Đa phần những quyển Kinh Đại Thừa như
DIỆU PHÁP LIÊN HOA, KIM CANG, DUY MA CẬT, LĂNG NGHIÊM đều được mở đầu
bằng “ Như thị ngã văn …” có nghĩa là mượn lời của Phật để thuyết. Điều
đó với người không hiểu gì về việc Truyền Y Bát thì cho là ngụy tạo.
Nhưng với người đã hiểu thì không có gì thắc mắc, bởi việc TRUYỀN Y BÁT
có nghĩa là Tổ trước thấy người kế nhiệm cũng đã Chứng Đắc. Sự hiểu biết
về Giáo Pháp cũng không khác chi mình, nên chọn làm người thay mặt
mình, tiếp tục giữ gìn và quảng bá Phật Pháp, nối tiếp con đường của Đức
Thích Ca để lại. Như vậy, Tổ chính là PHẬT HIỆN ĐỜI. Các Ngài hoàn toàn
có quyền xưng mình là Phật. Dù vậy, các Ngài vẫn khiêm tốn, mượn danh
Đức Đạo Sư khai triển Giáo Pháp, để người đọc thêm tin tưởng mà hành
theo. Dù vậy, suốt những quyển Kinh Đại Thừa ta không hề thấy sự kiêu
mạn nào của Tổ đã giảng ra Kinh đó. Các Ngài không hề hài danh, hài tánh
để người sau phải tôn vinh. Đó là một yếu tố để qua đó ta có thể đánh
giá được cái “ VÔ NGÃ ” của người đã Đắc Pháp.
Chúng ta đều biết, Đạo Phật ra đời trong
bối cảnh đất nước Ấn Độ đã có quá nhiều Giáo phái. Họ thờ đủ thứ Thần
với những huyền thoại về phép mầu, thần thông biến hóa, có quyền sinh,
sát, ban ơn, giáng họa. Vì thế, khi mở ra một đường hướng mới, Đức Thích
Ca cũng không thể làm khác họ. Do đó mà phải có Phật, Bồ Tát thần thông
biến hóa, cứu khổ cứu nạn. Có Cõi Phật đầy dẫy Bảy Báu, là điều mọi
người luôn ham thích, - cả đời phấn đấu để đạt được, bất chấp thủ đoạn,
bất chấp tội ác - để cho họ mong mỏi về đó mà chấp nhận những điều kiện
Phật đưa ra, là phải GIŨ GIỚI, phải bỏ ÁC, hành THIỆN... Tu Sĩ thời đó
phải bỏ nhà đi sống lang thang ngoài rừng. Phải có những hình thức khác
biệt với người đời để được nhiều người chấp nhận thì Phật cũng phải dùng
cách đó để thuyết phục người tin theo, sau đó sẽ dắt họ từ từ tiến
thêm. Nhưng dần dà, các Tổ khai sáng Đạo Phật phải chắt lọc, để chỉ giữ
lại những tinh túy, cần thiết nhất, bỏ đi những hình thức rườm ra, không
dính dáng đến mục đích tu hành. Từ đó những quyển Kinh Đại Thừa đã ra
đời. Về sau, thì Quyển SÁU CỬA VÀO ĐỘNG THIỂU THẤT và PHÁP BẢO ĐÀN KINH
của hai vị Tổ gần với thời của chúng ta nhất thì không dùng “ Như Thị
ngã văn ” nữa, mà hai Tổ trực tiếp đứng ra giải thích nghĩa lý của các
pháp mà Phật đã thuyết cũng như cách HIỂU, cách HÀNH thế nào cho đúng
với Đạo Phật chân chính. Vì vậy, từ buổi đầu, chúng ta thấy Đức Thích Ca
và các Tổ phải Xuất Gia, Cạo Tóc, Đắp Y, Ngồi THIỀN mới “ đắc đạo ” .
Khi ý nghĩa của việc tu hành ngày càng khai sáng, thì trong Kinh DIỆU
PHÁP LIÊN HOA đã nói rõ: “ Bất cứ ai, làm gì, ở đâu, ăn vận thế nào,
miễn Y PHÁP TU HÀNH thì đều THÀNH PHẬT ” . Tổ Đạt Ma thì PHÁ TƯỚNG một
cách quyết liệt. Thậm chí đến thời Lục Tổ Huệ Năng thi Ngài chưa Quy Y,
Thế Phát, Xuất Gia và cũng không hề Ngồi Thiền xuất nào mà vẫn được Đạo.
Đó không phải là một sự đổi khác hay cách tân, mà chỉ loại bỏ những thứ
rườm rà không cần thiết mà ngày xưa do hoàn cảnh nên bắt buộc phải có.
Qua đó, người sau biết rằng muốn tu hành thì không bắt buộc phải Y vào
Hình Tướng, chỉ cần nhắm vào CÁI TÂM mà tu sửa, vì mọi vướng mắc, phiền
não, Sinh, Tử là ở đó.
Thật vậy, TU chỉ có một nghĩa là SỬA. TU
PHẬT, là gỡ cái TÂM vướng mắc với trần cảnh để vẫn tiếp tục sống trong
đó mà không bị nó làm KHỔ. Mục đích đã rõ ràng, thì chỉ cần nắm vững
Phương Tiện để áp dụng. Thế nhưng, nhiều người vẫn cố chấp, cho là muốn
tu hành thì cần phải thực hiện mọi pháp giống y như Đức Thích Ca đã làm
ngày xưa mới đúng! Rõ ràng những người này đã không nắm vững con đường
và mục đích của việc tu Phật. Xin được phép dùng một thí dụ cho sáng tỏ.
Giả sử ngày xưa có một khúc kinh, rạch. Người muốn đi qua đó phải xắn
quần lội xuống nước thì mới qua được. Sau đó thì cầu đã được bắc lên.
Như vậy, chẳng lẽ vì bắt buộc phải giống y lớp người đi đầu mà những
người sau không được dùng cầu để qua con kinh. Phải tiếp tục lội nước,
trong khi mục đích chỉ là qua phía bên kia? Thế rồi, nhiều thời qua, bất
chấp những lời giảng giải của Chư Tổ, có biết bao lớp người tu hành đã
giữ y hình thức như thuở ban đầu Đức Thích Ca đã làm. Cũng là Xuất Gia,
Cạo Tóc, Đắp Y, Khất Thực… mà sao không thấy có ai THÀNH PHẬT? Vậy thì
việc kiên quyết giữ nguyên Hình Tướng nói lên điều gì? Lẽ nào cứ tu hành
đời này sang đời kia, không có kết quả mà chúng ta vẫn chưa chịu xét
lại để xem ngoài Hình Tướng còn phải làm gì nữa chăng?
Không những thế, mục đích tu hành của
rất nhiều người sau này đôi khi hoàn toàn khác với mục đích của Đức
Thích Ca. Lịch sử Đạo Phật có nói rõ, Đức Thích Ca PHÁT TÂM vì thấy cảnh
SINH, LÃO, BỆNH, TỬ đè nặng lên cái thân con người. Ngài Xuất Gia là
muốn rời bỏ những sự ràng buộc, vướng víu của vợ con, địa vị, đi tìm
cách thức để Thoát cảnh đó. Khi tìm được nguyên nhân cũng như cách thức
để Thoát, thì gọi là “Đắc Đạo”. Khi hoàn tất Con Đường Giải Thoát thì
gọi là THÀNH PHẬT. Như vậy, Thành Phật chỉ là hoàn thành Công việc tự
Giải Thoát cho bản thân. Sau đó, Ngài thuyết cho mọi người cách thức để
cũng làm được như Ngài. Nhưng càng về sau thì Thành Phật qua những người
chấp lầm văn tự trở thành một vị Thần Linh, có quyền năng “cứu độ Tam
Thiên Đại thiên thế giới”. Do đó, nhiều người lại Xuất Gia tu hành vì
tôn kính, muốn phụng sự Phật để sau khi chết được rước về Nước Phật!
Thậm chí có người Phát Tâm đi tu vì thấy uy danh của Phật quá lớn… nên
cũng bắt chước Xuất Gia. Nghĩ rằng “Bỏ cái nhỏ để được cái lớn”. Biết
đâu mai kia mình cũng sẽ “hoát nhiên đại ngộ”! Đức Thích Ca thì đi tìm
con đường để Thoát Khổ. Mục đích đã rõ, nên khi Ngài tìm ra thì gọi là
“Đắc Đạo” hay “Ngộ Đạo”. Người sau chẳng biết mình tìm gì? Chẳng biết
phải tìm cách nào? Ở đâu? Vậy mà cũng mong có ngày Chứng Ngộ!
Đạo Phật ra đời cách đây đã mấy ngàn
năm. Thời nào cũng có người xuất gia tu hành. Thật có, giả có. Mạnh ai
nấy giảng. Chính những người không chịu tìm hiểu ý nghĩa những lời Phật
thuyết, cứ Y NGỮ mà hiểu, mà hành, đã đẩy Đạo Phật đi rất xa. Từ Tự Tin,
Tự Độ, nương theo hướng dẫn trong Kinh để Tự Giải Thoát trở thành cầu
xin Phật Độ cho. Sống thì Cầu An. Chết thì Cầu Siêu. Cầu tai qua nạn
khỏi, thăng quan tiến chức, thi đỗ… Nếu cứ “hữu cấu tất ứng” hóa ra Nhân
Quả của Đạo Phật chân chính đã trở thành vô nghĩa! Căn bản của Đạo Phật
là Tự Độ, vậy mà đến này ta thấy chùa nào cũng nghi ngút khói hương!
Con đường tu Phật được Đức Thích Ca bỏ
ra 49 năm để thuyết. Nhưng vì thời đó không đủ ngôn từ để nói về CÁI
TÂM. Bởi nó vô hình, vô tướng, không thể diễn tả. Trong Kinh Lăng
Nghiêm, ta thấy Phật phải giảng đến lần thứ 7 thì Ngài Anan mới hiểu ra.
Cũng nhờ về sau các Tổ giảng Kinh Đại Thừa, qua giải thích thêm của Các
Ngài mà chúng ta mới hiểu rõ thêm về sự liên quan giữa Cái Tâm và mục
đích của Đạo Phật.
Thật vậy. Sở dĩ Đạo Phật xuất hiện ở
trần gian là vì thấy con người hàng ngày phải đối đầu với Phiền Não, với
Sinh, Lão Bệnh Tử. Vì thế, mục đích của Đạo Phật nhằm đào tạo, trang bị
cho con người khả năng miễn nhiễm với Phiền Não để tiếp tục sống chung
với nó. Mọi dính mắc, khổ đau, phiền não là do CÁI TÂM. Chỉ cần THẤY NÓ,
rồi SỬA, hay gọi cách khác là ĐIỀU PHỤC, hoặc CHUYỂN HÓA nó, để nó
không còn CHẤP vào các TƯỚNG HỮU VI thì sẽ được GIẢI THOÁT. Đó là lý do
vì sao Đạo Phật dùng HOA SEN làm biểu tượng, là vì dù được sinh ra và
lớn lên từ Bùn, nhưng không bị Bùn làm cho ô trược, nói lên sự “THOÁT
TỤC NGAY CHÍNH NƠI TRẦN TỤC”. “THOÁT PHIỀN NÃO NGAY CHÍNH TRONG PHIỀN
NÃO”. Nếu Hoa Sen được trồng trong chậu nước tinh khiết. thì làm sao nói
lên được tính cách của nó là “không nhiễm mùi bùn”? Như vậy, nếu Đạo
Phật không được lưu hành tại cảnh đời ô trược, mà người tu bắt buộc phải
đóng khung, xây tường che chắn, biệt lập, để Phiền Não không động tới
được thì HOA SEN còn có ý nghĩa gì nữa! Phải chăng vì thế mà Lục Tổ có
Kệ: “Phật Pháp tại thế gian. Bất ly thế gian giác. Ly thế mịch Bồ Đề.
Cáp như cầm thố giác”. Có nghĩa là Phật Pháp ở tại thế gian. Không rời
xa thế gian mà giác ngộ. Rời thế gian mà tìm Giải Thoát thì cũng giống
như đi tìm sừng thỏ”.
Mỗi đời Tổ đều nối tiếp nhau để khai
triển lời Đức Thích Ca đã giảng day, vì các Ngài có nhiệm vụ thực hiện
Di Ngôn của Đức Thích Ca, đời đời nối truyền Chánh Pháp, để phá mê, Giải
Khổ cho chúng sinh. Từ những Pháp Phật giảng ngày xưa, do không đủ ngôn
từ để diễn tả, nên được cho là “xa kín nhiệm sâu”. Đến đời các Tổ, qua
các Kinh ĐẠI BÁT NIẾT BÀN, DIỆU PHÁP LIÊN HOA, VIÊN GIÁC, LĂNG NGHIÊM,
DUY MA CẬT vv… người tu học sẽ được giải thích một cách rõ ràng, để
không bị hiểu lầm mà rơi vào thần quyền, mê tín. Chỉ lo Tự Độ, Tự Tu, Tự
Giải Thoát.
TU PHẬT là để THÀNH PHẬT. Thành Phật là
để được Giải Thoát. Giải Thoát đó như thế nào? Tu ở đâu? Công phu ra
sao? Thế nào là Thấy TÁNH. Làm sao Thấy được Bổn Thể Tâm. TRÍ BÁT NHÃ là
gì? Kể cả những thắc mắc: Có cần bỏ hết mọi thứ để vô Chùa, cạo tóc,
đắp y, chay lạt… mới tu hành được? Phước Đức, Công Đức, Chúng Sinh là
gì? Tây Phương, Đông Phương ở đâu? Làm sao đến đó?... Tất cả đều được
Lục Tổ giảng giải trong Pháp Bảo Đàn Kinh đem lại cho chúng ta một sự
hiểu biết một cách rõ ràng đúng theo tinh thần của Đạo Phật chân chính,
không hề mâu thuẫn với mục đích của Đạo Phật do Đức Thích Ca giảng dạy.
Người chê Kinh Đại Thừa không do chính
bản thân mình kiểm chứng, đánh giá mà chỉ vì nghe lời người không hiểu
gì về việc Truyền Y Bát tuyên truyền, rồi nghe theo đó mà phỉ báng,
khích bác, để rồi chính mình khi hành trì các pháp cũng không biết sẽ về
đâu, quả là một sự thiệt thòi. Vì vậy, sao chúng ta không thử đọc qua
Kinh Đại Thừa một lần xem những lời chỉ trích, chê bai đó thực, hư như
thế nào? Để rộng đường dư luận, b ắt đầu từ tập này, tôi xin trích lại
những lời giản dạy của Lục Tổ, thêm vào đó là nhận xét của riêng tôi,
qua quá trình tìm hiểu, đối chiếu với khá nhiều quyển Kinh Đại Thừa
khác, để chúng ta có dịp tự mình đánh giá lại sai, đúng. Phần chính Kinh
vì quá dài nên tôi rút bớt lại, chỉ giữ những ý chính. Mong rằng có thể
khơi lại giòng Chánh Pháp đã bị chôn vùi từ nhiều đời, và để chúng ta
có dịp so sánh những điều mình đang hiểu, đang hành xem có phù hợp với
những gì do chính Đức Lục Tổ giảng dạy hay không để kịp thời chấn chỉnh.
T.N