Sân
là một trong tam độc - hai độc khác là tham và si. Tam độc là nguyên
nhân đầu tiên đưa chúng sinh vào luân hồi sinh tử. Thanh tịnh hóa, không
sân hận là điều rất cần thiết khi tu tập theo PG. Ngoài ra, trong PG
không có cái gọi là cơn sân “đúng lý”, hay “chính đáng”. Tất cả mọi sân
hận đều là phiền trược, khiến khó có thế đi đến giác ngộ.
>> "Bắt bệnh" giận
Sân giận - Ảnh minh họa
Tuy nhiên, những đại sư đã đắc đạo cũng vẫn nhận mình đôi khi cũng
“tức giận”. Chỉ bởi đối với tất cả người phàm chúng ta , nếu “không tức
giận” đồng nghĩa với “điều không tưởng”.
Chúng ta sẽ nổi giận. Vậy thì chúng ta phải làm gì?
Trước hết, phải thừa nhận mình đang giận
Điều này nghe có vẻ hơi ngốc. Nhưng đã bao nhiều lần bạn gặp ai
đó đang giận dữ, mà anh ta có chịu nhận điều đó đâu? Vì lý do nào đó,
người ta không thừa nhận mình đang giận. Không được đâu! Bạn không thể
xử lý một việc khi bạn không thừa nhận là có nó.
PG dạy chúng ta phải chánh niệm. Và chánh niệm với chính mình là một
phần trong đó. Khi một cảm xúc hay một ý nghĩ không vui xuất hiện, bạn
đừng nén nó lại, hay chạy trốn nó, hay chối từ nó. Thay vì vậy, bạn hãy
quan sát nó và hoàn toàn biết nó. Bạn hãy thật chân thành với mình và về
mình, điều này rất cần thiết trong đạo Phật.
Điều gì làm bạn giận?
Quan trọng nhất là bạn nên hiểu rằng chính bạn tạo ra sự tức giận đó.
Chúng ta thường có khuynh hướng nghĩ rằng cơn giận này là do một điều
gì đó bên ngoài chúng ta gây ra, như một người nào đó, hay những chuyện
làm ta nổi điên. Nhưng thầy giáo dạy Thiền đầu tiên của tôi thường nói:
“Không ai làm bạn giận cả. Chỉ bạn làm bạn giận mà thôi.”
PG dạy chúng ta: Sự tức giận khởi lên từ cái tâm. Tuy vậy, khi bạn
đang cố gắng đối trị cơn tức giận, bạn phải suy nghĩ một cách cụ thể
hơn. Sự tức giận luôn thách thức chúng ta nhìn sâu vào bên trong. Thường
thì tức giận mang tính tự vệ. Nó xuất hiện khi ta sợ hãi một cái gì mà
ta không thể giải quyết được, hoặc khi cái tôi của ta lớn quá.
Là Phật tử, chúng ta nhận ra cái tôi đó, sự sợ hãi đó, và cơn giận đó
là không ‘có thực’ và vô thường. Chúng chỉ là ‘ma’, theo một nghĩa nào
đó. Nếu để cho sự sân hận điều khiển hành động của ta, nó đồng nghĩa với
chúng ta để ma xui khiến.
Sân hận là tự chiều mình
Sự tức giận gây cảm giác rất khó chịu nhưng lại có sức quyến rũ
lớn. Pema Chodron là một nhà nghiên cứu PG nổi tiếng người Mỹ nói rằng:
“Người ta luôn thích thú khi đi tìm lỗi người khác”. Đặc biệt là khi
cái tôi của ta bị chạm (hầu như trong mọi trường hợp), và ta muốn bảo vệ
cơn giận đó. Ta sẽ viện đủ lý do để nuôi dưỡng nó.
Tuy nhiên, PG dạy rằng: Ta không thể bào chữa cho sự tức giận hay sân
hận. Chúng ta tu tập nghĩa là trau dồi lòng từ bi đối với mọi chúng
sinh, và lòng từ bi này không có luyến ái, chấp chặt. “Mọi chúng sinh”
gồm có cả người mới hồi nãy chen lấn ta ở cửa, hay đồng nghiệp lợi dụng
ta để lập công với sếp, hay thậm chí là một người nào đó ta rất thân
thiết và tin cậy, đã phản bội ta.
Vì lý do này, chúng ta phải hết sức thận trọng, đừng làm bất cứ hành
động gì khi đang giận nhằm làm tổn thương người khác. Chúng ta cũng đừng
để cho ý nghĩ mình cứ theo đuổi cơn giận. Hãy cho nó một nơi thích hợp
để nó sống và lớn lên.
Học cách chăm sóc cơn giận theo Bụt dạy sẽ giúp mình hóa giải được phiền não, khổ đau
Làm thế nào để dứt cơn giận?
Bạn đã biết bạn đang giận, và bạn cũng biết thực ra điều gì khiến bạn giận. Nhưng nếu bạn vẫn còn giận, thì phải làm gì nữa đây?
Pema nói: Phải nhẫn nại! Nhẫn nại nghĩa là chờ đợi để làm hay để nói
điều gì đó, cho đến khi bạn có thể làm mà không gây hại cho người khác.
“Tính nhẫn nại luôn đi kèm với sự trung thực. Và nó cũng để cho người
khác nói, trình bày quan điểm, trong khi bạn không phản ứng gì - nhưng
thực ra bạn đang phản ứng rất nhiều”.
Nếu bạn biết thiền định, đây chính là lúc để nó hoạt động. Ngồi yên
với cơn nóng giận đang tràn ngập. Lặng im, vắng bặt, không để cho những
lời buộc tội người khác hay tự buộc tội mình rầm rì bên tai bạn. Hãy
nhận biết mình đang giận và quan sát, tìm hiểu nó. Dùng lòng nhẫn nại và
từ bi cho tất cả chúng sinh và cả cho bạn, để vây lấy cơn giận của bạn.
Đừng nuôi dưỡng cơn giận
Không hành động gì, và phải giữ im lặng trong khi giận tất nhiên là
rất khó. Cơn giận thường trào dâng trong ta, tạo nên một năng lượng
khiến ta rất tức tối và muốn làm một cái gì đó. Môn tâm lý học
khuyên chúng ta lúc đó hãy đấm vào gối, hoặc la to lên, hét lớn lên giữa
những bức tường để xả cơn giận. Thiền sư Thích Nhất Hạnh không đồng ý.
“Khi bạn biểu lộ cơn giận của mình, bạn sẽ nghĩ rằng bạn xả
được giận. Nhưng điều đó không đúng.” Ngài nói: “Khi bạn biểu lộ cơn
giận, bằng lời hoặc bằng bạo lực, bạn đang nuôi dưỡng thêm mầm sân hận,
và nó sẽ càng lớn lên trong bạn”.
Cần có can đảm để thể hiện lòng từ bi
Đôi khi ta nhầm lẫn giữa tính hung hăng với sức manh, giữa
không-làm-gì với sự yếu đuối. Chịu thua cơn giận, để cơn giận lôi chúng
ta đi và muốn làm gì ta cũng được. Đó là sự yếu đuối. Còn phải có sức
mạnh để nhận thức rằng chính nỗi sợ hãi và sự vị kỷ mới gây ra tức giận.
Và cần phải có kỷ luật để thiền định về ngọn lửa đang hừng hực cháy của
lòng sân hận.
Đức Phật dạy: “Chiến thắng sân hận bằng lòng từ bi. Chiến thắng cái
ác bằng cái thiện. Chiến thắng lòng tham bằng tâm bố thí. Chiến thắng sự
dối trá bằng lòng chân thật.” (Kinh Pháp Cú, 233).
Thực hiện điều này với chính mình, với người khác, và với cuộc
sống của chúng ta, đó là PG. PG không phải là một hệ thống tín ngưỡng,
hay là một nhãn hiệu in trên chiếc áo của bạn. PG chính là điều này.
Barbara O'Brien
Thủy Ngọc dịch (Theo buddhism.about.com)