Như vậy có phải bỏ tất cả được tất cả không, có thiệt thòi chỗ nào
đâu? Chỉ vì chúng ta không dám xả, cứ khư khư chấp cái này của mình,
cái kia của mình nên chúng ta khổ hoài. Mình đã khổ mà không ai thương
tưởng tới, lại còn ghét nữa. Còn cứ xả hết vì mọi người, thì ta đã không
khổ mà mọi người lại thương mình nhiều hơn.
Hôm nay tôi sẽ giảng về đề tài “Bỏ tất cả là được tất cả”. Nhưng để làm
rõ hơn ý nghĩa của đề tài này, tôi sẽ nói phản đề lại “Được tất cả là
mất tất cả” để quí vị dễ đối chiếu.
Tại sao “Được tất cả là mất tất cả”? Hiện giờ chúng ta thấy ở thế gian,
có người muốn gì, làm gì đều được thành công. Muốn tạo được cái nhà liền
được cái nhà, muốn có chiếc xe hơi liền được chiếc xe hơi, muốn có danh
vọng liền được danh vọng, muốn có tài sản liền được tài sản. Tóm lại
muốn gì được nấy. Tuy nhiên như thế, nhưng đến khi hết duyên nhắm mắt ra
đi, thì tất cả những gì mình được đó có còn không? Mất hết. Vậy thì
được tất cả rồi sẽ mất tất cả, chớ không có gì còn mãi với mình. Người
đời ước ao mong mỏi những gì mình muốn đều được toại nguyện, đó là hạnh
phúc. Nhưng thật ra được bao nhiêu đi nữa, cuối cùng rồi cũng ra đi với
hai bàn tay trắng. Tất cả những gì cả đời mình cố công tạo dựng đều để
lại cho thế gian, vậy thì được đó chính là mất. Cho nên người biết tu,
thức tỉnh thấy rõ cuộc đời như vậy.
Người xuất gia tu hành, có nghĩa là xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo. Xả
tức là bỏ hết. Bỏ hết những giàu sang ở đời, bỏ cả thân mạng này để cầu
đạo. Đã bỏ cả giàu sang, quên cả thân mạng thì có gì mà bỏ không được?
Thân mạng còn không tiếc thì cái gì đáng tiếc hơn? Vậy mà có khi gặp
những việc nhỏ lại xả không được. Đó là chưa thực hiện được đúng với bản
nguyện của mình.
Tôi nói bỏ tất cả sẽ được tất cả là sao? Chúng ta đọc lịch sử biết rõ
đức Phật là con nhà vương giả, Ngài đi tu bỏ lại tất cả ngôi vị, quyền
tước, tài sản, sự nghiệp, đất nước v.v… chỉ còn chiếc áo cẩm bào trên
mình. Nhưng cuối cùng Ngài cũng cởi ra, đổi lấy chiếc áo thợ săn để vào
rừng tầm sư học đạo. Như vậy tất cả danh vọng sự nghiệp thế gian, cho
tới cha mẹ vợ con Ngài đều xả tất cả. Ngài chỉ đem theo chí nguyện xuất
gia, cầu đạo giải thoát thôi. Đó là xả phú cầu bần đó.
Kế đó, đức Phật xả đến thân. Sáu năm tu khổ hạnh, Ngài ăn uống đơn giản,
một ngày chỉ chút ít mè, chút ít đậu cho tới kiệt sức ngất xỉu. Trong
kinh A-hàm diễn tả lúc đó thân Phật chỉ có xương sườn, không còn chút da
thịt nào cả. Đối với thân Ngài không còn một chút luyến tiếc, không một
chút yêu quí, miễn sao tìm được đạo giải thoát thì thôi. Đó là tinh
thần xả thân cầu đạo của người quyết chí tu hành.
Rõ ràng đối với hai thứ xả đó, đức Thích-ca đã thực hành hết rồi. Trước
là xả phú cầu bần, kế là xả thân cầu đạo. Chúng ta bây giờ có xả được
không? Xả chừng bao nhiêu? Đó là câu hỏi mà mỗi người phải tự đặt ra,
rồi kiểm nghiệm lại mình để thấy mình làm được tới đâu.
Đứng về mặt thân, đứng về sự nghiệp, đức Phật đã xả hết rồi, Ngài lại
tiếp tục xả đến tâm nữa. Nghĩa là buông bỏ tất cả những niệm tưởng lăng
xăng từ thô đến tế, cho đến khi tâm được định, hoàn toàn thanh tịnh,
chừng đó Ngài mới được giác ngộ viên mãn.
Như vậy ý nghĩa xả ở đây, một là xả tất cả sự nghiệp tài sản, cha mẹ anh
em bên ngoài. Kế đó xả thân mạng, sau cùng là xả hết nội tâm của mình.
Nội tâm là những thứ lăng xăng loạn tưởng, làm cho mình phiền não rối
rắm. Thiền định dưới cội bồ-đề suốt bốn mươi chín ngày đêm, khi đó tâm
Phật hoàn toàn thanh tịnh, không còn một ý niệm gì nên vào được đại
định. Từ đại định Ngài phát triển tuệ giác như thật của mình, thấu suốt
được tánh tướng của các pháp, liền đó được giác ngộ chứng quả vị Phật.
Như vậy xả có ba giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là xả tất cả các thứ
bên ngoài, từ sự nghiệp, danh vọng, tài sắc cho tới thân quyến cha mẹ
anh em vợ con. Giai đoạn hai là xả bỏ thân mạng, liều chết để tu. Đó là
xả thân. Giai đoạn ba là xả tất cả tâm nghĩ tưởng lăng xăng, không còn
mảy may vọng động lo lự nào, gọi là xả tâm. Sau đó mới chứng ngộ thành
Phật.
Khi thành Phật rồi thì thế nào? Như hiện giờ chúng ta kiểm tra nội trong
nước Việt Nam tính ra cũng mấy chục ngàn ngôi chùa, còn Trung Quốc,
Nhật Bản, Triều Tiên, Thái Lan, Xri Lanca (Tích Lan), Myanma (Miến Điện)
v.v… cộng lại không biết bao nhiêu ngôi chùa thờ Phật. Như vậy Ngài bỏ
ngai vàng, giang san, sự nghiệp trong nước, đến khi thành Phật rồi thì
có tất cả. Ngài xả bỏ quyến thuộc nhỏ bé, để rồi sau đó ngàn muôn ức
triệu người nhìn nhận là con của đức Phật, như vậy có phải là được tất
cả không. Xả sự nghiệp riêng được sự nghiệp chung to lớn hơn. Xả thân
quyến riêng thân quyến chung nhiều vô kể. Xả một được vô số thân. Xả tâm
nghĩ tưởng lăng xăng chứng được Tam minh, Lục thông, Tứ vô sở úy, Thập
bát bất cộng v.v… Xả những thứ vô nghĩa tầm thường, thì đạt được những
vi diệu phi thường. Rõ ràng Ngài xả tất cả là được tất cả không? Ngược
lại với thế gian, giữ tất cả để rồi mất tất cả.
Giờ đây chúng ta tu theo Phật phải làm sao? Nên giữ hay nên xả? Chúng ta
phải tập xả, người xuất gia thì xả trọn vẹn, còn người tại gia thì xả
từng phần, nhưng phải xả chớ đừng cố giữ. Tôi thí dụ trước về người tại
gia. Như quí Phật tử làm ăn có tiền, có cơm gạo, thấy ai khổ mình giúp,
đó là xả. Bố thí là xả, xả quyền lợi của mình giúp cho người thiếu,
người khổ. Người đời tranh giành danh lợi, còn mình tu rồi thì bớt không
tranh giành danh lợi, đó là xả. Tất cả những lời hơn thua tranh cãi
nhau mình cũng bỏ hết, đó là xả. Tập xả được như vậy là chúng ta khéo
tu, có tiến. Ngược lại cái gì cũng muốn giữ hết thì không thể nào tu
được. Tu mà muốn làm giàu, muốn làm quan, muốn hơn thiên hạ, thì có được
không? Cho nên nói tới tu là nói tới xả, tới chừa bỏ.
Phật tử tại gia còn như thế, huống nữa là người xuất gia. Xuất gia rồi
thì có gì để giữ đâu. Tất cả đều là của chung, cuộc sống của mình chỉ là
sống để tu, chớ không phải sống để được danh, được lợi, được tất cả sự
nghiệp ở trong chùa. Như vậy đâu có gì là của mình, cho nên người tu là
người dễ xả trăm phần. Xả hết quyền lợi, xả hết những gì thuộc về sự
nghiệp, hình thức bên ngoài, không giữ gì hết. Chẳng qua vì đạo mà có
chùa có đồ chúng để truyền bá chỉ dạy cho người cùng tu, chớ không có
cái của mình. Nhớ rõ vậy là chúng ta xả. Đó là xả bên ngoài, còn xả về
bản thân thì sao?
Trước tôi nói về cư sĩ. Người không biết đạo họ lo lắng tấm thân trau
chuốt cho đẹp, nuôi nấng cho sung túc mập mạp. Còn người biết tu không
cần trau chuốt, chỉ sống bình dị, vừa phải, đủ no ấm thôi chớ không quá
sung túc rồi sanh ra bệnh hoạn. Đó là Phật tử cũng xả mà xả vừa chừng,
không phải xả nhiều. Người biết tu đối với danh không ham, đối với lợi
biết vừa đủ, đối với tài sắc v.v… đừng để dính nhiễm, đó là xả về thân.
Giới xuất gia thì xả thế nào? Hồi chưa xuất gia mình cũng đầu tóc như
ai, ăn mặc như ai. Bây giờ xuất gia rồi cạo bỏ tóc, những gì thế gian
cho là duyên dáng, là đẹp mình xả hết, đó là xả rồi. Tới ăn mặc. Người
đời thay đổi đồ này đồ kia cho đẹp, ra vẻ sang trọng quí phái, còn mình
tu rồi mặc áo nâu áo nhuộm, đó là xả. Người đời ăn món này món kia cho
ngon miệng, mình tu rồi chỉ ăn tương rau chay lạt, đó là xả. Cư sĩ tại
gia một ngày phải ngủ đủ tám tiếng cho khỏe, còn người xuất gia ngủ
chừng bốn năm tiếng thôi. Bớt ăn, bớt ngủ như vậy là xả. Nghĩa là những
gì trau chuốt, cung dưỡng cho thân, chúng ta giảm bớt để dễ tu, không
còn đa mang nhiều thì mới mong đến gần với đạo. Đó là xả về thân. Bây
giờ tới tâm.
Về tâm, cư sĩ tại gia xả như thế nào? Nếu có ai nói gác một câu, quí vị
có nhịn được không? Chắc là khó nhịn lắm. Nhịn thì sợ người ta nói mình
ngu, mình thua nên ít chịu nhịn. Bây giờ quí vị biết tu rồi, phải nhớ
lời Phật dạy vô thường để chận đứng tâm tranh đua của mình. Nếu nghĩ tới
danh lợi thì biết nó là vô thường, không bền lâu. Đã vô thường mà giành
được mất với nhau làm gì, đó là xả. Chết sống nay mai là chuyện lớn mà
không lo, còn hơn thua phải quấy là chuyện nhỏ lại để tâm lo lắng, có
phải khờ dại không. Cho nên nghĩ tới vô thường đuổi gấp chúng ta không
còn thời giờ mà tu, huống nữa tranh hơn tranh thua. Nhớ như vậy thì tất
cả những gì người đời lấn hiếp mình, chúng ta bỏ qua được hết.
Người giành hơn giành thua là khôn hay người nhịn bỏ để tu là khôn?
Người lấn hiếp thấy dường như hơn, người nhịn thấy dường như thua. Nhưng
xét kỹ người giành hơn rồi đi tới chỗ chết không biết về đâu, còn người
nhịn để tu hành, mai kia khi chết đã có hướng sẵn nên không lo không
sợ, đó mới là người khôn. Như vậy người biết nghĩ tới chuyện lâu dài là
khôn, người chỉ nghĩ nhất thời là dại. Vì vậy chúng ta đừng tranh hơn
tranh thua, để rồi phiền não đau khổ, không tu hành. Đó không phải là
thật khôn. Người thật khôn phải tránh, phải chừa hết những điều gây cho
tâm mình rối loạn, phiền não, sự tu mới tiến. Tu tiến mới mong cứu được
mình.
Cho nên tu hành là phải ẩn nhẫn. Nói ẩn nhẫn nhưng thật ra có ẩn nhẫn gì
đâu. Thí dụ người nào đó nổi sân, thấy mình đi ngang họ nói: “Cha mầy”.
Lúc đó mình nổi nóng lên muốn chửi lại. Nhưng tôi xin hỏi chữ “cha mầy”
đó nặng ở chỗ nào? Sao chúng ta không trả lời: “Phải tôi có cha”. Nói
cha mầy tức là nhắc cha của mình thì mình nhận, có gì đâu phải giận.
Đằng này nghe người ta nói “cha mầy” liền nổi sân nói lại “mẹ mầy”, thế
là có chuyện đánh lộn. Người ta cứ sống cuồng loạn với nhau thật vô
nghĩa. Mình có cha người ta nói cha mình thì nhận là xong, có gì phải
tức giận. Người thế gian nói điên khùng, chẳng lẽ mình tu cũng điên
khùng theo. Họ điên khùng thì chúng ta phải sáng suốt, nhưng không hiểu
sao người ta cứ đua nhau giành phần điên về mình. Thiên hạ nói mình nặng
một, mình nói nặng hai, rồi cãi nhau đánh nhau, có giống hai người điên
không? Vậy mà ta vẫn cứ giành làm người điên!
Rõ ràng sự tu không phải khó, chỉ là sự sáng suốt chân thật để cho mình
được an lành. Nghĩ nhiều khi chúng ta khờ dại thật đáng thương. Nghe
người ta nói mình là con chó, liền nhảy tới tát tai người ta, như vậy là
nhận mình chó mất rồi, mới nhảy ra cắn người ta. Người ta nói mình con
chó, mình chỉ cần bình tĩnh trả lời tôi không phải con chó, thế là đủ
rồi, người ta cũng sẽ không biết nói gì hơn nữa. Đó là sự lầm lẫn si mê
của con người, vì chấp ngã quá nặng nên động tới mình liền sanh sự.
Người tu là phải xả bỏ ngã chấp đó, luôn luôn tỉnh táo sáng suốt, chừa
bỏ những gì sai lầm, không nên bám giữ. Như vậy chúng ta mới biết tu.
Nếu không biết tu thì dễ gây sân hận oán hờn nhau, rồi đau khổ cả đời,
mình khổ người khổ. Thế gian khổ là vì vậy. Cho nên người biết tu trong
tâm không cố chấp, không nghĩ mình khôn hơn hết, đẹp hơn hết, tài giỏi
hơn hết v.v… Mà chỉ thấy mình là cọng cỏ, cọng rơm thôi, không có gì
quan trọng, nên rất dễ sống, nhẹ nhàng, không đau khổ. Người chấp ngã
sâu nặng quá nên động tới nổi sân, động tới nổi giận, động tới liền
buồn. Còn chúng ta xả được cái ngã này, thì hết khổ hết buồn.
Phật nói “chấp là kẻ mê”, nói dễ hiểu hơn chấp là người ngu. Chấp nhiều
thì ngu nhiều, chớ đừng tưởng chấp là hay. Người tu là người tỉnh, người
sáng suốt thì không nên chấp. Không nên chấp về thân, không nên chấp về
tâm, không nên chấp về cảnh. Được vậy chúng ta sống được bình an, tu
hành thanh tịnh. Đó là nói về người tại gia.
Bước qua lãnh vực của người xuất gia, còn xả nhiều hơn nữa. Khi có huynh
đệ giận, chỉ mặt mình nói: “Huynh ngu quá”, lúc đó mình cười không hay
cũng đỏ mặt? Nếu nghe nói “Huynh ngu quá”, chúng ta liền đáp “Phải, ba
tạng kinh tôi học chưa được một phần tám, không ngu sao được”. Nói vậy
thì người kia hết nói. Chỉ khéo một chút thì chúng ta bình an, không gì
giận hờn chi hết.
Hoặc nghe người ta nói “Coi bộ thầy (cô) si mê quá”, mình vui vẻ nhận
ngay “Tôi chưa giác, không si mê sao được”. Đáp như vậy là yên. Chớ nghe
người ta nói mình si mê, nổi giận cãi ùm lên thì quả là si rồi. Chúng
ta chỉ cần khéo một lời nói, khéo một cái nhìn thì hết phiền não. Người
ta chê mình ngu, chê mình si mê, mình cười thôi không có gì quan trọng.
Đằng này, huynh đệ nói lời hơi nặng một chút, mình phiền não hai ba
ngày, bỏ ăn bỏ ngủ, thì chừng nào mới thành Phật. Ai tu cũng muốn thành
Phật mà cứ chấp. Càng lớn chấp càng nhiều, chấp quá chừng là chấp thì
thành Phật sao nổi. Cho nên chúng ta tu phải bỏ, phải xả hết mọi ngã
chấp.
Người tu vui trong đạo, vui với những lời của Phật dạy, mọi bàn luận hơn
thua là trò đùa, không có giá trị gì hết. Nhớ như vậy, nghĩ như vậy là
chúng ta biết tu. Được thế sự tu mới tiến nhanh, mới được lợi ích. Cho
nên xả thân đã là tốt nhưng xả tâm chấp ngã mới là quan trọng. Người
khéo tu cần phải biết điều này.
Xả tâm tức là xả bỏ tất cả những vọng tưởng của mình. Tại sao xả bỏ
vọng tưởng quan trọng như vậy? Bởi vọng tưởng là cái mê lầm, là những
cụm mây đen che mất trí tuệ chân thật của mình. Còn vọng tưởng là còn mê
lầm, chừng nào sạch hết vọng tưởng mới được giác ngộ. Chúng ta tu bất
cứ pháp môn nào cũng phải dẹp vọng tưởng. Không dẹp vọng tưởng thì không
bao giờ thành Phật.
Thí dụ tu Tịnh độ thì niệm Phật tới nhất tâm bất loạn. Nghĩa là niệm đến
chỗ chỉ còn một câu niệm Phật thôi, không nghĩ gì khác ngoài câu niệm
Phật. Nhất tâm cũng gọi là nhất niệm. Dùng một niệm để dẹp tất cả niệm,
tất cả niệm sạch rồi cuối cùng một niệm ấy cũng phải xả luôn cho tới vô
niệm. Niệm tới chỗ không còn niệm nào nữa thì mới thấy Phật, mới được
vãng sanh.
Người tu thiền cũng vậy, ban đầu vì tâm loạn tưởng quá nhiều, muốn nó
dừng nên dùng phương tiện hoặc đếm hơi thở, hoặc quán chiếu một pháp nào
như quán Ngũ uẩn giai không v.v… Tới khi tất cả những niệm lăng xăng
lặng rồi, tâm thanh tịnh vô niệm, đó là vào định. Tu thiền phải đến chỗ
an định trọn vẹn, chừng đó mới chứng được vô sanh.
Trong kinh thường dạy, chúng ta ai ai cũng có tánh Phật. “Nhất thiết
chúng sanh giai hữu Phật tánh” nghĩa là tất cả chúng sanh đều có tánh
Phật. Đức Phật biết sống trở về với tánh Phật của Ngài, nên Ngài thành
Phật. Chúng ta cũng có tánh Phật nhưng không biết trở về sống với tánh
Phật của mình, nên chúng ta làm chúng sanh. Giờ đây muốn trở về tánh
Phật của mình phải làm sao? Đây là chỗ tôi nhắc luôn. Chúng ta có tánh
Phật nhưng vì quên, không nhận ra nên sống với nghiệp của chúng sanh.
Như trong giờ ngồi thiền, mình muốn tâm yên lặng hay lăng xăng? Muốn tâm
yên lặng, nhưng có chịu yên lặng đâu. Vừa yên lặng là thấy hơi buồn,
liền nghĩ cái này, nghĩ cái kia rồi chạy theo nó mất tiêu.
Tại sao mình thường hay nghĩ như vậy? Bởi vì tánh Phật hằng tri hằng
giác nơi con người không có hình bóng, không có tướng mạo nên khó nhận
vô cùng. Cái gì có tướng mạo, có hình bóng mình dễ nhận ra. Nhưng nếu
nghiệm kỹ, chúng ta thấy khi tâm hồn thanh thản, không nghĩ suy gì hết
được đôi ba phút, trong thời gian ấy mình có biết không? Vẫn biết chứ.
Mắt thấy tai nghe, vừa có người đi biết có người đi, vừa có tiếng nói
biết có tiếng nói. Mũi cũng vậy, mùi thơm mùi hôi đều biết rõ. Như vậy
sáu căn hằng tri hằng giác mà chúng ta không nhận ra, đợi có nghĩ suy
mới cho rằng biết. Vì cái biết đó không có hình dáng, không động nên
mình dễ quên.
Thế nên hàng ngày chúng ta sống với tâm vọng tưởng, chạy theo bóng dáng
của sáu trần, cho đó là tâm mình. Thân vô thường sanh diệt cho là thân
mình. Lấy thân sanh diệt, tâm vô thường làm mình thì khi nhắm mắt nhất
định đi trong luân hồi lục đạo, không nghi ngờ. Bây giờ tu là muốn ra
khỏi con đường đó, vậy phải làm sao? Chúng ta thường nói tu để giải
thoát sanh tử, giải thoát bằng cách nào? Nếu chúng ta khởi nghĩ lành,
tạo nghiệp lành, sanh cõi lành; khởi nghĩ dữ, tạo nghiệp dữ, sanh cõi
dữ. Ba ác đạo và ba thiện đạo do tâm niệm lành dữ của mình mà ra. Nếu
tâm niệm lành dữ đều không còn thì mình đi đường nào? Không đi đường
nào, tức là giải thoát sanh tử rồi. Thiền định chính là không còn niệm
thiện ác nào dẫn mình đi trong sanh tử nữa.
Như vậy nhân giải thoát ở đâu, hiện giờ chúng ta có hay không? Ai cũng
có hết, đó là Phật tánh, nó bàng bạc khắp nơi mình, chỉ tại chúng ta
không nhớ. Còn suy nghĩ phải quấy, hơn thua có hình bóng, nên mình biết
tâm sanh diệt đó mà không biết tâm thật của mình. Cứ chạy theo tâm sanh
diệt thì trách nào chúng ta không đi trong luân hồi. Giờ muốn ra khỏi
luân hồi phải dừng tâm sanh diệt. Niết-bàn là giải thoát sanh tử không
còn bị trở lui lại trong lục đạo luân hồi nữa. Cái thật biết của chính
mình, không hình, không tướng, không động tịnh, cái biết đó là giải
thoát sanh tử, chớ đâu phải không có. Nhiều người cho rằng bỏ thân giả
dối, bỏ tâm vọng tưởng rồi thì không còn gì nữa. Đó là hiểu biết nông
nổi, cạn cợt.
Chúng ta nhìn lên bầu hư không, thấy con chim bay qua. Lúc đó chỉ nhớ
con chim mà quên bầu hư không. Con chim bay qua mất, lát sau có chiếc
phi cơ bay lại, lúc đó mình nhìn theo chiếc phi cơ. Phi cơ lại bay mất,
có đám mây xuất hiện, mình chạy theo đám mây. Cứ chạy theo các sự đổi
thay vô thường, mà quên bẵng bầu hư không hiện tiền yên lặng và trùm
khắp tất cả.
Tâm mình cũng giống như vậy. Hết nghĩ chuyện A liền nhớ người B, cho nên
cả giờ ngồi thiền cứ chạy bậy, có khi đấu khẩu nữa. Lý luận với ai
thua, đến giờ ngồi thiền đấu tiếp, nghĩ ra thế này thế kia, phải nói như
vầy hay hơn. Như vậy ngồi đó để lý luận chớ không phải để tu. Nếu mà
tâm cứ ôm ấp những thứ ấy, là chúng ta ôm ấp tâm sanh diệt, gìn giữ thân
sanh diệt, nhưng hai thứ đó bản chất của nó vô thường, làm sao giữ
được? Giữ thân sanh diệt cho mấy cũng có ngày bị hoại, giữ tâm sanh diệt
càng nguy hơn vì nó sẽ dẫn mình đi trong lục đạo luân hồi. Buông hết
hai thứ ấy, chỉ còn một tâm hằng tri hằng giác hiện tiền đây, đó mới là
cái chân thật. Cho nên người học Phật phải tìm tới chỗ cứu kính chân
thật đó, chớ không phải học Phật để đời sau sanh ra giàu sang hơn đời
này, đẹp hơn đời này v.v…
Tu để gỡ sạch mọi thứ nghiệp luân hồi, ra khỏi dòng sanh tử, đó là mục
đích trên hết. Đức Phật dạy “Bị thiêu đốt dưới địa ngục chưa phải là
khổ, bị đói khát trong loài ngạ quỉ cũng chưa phải là khổ, bị kéo cày
kéo xe cũng chưa phải là khổ. Chỉ có mờ mịt không biết lối đi đó mới là
khổ”. Vì khổ ở địa ngục hết tội rồi cũng được ra. Khổ ở ngạ quỉ hết kiếp
ngạ quỉ cũng được sanh trở lại. Khổ ở loài súc sanh kéo xe kéo cày, hết
nợ rồi cũng được trở lại làm người. Chỉ có mờ mịt không biết lối ra,
tức là không biết đường đi để thoát khỏi lục đạo luân hồi, đó mới là cái
khổ hơn hết. Bởi còn trong lục đạo luân hồi thì cứ quay vòng sanh rồi
tử, tử rồi sanh, không biết bao giờ mới xong.
Chúng ta kiểm lại, người ở cảnh sung sướng có hoàn toàn sướng hay cũng
khổ? Có ai không bệnh, không già, không chết đâu. Có bệnh, già, chết tức
là có khổ. Có thân là có khổ. Lẩn quẩn mãi trong sanh già bệnh chết,
không khổ sao được. Chỉ khi nào ra khỏi đó mới thật là hết khổ. Vì vậy
Phật nói chỉ hết si mê mới là hết khổ.
Thế thì muốn hết khổ chúng ta phải bỏ chấp về thân, bỏ chấp về tâm. Tâm
được trong sạch lặng lẽ, thì tri giác của mình mới hiện tiền, đó là
giải thoát sanh tử. Còn ôm ấp giận hờn, thù oán, thương ghét không bao
giờ hết khổ. Tóm lại, muốn hết khổ phải buông tất cả, để một tâm thanh
tịnh hiện tiền hằng tri hằng giác, đó là thoát ly sanh tử. Trong nhà
Phật nói: Bỏ một thân mà được ba thân là Pháp thân, Báo thân, Hoá thân,
rồi được Tam minh, Lục thông, Tứ vô sở úy v.v… Như vậy có phải bỏ tất cả
được tất cả không, có thiệt thòi chỗ nào đâu? Chỉ vì chúng ta không dám
xả, cứ khư khư chấp cái này của mình, cái kia của mình nên chúng ta khổ
hoài. Mình đã khổ mà không ai thương tưởng tới, lại còn ghét nữa. Còn
cứ xả hết vì mọi người, thì ta đã không khổ mà mọi người lại thương mình
nhiều hơn.
Cho nên tôi nói bỏ tất cả là được tất cả, còn giữ tất cả là mất tất cả.
Quí vị tự xét nên bỏ hay nên giữ, tiến hay lùi là quyền của mỗi người
chúng ta vậy.
Tác giả bài viết: HT. Thích Thanh Từ
Nguồn tin: Thiền Tông Việt Nam
http://phatgiaoaluoi.com/news/Tu-hoc/Bo-tat-ca-la-duoc-tat-ca-3576/#.UkMbHFOhRdg