Các Thầy
nghĩ thế nào, này các Tỷ kheo, các Thầy có thấy hay nghe như sau: “Một người
đánh cá, bắt cá, giết cá và đang bán cá; do nghiệp ấy, do mạng sống ấy được thọ
hưởng hay được sống giữa các tài sản lớn?”.
Thưa không, bạch Thế Tôn.
Này các Tỷ kheo, các Thầy nghĩ thế nào, có thấy hoặc nghe như sau: “Người đồ tể,
sau khi giết các con dê, heo, bò… các loài thú rừng, giết rồi đem đi bán; do
nghiệp ấy, do mạng sống ấy được thọ hưởng hay được sống giữa các tài sản lớn?”.
Thưa không, bạch Thế Tôn.
Lành thay, này các Tỷ kheo! Ta cũng không thấy, cũng không nghe người đồ tể,
sau khi giết các con dê, heo, bò… được hưởng, được sống giữa các tài sản lớn.
Vì sao? Vì người đồ tể giết các loài thú, với ác ý nhìn các loài thú bị giết;
vì vậy người ấy không được hưởng, được sống giữa các tài sản lớn. Huống gì người
với ác ý nhìn loài người bị giết, bị đem đi giết hại. Này các Tỷ kheo, như vậy
là bất hạnh, đau khổ lâu dài cho vị ấy, sau khi mạng chung sanh vào đọa xứ, ác
thú và địa ngục.
(ÐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương 6, phẩm Cần phải nhớ,
phần Con cá, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.42)
LỜI PHẬT DẠY TRONG KINH TẠNG NIKÀYA 623
LỜI BÀN:
Trong cuộc sống, mỗi người có một công việc, một nghề nghiệp riêng. Mặc dù,
không có công việc nào là thấp hèn khi công việc ấy góp phần xây dựng và phát
triển xã hội. Tuy nhiên, xét về phương diện tác nghiệp thì những nghề như đồ tể,
đao phủ là những nghề tạo ra ác nghiệp, không có lợi ích cho tự thân ở đời này
và đời sau.
Khi chọn việc giết hại làm nghề thì sự thuần thục nghề nghiệp sẽ làm cho hành động
giết hại ngày càng thiện nghệ. Năng suất lao động tăng lên thì số lượng chúng
sanh bị giết càng cao. Sự rèn luyện nhằm nâng cao tay nghề cùng với việc gia
tâm học hỏi, nghiên cứu đã làm cho nghiệp giết ngày càng được tích lũy, nhuần
nhuyễn và nặng nề thêm.
Ðiều quan trọng khác mà không mấy ai để ý là nghề giết hại tạo ra tâm lý thích
giết, vui khi thấy bị giết, không hề ghê sợ cảnh vấy máu, tàn sát và chết chóc.
Công nghệ giải trí hiện đại cũng góp phần đầu độc ác tâm con người bằng các thể
loại phim kinh dị, game bạo lực v.v... Từ tâm lý đó, dễ dàng dẫn người ta đến hành
vi giết người mà không hề run sợ.
Ðã đến lúc nhân loại cần thức tỉnh để xét lại quan điểm “vật dưỡng nhơn” của
mình. Chính sự giết hại, tàn sát sinh vật một cách dã man để cung cấp thực phẩm
và thỏa mãn lợi nhuận đã tạo ra sự mất cân bằng sinh thái. Ðồng thời, sự sát hại,
ưa thích giết hại là nguyên nhân sâu xa của chiến tranh, khủng bố, xung đột, bạo
lực và hận thù trên toàn cầu.
Vì lẽ ấy, người Phật tử không giết hại, không tán đồng việc giết hại, cực lực
phản đối mọi hành vi giết hại đồng thời phát triển từ tâm, bảo vệ mọi sự sống.
Nếu có nghề nghiệp khác thì không làm nghề giết hại; nếu đang làm nghề giết hại
mà chưa thể giải nghệ được thì phải nhận thức sâu sắc ác nghiệp đang làm để tìm
cách từ bỏ. Làm được như vậy, người Phật tử đã sống và thực hành theo lời Phật
dạy.
Thích Quảng Tánh