***
Hình Bồ-tát Mật tông Tây
Tạng (tranh lụa Thangka)
Vào năm 641 vua Đường Thái Tông của Trung Hoa
gã công chúa Văn Thành cho vua Tây Tạng. Vị công chúa này là người thông minh,
có học và là một Phật tử thuần thành. Vua Tây Tạng còn có một người vợ khác là
công chúa Ba-lợi-khố-cơ của nước Ni-bạc-nhĩ cũng là người có học thức nên cả
hai khuyên nhà vua cử người sang Ấn Độ và Trung Hoa để thỉnh các vị Tăng sĩ
Phật giáo đến Tây Tạng truyền pháp và đồng thời cũng cử một phái đoàn gồm 18
người do đại thần Thon-mi-sandhota dẫn đầu sang Ấn Độ du học. Khi học xong,
những người này về nước bèn chế ra chữ viết riêng cho Tây Tạng dựa theo chữ
viết tiếng Phạn để có thể phiên dịch kinh điển Phật giáo sang Tạng ngữ. Sự hình
thành một loại chữ viết và việc phiên dịch kinh điển Phật giáo sang Tạng ngữ là
một công trình hết sức phức tạp, nhưng chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn làm
mọi người hết sức kinh ngạc.
Nửa thế kỷ sau đó, năm 710
vua Đường Duệ Tông lại gả công chúa Kim Thành cho vua Tây Tạng đời thứ 35 là
Khí-lệ-xúc-tán. Vị công chúa này lại mang đến Tây Tạng rất nhiều kinh thư và
sách vở của Trung Hoa.
Các ni sư hành lễ theo
pháp tu Mật Tông Tây Tạng dòng truyền thừa Drukpa
ở tịnh thất Tây Thiên, Tam Đảo, Vĩnh Phú.
Năm 787, ngôi chùa đầu tiên của Tây Tạng có
tên là chùa Samye (Tang duyên) được xây dựng và hoàn thành về phía đông nam thủ
đô L’hasa và đây là nơi mà vị cao tăng Ấn Độ Santaraksita (Tịch Hộ) đến hoằng
hóa trong suốt 13 năm thể theo lời mời của vua Trisong Detsen. Sau đó có nhiều
ngôi chùa khác được xây dựng khắp nơi và nhiều vị cao tăng Ấn Độ được mời sang
Tây Tạng để hoằng pháp. Thời gian này được xem là thời kỳ phát triển mạnh nhất
của Phật giáo Tây Tạng. Với sự hỗ trợ của vua Khri-ral-pa-can, Phật giáo
đã đẩy lui những ảnh hưởng của tôn giáo thần chú, bùa ngãi địa phương Bon Pa.
Mặc dù Phật giáo phát triển mạnh, nhưng người
dân Tây Tạng vẫn ưa chuộng huyền thuật hay phép màu do ảnh hưởng lâu đời của
đạo Bon Pa để lại. Ảnh hưởng này ngấm ngầm chi phối dân Tây Tạng trong việc
tiếp nhận các luồng tư tưởng Phật giáo khác nhau. Theo chiều dài của lịch sử,
Phật giáo Tây Tạng chịu ảnh hưởng của bốn luồng tư tưởng; đó là :
1) Luồng tư tưởng này đến
từ phương Nam và là sự tổng hợp các tư tưởng đại thừa do một số học giả bậc
nhất của đại học Ma-kiệt-đà truyền đến. Họ đã sắp xếp nội dung bộ Bát Nhã
Ba-la-mật thành 25,000 bài kệ có đánh số rõ ràng và đây được xem như là bước
đầu tiên trong việc thiền quán về bộ kinh này. Vì đã được chú giải trước ở Ấn
Độ nên khi truyền đến Tây Tạng thì bộ Hiện Quán Trang Nghiêm Luận đã trở thành
nền tảng căn bản để đào luyện những tư tưởng cao hơn mà không lệ thuộc hệ thống
Mật tông.
2) Luồng tư tưởng thứ hai
đến từ phía Đông là của phái Nhất thiết hữu bộ. Tuy được sự thỉnh mời của vua
Tây Tạng, nhưng bộ phái này không bao lâu đã trở thành mờ nhạt vì người dân Tây
Tạng không mấy tích cực về những giáo lý mà chỉ thích phép mầu, thần thông.
3) Luồng tư tưởng thứ ba cũng đến từ phía
Đông do các thiền sư Trung Hoa truyền sang. Các vị này đã có rất nhiều nỗ lực
để chuyển lối sống của người dân Tây Tạng sang theo lối đại thừa, nhưng sau đó
vì ảnh hưởng của mật tông nên họ đã bị thất bại hoàn toàn và bắt buộc phải rời
khỏi Tây Tạng. Khoảng năm 775 có cuộc đấu tranh dữ dội giữa những đồ đệ của các
bậc thầy Trung Hoa (đại thừa) và những đồ đệ của bậc thầy mật tông. Các tu sĩ
Trung Hoa bị dồn ép ác liệt và kết quả họ bị đuổi ra khỏi xứ này. Đây có lẽ
đánh dấu cho sự cáo chung của Phật giáo đại thừa bắt đầu truyền vào Tây Tạng
vào thời công chúa Văn Thành.
4) Luồng tư tưởng thứ tư là do Đại sư Liên
Hoa Sanh (Padma Sambhava) được vua Tây Tạng Ngật Lật Song Đề Tán (755-797)
thỉnh từ xứ Udyàna, miền bắc Ấn Độ. Khi nhận lời mời đến Tây Tạng, Đại sư còn
đem theo 25 vị đệ tử rất nổi tiếng có tài thần thông biến hóa, hàng phục ma
chướng tà đạo. Ấn tượng mà Ngài Liên Hoa Sanh tạo ra với Tây Tạng phần lớn là
nhờ vào việc thực hiện những phép mầu, có tài chinh phục ma quỷ và khả năng
thần thông biến hóa rất gần gũi với đạo Bon Pa nên được dân Tây Tạng tiếp nhận rất
cuồng nhiệt. Những huyền thoại để lại về Ngài có thể là đã vượt qua những sự
kiện lịch sử vì dân Tây Tạng xem Ngài là Đức Phật Thích Ca tái thế.
Đại sĩ Liên Hoa Sanh – Sơ tổ Mật tông Tây tạng
Sự dung hợp và tiếp thu các luồng tư
tưởng theo khuynh hướng đặc thù của người dân Tây Tạng đã biến Phật giáo Tây
Tạng đậm màu sắc của những huyền thuật và phép mầu. Ngài Liên Hoa Sanh là người
sáng lập ra tông phái Ninh Mã (Nyingma) được gọi là Cổ phái và vẫn còn hoạt
động cho đến ngày nay. Ngài cũng là tác giả của cuốn sách “Tử Thư”, xây dựng tu
viện Tang Duyên (Samye) và được coi là Tổ sư của Phật giáo Tây Tạng. Vì thế
Phật giáo Tây Tạng không còn ảnh hưởng Phật giáo Đại thừa nữa mà được xem như
là Phật
giáo Mật tông đậm màu sắc thần linh, lễ nghi, bùa chú, ấn quyết, xuất quỷ nhập
thần rất phức tạp.
|
Tây Tạng - vương quốc huyền bí của Phật giáo .
|
Tuy nhiên, năm 836 khi vua Tây Tạng đời
thứ 39 là Lang-dar-ma lên ngôi thì ông cố gắng tích cực để tiêu diệt Phật giáo
vì ông là một tín đồ thuần thành của đạo Bon Pa. Sau khi đàn áp Phật giáo được
sáu năm thì ông bị một Lạt Ma dùng cung bắn chết vào năm 842. Tuy đã giết chết
nhà vua, nhưng tình hình Tây Tạng càng ngày càng đi vào chỗ tối tăm vì các nhóm
thế lực tranh dành quyền lực khiến cho nước Tây Tạng bị chia năm xẻ bảy làm cho
đời sống dân Tây Tạng cực kỳ khổ sở. Triều đình thẳng tay đàn áp Phật giáo và
buộc các tăng sĩ phải đi làm thợ săn, đồ tể…và họ đốt phá kinh điển cũng như
chùa chiền. Để chống lại đạo Bon Pa, Phật giáo Tây Tạng tìm cách tái lập quan
hệ với Ần Độ để thỉnh mời các tăng sĩ sang truyền pháp.
Trong khi ở Tây Tạng vua
Lang-dar-ma cố tình tiêu diệt Phật giáo thì vào thời điểm đó tức là vào năm 845
ở Trung Hoa cũng xảy ra tình trạng đàn áp và hủy diệt Phật giáo do vua Đường Vũ
Tông đề xướng. Nhà vua đã ra lệnh hủy hoại trên 1,600 ngôi chùa lớn và bức bách
trên 260,000 tăng ni phải hoàn tục. Vua còn ra lệnh đốt hết tất cả kinh điển
Phật giáo, đập phá tượng Phật, tịch thu ruộng đất nhà chùa và thu góp các
chuông đồng để đúc thành tiền. Cũng giống như ở Tây Tạng, sau pháp nạn thì nhà
Đường ngày càng lâm vào cảnh suy vi, u ám và lọa lạc cho đến năm 907 nhà Đường
bị Chu Toàn Trung diệt mất mà lập ra nhà Hậu Lương.
|
Người
dân Tây Tạng rất thân thiện và nhiệt tình. |
Một trong số những người đã có công chấn hưng
Phật giáo Tây Tạng là Rin-chen Bzangpo (985-1055). Ông đã sang Ấn Độ và được
thọ giáo với 70 vị danh tăng cho nên khi về nước ông còn mời rất nhiều vị đến
Tây Tạng giúp ông trong việc phục hưng Phật giáo Tây Tạng. Các vị danh tăng Ấn
Độ khi vào Tây Tạng có mang theo rất nhiều kinh điển mật tông như: Nhất Thiết
Như Lai Kim Cang Tam Nghiệp Tối Thượng Bí Mật Đại Giáo Vương…được dịch sang
Tạng Ngữ. Những yếu tố thiên về Mật tông trong thời điểm này khiến cho hầu hết
các tông phái Phật giáo ở Tây Tạng đều mang đậm sắc thái của Mật tông.
Những sự đàn áp của triều đình không bóp chết
được niềm tin mãnh liệt đã được nẫy nở trong lòng người dân Tây Tạng vì thế cho
dù Phật giáo Tây Tạng chịu đựng sự đàn áp sắp đến chỗ diệt vong đến cuối thế kỷ
thứ 10 và mãi đến thế kỷ thứ 11 thì mới được khôi phục. Năm 1041 có Đại sư Atisha (982-1054) lúc bấy giờ đang trụ trì
tại tu viện Vrikamalisa ở miền bắc Ấn Độ nhận lời mời của vua Yeshe-O để đến
Tây Tạng. Ông lấy triết học Tánh
không và Duy thức làm tư tưởng cho Phật giáo Tây Tạng và đã sắp xếp toàn bộ hệ
thống kinh sách làm ảnh hưởng rất lớn đến các hệ tư tưởng Mật tông Tây Tạng. Ông
nghĩ rằng một trong những khó khăn của Phật giáo là có quá nhiều pháp môn để tu
giải thoát nên ông giới thiệu tác phẩm “Minh
Đăng Thánh Đạo” để giúp chúng sinh thực hành dựa theo ba trình độ phát
triển tâm linh. Mức độ thấp nhất là những người muốn tìm cầu hạnh phúc trong
thế gian này và chỉ nghĩ đến lợi ích của riêng mình. Mức độ thứ hai là những
người cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình, nhưng khôn ngoan hơn là chọn một
cuộc sống đạo đức và tìm cầu trong sạch. Mức độ cao nhất là những người trong tâm
đã hoàn toàn thanh tịnh giải thoát. Nhưng tác phẩm này chỉ được phát huy tối đa
vào khoảng 300 năm sau với sự xuất hiện của ngài Tông-khách-ba (Tsong
Khapa).
Đại sư Tông-khách-ba (1357-1419) sinh tại
Amdo thuộc vùng đông bắc Tây Tạng, xuất gia lúc còn nhỏ và tham học với nhiều
vị đại sư khác nhau. Ông sáng lập ra tông phái Hoàng mạo phái (phái mũ vàng)
(Gelugpa), một tông phái quan trọng nhất của Tây Tạng hiện nay. Ông chủ trương
xét lại toàn bộ kinh điển và tổng kết thành hai tác phẩm chính: Bồ-đề đạo thứ
đệ (Lamrin Chenmo) tiêu biểu cho đường lối tu tập Hiển giáo và Chân ngôn
đạo thứ đệ (Ngagrim Chenmo) tiêu biểu cho đường lối Mật Giáo. Trước khi mất,
Ông di chúc lại cho hai đệ tử là Dalai
Blama và Panchen Blama tức là Đạt-Lai Lạt-Ma (từ bi) và Ban thiền Lạt-Ma (trí tuệ).
Sự hình thành của các tông phái Phật giáo Tây
Tạng diễn ra khoảng 400 năm do chính người Tây Tạng thành lập cho thích hợp với
tinh thần và xã hội của họ mà yếu tố huyền thuật, phép mầu hay thần thông hầu
hết đều mang nặng màu sắc của Mật tông đã từng gắn bó lâu dài với người dân bản
xứ. Để
chống lại sự đàn áp của nhóm Bon Pa, Phật giáo Tây tạng đã được tổ chức thành
những môn phái, giáo hội, nhưng chính sự tổ chức nầy đã đưa Phật giáo vào con
đường suy vong.
Thai tạng giới Mạn đà
la
Kim cương giới Mạn đà
la.
Vì có nhiều giáo hội, tông phái dần dần các
tu sĩ đã trở nên lười biếng, không giữ gìn giới luật và coi việc tu hành như
một nghề nghiệp hướng dẫn tinh thần cho quần chúng hơn là tu thân cầu giải
thoát. Tệ hại hơn nữa, các nghi thức hành lễ để suy gẫm lời Phật dạy đã biến
thành cúng vái, xin xỏ, lên đồng, nhập cốt, giải đáp là số tử vi, bùa chú thư
phù…Các tinh hoa Phật pháp được cất giữ không mang ra giảng dạy mà chỉ đề cao
hình thức bề ngoài. Các tu sĩ không chịu tu học mà chỉ đặt trọng tâm vào việc sắc
tướng như
kêu gọi Phật tử xây chùa, đúc tượng để được phước. Truyền bá những chuyện mê
tín hoang đường để lôi kéo tín đồ thay vì giúp họ tu hành để được giải thoát
giác ngộ. Họ còn cho phép các tu sĩ được lấy vợ và được thừa kế tức là nếu cha
là Lạt Ma thì con đương nhiên cũng thành Lạt Ma khỏi cần tu học. Ở Tây Tạng có
rất nhiều tông phái, nhưng đại để có những tông phái mà những vị tổ sư đã làm
sáng danh Phật giáo Tây Tạng cho đến ngày nay là :
1) Phái
Kadampa là
do đệ tử của Đại sư Atisha là Ngài Gyalwa Dromtonpa thành lập vào khoảng năm
1050. Tông phái này tiêu biểu cho truyền thống trung tâm của Phật giáo Tây
Tạng.
2) Phái
Kagyu do
Ngài Marpa Lotsawa sáng lập. Tông phái này dần dần mang đậm bản sắc Tây Tạng
nhất so với các tông phái khác và không nắm giữ hoặc chi phối các quyền lực xã
hội như các phái Gelugpa…Hiện nay, phái này vẫn còn là một môn phái bảo thủ
mạnh nhất và họ xem việc lập gia đình không cản trở đến sự tu hành. Trong phái
này có sự xuất hiện của Milarepa (1040-1123) là bậc thánh giả và cũng là nhà
thơ vĩ đại của Tây Tạng. Ông nổi tiếng với tác phẩm Thập vạn ca (100,000 bài
ca). Trước khi theo Phật giáo, ông tu theo ma thuật để tìm giết hại những kẻ
thù của gia đình bằng cách làm cho nhà sập đè lên họ và làm mưa đá rơi trên
ruộng của họ. Sau đó nhận biết tội lỗi của mình nên đến tìm gặp Đại sư Marpa để
Ngài giúp ông trả hết những ác nghiệp đã tạo bằng cách gánh chịu những cực hình
trong suốt 6 năm. Vào năm 44 tuổi thì ông ngộ đạo rồi sống 39 năm còn lại như
một nhà ẩn tu trên Hy-mã-lạp sơn gần biên giới Nepal cho đến khi ông viên tịch
vì uống sửa có pha thuốc độc của một người ganh ghét ông.
Truyền thống tái sinh của các vị Karmapa thuộc
phái Kagyu được khởi đầu từ thế kỷ thứ 12 nghĩa là sớm hơn so với các vị Đạt-La
Lạt-Ma gần ba thế kỷ. Có
thể nói họ là những người đầu tiên khởi xướng truyền thống tái sinh tại Tây
Tạng.
3) Phái
Shi-byed-pa trước
tiên do Phan-dam-pa đề ra là tông phái duy nhất chú trọng đến Bát Nhã nên tông
phái này chỉ dành cho thiểu số những người có trình độ cao. Họ dành trọn tâm
trí cho việc thực hành thiền ở những nơi cách biệt và không quan tâm đến xã hội
nhiều. Họ lấy bộ Trung Quán Luận làm nền tảng tu hành. Đây là sự điều chỉnh
những điểm cốt yếu và mặt tâm linh của Phật giáo cho phù hợp với giáo lý mật
tông.
4) Phái
Saskya có
những nét gần gũi hơn với đời sống thế tục. Sau khi chế độ quân chủ sụp đổ, Tây
Tạng không có chính quyền trung ương nên các tăng sĩ của phái này đã nắm lấy
chính quyền và truyền ngôi vị lại cho con cháu. Hiện nay họ vẫn còn tồn tại
nhưng đã từ lâu không còn nắm quyền cai trị đất nước.
5) Phái
Gelugpa là
tông phái nổi tiếng nhất ở Tây Tạng được sáng lập bởi Ngài Tông-khách-ba (Tsong
Khapa) (1357-1419) là nhà tư tưởng vĩ đại của Phật giáo Tây Tạng. Ngài là một
nhà cải cách và đã tiếp nối công việc hoằng pháp của Đại sư Atisha tức là
nghiêm về đạo đức, giới luật và giảm nhẹ ảnh hưởng của pháp thuật bằng cách
nhấn mạnh vào khía cạnh tâm linh. Đây chính là phái mũ vàng đã nắm quyền cai
trị Tây Tạng cho đến năm 1950 khi Trung Cộng xua quân đánh chiếm đất Tây Tạng.
Sự thành công nhanh chóng của Ngài Tông-khách-ba (Tsong Khapa) là vì nhờ ông có
rất đông đệ tử, nhờ vào việc thành lập các tự viện và nhờ vào 16 bộ sưu tập các
tác phẩm Phật học. Trong số đó có hai tập rất nổi tiếng. Một là trình bày đầy
đủ về sáu phép ba-la-mật của đại thừa và tập kia nói rõ những phương thức công
phu theo Mật tông. Tập sách đầu có tên là “Từng bước đi lên giác ngộ” là dựa
theo từ tập sách Minh Đăng Thánh Đạo của Ngài Atisha. Ngài là vị học giả luôn cố
gắng tìm vị trí trung dung giữa những cực đoan, tránh sự thiên lệch và đưa lại
sự hòa giải giữa hai phái mũ vàng và mũ đỏ.
Mãi cho đến vị Đạt-Lai Lạt-Ma thứ 5 là
Lobsang Gyatso (La bốc tạng Gia mục thố) thì việc chấn hưng mới được hoàn mãn.
Tục lệ thừa kế bị loại bỏ và nhiều kỳ thi về Phật học được tổ chức để gạt bỏ
những người mượn áo tu hành làm điều bất chính. Những kinh điển từ trước vẫn
được cất kỹ thì nay được mang ra truyền bá sâu rộng để khuyến khích phong trào
tu học trong nước. Mọi gia đình được khuyến khích gởi con cái vào các tu viện
để trở thành các vị Lạt Ma. Sau đó họ có thể lập gia đình và sống như một người
thường. Chỉ khi nào họ phát nguyện xuất gia thì mới được gọi là tu sĩ (Trappa).
Vào
thế kỷ 15, phái
Gelugpa đưa ra một “luận
thuyết” cho rằng các vị Bồ-tát như Đức
Quán Thế Âm, Di Lặc và chư Phật như Đức Phật A Di Đà chắc chắn đã có hóa hiện
ra những hóa thân để làm các vị giáo chủ mà hóa độ chúng sinh. Những
hóa thân tái sinh này được các vị cao tăng tìm kiếm và xác nhận rất cẩn thận
dựa trên những quy luật rất phức tạp do hội đồng lễ nghi đề ra. Vai trò lãnh
đạo của những vị hóa thân tái sinh này là nét đặc thù của Tây Tạng trong suốt
gần 5 thế kỷ qua. Tất cả 14 vị Đạt-Lai Lạt-Ma đều xuất thân từ phái mũ vàng
nhưng phái mũ đỏ vẫn được tôn trọng và vẫn chiếm số đông.
Điện Istana Potala, Lhasa, Tây Tạng.
Trong cuốn “Tây Tạng Huyền
Bí” có diễn tả về cung điện Potala ở Tây Tạng trước khi quân Trung Cộng đánh
chiếm đất nước này như sau :
“Tu thất của Đức Đạt-Lai
Lạt-Ma tọa lạc trên nóc điện Potala, vì theo phong tục bản xứ, không ai có
quyền được ở chỗ cao hơn Ngài. Một cầu thang vĩ đại xây bằng đá rộng gần bằng
một đường lộ đưa đến tư dinh của Ngài. Điện Potala là một tòa cung điện độc
lập xây dựng trên một ngọn đồi. Đó là cơ quan đầu não để giải quyết tất
cả mọi công việc chính trị và tôn giáo của xứ Tây Tạng. Đó là trung tâm của
quốc gia, mục tiêu của tất cả tư tưởng, nguồn gốc của tất cả mọi hy vọng. Bên
trong vòng thành của cung điện, trong những tòa nhà của Ngân Khố Quốc Gia, có
dự trữ những khối vàng ròng, vô số những bao đựng đầy ngọc ngà châu báu và những
bảo vật quý giá của thời đại cổ xưa nhất…Tiếp
tục bước lên đến một điểm cao tột trên nóc điện, tại đây có những lăng tẩm của
những vị Đạt-La Lạt-Ma của quá khứ, tức tiền thân của đức Đạt-La Lạt-Ma hiện
tại.”
Hãy nhìn lại lịch sử Phật giáo vào thời Đức
Phật còn tại thế. Sau khi Đức Phật thành đạo, Ngài trở về cung thành Ca tỳ la
vệ thăm lại phụ vương và gia đình. Vua cha khẩn thiết yêu cầu Ngài ở lại cung
thành vừa làm vua và vừa là vị Phật, nhưng Ngài chỉ chọn một con đường duy nhất
là khất sĩ. Khất sĩ ở đây là phải chấp nhận từ bỏ tất cả, từ bỏ tiền tài danh
lợi, vợ đẹp con xinh, uy quyền chức tước. Vì sao? Bởi vì đối với phàm nhân thì
những thứ đó là hạnh phúc, là niềm vui, là cứu cánh tột đỉnh của cuộc sống. Còn
đối với bậc đại thánh thì những hạnh phúc này chỉ là giả tạm phù du, như sương,
như khói, như đám mây có tan có hợp và là những sợi dây vô hình cột chặt con
người vào vòng hệ lụy khổ đau. Có thế lực, uy quyền, danh vọng là có tranh
dành, có thủ đoạn hại người lợi mình và dĩ nhiên tội nghiệp cũng vì thế mà tác
tạo. Đây là miếng mồi thế tục, là trò chơi của thế gian.
Ví như sau một vài năm ở ngôi cao Tổng Thống Hoa Kỳ, thì vị nào tóc cũng bạc . Đủ thấy bình trị thiên hạ là phiền não, thủ đoạn, tranh giành,
chém giết
chớ đâu phải dạo chơi chốn hoa viên thanh tịnh an nhàn. Đức Phật xuất
thân là một vương tử, giàu sang phú quý, nhưng khi xuất gia làm người tu sĩ thì
Ngài trở thành người Khất sĩ (buông xả tận cùng). Vì vậy Ngài mới có vô thượng
Bồ-đề và vô thượng Niết-bàn.
Các vị Tổ sư khi thành lập mỗi một tông phái
đều thể hiện những đặc tính siêu việt của mình trong những yếu tố góp phần tạo
nên đời sống thêm phong phú cho Phật giáo Tây Tạng. Tuy các tông phái có sự
khác biệt về việc tổ chức tự viện, về màu sắc y phục, về các vị thần bảo hộ hay
phương pháp thiền định, nhưng họ luôn có sự tác động và vay mượn lẫn nhau. Sự
nổi bật của các vị Đạt-Lai Lạt-Ma đã làm cho nhiều người lầm tưởng rằng các
Ngài là những vị lãnh đạo của toàn thể nhân dân Tây Tạng. Nhưng trên thực tế,
Tây Tạng có rất nhiều tông phái khác nhau và mỗi phái có một vị lãnh đạo tinh
thần tối cao của riêng mình. Vì thế tuy Đức Đạt-Lai Lạt-Ma được xem là người
lãnh đạo cao nhất của Tây Tạng về mọi mặt, nhưng mỗi một truyền thống tông phái
đều có một vị đứng đầu để dẫn dắt họ.
Đối với Phật giáo trên khắp thế giới hiện
nay, một phần ba thuộc về Phật giáo Nam tông (Nguyên thủy) (Tiểu thừa)
(Hynayana), hai phần ba thuộc Phật giáo Đại thừa Bắc tông (Mahayana). Trong khi
đó, Kim cang thừa Phật giáo (Vajrayana) chỉ đại diện cho 1/30 số người Phật
giáo vì Mật tông giới hạn trong các nơi thưa dân như Tây tạng, Bhutan, Nepal và
Mông cổ. Mặc dù Đức Lạt-Lai Lạt-Ma chỉ đại diện cho 1% tín đồ Phật giáo thế
giới, nhưng với uy tín của Ngài, người Tây phương vẫn nhìn Ngài như người đại
diện cho toàn thể Phật giáo.
Ban Thiền Lạt Ma 10
Đức Ban Thiền Lạt Ma, Mao Trạch Đông và Đức Đạt Lai Lạt Ma
Khi Trung Cộng xua quân
đánh chiếm nước Tây Tạng năm 1950 thì cả hai Ngài Ban Thiền và Đạt-Lai còn kẹt
lại Tây Tạng. Tháng 4 năm 1959, sau chín năm bị giam lỏng ở Potala, Đức Đạt-Lai
trốn thoát và tỵ nạn tại Dharamsala tức Little L’hassa gần biên giới Tây Tạng
và Ấn Độ cho đến ngày nay. Trong khi Đức Đạt-Lai trốn được qua Ấn Độ, Ngài Ban
Thiền thứ 10, Lhundrup Choekyl Gyaltsen, còn bị kẹt lại và đã viết bài kiến
nghị dài bảy mươi nghìn chữ để tố cáo cho thế giới về cảnh ngộ khốn cùng của
đồng bào Tây Tạng dưới sự thống trị của Trung Cộng. Ngài đã bị đảng Cộng Sản
Trung Quốc và Mao Trạch Đông lăng mạ và kết án 14 năm trong tù hay cấm cố
tại nhà. Tháng 12 năm 1964, Ngài bị đưa đến Bắc Kinh dưới tội danh “phản cách
mạng” và bị đánh đập tàn nhẫn. Năm 1978, sau khi được trả tự do, Ngài du hành
khắp Tây Tạng và tiếp tục phê bình chính sách cai trị bạo tàn của Trung Cộng.
Chẳng bao lâu sau đó, Ngài bị bắt trở lại và ngày 28 tháng giêng năm 1989, Ngài
được nói là đã trút hơi thở cuối cùng trong hoàn cảnh rất bí mật, hưởng dương
51 tuổi. Để
tiếp tục truyền thống của Phật giáo Tây Tạng, năm 1995 Đức Đạt-Lai Lạt-Ma đã
chứng nhận Gendun Choekyi Nima là Đức Ban Thiền thứ 11, nhưng sau đó Bắc Kinh
đã bắt cóc vị này cùng với cha mẹ và họ bị mất tích cho đến ngày nay. Trung
Cộng sau đó tự chọn một cậu bé khác tên là Gyaltsen Norbu để ngồi vào chức vị
Ban Thiền Lạt Ma thứ 11, người mà hầu hết nhân dân Tây Tạng tẩy chay.
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA THỨ XIV
HIS HOLINESS THE XIV THE DALAI LAMA
( 登珠嘉穆錯 - Tenzin Gyatso )
Đức
Đạt-Lai Lạt Ma thứ 14 hiện nay đã lớn tuổi, nếu một ngày nào đó Ngài viên tịch
thì chắc chắn Trung Cộng sẽ chọn một vị Đạt-Lai mới cũng giống như Ngài Ban
Thiền thứ 11 thì truyền thống Phật giáo Tây Tạng sẽ mai một.
Lê Sỹ Minh Tùng