Cho nên, ta chẳng ngạc nhiên gì khi vua Lý Nhân Tông nói nên
ước nguyện được học Phật và làm Phật của mình trong một câu thơ” Nhất
Phật nhất thần tiên”( Một Phật một thần tiên) qua bài kệ tán thán
Thiền sư Giác Hải và Chân nhân Thông Huyền được ghi trong sách Thiền
uyển tập anh.
Rõ ràng, thực thi khát vọng được trở thành “ Một Phật một thần tiên “
là không của riêng ai mà còn cho tất cả Phật tử hiện hữu trên thế gian
này.
Ngay từ thủơ nằm nôi, mỗi người trong chúng ta ai cũng từng thẩm thấu
lời ru của mẹ hiền qua từng ngày tháng, được nghe mẹ kể chuyện cổ
tích thần kỳ khi tuổi còn thơ; những lời ru, những câu chuyện thường
thấp thoáng hình bóng ông Bụt. Đêm đêm thấy ông Bụt hiền từ hiện về
trong giấc mơ thần tiên, ngày ngày trông chờ ông Bụt xuất hiện như vị
thần tiên khi mình gặp rắc rối, bị người lớn, cha mẹ chị em la rầy, ấm
ức khóc nhè khi cảm thấy oan ức.
Khi tuổi thơ đi qua, lớn lên cất bước vào đời, ta cứ ngỡ rằng ông Bụt xuất hiện như vị thần tiên trong chuyện cổ tích Tấm Cám, Thằng Bờm, Cây tre trăm đốt…ngày
xửa, ngày xưa đã biến mất. Thực ra, ông Bụt vẫn xuất hiện giữa đời khi
ta gặp chướng duyên, khi phải khó khăn đối diện với những vấn đề nan
giải. Ta vẫn gặp gỡ, tiếp cận những mẫu người hiền như Bụt, sáng suốt
như Bụt, can đảm như Bụt trong các mối quan hệ đời thường. Chưa hết, đi
tới đâu, làm việc gì, ước muốn gì chỉ cần ta có Phật tâm, thiện tâm
thì lập tức cũng có người khác đồng tâm ủng hộ để ta nhanh chóng thành
tựu chí nguyện của mình. Và như thế, Phật tâm , thiện tâm thực chất chỉ
là một, chỉ cần ta có một Đức Phật trong lòng, ta cũng đủ sống với
đời, an trú trong đời mà không bị dòng đời chi phối. Lúc đó, ta có thể
có hạnh phúc thật sự và ồ lên: “Thì ra cảnh đời đã hóa thành cảnh Bụt,
cảnh trần gian hóa thành cảnh thần tiên trong ý nghĩa Nhất Phật nhất thần tiên”.
Xem ra, Bụt đồng nghĩa với thần tiên trong tâm thức người Phật tử
giữa đời sống thực là điều hiển nhiên, như trong điều 2 của tác phẩm Lý hoặc luận ghi, được Mâu Tử lý giải và khẳng định “…Phật
là nguyên tố của đạo đức, đầu mối của thần minh. Nói Phật nghĩa là
giác, biến hóa nhanh chóng, phân thân tán thể, hoặc còn hoặc mất, nhỏ
được, lớn được, tròn được, vuông được, già được , trẻ được, ẩn được,
hiện được, đạp lửa không bỏng, đi dao không đau, ở dơ không bẩn, gặp họa
không mắc, muốn đi thì đi, ngồi thì lóe sáng, lên gọi là Phật”
(1). Rõ ràng, một cái nhìn về Phật thể như thế sẽ tác động mạnh mẽ vào
tâm thức con người trong chiều hướng thăng tiến, được xây dựng trên nền
tảng nguyên lý đạo đức của con người, là đầu mối của thần minh, chứ
không phải gì khác ở bên ngoài hiện thực con người đang sống. Hay nói
cách khác, xuất phát điểm từ con người, vì con người mà sống theo nguyên
lý đạo đức của con người thiết lập, mà chuyển hóa thân tâm, sống an
nhiên tự tại như Phật, an nhàn tiêu dao như thần tiên.
Thế nên, khi ta sống trong đời với niềm tin và thực thi nếp sống đạo
đức hướng thiện thì hóa thiện những phẩm chất cao thượng, sau đó đi đến
sự an định trong tâm thức và thăng tiến trí tuệ, đó là Giác. Mỗi khi
tính giác hóa thiện thì khả năng sáng tạo vô cùng của mỗi người sẽ xuất
hiện lớn hơn và có thể làm nhiều điều kỳ diệu cho chính mình, cho mọi
người và cho cả cuộc đời. Do đó, hình ảnh Đức Phật được Mâu tử ghi nhận
là một con người với vẻ đẹp toàn bích của đạo đức và các phẩm chất năng
lực siêu việt với cách diễn đạt đầy quyền năng chính là một khát vọng
sống. Mục đích là để con người vượt qua những chướng duyên và khó khăn
từ trong cuộc đời. Và như thế, Phật cũng trở thành nhân vật lý tưởng,
mục tiêu hướng tới mà bất kỳ người nào sống trên cõi trần này đều có
khả năng vươn tới và thành tựu như một phép mầu mà Phật ban cho, thần
tiên trao tặng mà dân ta thường suy niệm và phát ngôn trong đời sống
hàng ngày.
Thực tế, nguyên ủy của nghĩa Phật là Giác, là tỉnh thức về sự thật
con người và thế giới hiện hữu quanh ta.Có điều, Mâu tử vào thời đó,
ngoài việc nêu Phật là nguyên tổ đạo đức, đầu mối thấn linh, còn triển
khai ý nghĩa”Giác” qua một số yếu tính khác nữa hết sức quyền năng và
thần thông như như thần tiên giáng trần chứng tỏ khả năng vô hạn của
con người là có thể khi “ trí huệ bừng khởi” và soi sáng cho đời từ
trong hiện thực khổ đau cần phải vượt thoát: “biến hóa nhanh chóng,
phân thân tán thể, hoặc còn hoặc mất, nhỏ được, lớn được, tròn được,
vuông được, già được, trẻ được, ẩn được, hiện được, đạp lửa không bỏng,
đi dao không đau, ở dơ không bẩn, gặp họa không mắc, muốn đi thì đi,
muốn ngồi thì lóe sáng”. Một người Phật tử khi làm được điều này là có nghĩa thực hiện được mục đích cao cả mà Phật giáo thời đó đề ra như điều 1, Lý hoặc luận ghi:”Phật dạy thiên hạ, cứu vớt giải thoát nhân dân”.
Trở lại câu chuyện mà Thiền uyển tập anh ghi: “… Đời Vua Lý
Nhân Tông, sư Giác Hải thường cùng Thông Huyền chân nhân bị triệu vào
nhà hóng mát Liên manh hầu hạ, bỗng có con cắc kè kêu nhau chối tai,
đáng ghét. Vua khiến Huyền làm nó dừng kêu. Huyền lâm râm niệm chú, làm
rơi trước một con. Huyền cười sư, sư bảo: Đang còn một con, để nó cho
Sa môn”. Sư chú mục nhìn, trong giây lát, nó cũng rơi theo. Vua lấy làm
lạ, làm một bài thơ khen “Giác Hải tâm như hải, Thông Huyền đạo
hữu huyền. Thần thông kiêm biến hóa. Nhất Phật nhất thần tiên”( Giác
Hải lòng như biển, Thông Huyền đạo lại huyền. Thần thông cùng biến hóa.
Một Phật một thần tiên). Từ đó, tiếng tăm sư vang khắp thiên hạ,
tăng tục ngưỡng chuyện. Vua thường đối đãi như bậc thầy(2). Cho nên,
thiền sư Giác Hải cùng Chân nhân Thông Huyền được vua Lý Nhân Tông tán
thán như là một vị Phật, một vị thần tiên ở đời là một sự thật hiển
nhiên.Cả hai người đều có trí tuệ viên dung, phẩm hạnh cao ngời, khả
năng siêu việt” tâm như biển, đạo lại huyền, thần thông biến hóa” là
hình ảnh để mọi người tự tin vào mình có khả năng giải thoát khổ đau
cho chính mình và góp phần làm cho đời bớt khổ đau.
Trần Thái Tông vị vua đầu tiên nhà Trần, cũng đã từng biến giấc mơ
“chỉ muốn cầu làm phật, chứ không muốn làm gì khác” trở thành hiện thực
khi ngài thực thi hạnh nguyện của mình theo lời khuyên của Quốc sư Trúc
Lâm ”Sơn bản vô Phật, duy tồn hồ tâm, tim tịch nhi tri, thị danh
chân Phật. Kim bệ hạ nhược ngộ thử tâm đắc lập địa thành Phật, vô khổ
ngoại cầu dã (3)( Trong núi vốn không có Phật, Phật ở ngay
trong lòng. Lòng lặng mà hiểu, đó chính là chân Phật. Nay bệ hạ nếu ngộ
được tâm ấy thì lập tức thành Phật, không phải nhọc công tìm kiếm bên
ngoài). Rõ ràng, Phật không ở đâu xa, Phật luôn hiện hữu ở ngay
trong tâm thức, chỉ cần lòng lặng mà biết thì ai cũng trở thành Phật.
Nói cách khác, ở đâu có con người, ở đó có sự giác ngộ của chân tâm
thường tịnh, có sự thực nghiệm tâm linh, sinh hoạt đạo thiền trong bất
kỳ môi trường nào.
Quốc sư Trúc Lâm đã nêu lên quan điểm về Phật thật đơn giản, cụ thể
thì đó chính là điều kiện để trở thành Phật, tức trở thành bậc Giác ngộ
giữa cuộc đời. Một quan điểm như thế đã tác động chi phối toàn bộ lịch
sử tư tưởng Phật giáo Đại Việt bấy giờ, điều đó cũng có nghĩa nó cũng
ảnh hưởng tương tác với lịch sử tư tưởng dân tộc từ đó trở về sau.
Trong bài, “Niệm Phật luận”, Trần Thái Tông đã phát biểu một cách dứt khoát “Thân ta tức là thân Phật, không có hai tướng”.Tuệ Trung Thượng sĩ trong cuốn Thượng sĩ ngữ lục cho rằng “Khi mê không biết ta là Phật”; Trần Nhân Tông trong Cư trần lạc đạo phú thì tuyên bố: “Bụt ở trong nhà, chẳng phải tìm xa, Nhân khuấy bổn nên ta tìm Bụt, Chỉn mới hay chính Bụt là ta”.
Rõ ràng, các thiền gia chứng ngộ đời Trần đã nói rõ Phật và chúng sanh
không khác. Con người thật của chúng ta là Phật. Còn con người mà
chúng ta tưởng là thật với cái tâm vọng động lại là con người giả. Mỗi
người cần trở về với con người thật. Đó chính là giá trị nhân sinh của
một tinh thần Thiền học như là lời giải đáp tại sao chúng ta hiện hữu
trên cõi đời này.
Tinh thần Thiền tông mà Trần Thái Tông chủ trương sẽ cung cấp cho con
người một lý tưởng, một lẽ sống cao quý đủ để tạo một cảm hứng sáng
tạo, vươn lên cho đến khi mỗi con người đều trở thành một vị Phật. Khi
con người chấp nhận Phật tại tâm thì cũng có thể hiểu việc tìm Phật là
tìm lại tấm lòng mình. Một quan điểm về Đức Phật như thế đã tạo ra một
cái nhìn mới về bản chất bình đẳng của con người. Mọi người đều bình
đẳng, không phân biệt đẳng cấp, nam nữ, sang hèn,giàu nghèo. Sống trong
một xã hội, mọi người đều nhận thức được tinh thần này sẽ có tác động
vào xã hội, tạo ra những chiều hướng, động lực phát triển khác trên
nhiều lĩnh vực. Do đó, mọi người phải biết sống theo tinh thần đạo lý:”
Không phân biệt là sống giữa đời hay sống ẩn dật trong rừng, không phân
biệt là tại gia hay xuất gia, tăng hay tục, chỉ cốt biện tâm” để cùng
nhau tu tập và xử lý các vấn đề cá nhân, quốc gia, dân tộc thật chu
toàn, như chủ trương vạch định.
Từ đây , một nếp sống đạo thiền được định hình trong sinh hoạt đời
thường. Đã là người, nhất là Phật tử, thì không thể sống tách rời với
những người xung quanh. Mọi người phải tham gia, vận động vào các môi
trường sinh hoạt thực tiễn, tức sống theo tinh thần Phật giáo thiền. Nói
cách khác, đời sống đạo yêu cầu con người tự nguyện xả bỏ những ham
muốn cá nhân, không huệ lụy bất cứ cái gì, ngay cả cái thân ngũ uẩn giả
tạm này. Thế nên việc thực hành sự biện tâm thông qua sự trải nghiệm
hành trì sám hối sáu căn đối sáu thời, niệm Phật, tụng kinh, hành thiền
để tâm trở nên vắng lặng, thanh tịnh mà hiểu bmà thành Phật ở đời là
điều mà ai cũng có khả năng thực hiện. Làm được vậy, là ta đang sống với
Phật, ăn cơm Phật, hành theo Phật, ở nhà Phật, vui thú cảnh Phật cũng
là cảnh thần tiên không chỉ trong đời sống bình nhật mà cả mọi không
gian và thời gian bất tận.
Chú thích:
1.Lê Mạnh Thát, Nghiên cứu về Mâu Tử, tập II, Tu thư Vạn Hạnh, 1982,tr 510
2.Lê Mạnh Thát, Nghiên cứu Thiền uyển tập anh,Nxb TP.Hồ Chí Minh,1999,tr232.
3.Viện Văn học, Thơ văn Lý-Trần, tập 2, q. thượng, Nxb. KHXH-Hà Nội, 1989, tr 27.
Theo: Văn hóa Phật giáo