Đức Phật chưa bao giờ cho rằng Ngài là
thần linh hay Thượng đế, hoặc hơn thế nữa. Ngài chưa bao giờ bảo Ngài có
quyền năng ban phước cho những ai kính tin Ngài, sùng bái Ngài, và
giáng tai họa đến những ai không kính tin, sùng bái Ngài. Đức Phật cho
biết Ngài chỉ là người tìm ra chân lý và dẫn đường cho chúng sinh đến
với chân lý đó; Ngài là người đã thoát khổ và chỉ cho chúng sinh biết
phương pháp thoát khổ đó. Có thấy được chân lý hay không, có thoát khổ
hay không, tất cả hoàn toàn tùy thuộc vào sự nỗ lực của mỗi cá nhân. Đức
Phật không thể làm cho chúng sinh này thoát khổ, khiến cho chúng sinh
kia giải thoát, giúp chúng sinh nọ được an vui. Ngài chỉ có thể nói cho
chúng sinh biết làm thế nào để thoát khổ, làm thế nào để được an vui;
Ngài dạy cho chúng sinh biết con đường để chứng ngộ chân lý. Tóm lại như
đức Phật đã nói, Ngài chỉ là bậc đạo sư.
Đức Phật là người hướng đạo, là người
chỉ đường, còn đến đích, đạt được mục tiêu hay không, sớm hay muộn là do
chúng ta, chúng ta có chịu đi hay không, chúng ta đi mau hay chậm.
Đức Phật dạy về Nhân quả, Nghiệp báo,
Duyên sinh, Vô thường, Vô ngã, chỉ rõ bản chất của đời sống; Đức Phật
dạy về Tứ đế, Bát Chánh đạo, chỉ rõ nguyên nhân của khổ, phương pháp
diệt khổ và an lạc hạnh phúc có được sau khi đoạn tận nguyên nhân của
khổ. Nhưng đôi khi chúng ta không quan tâm, không nhớ những lời dạy của
Ngài, không đi theo sự chỉ đường của Ngài để có được những gì mình mong
muốn, mà chúng ta lại chạy theo những ảo tưởng mê lầm, niềm tin mù
quáng, chúng ta làm theo cảm tính, đến với Ngài bằng niềm tin và những
hành động mê lầm.
Đức Phật khẳng định chúng ta là hải đảo
tự thân, là nơi nương tựa của chính mình. Ngài dạy chúng ta đừng tìm cầu
nương tựa nơi ai khác, kể cả Ngài. Đức Phật dạy chúng ta chính là người
bảo hộ cho mình, không ai có thể bảo hộ chúng ta ngoài chúng ta: “Chính các ngươi là kẻ bảo hộ cho các ngươi, chính các ngươi là nơi nương tựa cho các ngươi” (Pháp cú 380).
Tuy nhiên chúng ta lại không có lòng tin nơi chính mình, không đủ sáng
suốt và lòng kiên định để tin tưởng và mạnh dạn thực hành lời đức Phật
dạy, đi trên con đường mà Ngài đã vạch ra hướng chúng ta đến an vui hạnh
phúc.
Khi gặp khó khăn, bất hạnh, khi đối mặt
với những biến cố cuộc đời, do lúc bình thường không có sự rèn luyện, tu
tập, không học và thực hành lời đức Phật dạy, nên chúng ta hoảng loạn,
cuống cuồng chạy tìm nơi nương tựa, tìm nơi bảo vệ mình. Thay vì đến
chùa cầu đạo, tìm phương pháp tu tập chuyển hóa khổ đau, thay đổi bản
thân và hoàn cảnh để có được an lạc, hạnh phúc, chúng ta lại đến chùa
cầu khẩn, xin phép (phép mầu), cúng giải hạn; về nhà tụng kinh, trì chú
để cầu sự bảo hộ nơi các vị Bồ tát, thiện thần. Thế nhưng, “dù xem
hết kinh Di Đà, niệm suốt chú Đại bi, thì trồng dưa vẫn được dưa, trồng
đậu vẫn được đậu. Kinh chú vốn từ bi, oan kết làm sao cứu? Soi xét lại
tâm mình xưa nay, ai làm thì người ấy chịu” (Khán tận Di Đà kinh, niệm
triệt Đại bi chú, chủng qua hoàn đắc qua, chủng đậu hoàn đắc đậu. Kinh
chú bổn từ bi, oan kết như hà cứu? Chiếu kiến bổn lai tâm, tố giả hoàn
tha thụ – Tế Điên Hòa thượng cảnh thế văn). Bởi vì sự báo ứng của
việc thiện ác như bóng theo hình, nhân quả trong ba đời (những đời trước
và quá khứ của đời này; hiện tại; tương lai) xoay quanh chẳng mất (Thiện ác chi báo như ảnh tùy hình, tam thế nhân quả tuần hoàn bất thất –Niết Bàn kinh).
Hễ gieo nhân thì sớm muộn gì cũng gặt quả, gieo nhân thiện thì gặt quả
lành trong đời này hoặc đời sau, gieo nhân bất thiện thì gặt quả khổ ở
tương lai hoặc ngay trong hiện tại. Hành động tốt hay xấu, thiện hay bất
thiện đều từ tâm mà sinh ra, cho nên phải thường quán chiếu, soi xét
tâm mình, đừng để tâm chạy theo những điều xấu xa, tội lỗi, phải luôn
giữ tâm trong sạch, hướng tâm đến những điều chân chánh, thiện lành. Khi
tâm được giữ trong sạch, khi tâm đã hướng thượng thì hành vi của bản
thân trở nên thánh thiện, lời nói và việc làm của chúng ta đưa đến những
kết quả tốt đẹp, đó là phản ứng của hành động theo quy luật nhân quả.
Dù chúng ta không mong muốn, nó cũng diễn ra như vậy. Còn khi chúng ta
gieo nhân bất thiện bằng những suy nghĩ, lời nói, hành động xấu, ác có
hại cho mình, cho người, hoặc có hại cho cả hai (mình và người khác) thì
dù không muốn nhận lãnh quả báo xấu, sớm hay muộn quả báo xấu cũng sẽ
đến.
Trong kinh Pháp Cú đức Phật dạy:
“Trong các pháp (các hiện tượng, sự vật), tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm
tạo tác. Nếu nói hoặc làm với tâm ô nhiễm (không chơn chánh, tiêu cực,
xấu, ác, bất thiện…), thì sự khổ sẽ theo nghiệp kéo đến như bánh xe lăn
theo chân con vật kéo; Nếu nói hoặc làm với tâm thanh tịnh, thì sự vui
sẽ theo nghiệp kéo đến như bóng theo hình” (Pháp cú I,II). Muốn
được an vui hạnh phúc thì phải tránh xa điều ác, bất thiện, phải làm
nhiều điều lành, điều thiện; Muốn thoát khổ thì phải chuyển hóa tâm (ăn
năn sám hối những lỗi lầm, tội nghiệp đã tạo trong quá khứ: Những đời
trước hoặc quá khứ đời này; tích cực gieo trồng nhân duyên thiện lành,
thực hành lời Phật dạy, tu tập ba nghiệp thân, khẩu, ý). Không có Phật,
Bồ tát hay bất cứ thần linh nào có năng lực giải nghiệp, giải khổ cho
chúng ta, bởi vì các Ngài không thể làm trái luật nhân quả.
Nếu Phật, Bồ tát, thần linh có thể giải
nghiệp, giải khổ cho chúng sinh thì đức Phật đâu cần nhọc công mở ra
nhiều phương tiện, dạy nhiều pháp môn tu tập chuyển hóa, nói mấy mươi
ngàn bài kinh để chỉ cho chúng sinh cách thoát khổ và có được an vui
hạnh phúc.
Nếu Phật, Bồ tát, thần linh có thể giải
nghiệp, giải khổ cho chúng sinh thì với lòng từ bi, các Ngài đã độ cho
tất cả chúng sinh thoát khổ, độ cho tất cả chúng sinh thành Phật, chứng
nhập Niết bàn lâu rồi, đâu còn cảnh chúng sinh nheo nhóc hụp lặn trong
biển khổ sinh tử luân hồi. Chính vì mỗi chúng sinh phải tự mình giải khổ
cho mình bằng cách tu tập chuyển hóa chứ không một ai có thể làm thay
thế, cho nên cho tới hôm nay vẫn còn chúng sinh luân hồi trong lục đạo,
chư Phật, Bồ tát vẫn còn phải thị hiện Ta bà để giáo hóa, chỉ đường.
Lễ lạy đức Phật là vì kính đức từ bi, hỷ
xả, vô ngã, vị tha, công hạnh lợi sinh rộng lớn của Phật; Niệm Phật là
ghi nhớ công hạnh, ơn đức của Phật, xem Phật là tấm gương sáng để học
tập, noi theo. Đọc tụng kinh điển là ôn lại lời Phật dạy, nghiên cứu,
tìm hiểu nghĩa lý cao sâu để áp dụng vào đời sống, tu tập chuyển hóa bản
thân, làm lợi ích cho mình và nhân quần, xã hội. Lễ lạy đức Phật, niệm
danh hiệu Phật, tụng kinh, trì chú cũng là phương tiện giúp nhiếp tâm
định niệm, khiến cho tâm thanh tịnh, trong sáng, từ đó phát sinh trí
tuệ. Khi làm chủ được tâm mình, tâm không còn bị ác duyên, các bất thiện
pháp bên ngoài lôi kéo, dẫn dắt, đồng thời trí tuệ phát sinh, thì chúng
ta có thể giải quyết được các vấn đề khổ đau trong đời sống một cách
hiệu quả. Đó không phải là quyền năng của đức Phật ban cho, đó không
phải là pháp mầu của các vị Bồ tát hay thần linh giúp đỡ. Cho nên chúng
ta đừng bao giờ có tâm niệm rằng lạy Phật để Phật thương xót cứu độ, che
chở, bảo hộ chúng ta, hay giúp chúng ta đắc thành sở nguyện; tụng kinh,
trì chú để Phật ghi công mà ban phước, xóa tội; cầu nguyện để Phật giải
khổ, giải nghiệp cho chúng ta…
Diệu Thể