Cứ mỗi độ Xuân về, những mầm xanh đâm
chồi nẩy lộc, tỏa ngát trong không gian tĩnh lặng hòa vào hương sắc nhộn
nhịp của ngày đầu Tết Nguyên Đán. Theo truyền thống Phật giáo, vào ngày
mồng tám đầu năm, lễ hội Dược Sư được tổ chức thường niên, các chùa
thường “khai đàn Dược Sư” hay còn gọi là “lễ Cầu an”.
Hàng xuất gia cũng như tại gia đều chuyên tâm cầu nguyện “Thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc”.
Đặc biệt, có 49 ngọn nến thắp lên tượng trưng cho ánh sáng trí tuệ,
đó là ánh sáng mầu nhiệm của đức Phật Dược Sư Lưu Ly, soi sáng đến cho
nhân loại.
Dược Sư tiếng Phạn là , gọi đủ là Dược
Sư Lưu Ly Quang Như Lai hay còn gọi là Đại Y Vương Phật, Y Vương Thiện
Thệ. Ngài là giáo chủ nước Tịnh Lưu Ly ở phương Đông, đã phát ra 12 thệ
nguyện để cứu chữa bệnh tật cho chúng sanh vô minh ám độn. Đó là:
Nguyện thứ nhất: Nguyện thân ta và hết thảy các loài hữu tình đều có hào quang rực rỡ.
Nguyện thứ hai: Nguyện có quang minh rộng lớn, uy đức vời vợi để khai nguồn thông suốt cho tất cả chúng sanh.
Nguyện thứ ba: Nguyện cho chúng sanh không thiếu thốn, tùy theo lòng mong cầu mà được toại nguyện.
Nguyện thứ tư: Nguyện cầu hết thảy chúng sanh đều theo Đại thừa liễu nghĩa.
Nguyện thứ năm: Nguyện cho tất cả chúng sanh tu hành phạm hạnh thanh tịnh, giữ gìn đầy đủ Tam tụ tịnh giới.
Nguyện thứ sáu: Nguyện hết thảy chúng sanh đầy đủ thiện căn, trang nghiêm sáng suốt.
Nguyện thứ bảy: Nguyện cho tất cả chúng sanh thân tâm thường an lạc, chứng quả Vô sanh.
Nguyện thứ tám: Nguyện cho tất cả chúng sanh chuyển nữ thành nam đủ tướng trượng phu, tu chứng đạo Vô thượng.
Nguyện thứ chín: Nguyện cho các loài
hữu tình được giải thoát mọi ràng buộc của Thiên ma ngoại đạo, tà kiến,
ác kiến, dẫn dắt, thu nhiếp họ trở về chánh kiến.
Nguyện thứ mười: Nguyện cho tất cả chúng sanh giải thoát các tai nạn bất thường, giặc cướp, lấn hiếp của ác ma.
Nguyện thứ mười một: Nguyện cho chúng
sanh bị đói khát được ăn uống ngon lành và no đủ. Sau đó đức Phật ban
cho Pháp vị để dựng nên quả đức an vui.
Nguyện thứ mười hai: Nguyện hết thảy
chúng sanh bị nghèo cùng khốn đốn đều được đầy đủ, đồ dùng quý báu trang
nghiêm “Sở nguyện tùy tâm, sở cầu như ý”.
Thật vậy, 12 hạnh nguyện của đức Phật
Dược Sư đã chấn động tam thiên đại thiên thế giới. Bất luận là xuất gia
hay tại gia nếu chuyên tâm trì niệm, chiêm ngưỡng và lễ bái hoặc nhớ
nghĩ đến hình tượng của Ngài đều có thể vượt qua tất cả chướng duyên
trong cuộc sống, được thân tướng đẹp đẽ trang nghiêm, đem lại niềm an
vui tự tại cho chính mình và tha nhân. Phải chăng, đây là nền tảng khởi
nguyên để đạt đến hạnh nguyện của người xuất gia tầm cầu giải thoát. Vậy
hạnh nguyện độ sanh là gì?
Theo Từ điển Phật học Hán Việt, Hạnh
nguyện dịch âm là Hành nguyện có nghĩa là hành động của thân và ý nguyện
của tâm. Trong Thanh Long sớ quyển Hạ nói “Do Hành và Nguyện nương tựa
vào nhau, cả hai đều tu không lệch bên nào”. Hay còn gọi là Hành nguyện
cụ túc, có nghĩa là đầy đủ cả nguyện và hành. Vậy, Hạnh nguyện được giải
thích tương đối súc tích, mang ý nghĩa sâu sắc và tính thực tiễn hiển
bày. Ở đây, độ sanh là chỉ chung cho tất cả mọi loài, từ hữu tình cho
đến vô tình chúng sanh, tất cả đều có thể vượt qua khổ ải luân hồi. Cũng
có nghĩa là tế độ chúng sanh, độ thoát chúng sanh, dìu dắt chúng sanh
từ nơi mê mờ đến ánh sáng rực rỡ bằng các phương tiện thiện xảo của chư
Phật và Bồ-tát. Bởi vì, khổ là một thực trạng tâm lý mà chúng sanh phải
thọ nhận, cũng là một thách thức cho bao thế hệ đã đi qua. Do đó, bằng
ánh sáng trí tuệ, chúng ta phải tìm ra phương thức đoạn trừ nó. Hơn nữa,
khổ đau là một yếu tố phổ cập bao hàm và ẩn chứa một ý nghĩa triết lý
sâu xa, không phải chỉ biểu lộ chán đời hay bi quan mà còn là trạng thái
đau khổ từ vật chất đến tinh thần.
Chúng ta sẽ từng bước tìm hiểu để nhận thức tường tận về đức Phật
Dược Sư trên bình diện tâm linh cũng như củng cố niềm tin đúng với chánh
lý.
TIN VÀO CÔNG NĂNG CỨU ĐỘ QUA ĐẠI NGUYỆN CỦA ĐỨC PHẬT DƯỢC SƯ
Mười hai đại nguyện của đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai khiến cho
tất cả các loại hữu tình cầu gì cũng được. Bởi vì, 12 thệ nguyện là biểu
thị cho công năng thực hành hạnh cứu khổ, hàm nhiếp cả Tứ vô lượng tâm
(Từ, Bi, Hỷ, Xả) của chư Phật và Bồ-tát. Nếu nói về thần lực hành đạo
thì đức Phật Dược Sư cũng có thể hóa thân làm Bồ-tát để cứu độ chúng
sanh thoát khỏi mọi tai ách. Đặc biệt, Ngài chữa trị các căn bệnh tâm
lý. Có người khi gặp tai nạn hay bệnh chứng khó qua khỏi cơn nguy biến
liền niệm danh hiệu Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai hay đứng chấp tay quán
tưởng hình tượng của Ngài liền được hóa giải mọi khổ đau. Từ đó, nếu
chúng ta tu tập 12 hạnh nguyện trong lúc đi, đứng, nằm, ngồi… mỗi mỗi
đều nhất tâm, tất nhiên sẽ cảm nhận một cách vi diệu trong từng ý niệm
tỉnh giác của tâm thức. Và từng ý niệm đó tác động đến cơ thể để vượt
qua mọi tật bệnh. Ngày nay, khoa học đã công nhận “Nhân điện” là một
phương thức trị bệnh. Họ có thể nhận thiên khí vào cơ thể con người, sau
đó kết hợp năng lượng sẵn có để có thể chẩn trị mọi chứng bệnh. Thế
nên, chúng ta là đệ tử của Phật sao không dùng pháp môn niệm Phật để
điều hòa hơi thở và chữa trị những căn bệnh tự thân. Đối với những hành
giả tu tập, trên lộ trình chứng đắc quả vị Vô thượng, tất nhiên cần phải
thể nhập một cách hoàn hảo về 12 hạnh nguyện của đức Phật Dược Sư. Vì
Ngài là biểu thị cho chân lý và nhân cách hoàn mỹ, là Bậc giác ngộ thành
tựu Phật quả, làm giáo chủ ở cõi Tịnh Lưu Ly.
Đức Phật Thích-ca dạy: “Ở phương Đông có một thế giới đặc biệt, đời
sống an lạc và hạnh phúc tương đương với thế giới Cực Lạc của đức Phật
A-di-đà ở phương Tây. Này Mạn-thù-thất-lợi! Trong khi thực hành Bồ-tát
đạo Ngài đã phát ra 12 đại nguyện làm cho tất cả chúng sanh có chỗ sở
cầu đều toại nguyện.” Như thế, 12 thệ nguyện này có mãnh lực rất lớn đối
với người tại gia cũng như xuất gia, nếu tu tập, trì tụng kinh Dược Sư
hoặc niệm danh hiệu Ngài đều có thể vượt qua tất cả nguy hiểm như bị
giam cầm lao ngục, bệnh tật liên miên… đều được an vui tự tại. Cho nên,
Hòa thượng Thích Nhất Hạnh có dạy: “Đối với hàng xuất gia trong lúc tu
tập, nếu bị sai lạc thì Ngài gia hộ cho chúng ta tu hành chơn chánh,
không bị tà ma ngoại đạo quấy nhiễu. Hoặc đối với những người phạm giới
phá trai, nếu chí thành cầu nguyện đức Phật Dược Sư thì sẽ được khôi
phục lại giới thể, phát huy những hạnh lành, tu hành tinh tấn, chứng
được đạo Vô thượng Bồ-đề.”
Vậy, hạnh nguyện là món ăn tinh thần của mỗi hành giả, bởi vì chúng
ta thường quan niệm “Sống phải có ý nghĩa, tu phải có hạnh nguyện.” Điều
đó chứng tỏ rằng, trong việc mong cầu hạnh phúc an vui, người đệ tử
Phật không thể thiếu hiểu biết, niềm tin và hạnh nguyện cũng như những
gì thuộc về tâm linh. Phật giáo vẫn thừa nhận người tu hành chơn chánh
sẽ được Thiên long, Bát bộ, Hộ pháp, Thiện thần hộ niệm, nhưng muốn đạt
thành quả Phật thì phải áp dụng 12 hạnh nguyện của đức Phật Dược Sư
trong đời sống tự thân. Những công đức hành trì đó có thể tự trị các
bệnh tật.
CÔNG ĐỨC ĐỌC TỤNG VÀ TRÌ CHÚ DƯỢC SƯ
Trong cuộc sống bình nhựt, người xuất gia cũng như tại gia, nếp sống
tâm linh ảnh hưởng rất lớn đối với tự tâm của mỗi người. Nếu hằng ngày
chúng ta trì niệm, đọc tụng hoặc xưng danh hiệu của đức Dược Sư Lưu Ly
Quang Như Lai thì sẽ được ứng nghiệm ngay trong hiện tại. Đặc biệt, chú
Dược Sư mang một ý nghĩa rất quan trọng khi chúng ta hành trì, vì không
những vượt qua mọi khổ ách, mà sau khi mạng chung còn được sanh về thế
giới Tịnh Lưu Ly, dần dần tu chứng đạt được quả vị Vô thượng chánh đẳng
chánh giác.
Duyên khởi của thần chú Dược Sư, đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã dạy cho
Mạn Thù Thất Lợi Bồ-tát trong kinh Dược Sư Bổn nguyện công đức: “Này Mạn
Thù Thất Lợi! Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai khi chưa chứng được đạo
quả Bồ-đề, do sức bổn nguyện mà Ngài quan sát biết chúng hữu tình gặp
phải các thứ bệnh khổ như da vàng, gầy ốm, cảm nhiệt, thương hàn, v.v…”.
Vì muốn những bệnh khổ ấy được tiêu trừ và lòng mong cầu của chúng hữu
tình được mãn nguyện, nên Ngài liền nhập định tên là “Định diệt trừ tất
cả các khổ não cho chúng sanh.” Khi Ngài nhập định, từ trong nhục kế
phóng ra luồng ánh sáng lớn, trong luồng ánh sáng ấy nói chú Đại
Đà-la-ni: “namo bhagavate bhaiṣaijya guru vaidurya prabharājāya
tathāgataya arhate samyaksambuddhāya tadyathā: om bhaiṣaijye bhaiṣaijye
bhaiṣaijya samudgate svāhā”
Phiên âm: “Nam-mô Bạc-già-phạt-đế, bệ-sát-xã, lũ-lô-thích-lưu-ly,
bát-lặc-bà, hắc-ra-xà-giả, đát-tha yết-đa-da, a-ra-ha-đế tam-miệu
tam-bồ-đề-da, đát-điệt-tha. Án, bệ-sát-thệ, bệ-sát-thệ, bệ-sát-xã,
tam-một-yết-đế tóa-ha!! ”
Như vậy, công đức đọc tụng, hành trì chú Dược Sư rất vi diệu. Chúng
ta có thể gặt hái những thành quả tốt đẹp ngay trong hiện tại. Bởi vì,
đó là những âm thanh của chư Phật nói ra, có ảnh hưởng trực tiếp đến
nhịp điệu rung chuyển của làn sóng quang minh trong tâm thức chúng sanh.
Từ đó, niềm tin được vững chắc, chú nguyện được viên mãn, chính là nhờ
công đức bất khả tư nghì của bản nguyện Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai.
Nhất là lúc lâm chung, chỉ cần nghe danh hiệu của Ngài liền có tám vị
Bồ-tát đủ sức thần thông đến hướng dẫn sanh về thế giới Cực Lạc Tây
phương, hoa báu trang nghiêm.
ẢNH HƯỞNG CUỘC SỐNG TINH THẦN TÍN NGƯỠNG
Phàm là con người ai cũng muốn sống một cuộc đời hạnh phúc an lành,
cho dù là bần nông hay trí thức. Nhưng đường đời có bao giờ thuận theo ý
muốn của con người. Do vậy, những vấn đề trong cuộc sống khó có thể
giải quyết được, chắc chắn họ sẽ tìm đến tôn giáo. Điều đó có nghĩa là
trong cuộc sống, tinh thần tín ngưỡng ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tâm
linh của mỗi cá nhân. Đa phần, niềm tin bị hạn chế bởi những người đặt
nặng vật chất lên trên đời sống tinh thần. Vì thế, mặc dù hằng ngày có
trì niệm, đọc tụng kinh Dược Sư, nhưng hiệu quả rất thấp, đó là vì họ
không thành tâm thành ý. Mỗi hạnh nguyện có một công năng đặc thù, nếu
trong đời này, bất cứ hành giả nào khi có tín tâm rồi nên phát nguyện
sanh về cõi Tịnh Lưu Ly của đức Phật Dược Sư. Sự phát nguyện này, đòi
hỏi hành giả phải ứng dụng 12 lời nguyện vào cuộc sống để phát huy công
đức lành của tự tâm, đưa tâm mình thể nhập chân lý tuyệt đối.
Như vậy, niềm tin tín ngưỡng tác động đến hiện thực cuộc đời qua 12
hạnh nguyện của đức Phật Dược Sư. Thực sự, nó ảnh hưởng rất sâu sắc và
vô cùng quan trọng trong cuộc sống hằng ngày của người đệ tử Phật. Những
hạnh nguyện đó ví như những viên thuốc đặc trị tâm bệnh của chúng sanh
và cũng là chân giá trị bất hủ. Bởi vì, sự hành trì hiện tại vẫn mang
lại hữu ích cho hành giả tu tập “Bản nguyện công đức của đức Dược Sư Lưu
Ly Quang Như Lai.”
HÌNH ẢNH BIỂU TRƯNG VÀ GIÁ TRỊ HIỆN THỰC
Theo hình tượng hiện nay, chân dung đức Phật Dược Sư được tín ngưỡng
xưa nay có tóc xoắn ốc, tay trái cầm bình thuốc, tay trái phải kiết Ấn
thí vô úy. Hai bên có hai vị Bồ-tát làm thị giả đó là Bồ-tát Nhật Quang
và Bồ-tát Nguyệt Quang. Đây là hình tượng được gọi là Dược Sư Tam Tôn.
Về hình tượng tóc xoắn ốc là một trong
những tướng tốt của đức Phật, tay cầm bình thuốc biểu thị cho ý nghĩa
đức Phật Dược Sư có vô lượng công đức, báu vật và diệu pháp mầu nhiệm để
giúp hành giả tu tập, chuyển hóa tự thân. Điều đặc biệt ở đây là tay
phải Ngài kiết Ấn vô úy. Vô úy chính là không sợ hãi, hình ảnh đó với
mục đích giúp cho chúng sanh có niềm tin vững chắc để thiết lập sự bình
yên cho thân và tâm.
Hai vị Bồ-tát đứng hầu đức Phật Dược Sư
là biểu trưng cho Căn bản trí (Nhật Quang Biến Chiếu) và Hậu đắc trí
(Nguyệt Quang Biến Chiếu). Điều đó, xác định mọi phương tiện mà Ngài vận
dụng đều phát xuất từ hai trí này. Hơn nữa, Lưu Ly là chỉ cho một trong
bảy báu vật, đó là loại đá quý màu xanh. Màu xanh là biểu thị lòng từ
bi và sự sống. Thế nên đức Phật Dược Sư là tổng thể, bao hàm mọi hình
ảnh, có tác dụng khai phóng tâm thức hành giả. Từ ý nghĩa trên có thể
khẳng định rằng mỗi chúng ta là mỗi đức Phật Dược Sư, nếu phát huy tận
cùng công đức trí tuệ và diệu pháp nhiệm mầu của bản tâm.
Như vậy, từ hình ảnh biểu trưng đã làm nổi bật giá trị hiện thực. Đức
Dược Sư Như Lai đã trang nghiêm tự thân và cõi nước của Ngài bằng 12
đại nguyện. Từ khi phát tâm, lập nguyện cho đến ngày chứng đắc quả Vô
thượng chánh đẳng chánh giác là cả quá trình hành Bồ-tát đạo. Đây là kết
quả của sự nỗ lực, tinh tấn không ngừng trong việc tu tập, ban vui cứu
khổ cho chúng sanh nhiều đời.
Ở đây, dựa trên 12 đại nguyện, chúng ta thấy đức Phật Dược Sư đã xây
dựng mô hình Tịnh độ, trong đó lấy chúng sanh làm trung tâm để hoàn
thiện bổn nguyện. Do đó, nội dung của mỗi lời nguyện đều nói lên mục
đích cứu khổ chúng sanh. Chúng sanh là đối tượng để Bồ-tát thực hiện
viên mãn về hạnh nguyện. Hơn nữa, sự thành tựu của mỗi vị Phật, ngoài
yếu tố hạnh nguyện, mục đích còn phải cụ thể hóa bằng hành động. Chính
hành động lợi mình, lợi người là điều kiện căn bản để trang nghiêm cho
báo thân Phật (Chánh báo) và cõi nước (Y báo) đạt đến hoàn bị.
Trên cơ sở đó, sự tôn kính lễ bái đi đôi với việc thực hành 12 đại
nguyện sẽ giúp chúng ta xây dựng cõi nước trang nghiêm thanh tịnh như
Ngài. Điều đó, hành giả phải hoàn thiện trên hai mặt nghiêm tịnh tự thân
và trang nghiêm cõi nước. Về tự thân, chúng ta phải giữ gìn Tam tụ tịnh
giới, thực tập thiền định, phát huy trí tuệ vô lậu để chuyển hóa những ý
niệm tham muốn, hờn giận, si mê, ích kỷ, ghen ghét, chấp ngã, chấp
pháp, v.v… trở về tự tánh sáng suốt, bình đẳng, thanh tịnh. Sự chuyển
hóa đó cần phải thực hiện với tâm vô trú, vô hành. Đây cũng là cách kiến
tạo thế giới Tịnh độ ngay trong lòng mình. Song song với việc hoàn
thiện tự thân, hành giả còn phải tu tập hạnh Bồ-tát trên cơ sở 12 đại
nguyện, lấy chúng sanh làm đối tượng, hướng dẫn họ đạt đến an lạc và
giải thoát; Làm được điều này cũng có nghĩa là kết duyên quyến thuộc với
chúng sanh, cùng sống chan hòa với ánh đạo, biến cõi Ta-bà thành cõi
Phật.
Ngày nay, có những quan niệm, khuynh hướng và hành động đẩy nhân loại
đến vực thẳm tương tàn, tương sát… nhất là nạn chiến tranh, khủng bố,
thù hận, bệnh tật đang hoành hành. Là người Phật tử tại sao chúng ta
không đem 12 hạnh nguyện của đức Phật Dược Sư ứng dụng trong đời sống tự
thân cũng như xã hội, giúp họ một hướng đi đích thực, kiến tạo nền hòa
bình, tự do và thịnh vượng?
Đức Phật Dược Sư là bậc Đạo sư đầy đủ diệu pháp, diệu dược, có khả
năng hóa giải mọi khổ đau cho chúng sanh. Qua 12 hạnh nguyện cũng như sự
thành tựu viên mãn về thế giới Tịnh Lưu Ly của Ngài, đã dạy cho chúng
ta nhiều bài học vô giá, mang tính thực tiễn cao trên con đường tu tập
và hành Bồ-tát đạo.