Dẫn Nhập
“Sự
vô thường, tuổi già và bệnh tật không bao giờ hứa hẹn với chúng ta. Bất
cứ khi nào chúng đến, chúng sẽ đến mà không một lời báo trước. Bởi vì
cuộc sống là vô thường, nên chúng ta không biếtchắc rằng chúng ta có còn
sống ở sát na kế tiếp hay không. Nếu một tai nạn xảy đến với chúng ta,
chúng ta sẽ biến mất khỏi thế giới này ngay tức khắc. Mạng sống của
chúng ta ví như hạt sương đọng lại trên đầu ngọn cỏ trong buổi sáng mùa
Xuân. Nó sẽ bị tan biến ngay khi ánh mặt trời ló dạng. Những ý niệm của
chúng ta thay đổi rất nhanh trong từng sát na. Thời gian rất là ngắn
ngủi. Nó chỉ kéo dài trong một sát na (kṣaṇa), giống như hơi thở. Nếu
chúng ta thở vào mà không thở ra, chúng ta sẽ chết”. Đấy là bài học đầu
tiên được lấy ra từ ‘Quy Sơn Cảnh Sách’ mà tôi đã học được từ Thầy của
mình cách đây trên 39 năm, vào cái ngày đầu tiên sau khi tôi trở thành
một chú tiểu.
Những thông
điệp mà tôi học được từ bài học này nhắc nhở tôi rằng, tôi phải thực tập
lời Phật dạy một cách nghiêm túc. Tôi không nên để thời gian trôi qua
một cách vô ích mà không làm điều gì có ý nghĩa. Suốt 39 năm qua, tôi
đã nhọc công đi tìm ý nghĩa của cuộc sống của chính tôi. Tôi luôn luôn
tự hỏi: “Phải chăng tôi có sự sống?”, “Mạng sống của tôi sẽ kéo dài được
bao lâu?”, “Phải chăng mạng sống của tôi chỉ kéo dài trong một sát na
ngắn ngủi, hay là nó kéo dài hàng trăm năm với sự tiếp nối của một dòng
chảy từ sát na này đến sát na khác?”.
Cuộc
đời là đau khổ. Chắc chắn vậy, không còn nghi ngờ gì về điều này. Sự
sống là đau khổ vì mọi thứ đều vô thường. Đây là sự thật đầu tiên trong
Tứ Diệu Đế. Phải chăng tất cả chúng sanh đều khổ đau kể từ ngày đầu
tiên của cuộc đời cho đến những hơi thở cuối cùng của họ? Chúng ta có
thể thoát khỏi sự khổ đau này ngay bây giờ được không, hay là phải đợi
đến kiếp khác, hoặc đợi đến ngày chúng ta trở thành bậc Giác ngộ như Đức
Phật? Trong quá trình tu tập theo đạo Phật, chúng ta có thể có được một
đời sống với đầy ý nghĩa đích thực, hay chỉ là sự vật lộn để tìm kiếm ý
nghĩa của cuộc sống? Phải chăng cuộc sống chỉ có ý nghĩa trong trạng
thái tâm thức hay chỉ có ở trong cơ thể vật lý mà thôi? Chúng ta có thể
tách biệt trạng thái tâm thức và cơ thể vật lý của mình để có được một
đời sống hạnh phúc hay không?
Trong
đạo Phật, tôi tin là những câu hỏi như thế không có gì mới. Trong quá
khứ, đặc biệt là trong buổi bình minh của đạo Phật, Đức Phật đã giải
thích khái niệm thời gian như thế nào, và các vị đệ tử của Ngài đã hiểu
thời gian ra sao? Sau khi Ngài giác ngộ, ý nghĩa cuộc sống của Đức Phật
là gì? Chúng ta có thể noi gương Đức Phật trong đời này hay không? Để
tìm ra ý nghĩa của cuộc sống, tôi cần phải quay lại tìm hiểu những học
thuyết về thời gian đã được giải thích trong kinh điển Phật giáo thời kỳ
đầu của Phật giáo Nguyên Thủy cho đến giai đoạn phát triển mạnh nhất
của Phật giáo Đại Thừa. Trong bài viết này, tôi cố gắng nghiên cứu về
quan điểm thời gian trong đạo Phật, để từ đó tìm ra ý nghĩa cho cuộc
sống.
“Thời Gian” Được Hiểu theo Phật Giáo Nguyên Thủy[1]
Ngay
sau khi giác ngộ, giáo lý đầu tiên mà Đức Phật Thích Ca thuyết giảng ấy
là giáo lý Tứ Diệu Đế. Khỏi cần phải nói, tất cả chúng ta đều biết
chân lý đầu tiền trong bốn chân lý này là “Cuộc sống là khổ đau”. Sở dĩ
như thế là vì tất cả mọi thứ đều vô thường (anitya). Mọi pháp (dharma)
đều do duyên mà sinh khởi, chúng được kết hợp bởi các yếu tố khác nhau.
Tất cả các pháp đều có bốn đặc tính, đó là: thành (jāti), trụ (sthiti),
hoại (jarā), vô thường (anitya)[2]. Theo ngài Thế Thân thì bốn đặc tính
này là những đặc tính cơ bản của vạn pháp. Bốn đặc tính này đã đưa đến
sự phát sinh tất cả các luận thuyết của Phật giáo Nguyên Thủy.
Khái
niệm thời gian được diễn tả trong trường phái Phật giáo Nguyên Thủy
bằng thuật ngữ ‘samaya’, bao hàm cả ý nghĩa về ‘điều kiện’ và ‘thời
gian’. Trong số nhiều luận giải, luận giải đề cập thường xuyên nhất đến
vấn đề thời gian là quyển chú giải về bộ Pháp Tụ (Dhammasaṅgani) của
ngài Buddhaghosa (Phật Đà Da Xá). Ở đấy, khái niệm ‘samaya’ được chia
làm 5 loại[3] như sau:
1.
Kāla (thời gian): miêu tả sự tiếp nối của một hoàn cảnh, như thể là thời
gian của sự lạnh lẽo hay là sự đau ốm… Từ này lại được phân ra làm 9
loại: a) Sát na tâm (citta-kara); b) Pháp (dhamma) của các sinh vật, ký
ức của pháp, còn có thể hiểu là pháp ở trong quá khứ, hiện tại và vị
lai; c) Quá trình thứ lớp (dhammapatti) của mọi sự vật hiện tượng, ví dụ
như thời gian khi những hạt giống nảy mầm; d) Sự xuất hiện của mọi thứ
(dhamma-lakkhaṇa), ví dụ như thời gian được sinh ra hay là thời gian của
tuổi già; e) Thời gian của sự nhận lãnh (dhammakicca); f) Hành động của
con người (sattakicca), ví dụ như thời gian tắm rửa hoặc ăn cơm; g)
Những hình thái của sự vận động (iriyāpatha), ví dụ như đi, đứng, nằm,
ngồi; h) Những diễn tiến của các hiện tượng tự nhiên (candimāsuriyādi,
parivattana), ví dụ như diễn tiến của buổi sáng, buổi chiều hay là buổi
tối và sự tiến triển của một ngày; i) Những sự phân chia thời gian
(kālasaṅdaya), ví dụ như nữa tháng, một tháng, một năm.
2.
Samūla (nhóm): Một nhóm trong ý nghĩa của sự tích tụ của pháp
(dhamma-puñja), chẳng hạn như cảm giác, được dùng để từ chối ý niệm của
một thực thể cá nhân. Học thuyết nhân quả trong Phật giáo cho rằng mọi
sự vật, hiện tượng đều tồn tại nhờ vào nhân, duyên, quả. Loại này được
hướng đến việc chống lại quan điểm sai lầm rằng, một thứ có thể sinh
khởi độc lập với những thứ khác, vì thế nó chứng minh cho sự phụ thuộc
lẫn nhau của tất cả các pháp.
3.
Hetu (nguyên nhân): Nói lên sự phụ thuộc lẫn nhau của mọi hiện hữu, ví
dụ như để nhìn được thì nhãn thức phải hội đủ điều kiện.
4.
Khaṇa (tính nhất thời): Đề cập đến sự kết nối tâm thức từ quá khứ đến
hiện tại và chỉ nói đến tâm thiện chứ không nói đến tâm bất thiện. Khi
tính nhất thời đang trôi chảy liên tục từ sát na này đến sát na khác
trong quá khứ, rất khó để nắm bắt sát na ấy. Chính tâm của con người
được xem là tồn tại mang tính nhất thời. Tính nhất thời rất khó nắm bắt,
cho nên, để cho cái tâm nhất thời ấy khởi lên và giữ được sự tĩnh tại
thì không phải dễ. Loại ‘khaṇa’ này nói đến đạo đức của Phật giáo, bởi
vì tính nhất thời được xem là chỉ liên hệ với tâm thiện. Nguyên tắc đạo
đức là dùng sát na trong việc thực hành những hạt giống thiện.
5.
Samavāya (sự kết hợp): Đề cập đến sự hòa hợp trong các duyên
(paccaya-sāmaggī) và có chủ đích là để chứng minh rằng tâm thức có sự
kết hợp lẫn nhau trong hiện tại. Nói cách khác, nó chỉ ra rằng thời gian
là phụ thuộc và liên hệ lẫn nhau (aññamaṇṇ‘upekkhā). Thời gian được chỉ
cho thấy không có thực thể và không có sự hiện hữu của Đấng Tạo Hóa.
Chúng
ta nên biết rằng mọi thứ đều vô thường vì chúng đều tồn tại trong thời
gian hạn cuộc. Sự tồn tại giới hạn này được đề cập đến trong Phật giáo
Nguyên Thủy như là một sát na (kṣaṇa). Hơn nữa, hầu hết các trường phái
của đạo Phật đã sớm giải thích sự thay đổi của mọi thứ như là sự tiếp
nối của những trạng thái nhất thời (kṣaṇika).. Nguồn gốc của khái niệm
này dĩ nhiên được tìm thấy chân lý mà nó đã được chấp nhận bởi một số
trường phái Phật giáo và cũng được tìm thấy bên ngoài đạo Phật, chân lý
này cho rằng hai điều kiện tâm lý không thể cùng tồn tại trong một ý
niệm, bởi vì phạm vi của ý thức là duy nhất[4]. Vì thế mà hầu hết những
trường phái Phật giáo ở thời kỳ đầu, chẳng hạn như phái Thuyết Nhất
Thiết Hữu Bộ (Sarvāstivādin), Hóa Địa Bộ (Mahīśāsaka), Kinh Lượng Bộ
(Kāśyapiva), Độc Tử Bộ (Vāsīputria), Tây Sơn Trụ Bộ (Pūrvaśaila) và Đông
Sơn Trụ Bộ (Apasaśaila) luôn cho rằng tất cả mọi thứ đều giả tạm. Khi
tất cả mọi thứ hợp lại đều là vô thường, Đông Sơn Trụ Bộ cho rằng, tất
cả mọi thứ đều chỉ kéo dài trong một sát na của ý niệm
(ekacitakkahaṇika), bởi vì chúng đều vô thường. Có gì khác nhau giữa một
thứ nhanh chóng bị phá hủy và một thứ khác tồn tại trong thời gian
dài?[5] Trước khi đưa ra bất kỳ ý niệm nào về câu hỏi này, tôi đưa ra
một định nghĩa về từ ‘sát na’ của một vài trường phái Phật giáo thời kỳ
đầu.
“Thời Gian” Được Diễn Tả trong Luận A-tỳ-đạt-ma Câu-xá (Abhidharmakośa)
Khoảng
thời gian của sát na là gì? Điều này đã đề cập đến trong đoạn trước
rằng, sát na là một chốc lát đơn lẽ của ý niệm (ekacitakkahaṇika),.
Nhưng ý niệm đơn lẽ này có thể được đo lường là bao lâu. Chúng ta có thể
dùng một khoảng thời gian rất nhỏ là ‘giây’ để đo lường sát na. Ông
Louis de la Vallée Poussin, khi nghiên cứu kỹ lưỡng về vấn đề này, ông
đã diễn tả rằng: “Trong Phật giáo, cũng giống như trong tất cả thế giới,
từ sát na được hiểu như là một khoảng thời gian rất ngắn, nếu chúng ta
so sánh với thời gian của ngày, đêm, hoặc giờ. Vì thế, để có được khoảng
thời gian chính xác của một sát na, chúng ta cần so sánh khoảng thời
gian của nó với khoảng thời gian của một giây. Theo Thuyết Nhất Thiết
Hữu Bộ thì 120 kṣaṇa (sát na) = 1 tatkṣaṇa, 60 tatkṣaṇa = 1 lava, 30
lava = 1 muhūrta. Vì thế, 1 kṣaṇa = 0,013333 giây.[6]
Hơn
nữa, sát na (kṣaṇa) được trình bày trong Śārdūlakarṇa có hơi khác: 16
mimeṣas = 1 kāṣthā, 16 kāṣthās = 1 kalā, 64 kalās = 1 muhūrta. Trong
Manu, 18 mimeṣa = 1 kāṣthā, 30 kāṣthās = 1 kala, 30 kalas = 1 muhūrta.
Những sự đo lường này có một vài khác biệt trong một số trường phái như
Puranas, Kautiliya và Bhasakara. Họ đưa ra: 100 truṭis = 1 tatpara, 30
tatparas = 1 nimeṣa, 18 nimeṣas = 1 kāṣthā. Theo Luận A-tỳ-đạt-ma
Câu-xá, có 65 sát na (kṣaṇa) trong khoảng thời gian một người lực sĩ
khỏe mạnh khảy ngón tay.[7]
Sự Đo Lường của Sát Na Theo Kinh Lượng Bộ
Ngài
Thế Thân đã đề cập đến trong Luận A-tỳ-đạt-ma Câu-xá rằng: Nếu các
duyên hội đủ (pratyaya), thời gian cần thiết để một pháp (dharma) sinh
khởi, hay nói đúng hơn, thời gian để cho một pháp (dharma) diễn tiến từ
một nguyên tử này (paramāṇu) đến một nguyên tử khác(paramāṇu)[8], ngài
Thế Thân đã đưa ra một định nghĩa khác về sát na, đó là: “Sát na, hay là
chốc lát, là khoảng thời gian mà những đặc tính đạt được sự hoạt dụng
của nó”.
Tuy nhiên, Thuyết
Nhất Thiết Hữu Bộ xây dựng học thuyết của họ dựa trên một sự khảo xét
khác, và sự khảo xét ấy được xem là gần với giáo lý của đạo Phật hơn. Họ
cho rằng, cùng một người không thể nào trong cùng một lúc mà vừa hoàn
thành một hành động (karma-nghiệp) vừa nhận kết quả mà hành động ấy đưa
đến (vipākaphala). Khi một hành động là một thứ thuộc về tương lai, và
khi đương sự nhận lấy kết quả từ một hành động gây ra trong quá khứ. Vì
thế, nếu những thứ thuộc quá khứ và tương lai không tồn tại, những hành
động trong quá khứ cũng không hiện hữu, không thể tạo ra quả. Có lẽ phải
thú nhận sự táo bạo của tư tưởng này, trong trường hợp này nó đã rất
khéo léo. Bởi vì đạo Phật không chấp nhận tất cả những thực thể cá nhân,
giống như “ātman” (ngã) ở trong Áo Nghĩa Thư (Upaniṣads) và “jīva”
(linh hồn bất tử) của đạo Ni Kiền Tử, có thể hoạt động như là sự hỗ trợ
cho cấu trúc của sự đáp trả về những hành vi đã tạo.[9]
Những
trường phái khác không chấp nhận học thuyết về tính giả tạm của mọi sự
vật, hiện tượng. Trong số đó, phái Thượng Tọa Bộ (Theravādin) chú ý đến
sự thật rằng đại địa, đại dương, vua của tất cả những ngọn núi, nước,
lửa, gió, cỏ, rừng núi, cây cối kéo dài lâu hơn một sát na đơn lẻ của ý
niệm.[10] Thật ra đây là một sự khảo xét khách quan của Thượng Tọa Bộ về
khoảng cách của thời gian. Họ chỉ xem xét đến khía cạnh bên ngoài của
sự vật mà không chú ý đến những thuộc tính bên trong sự vận hành của các
sự vật.
Đối với Kinh Lượng
Bộ (Sautrāntika) và Thí Dụ Bộ (Dārṣṭānika), học thuyết của họ mềm dẻo
hơn, họ đã tiếp cận những điều khó khăn này một cách khéo léo. Về phía
Thí Dụ Bộ thì khẳng định chắc chắn rằng, những nét đặc trưng của những
phức hợp không phải là những thực thể (dravya) vì chúng được bao gồm ở
trong những phức hợp bị tách rời ra của ý thức
(cittaviprayuktasaṃskāra), ví dụ như những khái niệm trừu tượng không có
thực chất bên trong.[11] Hơn nữa, theo họ thì sát na là sự trống rỗng
của ba thuộc tính: sinh thành, hủy hoại và chấm dứt, bởi vì nó sở hữu
chúng, nó phải được sinh ra, bị hủy hoại và chấm dứt tất cả cùng một
lúc, điều này rõ ràng là không thể được.[12]
Về
phía Kinh Lượng Bộ (Sautrāntika) thì nhận ra đặc tính về khoảng thời
gian (sthiti), nhưng cũng như Thượng Tọa Bộ, chỉ là sự cải biến về điều
đó mà thôi (sthityanythātva).[13] Trong những học thuyết của họ có một
lượng nhất định về thuyết tiến hóa, đối nghịch với tính cấp thời thuần
túy của phái Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ (Sarvāstivādin). Xu hướng này lại
được tìm thấy trong Thành Duy Thức Luận (Vijñaptimātratāsiddhi), theo đó
thì những đặc tính ấy có thể không chỉ là một sát na mà còn là một
duyên kéo dài nhất định.[14] Vì thế, dường như họ đã điều chỉnh quan
điểm này từ sự kết hợp giữa ý tưởng của Thuyết nhất thiết hữu bộ
(Sarvāstivādin), những người cho rằng những đặc tính là tương ứng với
sát na, và ý tưởng đối nghịch của Chánh Lượng Bộ (Sammatīya), cho rằng
những đặc tính ấy tương ứng với một duyên kéo dài.[15] Thật ra thì dường
như Thí Dụ Bộ (Dārṣṭānika), trường phái đã đem lại giá trị thật cho sát
na, ví dụ như sự thật của khoảng thời gian, cũng là những người thuộc
thuyết tiến hóa. Họ giữ quan điểm đối lập với Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ
(Sarvāstivādin), rằng những sự vật sinh khởi dần dần chứ không phải cùng
một lúc.[16]
Tuy nhiên,
những học thuyết của các trường phái ấy đều có chung một đặc điểm, đó là
khó hiểu, nhưng lại có vẻ mâu thuẫn với học thuyết trước đây, khi nó
cho rằng không có một sát na chính xác của sự sinh thành, cũng không có
sát na chính xác của sự chấm dứt; vì thế, trong trường hợp của những
phức hợp, chỉ có hai lần mà ở đấy chúng chưa được sinh ra, và ở đấy
chúng đã được sinh ra, hoặc là ở đấy chúng chưa chấm dứt, và ở đấy chúng
đã được chấm dứt.[17]
Chỉ
có hai trường phái mà sự phán đoán của họ về bản chất của sát na làm cho
chúng tôi yên tâm, đấy là Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ (Sarvāstivādin) và
Thí Dụ Bộ (Dārṣṭānika), vì họ giữ những quan điểm hoàn toàn đối lập
nhau. Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ (Sarvāstivādin) thì thiếu thận trọng khi
lấy chủ nghĩa sát na triệt để làm một trong những nền tảng cho học
thuyết của họ, điều này đã đưa đến việc giới thiệu quá nhiều yếu tố
trong sát na, sự nâng lên, sự dày lên, sự nặng lên của một nguyên tử của
thời gian với tất cả những tiềm năng của nó, tính hiệu quả của khoảng
thời gian. Như là một sự phản ứng đối với điều này, Thí Dụ Bộ
(Dārṣṭānika), đưa ra vế trước của một phương trình (sát na = 0), rồi bị
kẹt cứng vào nó, không chịu nhìn thấy thứ gì khác ở trong sát na, ngoại
trừ sự vô dụng của nó, và điều này đã kéo họ trở lại với quan điểm tiến
hóa, một quan điểm có tính chính thống hơn và phổ thông hơn.[18]
“Thời Gian” Được Diễn Tả Như Là: Quá Khứ, Hiện Tại và Tương Lai
Một
trong những triết gia Ấn Độ đã thể hiện khái niệm thời gian qua quá
khứ, hiện tại và tương lai là Buddhadeva. Mặc dù vậy, chúng ta không thể
tiếp cận với những công trình nghiên cứu của ông qua ngôn ngữ Sanskrit
hoặc tiếng Hoa, hay là những bản dịch tiếng Tây Tạng của Buddhadeva,
chúng ta vẫn phải nghiên cứu lời giải thích về khái niệm thời gian ở
trong Vibhasa.[19] Đoạn văn sau được trích từ Luận Tỳ Bà Sa (Vibhāṣā) sẽ
cho chúng ta thấy quan điểm thời gian của Buddhadeva: “Một pháp
(dharma) lưu chuyển trong ba thời gian, đó là quá khứ, hiện tại và tương
lai, và nó phụ thuộc lẫn nhau từ những sát na trước đến sát na sau.
Giống như cùng một người phụ nữ mà khi thì được gọi là “mẹ”, khi thì gọi
là “con gái”. Do vậy, với sự liên hệ đến trước và sau, khi có thứ gì đó
là trước so với một pháp (dharma) nhưng không có gì phía sau nó thì đấy
là pháp (dharma) thuộc về tương lai, khi có cả trước và sau, thì đấy là
pháp thuộc hiện tại, và khi có một thứ gì đó đằng sau nhưng không có ở
trước thì pháp đó thuộc về quá khứ”.
Những
quan điểm về thời gian của Buddhadeva ở đây được trình bày hơi khác so
với trong A-tỳ-đạt-ma Đăng Luận (Abhidharmadīpa) và trong Luận
A-tỳ-đạt-ma Câu-xá (Abhidahrmakośa). Trong A-tỳ-đạt-ma Đăng Luận thì cho
rằng, một pháp lưu chuyển trong ba thời gian, gọi là một pháp hoặc một
pháp khác phụ thuộc vào trước hoặc sau. Pháp này không tùy thuộc vào sự
thay đổi của duyên hoặc của bản chất cốt yếu. Cũng giống như một người
phụ nữ được gọi là mẹ hay con gái là tùy thuộc vào trước và sau.[20]
Trong lời luận bàn của Yośamitra về Luận A-tỳ-đạt-ma Câu-xá
(Abhidahrmakośa) thì ghi rằng, thời gian được gọi tên bởi sự phụ thuộc
lẫn nhau vào trước và sau. Điều này có nghĩa là thời gian được gọi là
hiện tại, tương lai và quá khứ như là kết quả của sự phụ thuộc vào trước
và sau. Nó được gọi là tương lai trong sự phụ thuộc vào sự thật rằng
hiện tại và quá khứ ở trước nó. Nó được gọi là hiện tại vì phụ thuộc vào
sự thật rằng quá khứ ở phía trước và tương lai ở phía sau. Và nó được
gọi là quá khứ vì phụ thuộc vào sự thật rằng hiện tại hay tương lai đều
đến sau.[21]
Cuối cùng,
theo Buddhadeva, quá khứ, tương lai và hiện tại là dựa vào các mối liên
hệ (anyonya) với cả hai phía, cùng một thứ là quá khứ trong mối liên hệ
với những gì đi theo sau nó, và tương lai trong mối liên hệ với những gì
đã diễn ra trước nó. Như chúng ta có thể thấy, bản thân quá khứ, hiện
tại và tương lai không được Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ (Sarvāstivādin) xem
như là những vật, mà là những phương thức của sự tồn tại, là những
trạng thái, những thuộc tính, vị thế, những mối liên hệ tương hỗ.[22]
Xuyên
suốt lịch sử triết học Ấn Độ, Buddhadeva được những người theo thuyết
Nhất Thiết Hữu Bộ trích dẫn chỉ để bác bỏ học thuyết thô thiển của
Vasumitra.[23]
“Thời Gian” Được Diễn Tả trong Trung Luận của Ngài Long Thọ
Trong
Trung Luận (Mādhyamika) ngài Long Thọ (Nāgārjuna) không dùng các thuật
ngữ quá khứ, hiện tại, tương lai để khảo xét về 3 thời gian. Thay vì
vậy, Ngài dùng 3 mối liên hệ thời gian, đó là ‘sớm hơn’, ‘muộn hơn’ và
‘cùng lúc với’. Quả thực Ngài cố gắng diễn tả rằng, sản phẩm của những
thứ cụ thể là không thể có, bởi vì nó không thể xuất hiện trong bất cứ
phút chốc nào cả và tại vì mối liên hệ thời gian giữa những sự kiện
không thể nào thiết lập được. Trong chương 11 của Trung Luận
(Mādhyamika), ngài Long Thọ (Nāgārjuna) phát biểu: “Tất cả các pháp đều
là không. Tại sao? Tại vì chúng không sớm hơn, không muộn hơn, cũng
không phải cùng lúc như một hiệu ứng. Khi nó được gọi là ‘sớm hơn’,
‘muộn hơn’ và ‘cùng lúc với’, những sự kiện như thế là không thể có. Làm
sao các sự kiện có thể được tạo ra bởi các nguyên nhân? Cho rằng một
nguyên nhân có trước một kết quả là không đúng. Tại sao? Nếu một nguyên
nhân tồn tại sớm hơn và từ đó mà một kết quả được tạo ra muộn hơn, ở đó
ngay từ đầu đã không có kết quả thì cái gì là nguyên nhân của nó? Nếu
một kết quả có trước một nguyên nhân, thế thì kết quả vốn đã được thiết
lập ngay khi không có nguyên nhân, vậy thì tại sao nó cần đến một nguyên
nhân? Nếu một nguyên nhân và một kết quả tồn tại cùng lúc, ở đó sẽ
không có sản phẩm thuộc về nhân quả. Ví dụ, những cái sừng của con bò
được mọc ra cùng lúc; sừng bên trái và sừng bên phải không phải là
nguyên nhân của nhau. Cho nên cái gọi là nguyên nhân không thể là kết
quả của nguyên nhân, bởi vì chúng được tạo ra cùng một lúc. Vì thế, ba
mối quan hệ thời gian giữa nguyên nhân và kết quả là không có thể đạt
được”.[24]
Rõ ràng là sản
phẩm thuộc về nhân quả phải được thể hiện trong những mối liên hệ thời
gian nhất định: một nguyên nhân sẽ là sớm hơn, muộn hơn, hoặc là cùng
lúc với một kết quả. Nhưng ngài Long Thọ muốn chỉ ra rằng, tính trước,
sau và cùng lúc của những khoảnh khắc thời gian đều là không, cho nên
chức năng của sản phẩm nhân quả không thể được thiết lập. Bởi vì nhân
quả là không, tất cả mọi pháp đều không. Bởi vì tất cả mọi thứ đều là
những nguyên nhân và kết quả. Ngài Long Thọ nhắm đến việc chứng minh
rằng tất cả mọi pháp đều không. Bởi vì tất cả đều bị thiếu những bản
chất của chính nó, chúng phụ thuộc lẫn nhau. Đây chính là học thuyết
Duyên Khởi (pratītyasamutpāda) được trình bày trong Trung Luận
(Mādhyamika) của ngài Long Thọ.
“Thời Gian” Được Diễn Tả trong Kinh Vua Milinda Vấn Đạo
Vua
Milinda Vấn Đạo (Milindapañha) cho chúng ta thấy có sự tiến bộ rõ rệt
về mối quan tâm đến vấn đề thời gian. Vua Milinda hỏi Tỳ-kheo Na Tiên
khá chi tiết về vấn đề này, và được trả lời rằng, có thời gian thuộc về
quá khứ, hiện tại và tương lai. Khi nghiên cứu về khái niệm thời gian
trong Vua Milinda Vấn Đạo, ông A.B. Keith phát biểu: “Điều này được giải
thích trong ý nghĩa có những sự sắp đặt[25](saṃkhāra), là quá khứ trong
ý nghĩa đang bị chấm dứt sự tồn tại hoặc là đang bị tan rã, hoặc là
hoàn toàn đã thay đổi; đối với chúng thời gian là không. Nhưng cũng có
những duyên mà bây giờ đang tạo ra kết quả; hoặc ngược lại, những duyên
ấy sẽ dẫn đến sự tái lập cá thể, đối với những duyên ấy thì thời gian là
có. Đối với những người chết đi rồi sau đó tái sanh thì có thời gian,
còn đối với những người chết đi mà không còn tái sanh nữa thì không có
thời gian; và với những người hoàn toàn được giải thoát nhờ đạt đến Niết
bàn (Nirvaṇa) và chỉ có thân thể của họ bị chết đi thì ở đó thời gian
tuyệt nhiên không có”.
Hơn
nữa, rõ ràng là không có khả năng tìm ra điểm khởi đầu của thời gian,
hoặc là điểm tột cùng trong quá khứ; điều này được làm rõ thông qua phép
loại suy về hạt giống, trái cây, hạt giống; quả trứng, con gà mái, quả
trứng; và cái vòng của mắt, màu sắc, sự nhìn, sự tiếp xúc, cảm giác, sự
mong muốn, hành động và những kết quả của hành động, và một con mắt
trong sự sinh ra ở tương lai. Cuối cùng, Tỳ kheo Na Tiên nhấn mạnh khi
phản đối ý kiến của vua cho rằng, có thể có sự gián đoạn giữa hiện tại
và quá khứ, và tương lai thì tiếp diễn không ngừng. Điều đó không thể có
được, quá khứ đã chuyển tiếp đến hiện tại và hiện tại chuyển tiếp đến
tương lai.[26]
A.B. Keith
tin rằng, những ý tưởng trong Vua Milinda Vấn Đạo xuất hiện dưới một
hình thức khác ở trong Luận A-tỳ-đạt-ma Câu-xá (Abhidharmakośa). Những
người theo Nhất Thiết Hữu Bộ vẫn vững tin với việc duy trì sự tồn tại
của mọi thứ trong quá khứ, hiện tại và tương lai, trong khi những người
theo Phân Biệt Thuyết Bộ (Vibhajyavādins) thì phân biệt phương thức bình
thường của chúng giữa: (1) những yếu tố hiện tại và những gì trong quá
khứ chưa tạo ra quả, những thứ đó là hiện hữu; và (2) những yếu tố tương
lai và những thứ trong quá khứ đã tạo ra quả, những thứ đó là không
hiện hữu.[27]
“Thời Gian” Được Diễn Tả trong Kinh Điển Đại Thừa
Thời
gian được diễn tả trong kinh điển Đại thừa (Mahāyana) có thể xem xét từ
quan điểm về ba thời: quá khứ, hiện tại và tương lai đối với những kiếp
của thời gian trong một hệ thế giới. Quan điểm này được xem là đặc biệt
trong Tam Tạng Kinh Điển bằng chữ Hán. Lewis R. Lancaster cho rằng,
trong những kinh điển Đại Thừa ở thời kỳ đầu, khi bàn về thời gian
(adhvan) người ta không đề cập đến khái niệm này ở dạng số ít mà chỉ ở
dạng số nhiều (3 thời: quá khứ, hiện tại và tương lai): “Vấn đề ba thời
đã khiến nhiều học giả Phật giáo bế tắc một thời gian dài trước khi có
sự thăng tiến trong kinh điển Đại Thừa và những trường phái Đại Thừa,
như những người theo thuyết Thí Dụ Bộ (Dārṣṭānika) đã phát biểu: “Ba
thời hiện hữu và thường còn trong khi những thực thể do duyên sinh và
biến chuyển qua 3 thời thì vô thường. Họ đã diễn tả quan điểm của họ
bằng cách đưa ra phép loại suy về ba căn nhà liền kề nhau. Từ căn nhà
thứ nhất một người xuất hiện và đi qua căn nhà thứ hai, có nghĩa là
người đó đã từ bỏ tương lai và đi vào hiện tại, rồi người đó đi từ căn
nhà thứ hai sang căn nhà thứ ba, có nghĩa là anh ta đã đi từ hiện tại
đến quá khứ. Người ấy là vô thường và là nhân tố chuyển đổi trong khi ba
căn nhà thời gian thì cố định và luôn sẵn sàng đón nhận dòng chảy liên
tục của những thứ vô thường.[28]
Rõ
ràng thời gian được trình bày trong kinh điển Đại Thừa khó hiểu hơn
trong Phật giáo Nguyên Thủy. Kinh điển Đại Thừa chỉ đơn thuần phát biểu
về những gì đã được hiểu và được Đức Phật thừa nhận[29], mà không trình
bày như một vấn đề để được xác chứng hay là bác bỏ những khái niệm về
thời gian trong Phật giáo Nguyên Thủy, chỉ là lời phát biểu về thời gian
là gì. Đức Phật, một đấng Giác Ngộ, Ngài biết tất cả mọi vấn đề, với
năng lực siêu nhiên đã được phát triển thông qua thiền định (samādhi),
đối với vấn đề này Ngài có thể nhìn xuyên suốt và hiểu rõ bản chất cũng
như cốt tủy của ba thời.[30]
Khi
khái niệm ba thời được nhìn theo cách đặc biệt này, chúng được xem như
là bình đẳng, không phân biệt, không chia cắt. Những thời gian ấy không
đối chọi với nhau, bởi vì ở đó không có thứ gì trong hiện tại là khác
hay tách biệt với tương lai. Đây là trường hợp mà trong các kinh thường
diễn tả, đối với những người thiếu sự hiểu biết, ba sự phân chia về thời
gian, ba dấu hiệu đặc trưng của thời gian đều bị giới hạn trong trần
thế này; nhưng ở một mức độ cao hơn, mức độ siêu việt, những dấu hiệu ấy
tỏ ra là một sự ảo tưởng. Vì thế, Đức Phật dạy rằng, ba thời chỉ sở hữu
một dấu hiệu, dấu hiệu của sự thiếu các đặc tính để phân biệt.[31]
Trong
Đại Trí Độ Luận, luận về Bát-nhã Ba-la-mật-đa (prajñāpāramitā) do Ngài
Cưu Ma La Thập biên soạn, phát biểu rằng, những ai không có Chánh Biến
Tri sẽ gặp chướng ngại khi họ cố gắng có được sự nhận thức về ba
thời.[32] Nó vượt ra ngoài khả năng của người bình thường. Hơn nữa,
trong Kinh Hoa Nghiêm (Avataṃsaka-sūtra) chỉ ra rằng, vũ trụ của chúng
ta là một trong số hàng ngàn vũ trụ của các hệ thế giới. Tất cả những
thế giới này không có chung một cấp độ, cho nên thế giới mà chúng ta
đang sống được bao trùm bên trong một cảnh giới khác, nếu nó mở rộng ra
thì vượt ra ngoài những gì chúng ta có thể hiểu được. Kinh Hoa Nghiêm
diễn tả: “Nếu chúng ta thêm vào tất cả những ngày và đêm của những hệ
thế giới cho đến tổng số là một kiếp (kalpa), vô số năm này bằng một
ngày một đêm ở thế giới Cực Lạc của Phật A Di Đà. Và nếu người nào sống ở
cảnh giới của Phật A Di Đà (Amitābha) một kiếp thì bằng một ngày một
đêm ở cõi Kim Cang Tát Đỏa (Vajrasaṃhata), và một kiếp (kalpa) ở cõi Kim
Cang Tát Đỏa thì bằng một ngày một đêm ở cõi Pháp Tướng (Dharmaketu),
và cứ như vậy cho đến hàng trăm, hàng triệu cảnh giới chư Phật”.[33]
Và
thế là các kinh lại một nữa đưa chúng ta trở về với sự trống rỗng của
thời gian, cũng như là sự khó hiểu của nó, sự vắng mặt những dấu hiệu
nhận dạng. Kinh Hoa Nghiêm còn chỉ ra rằng, khi Đức Phật nhập vào chánh
định (samādhi) thì Ngài thấy tất cả ba thời đều bằng nhau và như
nhau.[34]
Ở đây, thời gian
được hiểu như là toàn bộ sự kéo dài của thực tại. Nó không phải là một
khoảng thời gian ngắn như là sát na (kṣaṇa) đã được diễn tả trong Phật
giáo Nguyên Thủy (Theravāda) và trong Luận A-tỳ-đạt-ma Câu-xá. Vì thế,
khái niệm thời gian ở trong kinh điển Đại Thừa có thể được định hình chỉ
khi sự thay đổi trong thực tế hay là sự tiếp nối của những sự kiện được
diễn ra trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Nếu vắng mặt sự thay đổi
trong ý nghĩa về tính tạm thời thì ở đó sẽ không có khái niệm thời gian.
Thời gian trong ý nghĩa này là một khái niệm phát sinh. Ở cấp độ thực
tại tuyệt đối (tathatā), không có sự thay đổi nào được thừa nhận, dù là
trong Đại Trí Độ Luận, luận về Bát-nhã ba-la-mật-đa của ngài Cưu Ma La
Thập (Kumārajīva) hay là trong Cứu Cánh Nhất Thừa Luận (Uttaratantra)
của Ngài Di Lặc (Maitreya). Do vậy, nếu thời gian thiếu những dấu hiệu
nhận dạng, làm sao chúng ta có thể nói có thời gian? Khi Lancaster nói
rằng: “Nó là thực tại toàn thể, là vũ trụ đích thực”, ông ấy xem thời
gian như là toàn bộ sự kéo dài của thực tại.[35]
Sát Na Liên Quan Đến Ý Nghĩa của Cuộc Sống
Thông
qua những nghiên cứu về một vài nguồn tư liệu chính yếu bàn về quan
điểm thời gian trong Phật giáo, chúng ta có thể có được sự hiểu biết căn
bản về khái niệm sát na (kṣaṇa). Trong Phật giáo Nguyên Thủy, sát na
được diễn tả như là ‘duyên’, và ‘thời gian’ hay là ‘tính nhất thời
(khaṇa)’. Như thế, khái niệm về thời gian trong Phật giáo Nguyên Thủy
chỉ ra rằng, mạng sống rất là ngắn ngủi. Vì vậy, hành giả phải luôn ý
thức về mỗi sát na để thực hành những hạnh lành (dhamma). Hành giả cần
phải dành nhiều thời gian cho việc thực tập giáo pháp để có được lợi ích
cho tự thân và tha nhân. Hơn nữa, mặc dù sát na (kṣaṇa) chỉ kéo dài
trong phút chốc (ekacitakkhaṇitka), nhưng những thiện nghiệp mà chúng
ta đã tạo sẽ đem đến những quả lành trong tương lai gần, nếu chúng ta
thực hành giáo pháp (dhamma) liên tục từ sát na này đến sát na khác.
Theo
như trong luận A-tỳ-đạt-ma Câu-xá (Abhidharmakośa) thì một sát na là
bằng 0,01333 giây, còn trong luận A-tỳ-đàm (Abhidhārmika) thì khoảng
thời gian mà một lực sĩ khảy ngón tay là bằng 65 sát na (kṣaṇa). Đây là
khoảng thời gian tối thiểu cần thiết đối với những đặc điểm của sát na
để có thể đạt đến những hoạt dụng của nó. Nếu không có khoảng thời gian
tối thiểu cần thiết này thì các pháp (dharmas) không bao giờ được hình
thành. Từ những quan điểm của Buddhadeva, thời gian được diễn tả thông
qua quá khứ, hiện tại và tương lai đối với một pháp, tạo thành một vòng
tròn. Đến ngài Long Thọ (Nāgājuna) thì thời gian được xem như là một
pháp (dharma). Bởi vì tất cả các pháp, chúng phụ thuộc lẫn nhau, đều
không có tự tánh, chúng là không, cho nên thời gian cũng là không. Chính
vì lẽ này, chúng ta không thể tìm thấy điểm khởi đầu hay là điểm kết
thúc của nó. Hơn nữa, trong kinh điển Đại thừa thì chúng ta không thể
nào nhận ra được thời gian vì nó vượt lên trên khả năng nhận biết thuộc ý
thức của chúng ta. Do nó thiếu những đặc tính để phân biệt nên chúng ta
không thể nào thông suốt và thấu hiểu về ba thời, chỉ có Đức Phật, đấng
Chánh Biến Tri, Người có được năng lực siêu phàm thông qua thiền định
(samādhi) mới thấu hiểu được.
Cuối
cùng, từ chính những kinh nghiệm cá nhân của chúng tôi và sự hiểu biết
thông qua việc tìm hiểu về quan điểm thời gian trong kinh điển Phật
giáo, chúng tôi hiểu ra rằng, sát na (kṣaṇa) là một khoảng thời gian rất
ngắn, thậm chí là nó ngắn hơn cả khoảng thời gian mà một ý niệm sinh
khởi. Tuy nhiên, nó là khoảng thời gian cần thiết để cho các pháp vận
hành. Rõ ràng là dù cho mạng sống của chúng ta thọ hay yểu thì đều được
cấu thành bởi những sát na đơn lẻ. Bởi vì chỉ có sát na hiện tại là có
thực, cho nên chúng ta không nên lo lắng về quá khứ hay tương lai, hãy
sống trọn vẹn với giây phút hiện tại với tâm chánh niệm. Làm được như
thế thì trong tương lai, nhiều điều tuyệt vời, đầy hứa hẹn sẽ đến với
chúng ta.
Tài Liệu Tham Khảo
- Leo M. Pruden, trans., Abhidharmakośabhāṣyam, Asian Humanities Press, Berkeley, California, 1988
-
Sasaki, Genjun H., ‘The Time Concept in Abhidharma’ Proceedings of the
26th International Congress of Orientalists, New Delhi, 1964.
- Bareau, André, ‘The Notion of Time in Early Buddhism’, East and West 7, 1957.
-
Louis de la Vallée Poussin, ‘Documents d’Abhidharma: la controverse du
temps’ Mélanges chinois bouddhiques 5, 1937.
- Mahavibhaṣā, T.1545
- Paul Villiams, ‘Buddhadeva and Temporality’, Journal of Indian Philosophy 4, 1977.
- P.S. Jaini, ed., Abhidharmadīpa with Vibhāshāprabhāvṛitti, Kashi Jayaswal Research Institute, Patna, 1959
- U. Wogihara, ed., Sphuṭārthā Abhidharmakośavyākhyā by Yaśomitra, Part 2.
-
Hsueh-li Cheng, trans., Nāgārjuna’s Twelve Gate Treaties, D. Reidel
Publishing Company, Dordrecht: Holland / Boston: U.S.A. / London:
England, 1982.
- A.
B. Keith, ‘The Doctrine of Reality (The Nature of Time)’, Buddhist
Philosophy in India and Ceylon, Oxford University Press, 1923.
- Lewis R. Lancaster, ‘Discussion of Time in Mahāyāna Texts’ Philosophy East and West 24, 1974.
- H. D. Prasad, Essays on Time in Buddhism, First Edition, Mehra Offset Press, Darya Ganji, Delhi, 1991.
- Taisho Buddhist Tripitaka (T), 100 volumes
___________________________________________
[1]
Bằng cách sử dụng thuật ngữ “Phật giáo Nguyên Thủy”, tôi cố gắng tránh
dùng thuật ngữ “Phật giáo Tiểu Thừa- Hināyāna”. Bởi vì danh từ “Phật
giáo Tiểu Thừa - Hināyāna ” hiện nay nó khá nhạy cảm khi chúng ta sử
dụng nó, chúng ta có thể làm khó chịu cho những người đang thực tập
theo truyền thống này.
[2] Leo M. Pruden, Trans. Abhidharmakósabh̄̄̄̄āṣyam, p. 238
[3]
Sasaki, Genjun H., ‘The Time Concept in Abhidharma’ Proceeding of the
26th International Congress of Orientalists, pp.471-472.
[4] Bareau, André, ‘The Notion of Time in Early Buddhism’ East and West 7, p.353
[5] Ibid., p.353
[6] Louis de la Vallée Poussin, ‘Documents d’Abbhidharma: la controverse du temps’ Melanges chinois bouddhiques 5, p.140
[7] Leo M. Pruden, trans., Abhidharmakośabhāṣyam, p. 474
[8] Ibid., p.474
[9] Andre Bareau, ‘The Notion of time in Early Buddhism’, East and West 7, p.358
[10] Mahavibhāṣa, T.1545, pp.198a-977b
[11] Mahavibhāṣa, T.1545, pp.198a-977b
[12] Ibid., p.200a
[13] La Vallée-Poussin, Abhidharmakośa, II, pp.223-224
[14] La Vallée-Poussin, Vijñaptimātratāsiddhi p.67
[15] Ibid., p.67
[16] Mahavibhaṣā, T.1545, pp.270a-463a
[17] Ibid; p.141b and 919b
[18] Andre Bareau, ‘The Notion of Time in Early Buddhism’, East and West 7, p.354
[19] Paul Williams, ‘Buddhadeva and Temporality’, Journal of Indian Philosophy 4, 1977, p.279
[20]
P.S. Jaini, ed., Abihdarmadīpa with Vibhāshāprabhāṛitti, p.260
(dharmo’dhavasu pravartamānasyā (-mānaḥ) pūrvāparamavekṣyānyathā coyate /
naivāsya bhāvānyanthātvaṃ bhavati drāyānyathātvaṃ vā / yathaikā strī
pūrvāparamapekṣya mātā coyate duhitā ca)
[21]
U. Wogihara, ed., Sphuṭārthā Abhidharmakośavyākhyā by Yaśomitra, Part
2, p.470. (pūrvāparam apekṣānyonya ucyata iti / pūrvām aparaṃ
cāpekṣyātītā’nagatavartamānā ucyaṃta ity arthaḥ / pūrvam evātītaṃ
vartamānaṃ vā’pekṣyānāgata iti / pūrvaṃ vā’tītam aparaṃ vā’nāgatam
apekṣya vartamāna iti / aparam eva vartamānam anāgataṃ vā’pekṣyātīta iti
/
[22] Andre Bareau, ‘The Notion of Time in Early Buddhism’ East and West 7, p.356
[23] Paul M. Williams, ‘Buddhadeva and Temporality’, Journal of Indian Philosophy 4, 1977, p.291
[24] Hsueh-li Cheng, trans., Nāgārjuna’s Twelve Gate Treaties, p.101
[25] A. B. Keith, ‘The Doctrine of Reality (The Nature of Time)’, Buddhist Philosophy in India and Ceylon, pp.163-164
[26] Ibid; p.164
[27] Ibid; p.165
[28] Lewis R. Lancaster, ‘Discussion of time in Mahāyāna Texts’ Philosophy East and West 24, p.209
[29] T.228, p.630c; T.234, p747c; T.1509, p.225a; and T.310, p.291b
[30] T.234, p.747c; T.225, p.507c; T.279, p.648b; and T.657, p.166b.
[31] Lewis R. Lancaster, Ibid., p.209
[32] T.1509, p.255a
[33] T.279, p.241a
[34] T.1059, p.306c; T.225, p.507a and T.279, p.684b.
[35] H.D. Prasad, Essays on time in Buddhism, pp.xviii-xix
Thích Hạnh Tuấn