– đã để lại tấm gương sáng ngời cho nhân thế về ý chí, nghị
lực và lòng kiên định. Cả kinh tạng Nikàya lẫn kinh tạng Àgama (A-hàm)
đều có ghi lời Đức Phật thuật lại con đường tầm đạo của Ngài; đầu tiên,
Ngài thọ giáo với hai vị đạo sĩ Àlàra Kàlàma và Uddaka Ràmaputta, sau đó
là quá trình tu hành khổ hạnh của Ngài với nhóm đạo sĩ Kondanna (Kiều
Trần Như).
Sau khi rời bỏ hoàng cung, từ giả đời sống vàng son nhung lụa, thái
tử Siddhattha (Sĩ-đạt-ta) cỡi bỏ áo mão cân đai, cắt tóc xuất gia trở
thành một đạo sĩ sống đời sống tu hành vì mục tiêu tìm cầu chân lý. Để
tìm cho mình một bậc thầy chỉ hướng, Đạo sĩ Gotama đã đến cầu học với
Àlàra Kàlàma, một đạo sĩ lỗi lạc thời bấy giờ; tại đây, Ngài đã tu tập
và thành tựu được pháp thiền Vô sở hữu xứ, một pháp thiền giúp hành giả
sanh về tầng thứ ba của cõi trời Vô sắc sau khi thân hoại mạng chung.
Tuy nhiên, cấp bậc thiền này không đưa đến giác ngộ, giải thoát. Từ giã
Àlàra Kàlàma, Ngài tìm đến Uddaka Ràmaputta, cũng là một bậc đạo sĩ trứ
danh đương thời; vị này đã hướng dẫn Ngài giáo lý để Ngài tu tập thành
tựu pháp thiền Phi tưởng Phi phi tưởng xứ, đây là pháp thiền giúp hành
giả sanh về tầng thứ tư, tầng trời cao nhất của cõi trời Vô sắc sau khi
thân hoại mạng chung. Sau khi đã học tất cả những gì hai vị đạo sư kia
truyền dạy và thành tựu những gì hai vị đạo sư kia đã thành tựu, Ngài
nhận thấy rằng: “[Các] Pháp này không đưa đến yếm ly, ly tham (nhàm
chán, lìa bỏ tham đắm, dục vọng), đoạn diệt (chất dứt mọi đau khổ), an
tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn” (Trung Bộ kinh số 26). Thế là
Ngài lại từ giã đạo sĩ Uddaka Ràmaputta và đi về hướng Uruvelà
(Ưu-lâu-tần-loa), một thị trấn của xứ Se-nà-ni. Tại đây Ngài gặp nhóm
đạo sĩ do ông Kondanna (Kiều Trần Như) dẫn đầu. Thời bấy giờ, theo
truyền thống, người Ấn Độ tin rằng muốn giải thoát khổ đau thì phải khép
mình vào nếp sống khắc khe khổ hạnh. Cũng theo niềm tin đó, Đạo sĩ
Gotama cùng với năm anh em ông Kiều Trần Như kiên trì thực hiện đời sống
phạm hạnh dựa trên kiến giải của bà-la-môn thời đó trong sáu năm ròng
rã. Với lối sống khổ hạnh như vậy, từ một thân thể tráng kiện dần dần
chỉ còn da bọc xương, sức khỏe Ngài sa sút trầm trọng đến nỗi chẳng
những Ngài không còn đứng vững được nữa mà tâm trí cũng mê mờ. Trong Trung Bộ kinh số 12 và số 36 có thuật lại lời Ngài mô tả tình trạng khổ hạnh của Ngàu như sau:
“Vì Ta ăn quá ít, tay chân Ta trở thành như những cọng cỏ hay những đốt
cây leo khô héo. Vì ta ăn quá ít, bàn trôn của Ta cũng trở thành như
móng chân con lạc đà. Vì Ta ăn quá ít, xương sống phô bày của Ta giống
như môt chuỗi banh. Vì Ta ăn quá ít, các xương sườn gầy mòn của Ta giống
như rui cột của một nhà sàn hư nát. Vì ta ăn quá ít, con ngươi long
lanh của ta nằm sâu thẳm trong lỗ con mắt, giống như ánh nước long lanh
nằm sâu thẳm trong một giếng nước thâm sâu…nếu Ta nghĩ: “Ta hãy sờ da
bụng”, thì chính xương sống bị Ta nắm lấy. Nếu Ta nghĩ “Ta hãy rờ xương
sống”, thì chính da bụng bị ta nắm lấy…da bụng của Ta bám chặt xương
sống…nếu Ta nghĩ: “Ta đi đại tiện hay đi tiểu tiện”, thì Ta ngã quỵ, úp
mặt xuống đất,…nếu Ta muốn xoa diệu thân Ta, lấy tay xoa bóp chân tay,
thời…trong khi Ta lấy tay xoa bóp chân tay, các lông tóc hư mục rụng
khỏi thân Ta…”.
Bằng ý chí và nghị lực phi thường, Ngài tu hàng trong một hoàn cảnh
hết sức khắc nghiệt. Thời gian đầu tiên trong rừng là một thử thách rất
lớn đối với một vị thái tử. Trong bài kinh Sợ hãi và Khiếp đảm, kinh số 4 thuộc Trung Bộ kinh,
Đức Phật đã kể lại cho Bà-la-môn Jànussoni nghe và cho biết rằng, phải
trải qua một thời gian Ngài mới có thể khắc phục nỗi sợ hãi nơi chốn
rừng già bằng tinh thần tự chủ. Đức Phật đã thuật lại như sau: “…Sự
quạnh hiu của rừng già quả thật khó chịu đựng, thật khó tìm an lạc trong
đời sống độc cư. Ban đêm khi ta ở lại những nơi đáng khiếp đảm kia, chỉ
một con vật đi ngang qua hay một con công làm gãy cành cây, hoặc tiếng
gió thổi xào xạc giữa đám lá, ta cũng đầy kinh hoàng hốt hoảng”.
Rừng già là nơi mà người nông dân Ấn Độ cho là có nhiều ma quỷ ẩn
náu. Ở đó loài dơi và chồn bay đậu lủng lẳng hàng chục con thành tửng
đám như những chiếc túi nhung đen mềm mại trên các cây cao…Mùa đông ở Ấn
Độ, về đêm nhiệt độ xuống gần không độ, Ngài sống ngoài trời. Và ngược
lại, đến mùa hạ, ban đêm không khí ngột ngạt oi bức thì Ngài sống trong
rừng rậm, ban ngày Ngài lại phơi mình dưới ánh nắng gay gắt như đốt như
thiêu. Đó là lối tu khổ hạnh ép xác mà Ngài hành trì.
Đạo sĩ Gotama đã thực hành tất cả các phương pháp khổ hạnh để cầu đạt
được chân lý, từ phương pháp nín thở, nhịn ăn, ăn ít (chỉ một lần trong
bày ngày – theo Trung Bộ kinh), có khi chỉ ăn các loại cây cỏ
mọc hoang, mặc áo quần toàn bằng giẻ rách, bằng vải liệm tử thi, hoặc
bệnh bằng vỏ cây, rơm hay cỏ khô…Trong Trung Bộ kinh số 36, Ngài mô tả:
“Ta cắn chặt răng lại, ép lưỡi sát vào nóc họng, Ta nỗ lực nhiếp phục
tâm, chế ngự tâm…Như người mạnh nắm lấy đầu hay hai vai một người yếu
rồi đè xuống, dùng sức cưỡng bách và khắc phục, không cho ngóc lên, cũng
giống như thế, Ta chiến đấu và khắc phục những tư tưởng bất thiện. Sự
tinh tấn của Ta quả thật kiên trì và bất khuất. Tâm niệm của Ta thật là
vững chắc và không hề chao động. Tuy nhiên, thân Ta mòn mỏi và không an
lạc sau khi cố gắng một cách đau khổ. Thể xác phải chịu khuất phục trước
sự nỗ lực kiên trì. Mặc dù những cảm giác đau đớn phát sinh khắp thân
Ta nhưng nó không làm tổn hại đến tâm Ta chút nào. (…) Rồi Ta kiểm soát
chặt chẽ hơi thở vô và hơi thở ra từ miệng và mũi. Khi Ta kiểm soát chặt
chẽ hơi thở vô và hơi thở ra từ miệng và mũi thì có luồng hơi thoát ra
từ lỗ tai tạo nên một thứ âm thanh to lớn khác thường. Hơi gió thoát ra
từ hai ống thụt của anh thợ rèn kêu như thế nào thì lúc Ta ngừng thở,
luồng hơi từ lỗ tai thoát ra tạo ra một âm thanh cũng to như thế ấy. Dù
thế nào, hạnh tinh tấn của Ta vẫn kiên trì và bất khuất. Tâm niệm của Ta
vẫn vững chắc và không hề chao động. Tuy nhiên thân Ta mòn mỏi và không
an lạc sau khi cố gắng một cách đau khổ, thể xác phải chịu khuất phục
trước sự nỗ lực kiên trì. Mặc dù những cảm giác đau đớn phát sinh khắp
thân Ta nhưng nó không thể làm tổn hại đến tâm Ta chút nào. Lúc bấy giờ
Ta tự nghĩ: Hay là Ta thử hành pháp nín thở. Ta kiểm soát hơi thở vô,
hơi thở ra từ miệng, mũi và tai. Lúc ngừng thở bằng miệng, mũi và tai
thì hơi bị dồn ép đập mạnh trong đầu Ta đau đớn như có người thật mạnh
khoan vào sọ Ta một lưỡi khoan thật bén. Mặc dù những cảm giác đau đớn
như vậy, phát sinh ở thân Ta nhưng nó không ảnh hưởng đến tâm Ta chút
nào. Ta lại tự nghĩ: Hay là Ta thử hành pháp nín thở thêm nữa.Rồi Ta
kiểm soát hơi thở vô, hơi thở ra từ miệng, mũi và tai. Và lúc Ta ngừng
thở, đầu Ta nghe đau bưng lên. Trạng thái đau đớn kinh khủng lúc bấy giờ
giống như có một lực sĩ dùng dây thừng siết chặt đầu Ta lại. Tuy nhiên
hạnh tinh tấn của Ta vẫn một mực kiên trì. Những cảm giác đau đớn ấy
không gây ảnh hưởng đến tâm Ta. Lúc ấy có những vị Trời thấy Ta như vậy,
đã nói với nhau rằng: “Đạo sĩ Gotama sẽ chết!”. Vài vị khác ghi nhận:
“Đạo sĩ Gotama đang chết dần!…”.
Trong Trung Bộ kinh Đức Phật đã thuật lại những điều Ngài suy ngẫm sau nhiều năm tu hành khổ hạnh: “Bất
cứ Sa-môn Bà-la-môn nào từng có những cảm thọ đau đớn, khốc liệt, khủng
khiếp cũng không thể vượt hơn những khổ thọ mà Ta đã chịu. Tuy nhiên
với khổ hạnh vô cùng khắc nghiệt này, Ta vẫn không đạt được cứu cánh tối
thượng, đó là tri kiến thù thắng, trí tuệ của bậc Thánh. Vậy có thể có
đạo lộ nào khác đưa đến giác ngộ hay chăng?”. Ngài nhận thấy càng
kiên trì khổ hạnh thì trí cùng lực kiệt, thân thể khô gầy như một người
sắp chết, chân lý tối hậu càng xa dần. Ngài thấy rõ sáu năm ròng rã tu
hành khổ hạnh chẳng thu được kết quả gì ngoại trừ thân thể chỉ còn như
một nắm xương khô. Khổ hạnh ép xác thật không phải là một con đường giải
thoát.
Thế rồi Ngài từ bỏ lối tu khổ hạnh, quyết định ăn uống bình thường
trở lại, quyết tâm tự mình phấn đấu để chứng ngộ chân lý tối hậu. Ngài
xuống tắm ở dòng sông Neranjarà (Ni-liên-thuyền) và uống bát sữa của một
mục nữ tên Sujata cúng dường. Sau khi lấy lại sức nhờ uống bát sữa,
Ngài đến ngồi dưới gốc cây Tất-bát-la (sau này được gọi là cây Bồ-đề, vì
dưới gốc cây này Đức Phật đã chứng đắc đạo quả Vô thượng Bồ-đề). Lúc
này bên cạnh Ngài không còn các bạn đồng tu, bởi họ cho rằng Ngài đã
không chịu đựng được đời sống khổ hạnh, thối thất tâm tu hành khi họ
thấy Ngài tắm dưới sông Ni-liên-thuyền và uống bát sữa của nàng mục nữ.
Họ đã rời bỏ Ngài và kéo nhau ra đi. Kể từ lúc này Ngài đơn độc một mình
trên con đường tìm cầu chân lý.
Từ bỏ hai cực đoan: hưởng thụ khoái lạc và khổ hạnh ép xác, Đạo sĩ
Gotama khởi đầu trên một lộ trìng mới-con đường Trung đạo. Bằng con
đường này, Ngài đã mở ra chân trời giải thoát cho chính mình và tất cả
chúng sinh.
Có thể nói sự ra đời của Đức Phật là một sự kiện hy hữu và hành trình
tìm cầu chân lý của Ngài là một tấm gương sáng cho nhân loại noi theo.