Vì trong giai đoạn tìm hiểu nên tôi băn khoăn rất
nhiều về việc niệm Phật phải tương tục không gián đoạn để đạt đến nhất tâm. Bởi
lẽ sẽ rất khó thực hành khi vừa niệm Phật lại vừa chú tâm vào học tập, nghiên
cứu, cũng như chu toàn trách nhiệm xã hội và gia đình nữa. Vì thế mong quý Báo
cho những lời khuyên để tôi có thể an tâm niệm Phật “chắc chắn được vãng sanh”
mà vẫn chu toàn mọi việc trong học tập cũng như các phương diện khác của đời
sống.
(KIM BẢO, prayfordream0911@yahoo.com.vn)
ĐÁP:
Bạn Kim Bảo thân mến!
Bạn đang ở độ tuổi hoa mà đã có chí
nguyện tu học tinh tấn như vậy thật đáng ca ngợi. Đức Phật đã dạy tu và học
phải song hành, như hai cánh chim cùng nâng đỡ và giữ thăng bằng cho chim tung cánh
bay vào trời cao. Vì thế, sự học tập và tu niệm luôn đồng hành, chẳng những
chúng không chống trái nhau mà còn bổ túc cho nhau. Vấn đề đặt ra là hành giả
phải học tập và tu niệm như thế nào để cả hai phương diện đều được thành công
tốt đẹp.
Trước hết đề cập đến vấn đề học
tập, là sinh viên, chắc chắn bạn phải dày công học tập và nghiên cứu về chuyên
ngành học của mình. Không chỉ học kiến thức chuyên môn ở giảng đường, bạn cần
“học ăn, học nói, học gói, học mở” nói chung là kiến thức về cuộc sống ở mọi
lúc, mọi nơi. Ngoài ra, bạn cần phải học tập giáo pháp, nhất là chú trọng vào
giáo điển tông Tịnh độ để có kiến thức chuyên sâu về pháp môn mới có thể ứng
dụng thực hành nhằm chuyển hóa thân tâm của mình một cách thiết thực và hiệu
quả.
Có một điều cực kỳ quan trọng mà
khá đông các bạn trẻ chúng ta chẳng mấy khi chú ý đến đó là sự tán tâm (phóng
tâm, tâm tán loạn, suy nghĩ lan man, thiếu tập trung) đã chiếm mất khá nhiều
thời gian và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng học tập. Khẩu hiệu “giờ nào
việc nấy” tuy học sinh và sinh viên nào cũng biết nhưng thực tế thì chẳng mấy ai
lưu tâm. Do vậy, để học tập tốt mỗi người cần tuân thủ nguyên tắc vàng “giờ nào
việc nấy”. Sự chú tâm, tập trung, chuyên nhất vào công việc đương tại, theo
Phật giáo chính là thực tập Chánh niệm, điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho công
việc học tập và nghiên cứu đạt hiệu quả cao.
Trong lúc học tập, dĩ nhiên là
không niệm Phật vì tâm bạn không thể cùng một lúc chuyên chú vào nhiều việc. Đến
thời khóa niệm Phật, cũng vậy, tâm buông xả hết thảy, chỉ chú tâm vào danh hiệu
Phật mà không nhớ nghĩ đến chuyện khác, kể cả học hành. Mỗi ngày bạn nên thiết
lập hai thời khóa niệm Phật cố định, có thể buổi sáng lúc mới thức dậy và buổi
tối trước khi đi ngủ, là lý tưởng nhất. Nếu luyện tâm chuyên chú ít xao lãng
được như vậy, bạn không những tiết kiệm được thời gian mà kết quả của tu niệm
hay học tập cũng đều trở nên tốt hơn.
Có một đặc điểm quan trọng nữa là
bạn nên nhận diện rõ và tận dụng khoảng thời gian “tâm hoạt động tự do khi
không học tập, nghiên cứu” để tu niệm. Hầu hết mọi người đều lãng phí khoảng
thời gian khá lớn này trong một ngày cho những suy nghĩ lan man, xem nghe không
chủ đích, nói chung là vọng tưởng. Người biết tu thì luôn tận dụng khoảng thời
gian quý báu đó để tu niệm thêm, ngoài những thời khóa cố định trong ngày.
Vì thế, giải pháp cho vấn đề của bạn
ở tuổi sinh viên hiện tại là khi nào cần học thì tập trung vào học, lúc nào cần
nghiên cứu thì chú tâm nghiên cứu, khi nào cần tu niệm thì chuyên tâm tu niệm,
nói chung vẫn không ngoài nguyên tắc Chánh niệm, tức “giờ nào việc nấy” để học
tập và tu niệm đều được chu toàn.
Sau thời sinh viên, lúc đã đi
làm, khoảng thời gian này sự học tập có phần bớt lại vì tri thức và kinh nghiệm
đã tạm ổn, đây cũng chính là lúc hành giả gia tâm niệm Phật nhiều hơn liên tục
cho đến cuối đời. Lúc này, bạn có thể đã thiết lập được khả năng niệm Phật trong
cả lúc làm việc (ngoại trừ những lúc cần tập trung cao), đi lại, giao tế xã
hội, nói chung là tu niệm mọi lúc, mọi nơi. Chính nhờ nỗ lực công phu sâu dày,
trải qua nhiều năm tháng như thế nên niệm lực ngày càng tăng trưởng và có thể
đạt đến khả năng niệm Phật tương tục không gián đoạn, tiến tới bất niệm tự niệm
và thành tựu nhất tâm.
Chúc bạn tinh tấn!