Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Truyền tin qua GIÓ HAY PHÁP MÔN THIÊN LÝ TRUYỀN TÂM (1)
ALEXANDRA DAVID NÉEL – HUỲNH NGỌC CHIẾN, DỊCH
13/01/2012 07:04 (GMT+7)


Chỉ cần biết rằng những môn đồ của các bậc đạo sư huyền thuật đó rất ít khi gặp được sư phụ. Thời gian giữa những lần gặp gỡ kéo dài hay mau đều tùy thuộc vào sự tiến bộ của môn đồ, hoặc khi có những vấn đề về tâm linh cần đến sư phụ khai thị. Khoảng thời gian giữa những lần tiếp xúc của hai thầy trò kéo dài vài tháng, có khi vài năm. Mặc dù xa cách và ít khi gặp nhau, nhưng thầy trò - đặc biệt là đối với những vị có công phu đạo hạnh cao - vẫn có một phương pháp liên lạc với nhau mỗi khi cần thiết.

Thiên lý truyền tâm hay khả năng viễn cảm là một trong những pháp môn thần bí của người Tây Tạng. Dường như khắp nơi trên những núi non cao ngất của “Xứ Tuyết” này đều được phủ đầy bởi hiện tượng thiên lý truyền tâm, giống như vai trò mà ngành điện tín vô tuyến đã thực hiện từ lâu ở phương Tây. Trong khi ở đất nước phương Tây, những thiết bị máy móc truyền tin có xu hướng thiên về đại chúng, thì ở nơi đây, sự truyền đạt những thông điệp tế vi theo cánh gió(2) lại thuộc thẩm quyền của một thiểu số tu sĩ đã thụ pháp.

Khả năng thiên lý truyền tâm không phải là điều xa lạ với phương Tây. Những tổ chức nghiên cứu tâm linh đã nhiều lần ghi nhận các hiện tượng thiên lý truyền tâm. Tuy nhiên, phần lớn các hiện tượng này đều xảy xa ngẫu nhiên và người trong cuộc lại hoàn toàn chẳng hay biết gì cả.

Kinh nghiệm cho thấy khi cố gắng thực hiện phương pháp thiên lý truyền tâm một cách có chủ ý thì kết quả lại rất đáng ngờ, vì chúng không thể lặp lại thông điệp chính xác như mong đợi.

Đối với người Tây Tạng thì vấn đề này lại khác. Họ cho rằng thiên lý truyền tâm là một bộ môn khoa học, và cũng như mọi bộ môn khoa học khác, nó có thể được giảng dạy bởi những người đã được giáo huấn bài bản, đầy đủ và thấy mình có đủ khả năng thực hiện.

Người ta cũng chỉ ra thêm những phương pháp khác nữa đều nhằm mục đích đạt đến khả năng thiên lý truyền tâm, nhưng quan điểm của các tu sĩ bậc thầy trong pháp môn này lại không nhất trí với nhau về quan điểm cho rằng nguồn gốc của hiện tượng này là sự tập trung tư tưởng cao độ đến mức xuất thần.

Các bậc thầy Mật tông tuyên bố rằng, người nào khéo sử dụng năng lực thiên lý truyền tâm thì đều có thể kiểm soát hoàn toàn tinh thần để tập trung tư tưởng một cách mãnh liệt vào một đối tượng duy nhất, từ đó quyết định sự thành công của hiện tượng này.

Vai trò của “trạm thu sóng” có ý thức - vốn luôn sẵn sàng cảm ứng với những dao động sóng thiên lý truyền tâm cực kỳ vi tế - khó khăn chẳng kém gì vai trò của “trạm phát sóng”. Trước tiên, người muốn trở thành “trạm thu sóng” phải có khả năng tương thông với trạm phát sóng mà từ đó nó muốn nhận những thông điệp gởi đến.

 Tập trung tư tưởng vào một đối tượng duy nhất, đến mức mọi đối tượng khác đều biến khỏi phạm vi nhận thức, đó là một trong những cột trụ trong việc luyện tâm của những tu sĩ Lạt ma. Mặt khác, việc luyện tâm cũng bao gồm các phương pháp giúp phát triển khả năng nhận thức những dòng năng lượng khác luôn xô đẩy vũ trụ chuyển động theo mọi hướng.

Dựa trên sự kiện này, một số người khẳng định rằng công phu thiên lý truyền tâm cũng như viêm công, hay nhiều năng lực hữu ích khác, chỉ là những kết quả tùy sinh từ việc luyện tâm, do đó thật là vô bổ nếu xem nó là pháp môn riêng biệt để khổ luyện.

Một số người lại nhìn nhận sự việc theo cách khác. Họ công nhận rằng những năng lực thần thông đạt được từ việc luyện tâm cho phép thực hiện khả năng thiên lý truyền tâm cùng nhiều công phu huyền bí khác; nhưng họ thêm rằng, những người dầu không đạt đến quả vị cao siêu trong Mật pháp hoặc không khao khát cầu pháp vẫn có thể luyện thành công bất kỳ pháp môn tùy sinh nào.

Nói chung thì các đạo sư Mật tông tán đồng điều này ở một mức độ nào đó, và có một số đạo sư chuyên dạy cho môn đồ pháp môn thiên lý truyền tâm.

Một số nhà ẩn tu, dù không luyện tập bài bản theo hệ thống, vẫn có thể đón nhận được những thông điệp khai thị của các đạo sư truyền đi bằng pháp môn thiên lý truyền tâm. Điều này được xem là do lòng tôn kính sâu xa của họ đối với sư phụ. Chỉ có một số ít mới đạt được khả năng truyền đi thông điệp một cách tự nhiên.

Về phương pháp luyện tập của pháp môn thiên lý truyền tâm, có thể phác thảo sơ qua những nét chính như sau:

Trước tiên, hành giả cần phải thực hành những bài tập tập trung tư tưởng vào một đối tượng duy nhất đến mức xuất thần, để hợp nhất cùng đối tượng.

Song song với điều đó, cần phải luyện tập những bài tập bổ sung về tập trung tư tưởng là “hư tâm”, nghĩa là vất bỏ tất cả sự vật ra khỏi tâm trí, để cõi lòng lặng lẽ tịch nhiên tuyệt đối.

Tiếp theo đó hành giả phải quán tưởng và phân tích những tác động đa dạng của các cảm xúc tâm sinh lý nảy sinh một cách đột ngột khó hiểu, cùng những trạng thái tinh thần đặc biệt như vui buồn, sợ hãi, thêm vào đó là những kỷ niệm bất chợt về người, về sự vật, về những biến cố dường như chẳng liên quan gì với tư tưởng hoặc hành động của những người hiện ra trong hoài niệm.

Sau khi đã tập luyện như thế được vài năm thì hành giả mới được phép tham thiền với người thầy.

Hai thầy trò sẽ ngồi thiền trong một căn phòng kín, lờ mờ sáng và cực kỳ yên tĩnh để cùng tập trung tư tưởng vào một đối tượng chung. Cuối buổi hành công, người môn đồ sẽ thông báo cho vị Lạt ma biết những tư tưởng, cảm xúc hoặc những nhận thức khách quan nảy sinh trong các giai đoạn tham thiền. Hai thầy trò sẽ đem những điều này ra đối chiếu với nhau để tìm hiểu những điểm tương đồng hay khác biệt giữa hai người.

Giai đoạn tiếp theo, vị thầy sẽ không cho biết môn đồ biết đối tượng cần quán tưởng, mà để cho môn sinh - trong nỗ lực giữ cho lòng rỗng rang yên tĩnh không cho tư tưởng khởi sinh trong tâm trí - quan sát những tư tưởng, tình cảm cùng những nhận thức xa lạ bất ngờ xuất hiện. Cũng như giai đoạn trước, người môn đồ sẽ thông báo cho vị Lạt ma biết những tư tưởng, hoặc hình ảnh nảy sinh trong quá trình tham thiền, và đem chúng ra để đối chiếu với những gì mà vị sư phụ đã gợi ý cho mình bằng phương thức tâm truyền.

Đến lúc này, vị sư phụ sẽ để môn đồ ở cách mình trong một cự ly không quá xa và truyền lệnh chính xác đến môn đồ. Nếu người môn đồ hiểu được thông điệp này thì anh ta sẽ trả lời lại sư phụ hoặc thực hiện nội dung của mệnh lệnh. Công phu này được lặp lại với khoảng cách giữa hai thầy trò tăng lên dần theo thời gian. Sau khi đã ngồi thiền trong cùng một căn phòng, hai thầy trò sẽ chuyển sang ngồi thiền trong hai căn phòng khác nhau của cùng một tu viện, hoặc vị môn đồ sẽ quay về với thảo am hay thạch động của mình, rồi chuyển xa dần khỏi chỗ ở của sư phụ thêm nhiều cây số.

Ở Tây Tạng, người ta tin rằng các đạo sư có pháp lực thượng thừa có thể đọc được tư tưởng của người khác theo ý muốn. Đối với các đạo sư này thì môn đồ của họ không cần phải gởi thông điệp tư tưởng đến sư phụ bằng phương pháp thiên lý truyền tâm, vì sư phụ đã đọc được tư tưởng của họ trước cả khi họ tham thiền để thực hiện điều này.

Dù điều này đúng hay sai đi nữa thì khi được gán cho vinh dự là một doubtchén, nghĩa là một pháp sư pháp lực thượng thừa, thì vị pháp sư đó phải hành xử ra vẻ như ông ta thực có những thần thông mà người ta gán cho ông. Vì lý do này mà môn đồ của họ khi khởi đầu đạo nghiệp đều luyện tập pháp môn thiên lý truyền tâm bằng cách gởi những thông điệp cho nhau.

Một nhóm khoảng hai ba người kết hợp với nhau để luyện tập pháp môn này dưới sự hướng dẫn của vị Lạt ma sư phụ, và quá trình luyện tập cũng na ná như những gì đã được mô tả.

Những môn sinh lão luyện hơn thì tự kiểm tra sự tiến bộ của mình bằng cách gởi đi những thông điệp bất ngờ, nằm ngoài những bài tập dự kiến, vào thời điểm mà người nhận đang rất bận rộn và hoàn toàn không nghĩ đến việc đón nhận thông điệp.

Họ cũng cố gắng khơi dậy, bằng phương pháp thiên lý truyền tâm, tư tưởng và hành động đối với những người mà họ chưa bao giờ luyện tập chung. Một vài người lại cố gắng khơi dậy hành động nơi loài vật.

Luyện tập phương pháp này phải tốn rất nhiều năm tháng. Thật khó lòng phỏng đoán chính xác có bao nhiêu người đã khổ luyện thành công môn này. Hơn thế nữa, sẽ sai lầm khi tưởng rằng có đông đảo môn sinh theo học pháp môn thần bí này, như ta thường thấy tại các tu viện lớn. Trong một thung lũng hoang tịch như thế này, thì số lượng năm sáu môn đồ sống quanh thảo am của một vị ẩn tu cũng được xem là đông rồi. Ngần đó đã là con số tối đa hiếm khi đạt tới. Cách xa nơi đây, tại một hang núi khác ta có thể bắt gặp thêm một vài môn đồ sống trong những thảo am sơ sài, ở quanh nơi ẩn tu của sư phụ họ cách chừng vài cây số. Qua đó, ta có thể hiểu được nhiều bài luyện tập môn thiên lý truyền tâm đã được một số ít hành giả thực hiện tại những địa điểm khác nhau.

Mặc cho những thành tựu mà các hành giả đã đạt được khi khổ luyện môn thiên lý truyền tâm, các bậc chân sư Mật tông khả kính nhất vẫn không hề khuyến khích điều này. Đối với các vị đó thì việc thành tựu những năng lực siêu nhiên cũng chẳng khác gì trò chơi của trẻ con, hoàn toàn chẳng đáng quan tâm.

Có vẻ như trên thực tế những bậc đại ẩn tu có thể tùy ý truyền thông tư tưởng cho môn sinh bằng pháp môn thiên lý truyền tâm, và người ta còn nói rằng các vị đó còn có thể truyền thông tư tưởng cho bất kỳ loài hữu tình nào; nhưng như đã nói, những năng lực siêu nhiên đó chỉ là những kết quả tùy sinh của tri kiến thâm huyền về những quy luật tâm lý và sự hoàn thiện tâm linh.

Khi đã đạt đến giác ngộ thì không còn sự phân biệt giữa tangười, giữa chủ khách, giữa năngsở mà tất cả đều viên dung nhất thể, cho nên pháp môn thiên lý truyền tâm được thực hiện dễ dàng. Dù trong pháp môn này có một phần sự thật và một phần tưởng tượng, song tôi thấy khôn ngoan nhất là đừng nên bàn gì về chúng.

Từ những quan sát đã thực hiện suốt nhiều năm tháng, tôi có thể kết luận rằng, pháp môn thiên lý truyền tâm cũng như nhiều pháp môn thần bí khác dường như đã tìm được ở Tây Tạng một vùng đất thuận lợi để phát triển, hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới. Nói một cách chính xác thì những điều kiện thuận lợi đó là gì? Trả lời dứt khoát câu hỏi này là một hành động liều lĩnh, trong khi bản chất của những hiện tượng tâm linh siêu nhiên này vẫn còn là điều huyền ẩn.

Có thể là do các hiện tượng tâm linh phải đối mặt với ảnh hưởng địa lý của lãnh thổ cao ngất trời này. Có thể là do sự tịch lặng mênh mông bao trùm lên toàn xứ sở. Nếu tôi dám tự cho phép mình sử dụng cách diễn tả lạ lùng thì đó là sự tịch lặng diệu kỳ mà ta có thể nghe bàng bạc vang trên những tiếng cuồng nộ thét gầm của thác ghềnh, sông suối. Cũng có thể là các năng lực tâm linh hiển thị dễ dàng nhờ sự vắng bóng của những cụm dân cư đông đúc, vì những hoạt động tinh thần tại những nơi này sẽ tạo ra vô số cơn lốc năng lượng tinh thần làm rối loạn những làn sóng tế vi của hiện tượng tâm linh.

Cho dù là vì nguyên nhân gì đi nữa thì sự truyền thông tư tưởng bằng pháp môn thiên lý truyền tâm, một cách vô tình hay cố ý, vẫn không phải là chuyện hiếm xảy ra tại Tây Tạng.

 Bản thân tôi cũng đã từng nhận những thông điệp thiên lý truyền tâm của vị Lạt ma mà tôi có nhiều quan hệ. Có thể số lượng thông điệp nhiều hơn tôi tưởng. Nhưng tôi chỉ giữ lại, xem như là những tư liệu quan sát quý giá, một số ít thông điệp mà nhiều ngày sau hoặc nhiều tháng sau, vị Lạt ma hỏi tôi về kết quả của chúng mà thôi.

Bên cạnh các phương pháp truyền thông tư tưởng mang sắc thái liên quan đến yếu tố tâm linh, tuy không hẳn là phương pháp thiên lý truyền tâm nhưng liên quan đến tính đồng nhất tư tưởng giữa sư phụ và môn đồ, tôi xin kể lại hai câu chuyện bất ngờ mang sắc thái hoàn toàn khác.

Một trong hai câu chuyện này xảy ra tại lưu vực sông Dainchine, trong cuộc hành trình của tôi đến Lhassa. Vị Lạt ma, tác giả của những thông điệp mà tôi thấy giống như hiện tượng thiên lý truyền tâm, sống tại tu viện Tcheudzong.

Yongden và tôi đã trải một đêm ngoài trời, trong một cái hố tự nhiên do những cơn mưa liên tục xói lở đất tạo nên, nhưng giờ đây đã khô và rắn lại nhờ sương giá. Vì không có chất đốt để nhóm lửa pha trà bơ cho bữa điểm tâm quen thuộc, chúng tôi phải lên đường sớm để tìm chỗ lưu trú thường ngày. Đến trưa, chúng tôi bắt gặp một vị Lạt ma vẻ mặt khả kính đang ngồi trên tấm thảm lót yên ngựa3, sát bên vệ đường. Ông ta vừa dùng cơm xong. Cùng với ông còn có ba tu sĩ trẻ (trapa) vẻ mặt thông minh sáng sủa, tựa hồ là môn đồ chứ không phải là những kẻ tùy tùng. Bên cạnh nhóm người này là bốn con ngựa dàm cương đang cố gặm đám cỏ khô.

Những lữ khách này đã dùng củi nhóm lửa, và một ấm trà vẫn còn đang bốc khói trên than hồng.

Chúng tôi, trong bộ quần áo cải trang thành những kẻ hành hương khất thực, lễ phép chào hỏi vị Lạt ma theo nghi thức. Khi nhìn thấy bình trà, có lẽ sự thèm muốn uống trà hiện ra trên gương mặt chúng tôi. Vị Lạt ma lẩm bẩm: “Nyingdjé” (Thật tội nghiệp!), rồi cất cao giọng mời chúng tôi ngồi, bảo chúng tôi đưa bát để rót trà và cho bánh tsampa.

Một trapa liền rót phần trà còn lại vào bát chúng tôi và đặt một đĩa bánh tsampa bên cạnh chúng tôi, rồi đi đến giúp những người trong đoàn thắng yên cương ngựa để chuẩn bị lên đường. Một con ngựa bất ngờ lồng lên bỏ chạy vì sợ hãi. Đây cũng là một biến cố thường xảy ra. Một trapa khác liền cầm dây chạy theo để bắt nó lại.

Vị Lạt ma không phải là người hay nói, ông chỉ lặng lẽ ngồi yên, đưa mắt theo dõi con ngựa đang tung vó chạy băng qua cánh đồng trơ trụi. Chúng tôi tiếp tục ngồi ăn trong yên lặng. Tôi đảo mắt nhìn quanh và nhìn thấy một bình gỗ chứa đầy sữa. Tôi đoán vị Lạt ma đã nhận bình sữa này từ một trang trại mà tôi nhìn thấy trên đường đi, ở cách đây không xa.

Tôi nói thầm vào tai Yongden:

- Khi nào vị Lạt ma kia đi rồi, con hãy đến trang trại kia xin một ít sữa.

Mặc dù tôi nói rất khẽ, nhưng dường như vị Lạt ma kia hiểu được lời tôi nói. Ông đưa mắt nhìn tôi rất lâu với vẻ dò xét, rồi hạ thấp giọng lẩm bẩm: “Nyingdjé” và ngoảnh mặt đi.

Con ngựa không bỏ chạy xa, mà tựa hồ như đang hứng chí chơi đùa nên cứ nhảy nhót lung tung, khiến vị trapa kia không sao đến gần được. Cuối cùng thì nó cũng đứng yên để vị tu sĩ trẻ quàng sợi dây quanh cổ dắt về.

Vị Lạt ma vẫn ngồi bất động, đưa mắt đăm đăm nhìn người môn đồ đang dắt ngựa. Người này đột nhiên ngừng lại, đứng yên một lúc, thái độ có vẻ chăm chú, rồi dắt con ngựa buộc sau một tảng đá. Sau đó anh ta quày quả đi bộ về phía trang trại. Một lúc sau tôi thấy anh ta quay trở lại chỗ buộc ngựa, tay cầm một “vật gì đó” không rõ.

Khi anh ta đến gần, tôi mới nhận ra “vật gì đó” chính là một bình gỗ đầy sữa. Anh ta không đặt bình sữa trước mặt tôi, mà đưa mắt nhìn vị Lạt ma như muốn hỏi: “Sư phụ muốn con làm gì đây? Con phải làm gì với bình sữa này?”

Trước những câu hỏi được lặng lẽ đặt ra, vị Lạt ma chỉ khẽ gật đầu xác nhận và ra lệnh cho người môn đồ đưa bình sữa cho tôi.

Câu chuyện thứ hai tôi sắp kể đây không xảy ra tại Tây Tạng, mà tại biên giới tỉnh Cam Túc và Tứ Xuyên của Trung Quốc.

Tại vùng biên của khu rừng mênh mông trải dài giữa Tangan và ngọn đèo Kunka, có sáu người xin gia nhập vào đoàn chúng tôi. Vùng này nổi tiếng là khu vực hoành hành của thổ phỉ Tây Tạng, cho nên mỗi khi đi qua đây, khách đi đường thường phải kết hợp với nhau thành từng nhóm đông đảo và vũ trang đầy đủ.

Năm trong số sáu người bạn đồng hành mới của chúng tôi là thương nhân Trung Quốc, người còn lại là một phù thủy (ngagspa) đạo Bön. Ông ta vạm vỡ, to lớn, mái tóc dài bó trong một tấm vải đỏ tạo thành một dải băng dài.

Vì luôn tận dụng mọi cơ hội để tìm hiểu về giáo lý và các nghi thức tôn giáo, nên tôi mời vị lữ khách cô đơn kia dùng cơm, với hy vọng được nghe ông ta phiếm đàm về những đề tài tôi đang quan tâm. Tôi được biết ông ta đang trên đường đến với vị sư phụ - một pháp sư đạo Bön đang thực hiện đại nghi lễ thần bí doubthab trên một ngọn núi gần đây. Mục đích của nghi lễ này là hàng phục một ác thần, và bắt y phá hoại một trong những bộ lạc nhỏ trong vùng.

Sau vô số thủ thuật ngoại giao, tôi mới bày tỏ ý muốn được yết kiến sư phụ ông ta, song vị môn đồ thẳng thừng tuyên bố không thể được. Sư phụ ông ta tuyệt đối không thể bị quấy rầy trong trọn tháng âm lịch này, vì phải dành trọn thời gian để tiến hành nghi lễ.

Tôi biết có nài nỉ cũng vô ích, nên định bụng sẽ theo dõi vị ngagspa này khi ông ta rời đoàn chúng tôi, sau khi vượt qua ngọn đèo. Nếu kín đáo tiếp cận vị pháp sư kia một cách bất ngờ thì không chừng tôi có thể nhìn thấy được đàn tràng thần bí này cùng những thứ pháp khí khác dùng trong nghi lễ.

Tôi thấy kế hoạch có vẻ ổn thỏa nên dặn dò những người tùy tùng kín đáo bám sát vị ngagspa kia, đừng để ông lén lút bỏ đi.

Hình như những người tùy tùng của tôi nói chuyện với nhau quá lớn về chuyện này, khiến vị ngagspa biết được ý đồ của tôi đối với đạo sư (gourou) của ông ta, nên lên tiếng cảnh báo tôi có cố gắng làm cũng chỉ hoài công vô ích.

 Tôi trả lời rằng tôi không hề có ý đồ xấu, mà chỉ mong muốn được trò chuyện thân mật với vị pháp sư để học hỏi thêm. Tôi dặn dò những người tùy tùng phải bám riết viên ngagspa kia chặt chẽ hơn nữa.

Người bạn đồng hành của chúng tôi hiểu rằng ông ta bị ép buộc để trở thành một tù nhân, nhưng vì thấy điều đó cũng chẳng gây hại gì và nhất là được ăn uống thỏa thích - một điều mà người Tây Tạng rất xem trọng - nên ông tham gia chuyến lữ hành với tâm trạng vô cùng vui vẻ.

- Đừng lo tôi bỏ trốn - ông ta bảo tôi - bà có thể cho người trói tôi lại nếu bà muốn. Tôi chẳng cần đi trước để báo cho sư phụ tôi biết bà đang đến, vì người đã được thông báo trước rồi. Gnais loung gi téng la lén tang tsa (Tôi đã gởi cho người một thông điệp bằng pháp môn thiên lý truyền tâm rồi).

Các ngagspa thường là những kẻ ba hoa khoác lác rằng họ có những năng lực siêu phàm, nên tôi cũng chẳng quan tâm chi đến những lời ông ta nói.

Thế nhưng lần này tôi đã lầm.

Sau khi vượt qua ngọn đèo, chúng tôi tiến vào một thảo nguyên. Trên vùng thảo nguyên bao la như thế này thì bọn cướp không còn đáng sợ nữa, vì chúng khó tìm ra được chỗ để phục kích.

Những thương nhân Trung Quốc, suốt mấy ngày qua khi còn ở trong rừng, cả ngày lẫn đêm đều không dám rời đoàn người của chúng tôi nửa bước, giờ đây đã lấy lại sự tự tin và vội vã chuẩn bị lừa ngựa để từ biệt. Tôi vẫn có ý định theo dõi vị ngagspa khi ông ta bỏ đi, thì một đoàn kỵ mã khoảng sáu người đột nhiên xuất hiện trên một mô đất và phi nước đại về phía chúng tôi.

Khi đến gần, họ liền xuống ngựa chào hỏi và tặng cho tôi mấy cái khăn khadag(4) và một ít bơ. Sau khi kết thúc nghi thức tặng quà, một tu sĩ lớn tuổi bảo tôi rằng vị đại pháp sư đạo Bön cho đem lễ vật này đến tặng tôi để xin tôi từ bỏ ý định tiếp cận ông ta. Ông ta không được tiếp xúc bất kỳ ai, ngoại trừ một trong những đệ tử đã thụ pháp, không một ai được đến gần nơi ông ta đang triển khai đàn tràng huyền thuật.

Tôi buộc lòng phải từ bỏ kế hoạch của mình. Dường như vị ngagspa kia đã thực sự gởi đi một thông điệp cho sư phụ ông ta bằng phương pháp thiên lý truyền tâm. Tôi hiểu có ôm khư khư ý định cũng chẳng ích gì.

Mặc dù người môn đồ đã cho tôi thấy bằng chứng về những năng lực phi thường, tôi vẫn ngờ rằng chính vị sư phụ kia mới là người dùng huyền lực để ngăn không cho tôi đến gần ông, song những người dân núi vạm vỡ đeo súng bao quanh tôi đang đứng sờ sờ ra đấy, tôi không thể cho là họ những ảo ảnh không có thực. Họ tỏ ra rất mực lễ độ, không hề có biểu hiện ác ý gì với tôi, nhưng thái độ của họ chắc chắn sẽ thay đổi, nếu như tính ương bướng của tôi đe dọa đến sự thành công của một đại nghi lễ đang thu hút sự quan tâm của toàn bộ lạc.

Tôi cũng đưa cho vị ngagspa một tấm vải khadag và một ít tiền để cúng dường cho sư phụ ông ta. Tôi chúc mừng cho những người Tây Tạng kia đã may mắn có được một viên pháp sư thượng thừa, rồi chúng tôi thân mật giã từ.

Dường như hiện tượng thiên lý truyền tâm bằng hình ảnh cũng tồn tại đối với người Tây Tạng. Nếu như tin vào hành trạng của những vị Lạt ma nổi tiếng, được truyền khẩu giữa những người Tây Tạng, ta sẽ thấy có nhiều câu chuyện điển hình của loại này. Song trong những hành trạng đó, sự thật và hư cấu trộn lẫn với nhau chặt chẽ đến mức thà nghi ngờ còn hơn là tin hẳn những câu chuyện dị thường được kể lại trong đó.

Trong thời đại chúng ta, vẫn có những người khẳng định đã từng ghi nhận những ảnh tượng được truyền đi bằng phương pháp thiên lý truyền tâm.

Những hiện tượng này hoàn toàn khác với giấc mơ. Đôi khi những ảnh tượng đột nhiên xuất hiện trong quá trình thiền định, nhưng đôi khi lại xảy ra khi người nhận đang bận rộn với công việc thường ngày.

Một vị Lạt ma tsipa (nhà chiêm tinh) kể cho tôi nghe rằng, một hôm ông đang ngồi dùng bữa thì chợt thấy người bạn đồng tu là một Lạt ma gyud (vị Lạt ma tốt nghiệp khoa huyền thuật), mà đã nhiều năm qua ông chưa hề gặp lại. Người bạn đồng tu này đứng ngay trước cửa cùng với một trapa trẻ tuổi, đeo một túi vải trên vai, điệu bộ giống như đang chuẩn bị lên đường. Người thanh niên quỳ xuống đảnh lễ vị Lạt ma để giã từ, vị Lạt ma mỉm cười nói vài câu gì đó rồi đưa tay chỉ về hướng Bắc. Vị trapa ngoảnh mặt về hướng đó và quỳ xuống đảnh lễ ba lần. Khi đứng lên, vị trapa cầm cái áo choàng zen, đã bị tụt xuống khi đảnh lễ, khoác lại lên vai. Vị Lạt ma tsipa thấy một vạt áo zen đã bị rách. Sau đó ảnh tượng kia biến mất.

Vài tuần sau, chính người thanh niên kia tìm đến, cho biết vị Lạt ma gyud đã gởi anh ta đến đây để xin học về khoa chiêm tinh.

Vị trapa kia kể lại rằng vào lúc lâm hành, khi đang quỳ xuống đảnh lễ sư phụ - là vị Lạt ma gyud - thì anh ta nghe sư phụ dặn dò: “Giờ đây, con sắp có thêm một sư phụ mới. Con nên đảnh lễ ngài đi”, rồi đưa tay chỉ về hướng bắc, là nơi ở của vị Lạt ma tsipa.

Vị Lạt ma tsipa thấy một vạt áo zen của người môn đồ bị rách, giống như ảnh tượng ông đã thấy trước đó.

Tôi hỏi có phải vị Lạt ma gyud muốn thông báo cho người bạn đồng tu biết mình sắp gởi một đồ đệ đến hay không, nhưng vị Lạt ma tsipa này không trả lời, bởi vì biến cố này vừa mới xảy ra, kể từ khi xảy ra, ông ta chưa có dịp trả lời cho bạn.

Tôi phải nói rằng, người Tây Tạng thường tỏ ra ít nhiệt tình trong việc tìm hiểu những hiện tượng tâm linh, và thái độ này của họ cũng chẳng hề cản trở các công trình nghiên cứu. Đối với họ thì những hiện tượng đó tuy khác thường, nhưng cũng không phải là cái gì quá đỗi dị thường, đến mức khiến những người chứng kiến hay nghe kể lại phải vội vã tìm hiểu một cách nghiêm túc. Trên thực tế, đầu óc họ không bị xáo trộn vì những khái niệm chặt chẽ về quy luật tự nhiên, hay về những điều khả thi hoặc bất khả thi, như người phương Tây.

Phần lớn người Tây Tạng, kẻ trí thức cũng như người thất học, mặc nhiên chấp nhận rằng tất cả đều khả thi đối với những ai biết thích nghi, và do đó, những hiện tượng dị thường, mà họ chứng kiến, chỉ khơi dậy trong họ cảm giác ngưỡng mộ đối với người khéo tạo ra chúng mà thôi. n

 

(1) Bản dịch được thực hiện theo nguyên bản tiếng Pháp Mystiques et Magicciens du Tibet, NXB. PLON, 1929, các trang 236-248. Những ghi chú là của người dịch, trừ ghi chú có ghi (T.g) là của nguyên tác.

(2) Nguyên là chữ rlung, (đọc là lung) vừa có nghĩa là “không khí” vừa có nghĩa là “gió”, đôi khi còn có nghĩa là “hơi thở” nữa. Ta có thể hiểu “rlung gi teng la theo nghĩa “nương theo cánh gió” hoặc “truyền qua không khí”… (T.g).

(3) Người Tây Tạng cưỡi ngựa trên yên gỗ có lót thảm (T.g).

(4) Một loại khăn vải mà người Tây Tạng dùng tặng nhau để bày tỏ thiện chí và lòng tôn trọng (T.g).



nguồn:  NGUYỆT SAN GIÁC NGỘ SỐ 190
SỐ ĐẶC BIỆT MỪNG XUÂN NHÂM THÌN 2012

Các tin đã đăng:
Về đầu trang