Với Phật giáo, việc giao tiếp giữa các cá nhân nhằm
truyền đạt thông tin là điều rất mực quan trọng, nhất là những thông tin liên
quan đến lộ trình khai phóng tâm linh và đoạn tận đau khổ.
Tầm quan trọng
của nghệ thuật giao tiếp trong Phật giáo
Chân lý đã được Đức Phật thân chứng. Quá trình làm
cho mọi người cùng nhận ra chân lý là khúc khải tấu nhiệm mầu của nghệ thuật
giao tiếp, được Đức Phật và những đệ tử của Ngài thực hiện. Vì lẽ, giao tiếp là
quá trình trao đổi thông tin giữa người với người nội hàm các yếu tố như người
phát tin, người nhận tin, kênh truyền và bối cảnh… Ở đây, người phát tin có
thể là Đức Phật, có thể là các Thánh Tăng thời Phật, có thể là nhà truyền giáo,
có thể là vị giảng sư… cụ thể hơn, là những ai đang nỗ lực trong hoạt động
hoằng pháp đều được xem là người truyền phát thông tin theo sự phân chia
của ngành khoa học giao tiếp. Trong hoạt động hoằng pháp, đối tượng thính pháp
chính là người nhận tin. Và lẽ dĩ nhiên, buổi thuyết giảng sẽ được diễn
ra trong một không gian địa lý cụ thể nào đó (bối cảnh), với phương thức
mặt đối mặt hoặc thông qua những phương tiện truyền thông khác như thuyết giảng
từ xa hay qua băng đĩa, video (kênh truyền). Tựu trung, thuyết giảng
giáo lý nói riêng hay hoằng pháp nói chung, thực chất là một quá trình giao
tiếp theo nghĩa tích cực và thánh thiện.
Kể từ khi xuất hiện, Đức Phật thực sự là người
dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ
đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối2. Gần
năm mươi năm đi khắp lưu vực sông Hằng, hơn ai hết, Đức Phật đã gặp gỡ và tiếp
xúc với nhiều hạng người, đủ mọi giai tầng và phẩm loại. Trong tất cả mọi cuộc
gặp gỡ và giao tiếp, Ngài đã “Với từ tâm, vì lợi tha và do lòng từ, Thế Tôn
thuyết pháp”3 nhằm đem đến an lạc và giải thoát cho từng người. Đối tượng thì đa
dạng, phức tạp và sai biệt, vì thế phương thức giao tiếp của Đức Phật cũng
nhuần nhuyễn, uyển chuyển và tùy duyên. Sự thành công trong lãnh vực hoằng hóa
của Đức Phật, đã đồng thời cho thấy Ngài là một bậc thầy vĩ đại trong nghệ
thuật giao tiếp theo nghĩa hôm nay.
Đi theo con đường của Như Lai thì phải theo hạnh
Như Lai. Thao thức đem giáo pháp vào đời là tâm nguyện của bất cứ ai dấn thân
theo con đường mà Đức Phật đã khai mở. Phải dũng mãnh phát nguyện như Tỳ kheo Abhibhu
khi đứng ở cõi trời Phạm Thiên: Hãy đứng dậy, lên đường/ Hãy dấn thân Phật
giáo/ Hãy đánh bại ma quân/ Như voi phá chòi lá(4). Muốn thực hiện tâm nguyện đó, phải đủ sức và đủ
duyên, mà điều kiện cần ở đây là phải tương đối thành công trong nghệ thuật
giao tiếp. Cần phải thấy rằng, nếu kham nhẫn là một đức tính đặc thù của nhà
truyền giáo thì ở đây, nhuần nhuyễn trong nghệ thuật giao tiếp là một tố chất
cần thiết, liên quan đến sự thành công của bất cứ một nhà hoằng pháp dù ở thời
đại nào.
Trong lãnh vực sinh hoạt cộng đồng nói chung, lời
nói là một trong những phương thức truyền đạt thông tin và tạo nên các mối liên
hệ giữa con người với con người. Không có lời nói, không thể hình thành xã hội
con người đúng nghĩa. Từ lịch sử phát triển của nhân loại cho thấy, một lời nói
có thể hưng, vong cả một quốc gia, một triều đại hoặc liên quan đến sự thành,
bại của một con người. Vì lẽ, lời nói là một trong ba trọng nghiệp căn bản
trong dòng chảy sinh mạng của con người. Trọng nghiệp này thường được Đức Phật
lặp lại nhiều lần trong kinh điển: Phàm con người đã sanh/ Sanh với búa
trong miệng/ Kẻ ngu khi nói bậy/ Tự chặt đứt lấy thân(5). Phải ý thức rằng, tu tập là một quá trình chuyển
hóa nghiệp lực. Quán sát và làm chủ được hành vi giao tiếp thì ở một
chừng mực nào đó nói lên sự tiến bộ, thăng hoa trên con đường tu tập của mỗi
người.
Trong Phật
giáo, kết quả của mọi nỗ lực tu tập nhằm đem đến an lạc, giải thoát cho mình và
cho người. Thuần thục trong nghệ thuật giao tiếp là con đường tiệm cận dẫn đến
lý tưởng vừa nêu. Đó cũng là điều để lý giải tại sao dù bất cứ ở đâu, nghệ
thuật giao tiếp luôn được quan tâm và chú trọng.
Các thủ pháp
trong phương thức giao tiếp
Để thành công trong giao tiếp thì phải có phương
pháp. Phương pháp giao tiếp đã được Đức Phật nêu rõ trong nhiều kinh điển. Với
những khái quát bước đầu cho thấy, trong kinh Sa Môn Quả(6), kinh Ví Dụ Cái Cưa, Tiểu Kinh Dụ Dấu Chân Voi(7) và kinh Lời Nói(8)đều đề cập và thống nhất về năm phương thức giao
tiếp căn bản của con người nói chung và của một vị Tỳ kheo nói riêng. Năm
phương thức giao tiếp đó là: Nói đúng thời, nói lời liên hệ đến lợi ích, nói
đúng sự thật, nói lời nhu hòa, nói với lời từ tâm.
1. Nói đúng thời
Thời ở đây cần được hiểu là thời gian, không gian
và cả tâm sinh lý của đối tượng vào thời điểm ấy. Thời gian và không gian là
những yếu tố quan trọng trong lãnh vực giao tiếp. Có những lời nói thể hiện ở
thời gian, không gian này thì phù hợp nhưng sẽ mất tác dụng và đôi khi gây ra
những sự nguy hại nếu như xuất hiện ở lúc khác, trong bối cảnh khác. Theo ngành
khoa học giao tiếp ngày nay, thời gian và địa điểm là những yếu tố có tác động
rất lớn đến sự thành công của giao tiếp.
Đức Phật luôn nói đúng thời điểm. Thời điểm ở đây
được hiểu là thời điểm của đối tượng cùng những thuộc tính và biến chuyển tâm
lý. Cùng một chân lý, nhưng căn cứ vào nghiệp lực của từng đối tượng, trong bối
cảnh không gian và ở những thời điểm phù hợp, mà Đức Phật có những cách triển
khai chân lý khác nhau. Thủ pháp nói đúng thời điểm đã được Đức Phật vận dụng
nhuần nhuyễn… Nơi đây, ta có thể đơn cử vài trường hợp mà Đức Phật đã tùy tâm
trạng, thời điểm của mỗi người để có những bài thuyết giảng sinh động khác nhau
như việc hóa độ nàng Kisa Gotami(9), kẻ điên cuồng Angulimala(10), Sa di La Hầu La(11) và rất nhiều trường hợp khác. Xem ra, khi lựa chọn
thời điểm phù hợp, trong một không gian phù hợp, sẽ tạo nên những điều kiện tối
ưu cho việc chuyển tải thông điệp từ người nói đến với người nghe. Yếu tố này
rất mực quan trọng trong mọi mối quan hệ giao tiếp nói chung giữa người với
người.
2. Nói lời liên hệ đến lợi ích
Lợi ích ở đây chính là lợi ích cho người nghe, liên
hệ đến người nghe, vì người nghe mà nói. Như Lai là một vị nói lời liên hệ
lợi ích cho chúng sanh(12). Theo kinh Thanh Tịnh,
dù ở quá khứ, hiện tại hay vị lai, những pháp nào liên hệ sự chân thực và lợi
ích, Như Lai sẽ trả lời. Như vậy, này Cunda, đối với các pháp quá khứ, vị
lai, hiện tại, Như Lai là vị nói phải thời, nói chơn chánh, nói như thật, nói
có lợi ích, nói đúng Pháp, nói đúng Luật. Do vậy mới gọi là Như Lai(13). Có
thể xem tôn chỉ vì lợi ích người nghe mà nói là một dấu hiệu đặc thù
trong nguyên tắc giao tiếp của Phật giáo.
Ở đây, trong giao tiếp thường tình, đôi khi người
ta muốn nói cho sướng miệng, nói cho vơi đi sự bực bội trong lòng, nói với sự
huênh hoang khoác lác, nói nhằm thỏa mãn tự ngã cá nhân… mà không chú ý đến
thái độ của người nghe và những người không muốn nghe. Điều này ta có thể bắt
gặp trong giao tế đời thường, trong những cuộc vui gặp mặt, trong những buổi
diễn thuyết và thậm chí ngay cả trong những giảng đường, lớp học. Cần phải thấy
rằng, một khi nội dung buổi nói chuyện không liên hệ đến lợi ích của thính
chúng thì sẽ tạo nên một sự uể oải, rã rời cho cả người nói lẫn người nghe. Xét
trên phương diện hiệu quả, đó là những kiểu nói không liên hệ đến lợi ích của
người nghe.
3 Nói đúng sự thật
Giao tiếp nhằm truyền đạt thông tin cho người. Với
Phật giáo, tính xác thực của thông tin là điều bắt buộc trong nguyên tắc giao
tiếp. Các bậc Thế Tôn không bao giờ nói lời hư vọng(14). Đó là sự khẳng định rõ ràng nguyên tắc nói đúng
sự thật trong giao tiếp. Hơn thế nữa, Thế Tôn nói gì thì làm vậy, làm gì
thời nói vậy, một vị nói gì thì làm vậy, làm gì thì nói vậy, thành tựu các pháp
và tùy pháp như vậy, chúng ta thật khó tìm thấy trong quá khứ, cũng như trong
hiện tại, trừ Thế Tôn(15).
Thông thường trong giao tiếp, vì nhiều lý do khác
nhau như vì sợ hãi, vì nguy hiểm, vì danh dự, vì lợi dưỡng, vì tế nhị, vì đùa
chơi… nên đôi khi người ta không nói đúng sự thật, và đây là một trong những
thói quen xấu của con người nói chung. Trong một vài trường hợp đặc biệt, việc
nói dối không nhằm vào bất cứ mục đích gì, vì thói quen nói dối chỉ là dư tàn
từ tập khí xa xưa. Để ngăn ngừa tập khí không tốt đó, Đức Phật đã mạnh dạn
tuyên bố: Ta quyết không nói láo, dầu nói để mà chơi(16).
Học theo hạnh Thế Tôn, ở đây, hạng người nói đúng sự thật thì sẽ không vì
mình hay vì người, hay vì một vài lợi vật nhỏ mà đã cố ý nói láo. Người như
vậy, này các Tỳ kheo, được gọi là người nói như hoa(17).
Trên phương diện thâm sâu, đôi khi nhằm bảo vệ tự
ngã và sở dục của mình mà con người đã không nói đúng sự thật khi giao tiếp và
đây là cửa ngõ tạo ra những đau khổ cho mình và cho người. Chính vì điều này,
Đức Phật đã cẩn trọng khuyến hóa: Dầu cho vì quả đất đầy những vàng... Dầu
cho vì mọi lợi ích vật chất... Dầu cho vì mạng sống... Dầu cho vì người mỹ nhân
địa phương, vị ấy cũng không cố ý nói láo(18).
Đạo Phật là đạo như thật và tôn trọng sự thật, vì
sự thật chính là chân lý. Nói đúng sự thật là sự khởi đầu để bước đến chân lý.
Trên phương diện đời sống nhân sinh, việc nói đúng sự thật góp phần tạo nên một
sự tin tưởng lẫn nhau ở tất cả mọi người. Và khi con người sống trong sự tin tưởng
lẫn nhau, thì đó là dấu hiệu của một đời sống hạnh phúc thực sự.
Trên phương diện xuất thế, với những bậc có tâm
hành vĩ đại, việc tôn trọng sự thật trong phương thức giao tiếp đã được tuân
thủ một cách tuyệt đối, cho dù nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng: Dầu ai là
kẻ thù của ta. Ðối với họ, ta không có gian trá(19). Trên lộ trình của một người học Phật, trong giao
tiếp cần phải thực hiện theo phương châm: Thấy nói thấy, nghe nói nghe, cảm
giác nói cảm giác, thức tri nói thức tri(20). Đây là nguyên tắc nói đúng sự thật cần phải tuân
thủ khi giao tiếp với người.
4. Nói lời nhu hòa
Cùng biểu đạt một sự kiện, con người có thể vận
dụng nhiều cách thức truyền đạt khác nhau. Có những cách nói dễ dàng đi vào
lòng người nhưng đồng thời cũng có những cách nói làm cho người nghe bực bội,
khó chịu. Một người khéo léo trong giao tiếp theo quy chuẩn Phật giáo thì trong
ngôn hành, vị ấy nói những lời nhẹ nhàng, thuận tại, dễ thương, thông cảm
đến tâm, tao nhã, đẹp lòng nhiều người, vui lòng nhiều người(21).
Trong bốn phương pháp nhiếp hóa, thu phục lòng người thì lời nói nhẹ nhàng, dễ
nghe, nhu nhuyến, mà kinh văn gọi là ái ngữ(22) đóng một vai trò quan trọng. Cần phải thấy rằng,
bản chất của con người muốn nghe những điều thích ý, nhẹ nhàng. Ngay như các
con vật nuôi trong nhà, ở một chừng mực nào đó cũng cảm nhận được những lời nói
nhẹ nhàng, dễ nghe. Khi nói lời dễ nghe, nội dung thông tin được chuyển đến
người nghe gần như trọn vẹn.
Trong liên hệ đời sống, với những va chạm từ nhiều
phía, mà vẫn giữ được phong vị từ hòa trong ngôn ngữ, là dấu hiệu chứng tỏ cho
một sự vững chãi, trưởng thành của một con người. Điều này, không phải ai cũng
thực hiện được, thậm chí ngay cả người xuất gia. Cho nên kinh văn đã khẳng
định: Khi nào Tỳ kheo bị những lời nói bất khả ý, xúc phạm mà vị ấy vẫn hết
sức hiền lành, hết sức nhu thuận, hết sức ôn hòa, khi ấy vị ấy mới được xem là
hiền lành, mới được xem là nhu thuận, mới được xem là ôn hòa(23). Sự
khẳng định đó một lần nữa cho thấy rằng, cần phải giám sát ngôn hành thật kỹ
lưỡng trong mọi liên hệ va chạm với thực tế đời sống, mới có thể thực hiện được
trọn vẹn hạnh nói lời nhu hòa.
Cũng cần phải nói thêm rằng, nói lời nhu hòa, dễ
nghe không hẳn biểu hiện cho tính yếu đuối, thiếu khẳng định. Khẳng định hay
phủ định, nghe hoặc không nghe không liên quan nhiều đến tính chất nhẹ nhàng,
ôn hòa trong lời nói. Mặc dù vậy, trong những trường hợp cần thiết, với những
đối tượng cần thiết, việc nhấn mạnh ngữ điệu trong ngôn ngữ trình bày, như
chuyện chàng thanh niên Ambattha, cũng được Đức Phật cân nhắc vận dụng(24).
5. Nói với từ tâm
Ta sẽ
thuyết vì lòng từ mẫn(25),
đó là sự khẳng định rõ ràng và dứt khoát về mục tiêu thuyết pháp nói riêng và
giao tiếp của Phật giáo nói chung. Vì lẽ, nền tảng của đạo Phật được xây dựng
trên hai cột trụ lớn, đó là đại trí và đại bi. Tất cả mọi pháp hành của Phật
giáo về cơ bản đều quy hướng về hai cột trụ này. Ở đây, đại bi là tình thương
yêu không hạn lượng và giao tiếp với tâm từ mẫn là sự biểu hiện sinh động cho
lòng đại bi.
Trên phương diện tự thân, lời nói có một sức mạnh
nội tại, gắn kết với tâm lực và toan tính của người nói. Lời tuyên bố hùng hồn
của nhà luận chiến Niganthaputta Saccaka được ghi lại trong kinh
Trung Bộ không hẳn là lời khoác lác, nói đùa: Khi đối
thoại với ta, không ai là không run sợ, không hoảng sợ, không khiếp sợ, không
ai là không toát mồ hôi nách. Dầu ta có đối thoại với một cột trụ vô tình, cột
trụ ấy khi đối thoại với ta cũng run sợ, cũng hoảng sợ, cũng khiếp sợ, huống
nữa là một người thường(26). Tuy
nhiên, khi diện kiến Đức Phật, với ngôn ngữ từ hòa và cách thức trình bày khéo
léo, Đức Phật đã thuận thứ thuyết giảng, khiến cho Niganthaputta Saccaka
quy phục và dâng lời sám hối: Tôn giả Gotama, rất có thể còn có sự an toàn
cho một người chiến đấu với con rắn độc dữ tợn, nhưng không thể có sự an toàn
cho một người chiến đấu với Tôn giả Gotama! Tôn giả Gotama, chúng tôi thật lỗ
mãng, chúng tôi thật là khinh suất(27).
Câu chuyện vừa nêu phần nào cho thấy lời nói với từ tâm có sức mạnh chuyển hóa
vô bờ.
Sống trong đời thì phải giao tiếp với đủ hạng
người. Khi giao tiếp, để giữ được tâm từ mẫn, lời nói chan chứa thương yêu là
điều không phải dễ dàng thực hiện. Nói rõ hơn, khi gặp phải những chướng duyên,
thử thách, dù đó là những thử thách liên quan đến sự chịu đựng tột cùng thể
xác, người đệ tử Phật không để sân tâm khởi lên, thể hiện qua ác ngữ. Hình ảnh
một người dù bị kẻ đạo tặc dùng cưa cưa tay, chân nhưng vẫn không thốt lên một
lời ác ngữ và vẫn giữ được nội tâm bình ổn, từ hòa là điều được Đức Phật tán
thán trong kinh(28).
Có thể đó chỉ là ẩn dụ lý tưởng, về sự kham nhẫn và giám sát ngôn hành của bậc
Thánh, nhưng qua đó có thể thấy được, nói với từ tâm là thủ pháp giao tiếp cần
được vận dụng, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Tính khả dụng của ngôn từ trong giao tiếp
Việc sử dụng nhuần nhuyễn các tính chất, mức độ,
cường độ, âm vực… của lời nói có ảnh hưởng quan trọng đến quá trình giao tiếp.
Chẳng hạn, mặc dù nói lời ái ngữ, nói đúng thời điểm, nói đúng sự thật… nhưng
chất giọng thì rền rĩ, bập bẹ, ngọng nghịu khó nghe… cũng ảnh hướng khá nhiều
đến hiệu quả giao tiếp. Căn cứ vào kinh Sa Môn Quả(29), kinh
Brahmayu(30), kinh Xà-ni-sa(31), kinh
Vừa Đủ(32)
thì ngôn từ lý tưởng được sử dụng trong giao tiếp, phải hội đủ nhiều tính chất
tốt đẹp mà kinh điển thường dùng mỹ từ Phạm âm, tức là tiếng nói của
Phạm Thiên, để biểu thị cho các tính chất đó. Theo kinh văn, Phạm
âm bao gồm tám yếu tố(33).
Tiếng nói của Đức Thế Tôn cũng bao hàm đầy đủ tám yếu tố này(34). Ở đây, chúng tôi chỉ giới thiệu khái quát về hai
yếu cố cơ bản, tổng hợp từ các kinh vừa nêu: 1. Nói rõ ràng, dễ hiểu,
tao nhã và phân minh; 2. Nói lưu loát, mạch lạc và có hệ thống.
1 Nói rõ ràng, dễ hiểu, tao nhã và phân minh
Giọng nói rõ ràng, dễ hiểu, tao nhã và phân minh là
những lợi thế của người truyền đạt thông tin khi giao tiếp. Theo kinh văn, giọng
nói dễ nghe, phát âm tốt, lời nói tao nhã, phân minh, phát ngôn không bập bẹ(35), là
những điều kiện cơ bản thuận lợi cho việc giao tiếp. Khi nói rõ ràng, thì người
nghe dễ dàng thấu đạt nội dung và không bị nhầm lẫn. Ở đây, yếu tố chất giọng,
phương ngữ, cách thức ngắt câu, mức độ nhả chữ… là những lưu ý quan trọng. Vì
lẽ, khi giọng nói trong trẻo, thanh tao, người nghe sẽ thích thú đón nhận và đó
là một lợi thế trong việc giao tiếp. Kinh văn thường dùng ẩn dụ giọng nói
dịu ngọt như tiếng chim Karavika (Ca-lăng-tần-già)(36) thì
luôn được người nghe hân hoan đón nhận.
Bên cạnh đó, thính chúng ở mỗi khu vực thường sử
dụng một phương ngữ nhất định trong giao tiếp. Kinh văn thường mô tả là mỗi
cảnh giới, mỗi quốc độ có những ngôn ngữ khác nhau. Vận dụng nhuần nhuyễn
phương ngữ khi giao tiếp cũng là một yếu tố đem đến sự thành công. Nôm na hơn,
có thể hiểu, tùy theo mỗi vùng miền, quốc gia, trú xứ… để giao tiếp thuận lợi,
cần phải am tường ngôn ngữ của khu vực đó. Ở đây, trong nhiều quốc độ, người
ta biết những chữ Pati... Patta... Vittha... Sarava... Dharopa... Pona...
Pisila... Như vậy, như họ biết trong các quốc độ ấy, những chữ là như vậy, như
vậy, một người không chấp thủ mà giải thích: “Các vị ấy y cứ như thế này, giải
thích như vậy”. Như vậy, này các Tỳ kheo, là không chấp trước địa phương ngữ,
không đi quá xa ngôn ngữ thường dùng(37).Nói một cách cụ thể, thông hiểu nhiều ngôn ngữ là
yếu tố thành công trong nghệ thuật giao tiếp.
Một điều cần lưu ý, để việc truyền đạt thông tin rõ
ràng, dễ hiểu thì cách thức ngắt câu, mức độ nhả chữ… nói theo ngành khoa học
giao tiếp ngày nay thì yếu tố âm thanh và cường độ giọng nói, là những lưu ý
quan trọng. Kinh văn thường nêu rõ, khi giao tiếp thì nên nói chậm rãi, nhả chữ
chắc chắn, không được nói hấp tấp, vội vàng. Vì, nếu nói vội vàng, thời thân
mệt mỏi, tâm bị tổn hại, tiếng bị tổn hại và cổ họng bị đau. Lời nói một người
vội vàng không được rõ ràng và không được nhận hiểu(38). Đây
là một lưu ý quan trọng, không những liên quan đến việc bảo hộ sức khỏe dựa
trên cơ sở y khoa, mà còn liên quan đến tư chất cũng như sự định tĩnh của một
con người.
2 Nói lưu loát, mạch lạc và có hệ thống
Giao tiếp phải lưu loát, mạch lạc và có hệ thống.
Các yếu tố này góp phần làm tăng tính hấp dẫn của câu chuyện, tạo sự tập trung
lắng nghe và hướng thính chúng vào trọng tâm của vấn đề mình muốn trình bày. Có
mạch lạc hệ thống(39), là nguyên tắc giao tiếp lý tưởng của một vị Tỳ kheo
theo Kinh Sa Môn Quả. Cùng một vấn đề, nhưng được trình bày lưu loát thì
sẽ đem đến một hiệu ứng và kết quả tối ưu cho người nghe. Cụ thể hơn, tính
logic nội tại tạo nên sự mạch lạc, lưu loát của vấn đề được trình bày. Muốn nói
lưu loát, mạch lạc, có hệ thống thì phải hội tụ nhiều điều kiện và vận dụng
nhuần nhuyễn nhiều phương pháp. Trong những pháp thức căn bản, thì khả năng ghi
nhớ và khả năng lý luận là những pháp thức nền tảng.
Cần phải thấy, muốn trình bày lưu loát thì phải nắm
vững vấn đề mình muốn trình bày. Nói cách khác, phải có tri thức ghi nhớ. Trong
điều kiện của xã hội thời xưa, khả năng ghi nhớ, nắm giữ, là tài sản thiêng
liêng, cao cả. Kinh gọi đó là văn tài. Theo kinh văn, vị Thánh đệ tử
nghe nhiều, gìn giữ những gì đã nghe, chất chứa những gì đã nghe,… đã ghi nhớ
tụng đọc nhiều lần, chuyên ý quán sát, khéo thành tựu nhờ chánh kiến. Này các
Tỳ kheo, đây gọi là văn tài(40).
Trong điều kiện phương tiện lưu giữ tri thức còn
thô sơ như xã hội thời xưa, yếu tố lắng nghe chăm chú và lãnh hội tri thức luôn
được quan tâm, chú trọng. Nghe và tác ý ghi nhớ là điều kiện tối cần để có tri
thức, đó là điều được khẳng định nhiều lần trong kinh điển. Cũng chính bởi điều
này mà kinh Tăng Chi phân biệt có ba hạng trí tuệ trên đời: trí
tuệ lộn ngược, trí tuệ bắp vế và trí tuệ rộng lớn(41). Ở đây, hạng người nghe mà không chú ý, như cái
ghè lộn ngược thì chẳng chứa đựng được gì; hạng thứ hai tuy có chú ý lắng nghe,
nhưng khi đứng dậy là quên mất, như bỏ đồ trên bắp vế, khi đứng dậy thì đồ vật
rơi tứ tung và hạng cuối cùng, nghe và lãnh hội đầy đủ được gọi là hạng trí
tuệ rộng lớn. Do vậy, khao khát lắng nghe để có tri thức với con người thời
xưa trở thành một khao khát cháy bỏng. Lời sẻ chia của một cư sĩ được ghi lại
trong kinh đủ chứng minh được điều này: Bạch Thế Tôn, con cảm thấy không bao
giờ vừa đủ được nghe diệu pháp, con chết con vẫn còn ân hận luyến tiếc(42).
Từ việc nghe nhiều, thuộc lòng, nắm vững tri thức…
dẫn đến việc nói năng lưu loát, mạch lạc là điều không xa. Cũng bởi lý do này,
nên Tôn giả Ananda, được xem là người đa văn đệ nhất. Ananda là bậc đa văn,
gìn giữ điều đã nghe, tích tụ điều đã nghe… những pháp ấy được vị ấy nghe nhiều
và gìn giữ kỹ, được lặp lại lớn tiếng, được ý tư duy, được tri kiến khéo quán
sát. Vị ấy thuyết pháp cho bốn hội chúng, với văn cú viên dung lưu loát(43). Trên
một tầm mức khác, với một tôn giáo tôn trọng trí tuệ và xem trí tuệ là hàng đầu
như Phật giáo, thì việc không nghe, không hỏi là chướng ngại cho trí tuệ(44).
Khẳng định đó cho thấy việc lắng nghe và cật vấn cũng là những yếu tố rất mực
quan trọng cho trí tuệ nói chung và vấn đề giao tiếp nói riêng.
Về phương diện lý luận, cật vấn, theo kinh Phúng
Tụng, thuộc kinh Trường bộ, tập 2, và kinh Tăng
chi, chương Bốn Pháp, phẩm Bánh Xe, kinh Các câu hỏi, thì có
bốn pháp thức trả lời câu hỏi: Trả lời câu hỏi một cách dứt khoát, trả lời
câu hỏi bằng cách phân tích, trả lời câu hỏi bằng cách cật vấn, trả lời câu hỏi
bằng cách giả lơ, bỏ qua(45). Theo sự phân định của kinh
văn, tùy tình hình và tùy đối tượng cụ thể để có thể lựa chọn một cách thức trả
lời thích hợp. Suy luận thấu đáo về cách thức trả lời của từng vấn đề, nói rõ
hơn là nắm vững phương thức lý luận, là một trong những tiền đề tạo nên
tính mạch lạc và hệ thống.
Yếu tố phi ngôn ngữ
trong quá trình giao tiếp
Theo ngành khoa học giao tiếp, yếu tố phi ngôn ngữ
có một vai trò quan trọng trong giao tiếp. Vì lẽ khi giao tiếp thì khoảng lặng,
nét mặt, nụ cười, ánh mắt, điệu bộ cử chỉ… có ảnh hưởng rất lớn đến sự thành
công. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lời nói, điệu bộ tạo nên tính hấp dẫn của
vấn đề và dễ dàng đưa người nghe tiếp cận chân lý.
Với Đức Phật, không phải ai hỏi gì Ngài cũng trả
lời. Đôi khi, sự im lặng của Ngài đã là một bài pháp vô ngôn, có khả năng đưa
người thấu đạt chân lý. Với người thường tình, im lặng chưa phải là giải pháp
tối ưu trong tương quan giao tiếp. Với Đức Phật, sự vận dụng yếu tố phi ngôn
ngữ này được phát hiện rải rác trong kinh. Kinh Brahmayu(46) đề
cập rất mực chi tiết oai nghi của Đức Thế Tôn trong cuộc sống hàng ngày, từ
việc nhỏ nhất như ăn cơm, rửa bát, đến việc thuyết pháp cho thính chúng sau khi
thọ trai xong. Từ kinh văn có thể thấy rõ, mỗi việc của Đức Phật đều là những
bài pháp không lời có khả năng thức tỉnh những ai có duyên thân cận. Khảo sát
các tác phẩm về Đồ tượng học trong Đại Tạng kinh Bắc truyền, ngay như
hình tượng các thủ ấn (mudra) của Đức Phật, đã là yếu tố phi ngôn ngữ,
nhưng có sự tác động rất lớn vào tâm thức nhiều người.
Một trong những yếu tố phi ngôn ngữ đầu tiên trong
giao tiếp là ánh mắt. Ánh mắt của một người đôi khi có thể bộc lộ rõ ràng tâm
trạng người đó. Ở một số giống loài không có ngôn ngữ, giao tiếp bằng ánh mắt
được xem là một trong những kênh thông tin. Với loài người, trong khi giao
tiếp, ánh mắt chuyển tải nhiều thông tin quan trọng về người nói cũng như về
nội dung trình bày. Từ thực tế có thể thấy, có những ánh mắt tràn ngập thương
yêu nhưng cũng có những ánh mắt tạo nên một sự khó chịu, bực bội, phản cảm cho
người nghe. Bài học về cách nhìn từ Đức Phật luôn có ý nghĩa vượt thời gian:
Không ngó liếc, ngó xiên/ Và cũng không ngó trộm/ Nhưng với tâm chánh trực/
Rộng mở và cao thượng/ Ngài nhìn khắp đại chúng(47).
Với đại chúng đông đảo thì nhìn khắp, nhưng với giao tiếp đơn lẻ thì cần phải
nhìn thẳng vào họ, như câu chuyện nhìn thẳng vào mắt chàng thanh niên Bà-la-môn
Kapathika(48).
Với Đức Thế Tôn, trong khi thuyết giảng ở những
pháp hội đông người, do đồ chúng đã thuần thục, tịnh tín, thế nên Ngài không
vận dụng quá nhiều thân hành mà ở đây tạm hiểu là cử chỉ, điệu bộ trong khi
thuyết giảng. Trong những nỗ lực khảo sát kinh tạng hiện có, chúng tôi vẫn chưa
phát hiện Thế Tôn bộc lộ những điệu bộ hay cử chỉ khi thuyết giảng. Thoảng rất
ít, ngài chỉ giơ tay chỉ vào một ai đó hoặc dùng tay minh họa một điều gì trong
những bài thuyết giảng, nhằm vào một đối tượng cụ thể, trong một không gian cụ
thể(49). Theo quan kiến của
riêng chúng tôi, trong một chừng mực nào đó, phải chăng khi thuyết giảng đòi
hỏi phải có một sự trang nghiêm về thân hành? Hoặc cũng có thể, phải chăng do
nghiệp cảm của hội chúng thời Phật nhẹ nhàng nên Đức Thế Tôn không cần vận dụng
quá nhiều thân hành nhằm minh họa cho buổi thuyết giảng? Phải chăng, chính yếu
tố thân hành, cử chỉ, điệu bộ tạo nên sự khác biệt, giữa một buổi thuyết giảng
giáo pháp của Đức Phật và một buổi diễn thuyết về các vấn đề thời sự trong nhân
gian?
Trong khi đó, ngành khoa học giao tiếp thời nay vẫn
xem yếu tố cử chỉ, điệu bộ có một ảnh hưởng không nhỏ trong quá trình giao
tiếp. Vì thực tế chứng tỏ rằng, khi nói năng, điệu bộ và cử chỉ có tính bổ trợ
cho vấn đề trình bày. Thử tưởng tượng, khi nói mà tay, thân xuội lơ, tất sẽ tạo
nên một cảm giác thiếu phấn chấn cho cả người nói và người nghe. Các vị diễn
giả thời nay hầu hết đều vận dụng nhuần nhuyễn yếu tố này trong những buổi diễn
thuyết. Ngay như trong truyền thống sinh hoạt của các tu sĩ Phật giáo Tây Tạng,
ngôn ngữ cử chỉ và điệu bộ cũng được tích cực vận dụng trong những cuộc tranh
biện Phật pháp. Thậm chí, như Đức Đạt lai Lạt ma thứ 14 hiện tại, ngài cũng rất
tự tại và hoan hỷ khi sử dụng yếu tố cử chỉ và điệu bộ, thậm chí trong những
buổi thuyết giảng nơi đông người.
Từ hai lý do vừa trình bày, có thể cho thấy yếu tố
phi ngôn ngữ cũng cần được vận dụng trong quá trình giao tiếp. Vấn đề là vận
dụng yếu tố đó làm sao đừng để tạo nên một sự phản cảm trong giao thức văn hóa
cộng đồng. Ở đây, trong giao tiếp phi ngôn ngữ, điều cần nhất là phải tạo nên
một sự tương ứng với hoàn cảnh và hội chúng, nhằm đem đến một hiệu quả tối ưu
trong giao tiếp với một người hay nhiều người.
Tạm kết
Giao tiếp là nhu cầu căn bản của con người, nhằm
duy trì hoạt động sống ở nghĩa rộng nhất, thể hiện qua sự trao đổi thông tin giữa
người với người. Có giao tiếp, con người sẽ từng bước kiện toàn những phẩm chất
sống theo thú hướng nghiệp lực riêng mình. Giao tiếp không chỉ giới hạn trong
lời nói, ngôn ngữ, chữ viết, mà còn thể hiện dưới những dạng thức khác nhau như
ánh mắt, hình ảnh, âm thanh… Quá trình giao tiếp đạt đến trình độ nghệ thuật,
đó là sự chuyển đạt và bảo lưu trọn vẹn thông tin từ người nói cho đến người
nghe, là sự tổng hòa và phối hợp nhuần nhuyễn giữa các thủ pháp giao tiếp cùng
các tính chất đặc thù của ngôn ngữ. Với người xuất gia, giao tiếp ở nghĩa rộng
được hiểu là sứ mạng hoằng hóa độ sanh. Trong bất cứ ý nghĩa nào, người xuất
gia có hai việc cần phải tư lượng khi giao tiếp: Nói pháp
hay giữ im lặng của bậc Thánh(50). n
(1) Kinh Tương ưng, tập 1, phẩm thứ hai, kinh Bện tóc; Nội dung tương tự cũng xuất hiện trong kinh tiểu bộ, kinh Phật tự thuyết (Udana), chương 6, phẩm Sanh ra đã mù, Ud. 64.
(2) Kinh Trường bộ,
kinh Đại bát Niết bàn.
(3) Kinh Trung bộ, tập
3, kinh số 103, kinh Nghĩ như thế nào.
(4) Kinh Tương ưng,
tập 1, chương 6, Tương ưng Phạm thiên, phẩm thứ hai, Arunavàti.
(5) Kinh Tương ưng, tập
1, chương 6, Tương ưng Phạm thiên, phẩm thứ nhất, Tudubrahmà;
Nội dung tương tự cũng xuất hiện trong kinh
Tiểu bộ, kinh Tập, chương 3, Đại phẩm, kinh Kokaliya,
câu 657.
(6) Kinh Trường bộ, tập
1, kinh Sa môn quả.
(7) Kinh Trung Bộ, tập
1. Kinh Ví Dụ Cái Cưa; Tiểu kinh Dụ Dấu Chân Voi.
(8) Kinh Tăng chi,
chương Năm pháp, phẩm Bà La Môn, kinh Lời Nói.
(9) Kinh Tiểu bộ, tập 3,
Trưởng lão Ni kệ, phẩm 10, tập 10 kệ, Kisa Gotami, Theri 143.
(10) Kinh Trung bộ, tập
2, kinh Angulimala.
(11) Kinh Trung bộ, tập
2, kinh Giáo Giới La Hầu La Ở Rừng Ambala.
(12) Kinh Trường bộ, tập
1, kinh Tướng.
(13) Kinh Trường bộ, tập
2, kinh Thanh tịnh.
(14) Kinh Trường bộ, tập
1, kinh Đại
bát Niết bàn.
(15) Kinh Trường bộ, tập
2, kinh Đại điển tôn.
(16) Kinh Trung bộ, tập
2, kinh Giáo giới La Hầu La ở rừng Ambala.
(17) Kinh Tăng chi,
chương Ba pháp, phẩm Người, kinh Nói như hoa.
(18) Kinh Tương ưng, tập
2,Chương Sáu, Tương ưng lợi đắc cung kính, Phẩm thứ Hai, kinh Từ một đồng
tiền vàng cho đến người mỹ nhân địa phương.
(19) Kinh Tương ưng, tập
1 Chương 11, Tương ưng Sakka, phẩm thứ nhất, Không Gian Trá.
(20) Kinh Tăng chi,
chương Bốn pháp, phẩm Sợ hãi phạm tội, kinh Cách Thức Nói.
(21) Kinh Trung Bộ, tập
1, Tiểu kinh Dụ Dấu chân voi.
(22) Kinh Trường Bộ, tập
2, kinh Phúng tụng; kinh Tăng chi, chương Bốn pháp, phẩm
Thắng trí, kinh Nhiếp pháp.
(23) Kinh Trung bộ, tập
1, kinh Ví dụ cái cưa.
(24) Kinh Trường bộ, tập
1, kinh Ambattha.
(25) Kinh Tăng chi,
chương Năm pháp, phẩm Diệu pháp, kinh Tôn Giả Udayi.
(26) Kinh Trung bộ, tập
1, Tiểu kinh Saccaka.
(27) Kinh đã dẫn.
(28) Kinh Trung bộ, tập
1, kinh Ví dụ cái cưa.
(29) Kinh Trường bộ, tập
1, kinh Sa môn quả.
(30) Kinh Trung bộ, tập
2, kinh Brahmayu.
(31) Kinh Trường bộ, tập
2, kinh Xà ni sa.
(32) Kinh Tăng Chi,
chương Tám pháp, phẩm Đất rung động, kinh Vừa đủ.
(33) Kinh Trường bộ, tập
2, kinh Xà ni sa. Tám yếu tố bao gồm: lưu loát, dễ hiểu,
dịu ngọt, nghe rõ ràng, sung mãn, phân minh, thâm sâu và vang động.
(34) Kinh Trung bộ, tập
2, kinh Brahmayu. Tiếng nói thoát ra từ miệng Tôn giả Gotama có tám đức
tánh: lưu loát, dễ hiểu, dịu ngọt, nghe rõ ràng, sung mãn, phân minh, thâm sâu
và vang động.
(35) Kinh Tăng chi,
chương Tám pháp, phẩm Đất rung động, kinh Vừa Đủ.
(36) Kinh Trường bộ, tập
1, kinh Tướng.
(37) Kinh Trung bộ, tập
3, kinh Vô
tránh phân biệt.
(38) Kinh đã dẫn.
(39) Kinh Trường bộ, tập
1, kinh Sa Môn Quả.
(40) Kinh Tăng chi,
chương Bảy pháp, phẩm tài sản, kinh Tài sản rộng thuyết.
(41) Kinh Tăng chi,
chương Ba pháp, phẩm Người, kinh Lộn Ngược.
(42) Kinh Tăng chi,
chương Ba pháp, phẩm Kusinara, kinh Hathaka.
(43) Kinh Trung bộ, tập
1, Đại kinh Rừng sừng bò.
(44) Kinh Tăng chi,
chương Mười pháp, phẩm Ước nguyện, kinh Khả lạc.
(45) Kinh Trường bộ, tập
2, kinh Phúng tụng.
(46) Kinh Trung bộ, tập
2, kinh Brahmayu.
(47) Kinh Trường bộ, tập
1, kinh Tướng.
(48) Kinh Trung bộ, tập
2, kinh Canki.
(49) Kinh Trung bộ, tập
2, kinh Giáo Giới La Hầu La Ở Rừng Ambala.
(50) Kinh Tiểu bộ, kinh Phật tự thuyết,
Udana, chương 3, phẩm Nanda.
(Nguyệt San Giác Ngộ)