
phần của tâm thức và vô thức của mình, thì bạn không những sẽ có một ngày bình
an hơn, mà nó cũng ảnh hưởng đến người khác một cách tốt lành như thế.
3. Thực hành Chánh niệm
Trí não, tâm tư, nghĩ suy của ta có thể là những món quà
tuyệt vời, quí báu mà ta có thể tặng cho bản thân, nếu như ta biết sử dụng chúng
đúng cách. Nhưng như tất cả chúng ta đều biết, tâm thường dẫn
ta đến những cách suy nghĩ đầy sai lạc, những cuộc độc thoại nội tâm đầy tiêu
cực và đầy dằn vặt, khiến ta cảm thấy khó chịu, nếu không muốn nói là chúng
khiến ta tự cô lập, rồi rơi vào trầm cảm. Nhiều bệnh
nhân trầm cảm cho là họ luôn thấy mệt mỏi, ngay cả những người chẳng phải làm
gì, vì các cảm xúc tiêu cực thực sự là những độc tố làm bải hoải tâm thân.
Thực hành chánh niệm có nghĩa là thay vì chỉ nếm trải các cảm xúc, tiếp nhận đau
khổ, bạn sẽ trở nên ý thức hơn về các cảm giác và suy tư của mình, do đó có thể
làm cho chúng tốt hơn. Khi bạn ý thức hơn về các cảm xúc của mình, bạn sẽ dễ nghĩ ra cách
hành động và giải pháp cho những vấn đề đưa bạn đến suy nghĩ tiêu cực.
Phương cách Thực hành Chánh niệm
Bắt đầu bằng cách ý thức hơn về các cảm xúc của mình khi
chúng khởi lên, dầu đó là cảm thọ vui, đau đớn, hưng phấn, bâng khuâng, sợ hãi
hay sân hận. Thực sự cảm nhận chúng một cách tường tận là sự khởi đầu tiên quyết
trong việc làm chủ các cảm xúc và tìm đường đi đến sự bình an. Sau đây là một số
những lời nguyện tâm linh đầy chánh niệm của tôi:
Tôi không để quá khứ làm khổ tôi nữa. Tôi biết rằng những niềm vui trong cuộc sống mạnh mẽ hơn bất cứ nỗi
khổ đau nào. Tôi chỉ có ngày hôm nay.
Tôi có thể khiến nó trở thành gì, bằng cách nào (mà) tôi muốn.
Tôi thực sự yêu thương các con, khi chúng khổ hay vui, tôi cũng cảm nhận được
điều đó. Những khổ đau trong quá khứ giúp tôi hôm nay trở
thành người luôn đồng cảm với kẻ khác.
Mục đích của những lời nguyện này là để vun trồng năng lực
tích cực cho các cảm thọ vui hay buồn của ta. Nhưng chúng ta chỉ có thể khám phá ra những năng lực đó là gì khi ta
đầy chánh niệm.
Bắt đầu… Hãy bắt đầu đi.
4. Trước khi ăn, hãy cúng dường lên Đức Phật
Có lẽ không có hành vi nào của con người tự động, máy móc hơn
là hành động ăn uống, tuy nhiên đó lại là hành động thực sự có thể mang đến an
bình, tĩnh lặng cho bạn hơn cả, đồng thời cũng khiến thân bạn được mạnh khỏe
hơn. Dĩ nhiên, bạn sẽ tự hỏi, “Làm sao tôi có thể cúng dường
thực phẩm lên Đức Phật? Điều đó có nghĩa là gì?”
Hãy bắt đầu bằng cách tưởng tượng rằng tất cả mọi thực phẩm bổ dưỡng đều được
làm từ hoa trái thanh cao để giúp ta tăng trưởng được mọi trí tuệ. Kế đến, tưởng
tượng rằng Đức Phật là ánh sáng trong tâm bạn và rằng khi bạn ăn, bạn cúng dường
hoa quả thanh cao đó đến Đức Phật, đồng thời bạn cũng nuôi dưỡng, làm no đầy
chính tâm thân bạn. Hãy phác họa tư tưởng đó ra và ăn trong chánh niệm, cảm niệm
sự hàm ân đối với hành vi ăn và món quà mà nó mang đến
cho ta. Làm như thế cũng giúp bạn ăn chậm lại, giúp bạn có thể quán tưởng thực
phẩm của bạn từ đâu mà có, làm sao nó đến được trên bàn ăn của bạn, đến miệng
bạn, để bạn được dưỡng nuôi.
Tôi cúng dường thực phẩm lên Đức Phật
như thế nào.
Khi tôi hình dung ra Đức Phật đang ở trong tôi. Tôi nghĩ đến
Ngài như một đứa bé dịu dàng, dễ thương mà tôi chỉ muốn nuôi dưỡng và làm cho nó
hạnh phúc. Khi chuẩn bị thức ăn, tôi làm một cách chậm rãi, cẩn thận và với
chánh niệm. Thái rau củ thật đẹp mắt, gọn ghẻ và đảo trộn chúng một cách nhẹ
nhàng, một cách kiên nhẫn. Dầu đó là rau, hay trái cây, tôi hình dung
rằng Đức Phật trong tôi sẽ thưởng thức món ăn đó hơn nếu tôi ăn chậm rãi, và cảm
nhận từng mùi vị trong đó. Hành động chánh niệm trong ăn
uống không chỉ làm cho nghi thức ăn uống luôn trở nên tích cực, mà nó còn khiến
thực phẩm tôi ăn trở nên dinh dưỡng hơn, do đó tôi trở nên một chúng sanh lành
mạnh hơn từ trong ra ngoài.
5. Nhìn Lại Ngày Qua
Điều này cũng tương tự với việc bắt
đầu một ngày bằng những tiêu chí và ý hướng tâm linh tích cực. Khi điều này được
thực hiện, nó sẽ mang đến cho ta một ngày tĩnh lặng và tốt đẹp hơn, tất cả đều
như thế.
Nhưng cũng quan trọng như việc có được một khởi đầu tích cực
trong ngày, ta cũng cần chấm dứt một ngày với cùng cường độ trong chánh niệm và
quán chiếu.
Thay vì để đầu óc ta đầy rẫy những suy nghĩ như: “Tôi mệt rã người, may mà hết
ngày rồi” hay “Lại một ngày nhàm chán/vất vả đã qua”, sao không thay vào đó bằng
cách nhìn lại ngày đã qua với chút quán chiếu nhẹ nhàng? Lý do khiến nhiều người
cảm thấy không hạnh phúc hay thỏa mãn trong cuộc sống là vì họ quá khắc khe với
bản thân hay không ý thức đến suy nghĩ và hành động của bản thân.
Khi quán chiếu về ngày đã qua, bạn có thể giúp bản thân không
lặp lại cùng một sai lầm hay thiếu sót, và bằng cách suy nghĩ cẩn thận về ngày
đã qua như thế nào, bạn muốn thay đổi nó ra làm sao, bạn có thể khám phá ra được
nghệ thuật làm chủ tâm, và phương cách để hành động, phản ứng trong những hoàn
cảnh khác. Bạn cũng có thể có những giấc mơ thú vị, đầy khám
phá và trầm tư nếu những gì trong đầu bạn trước khi đi vào giấc ngủ là những suy
tư sâu sắc, chứ không phải là những vọng tưởng bâng quơ. Dầu tri thức
không phải lúc nào cũng hữu hiệu, nhưng nó có thể hướng bạn đến một con đường
thiên về tâm linh để bạn được hạnh phúc hơn, nếu bạn biết tập làm thế nào quán
chiếu về tư tưởng và hành động của mình.
Quán chiếu về ngày đã qua như thế
nào?
Hãy tìm một chỗ ngồi yên tĩnh, trên
giường, trên ghế hay bất cứ đâu mà bạn không bị làm phiền trong ít nhất mười lăm
phút. Nhắm mắt lại và quán chiếu về ngày đã qua như thể nó là một cuốn
phim hay một quyển sách; ghi nhận về những hoàn cảnh khác nhau mà bạn có mặt
trong đó, về những người mà bạn đã giao tiếp và các cảm thọ của mình.
Sau đó, suy nghĩ về việc bạn muốn hành động, hay cảm xúc khác đi như thế nào,
nếu như bạn lại rơi vào hoàn cảnh đó.
Những điều bạn cần tự hỏi: Có thể tôi cần nhiều kiên nhẫn, tử
tế và dịu dàng trong giao tiếp với người phải không? Tôi có
chân thật đối với bản thân trong mọi hành động của mình?
Làm thế nào để ngày mai tôi có thể là người hiểu biết, thông
cảm hơn đối với bản thân và người khác? Điều gì khiến
ngày hôm nay của tôi tuyệt vời và hạnh phúc? Điều gì
khiến tôi cảm thấy hàm ân?
Xin nhắc lại, điều quan trọng nhất là
phải biết thương yêu, tha thứ cho bản thân về những sai lầm của mình. Chỉ khi nào bạn có thể tha thứ cho
bản thân, thì bạn mới có thể tha thứ cho người khác. Hành động nhìn lại một ngày
đã qua không chỉ giúp bạn biết rõ hơn về bản thân, hy vọng là nó cũng sẽ giúp
bạn trở nên một người tốt hơn, người có tâm linh, người biết yêu thương đối với
bản thân và người khác, mà còn là người hạnh phúc hơn.
Diệu Liên Lý Thu Linh
Theo PSN
(Chuyển Ngữ theo Five Ways To Be Happier & Less Depressed Through
Buddhism, đăng trên Elephant Health & Wellness Facebook, ngày 18/1/2013)