Người
Đông phương chuộng hiếu nghĩa, yêu hòa bình, có tấm lòng tri ân và báo
ân, luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác khó khăn. Phật Giáo nói Kinh Vu
Lan Báo Hiếu, diễn nghĩa Kinh Phương Tiện Đại Báo Ân, với tinh thần “Thượng báo Tứ trọng ân, hạ tế Tam đồ khổ”
cho nên từ giáo nghĩa cho đến hành sự không còn chổ nào có thể làm phật
lòng người Đông phương, chính vì vậy người Đông phương hầu như tiếp
nhận hết thảy giáo điển, phương thức tu hành, nghi thức tôn giáo, tín
ngưỡng, âm nhạc của Đạo Phật, xem tất cả như là văn hóa của chính mình
và khi thực hiện những điều này một cách tự nhiên thuần thục không một
chút do dự hay lo nghĩ. Cho nên khi nói về Pháp Hội của Phật Giáo hầu
hết đều có nguồn gốc từ Ấn Độ nhưng thật ra Pháp hội, đàn tràng và nghi
thức của Phật Giáo đều được hình thành và phát triển phần đa do người
Phật Giáo phương Đông, mà đại diện là Trung Hoa.
Pháp Hội Thí Vô Giá có nguồn gốc từ Ấn Độ gọi là “Vô Giá Đại Hội” còn gọi là “Ngũ Niên Nhất Hội”, “Ngũ Niên Công Đức Hội”, “Ngũ Tuế Hội”.
Pháp hội xưng là “Vô Giá” là vì trong Pháp hội này, lòng từ bi hỷ xã,
khoan dung bố thí được thể hiện rốt ráo cho nên không có chổ để so
lường nữa nên gọi là “Vô Giá”. Ở Pháp hội này tất cả
mọi người đều được quyền tham gia, không phân quí tiện, hiền ngu, đạo
tục và bình đẳng tham dự, thọ sự cúng dường tài thí bình đẳng như nhau
và pháp thí cũng như thế.
Pháp Hội Thí Vô Giá theo truyền thuyết
là có từ thời Vua A Dục. Nhà vua cử hành đại lễ này với ý nghĩa là kỷ
niệm Đức Phật Thích Ca lúc năm tuổi làm lễ cắt tóc theo phong tục cổ
của người Ấn Độ (ngày nay phong tục này vẫn còn lưu hành). Và cứ mỗi 5
năm tổ chức một lần và Đức Vua làm đại thí chủ. Trong thời gian diễn ra
Pháp hội nhà vua đem hết thảy tiền tài vật dụng của quốc khố trừ binh
khí ra để làm vật bố thí, mọi người tham dự pháp hội đều được cúng
dường như nhau, không phân biệt giàu ghèo, sang hèn, tôn giáo hệ phái
hay đạo tục, không có sự phân biệt trong bố thí cúng dường, mỗi lần
pháp hội có khi diễn ra trong suốt 75 ngày.
Phật Giáo Đông truyền Pháp hội Thí Vô
Giá cũng theo gót chân các nhà truyền giáo Đại sư đến với người Đông
Phương. Pháp Hội Thí Vô Giá lần đầu tiên được tổ chức tại Đông Độ là
vào thời nhà Hán - Trung Quốc. Theo sách “Lịch Đại Tam Bảo Ký”
chép: “ Vào thời Hán Linh Đế niên hiệu Quan Hòa thứ ba (công nguyên
năm180) Vua Linh Đế tại chùa Phật Tháp ở Lạc Dương làm lễ cúng Tăng.”.
Nhưng Pháp hội được thịnh hành thì phải đến đời của Vua Lương Võ Đế,
đây là một vị Vua có công rất lớn đối với sự hoằng truyền Phật Giáo Bắc
Truyền và là người Phật tử thuần thành, là đại thí chủ Lớn nhất của
Phật Giáo Bắc Truyền xuyên suốt chiều dài lịch sử của Bắc Truyền Phật
Giáo từ xưa cho đến ngày nay.
Vua Lương Võ Đế húy Tiêu Diễn tự Thúc
Đạt, người xứ Nam Lang Lăng nay thuộc Thường Châu, Giang Tô Trung Quốc,
là vị Hoàng Đế sáng lập ra nước Lương thuộc thời đại Nam Bắc Triều ở
Trung Quốc (464-549) là vị vua đầu tiên và cũng là duy nhất của Trung
Quốc dùng Phật Giáo để trị quốc, vị vua bốn lần phát nguyện xã bỏ đế vị
vào chùa làm nô bộc để tu hành đồng thời là người thiết hội Thí Vô Giá
nhiều nhất. Theo sách “Nam Sử” chép “Nhà Vua 14 lần thiết Hội Vô Giá và bốn lần xã thân vào chùa làm nô” Lương
Võ Đế có hai việc làm ảnh hưởng Phật Giáo Bắc Truyền cho đến ngày nay.
Thứ nhất là ra lịnh Tăng sĩ Bắc Truyền phải trường trai, hai là người
sáng lập Thủy Lục Pháp hội, khởi nguyên của nghi lễ, đàn tràng, kinh
sám Phật Giáo Bắc Truyền.
Thí Vô Giá Hội được tổ chức để bố thí
cho người còn sống về tài thí cũng như pháp thí, Phật Giáo truyền vào
Trung Quốc trong thời kỳ loạn lạc nhất, chiến tranh liên miên, chiến sĩ
trận vong, đồng bào tử nạn vô số kể, cho nên khi đến đời vua Lương Võ
Đế, Nam triều lúc bây giờ có thể nói là tạm được bình yên. Nhà vua sau
khi đã 14 lần làm Pháp Hội Vô Giá bố thí cho người sống vì lòng từ bi
của một người con Phật công thêm một nhân duyên hết sức thần kỳ là
nhân duyên sanh ra Pháp Hội Thủy Lục. Sách “Thủy Lục Nghi Quỹ Hội Bổn”
chép: “ Vua Lương Võ Đế một đêm nằm mộng thấy có vị thần Tăng nói với
Vua rằng: Chúng sanh trong luân hồi lục đạo, chịu khổ vô cùng, sao
không thiết Thủy Lục Đại Trai để phổ độ cho họ. Tỉnh mộng vua đem việc
này ra hỏi các vị Cao Tăng và chiếu lệnh cho Ngài Chí Công đại sư cùng
các vị Cao Tăng biên soạn nghi thức Thủy Lục Pháp Hội và tu kiến Đàn
Tràng Thủy Lục tại Chùa Kim Sơn.” Đây là khởi nguyên của nghi lễ đàn
sám.
Theo thuyết “Lương Hoàng Sám”
cho rằng: Thủy Lục Pháp Hội có nguồn gốc từ tích Hoàng Hậu Hy Thị được
vua sủng ái nên lòng đố kỵ rất lớn tạo các nghiệp ác, khinh chê Tam Bảo
hủy báng Tăng già, sau đó bịnh nặng rồi chết đọa thành con rắn lớn chịu
khổ vô cùng, trong mộng cầu vua tìm phương cứu giải, vua nhờ Ngài Chí
Công soạn Lương Hoàng Sám làm lễ sám hối cho bà và theo đó làm Pháp Hội
Đại Thí, nhờ đó Hoàng Hậu được thoát khổ sanh thiên.
Theo “Thủy Lục Nghi Văn”
Chí Công Hòa Thượng theo lịnh của Võ Đế cùng với các vị Cao Tăng trong
Triều soạn Nghi Thủy Lục, nhưng vì mọi người không hiểu Pháp Hội Thủy
Lục tổ chức như thế nào và nghi quỹ phải trình tự lễ nghi ra sao, cho
nên đêm ngày đọc tụng, tìm kiếm hết thảy trong các bộ Kinh điển Đại
Thừa cho đến ba năm mới tìm ra Kinh “Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Đà La Ni”
tích ngài A Nan thấy Diện Nhiên Vương, kiến lập bình đẳng thí thực. Chư
vị cao Tăng dựa trên bổn Kinh và theo ý nghĩa bình đẳng bố thí của Thí
Vô Giá Hội soạn ra khoa nghi bình đẳng thí thực sau này thường gọi là
chẩn tế và trước đàn chẩn tế thường treo câu “Thí Vô Giá Hội” từ tích
này.
Thủy Lục Pháp Hội còn gọi là Thủy Lục Hội, thủy Lục Đạo Tràng, Thủy Lục Trai, Thủy Lục Đại Trai Hội, Bi Tế Hội và gọi đủ là “Pháp Giới Thánh Phàm Thủy Lục Phổ Độ Đại Trai Thắng Hội”
ý nghĩa và công năng siêu độ hết thảy thủy lục nhất thiết du hồn, lục
đạo chúng sanh. Đây là nghi thức Pháp Hội long trọng và lớn nhất trong
nghi lễ đàn tràng Phật Giáo Bắc Truyền. Thủy Lục Pháp Hội tập hợp hết
thảy tinh hoa, Kinh điển, Khoa nghi, nghệ thuật âm nhạc, nghi quỹ, tán
tụng, thiết trí đàn tràng, hội họa, văn học.v.v…
Thủy Lục Pháp Hội nội dung rất là phong phú đàn nội phức tạp, Đàn Tràng gồm có nội đàn, ngoại đàn và sáu tiểu đàn.
1- Đại đàn còn gọi là “Lương Hoàng Đàn” chuyên lễ bái Lương Hoàng Sám.
2- Chư Kinh đàn, đàn này chư Tăng chuyên tụng Kinh Dược Sư.
3- Pháp Hoa đàn đàn này chuyên tụng Kinh Pháp Hoa.
4- Tịnh Độ Đàn, đàn này tụng Kinh Quán Vô Lượng Thọ và Kinh A Di Đà.
5- Hoa Nghiêm đàn, đàn này tụng Kinh Hoa Nghiêm.
6- Du Già đàn, Đàn Chẩn Tế Diệm Khẩu
Ngoại đàn chủ yếu là tụng kinh và bái sám, tất cả các khoa nghi đều thực hiện trong nội đàn. Gồm các nghi thức như: Niêm
đàn sái tịnh, kết giới, khiển sứ phát phù, phụng thỉnh Tam Bảo liệt vị
thánh chúng, long thiên hộ pháp giáng đàn, khai kinh, thượng phan.
Thỉnh thượng đường, thỉnh hạ đường, cúng phật trai tăng, phóng sanh,cầu
siêu, chẩn tế, tống thánh.v.v…Thủy Lục Pháp Hội được tổ
chức trong 7 ngày đêm, hoặc là 49 ngày đêm, chư Tăng tham dự thường
khoảng hơn 100 vị có khi đến cả 1000 vị và có khi thỉnh cả chư vị Thạc
Đức Cao Tăng trong cả nước.
Nghi lễ Phật Giáo Bắc Truyền do ảnh
hưởng tập quán thờ cúng tổ tiên của các dân tộc Đông phương cho nên hầu
hết các pháp hội lớn của Phật giáo Bắc Truyền đều tập trung vào việc
cầu siêu, tế độ cho người đã mất vì quan niệm rằng “Âm siêu dương thái”
cho nên cầu nguyện cho âm giới siêu sanh thì dương gian sẽ khương thái,
khi thể hiện những nghi thức thuộc về thế giới siêu hình huyền bí, tính
chất Mật Giáo được thể hiện và sử dụng nhiều trong những nghi thức của
đàn tràng Pháp hội, nên dễ gây hiểu lầm các nghi thức đàn tràng có tính
chất bí mật nhưng tất cả chỉ nằm gọn trong bốn chử là “Vận tâm bình đẳng”.
Nghi lễ Đàn Tràng Pháp Hội Phật Giáo
Bắc Truyền có nguồn gốc từ Ấn Độ nhưng khi truyền nhập vào phương Đông
đã hoàn toàn hòa nhập thành văn hóa tín ngưỡng pháp hội của người Đông
Độ và các nghi lễ, nghi thức đều mang tính đặc trưng văn hóa, tín
ngưỡng truyền thống Á Đông và là phương tiện độ sanh hữu hiệu của Phật
Giáo Bắc Truyền, là nơi gởi gắm tâm tư nguyện vọng của tín đồ Đạo Phật,
đồng thời mang đậm nét lễ nghi, nghệ thuật âm nhạc, đạo đức của Phật
Giáo Đông Truyền.
Từ cội nguồn của “Thí Vô Giá Hội” đến “Thủy Lục Đạo Tràng” và cuối cùng là sự phổ biến của “Trai Đàn Chẩn Tế”
tất cả đều là phương tiện hoằng hóa của Phật Giáo Bắc Truyền và là một
phần không thể thiếu trong kho tàng văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc, trang
trí hội họa, diễn tấu của Phật Giáo Thế Giới nói chung, Phật Giáo Đông
Độ nói riêng. Giá trị của nghi lễ đàn tràng Phật Giáo Bắc truyền là
điểm son chói lọi trong nền văn hóa nghệ thuật nhân loại.
Thích Tâm Mãn