Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
PHÁP TU NHẪN TRÊN TAM NGHIỆP
TK. Minh Điệp
02/03/2013 20:44 (GMT+7)


Nhìn chung hành động của chúng ta diễn tiến theo hai khuynh hướng: hoặc cao thượng hoặc thấp hèn do sự thúc đẩy của thiện tâm hay ác tâm. Đáng tiếc con người thường theo xu hướng của ác nghiệp. Làm sao mà biết? Việc chúng ta còn là một chúng sanh đã nói lên rằng: cuộc sống này phước mỏng nghiệp dày, khổ nhiều hơn vui vì bởi tạo ác nghiệp mà ra.

Đa phần hành động của con người chịu sự thúc đẩy của tâm lý, cho nên những tâm lý phiền nào như tham lam và sân hận gây tàn hại cho chúng ta rất nhiều. Với tự thân sân biến con người từ hiền thành dữ, tốt thành xấu. Với xã hội, sân hận làm tiêu tan nhà cửa, con cái chia lìa… Tính tham lam, ích kỷ lại làm con người biến chất có thể trở thành thành phần bất hảo trong xã hội. Với người tu hành, tâm sân và tâm tham dục rất nguy hại cho con đường tu tập.

Để đối trị sân nhuế và tham dục, Đức Phật thực hành hạnh tu nhẫn nhục. Đây là một đề tài quen thuộc với đời sống của người xuất gia. Người viết trình bày nội dung đề tài qua nhận thức và sự học tập của mình nơi ghế nhà trường trong phạm vi tam nghiệp thân, khẩu, ý qua một số bài giáo lý căn bản và tham khảo kinh Trung Bộ, bản dịch của Hoà thượng Minh Châu.

I. ĐỊNH NGHĨA

Nhẫn nhục tiếng Pali là Khantì (Sanskrit là Ksanti), dịch Hán âm: Sằn-đề.Namtruyền dịch là nhẫn nại, nghĩa là đức tính chịu đựng những nghịch cảnh não lòng và chấp nhận những điều đau khổ do hoàn cảnh bên ngoài đem đến. Bắc truyền dịch là an nhẫn, nghĩa là tính chịu đựng những cảnh trái ý nghịch lòng một cách vui vẻ mà không oán trách và không khởi niệm oán thù.

II. TẠI SAO TA PHẢI NHẪN?

Cổ đức nói: “Nhẫn: nhất tự thiên kim” nghĩa là một chữ đáng giá ngàn vàng bởi những giá trị cao đẹp của nó.

Kinh Hoa Nghiêm dạy: “Nhất niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai”, nghĩa là một niệm sân khởi lên muôn ngàn nghiệp chướng theo đó mà mở ra. Khi sân hận nổi lên, con người không còn hành động theo lý trí mà chỉ hành động cho theo cơn giận, cho nên sẵn sàng làm bất cứ điều ác gì. Để rồi tạo ác gieo nhơn, chịu những quả báo đau khổ sau này. Cho nên là người con Phật chúng ta phải tu tập hạnh nhẫn nhục.

III. VAI TRÒ VÀ VỊ TRÍ

Nhẫn nhục là một pháp tu quan trọng trong giáo lý nhà Phật. Nếu như các pháp tu khác như bố thí, trì giới, hành thiền… hành giả có thể thực hiện bất cứ lúc nào mình muốn, bất cứ lúc đối tượng nào mình chọn thì pháp hạnh nhẫn nhục chỉ có thể tạo được khi tiếp xúc với đối tượng làm cho tâm sân hận và tham dục khởi lên mà thôi.

Nhẫn nhục nằm trong 6 pháp Ba-la-mật mà các bậc Bồ-tát tu hành hoá độ quần sanh theo tư tưởng Phật giáo Bắc truyền. Còn theo Namtruyền nhẫn nại nằm trong mười pháp Ba-la-mật mà chư Bồ-tát cần phải thực hành để thành Đức Phật Toàn Giác, Đức Phật Độc Giác hay bậc Thánh Thanh Văn Giác tuỳ theo sở nguyện của mình.[1]

IV. ỨNG DỤNG PHÁP TU NHẪN NHỤC

Nhẫn nhục là sự luyện tâm. Tâm ấy là tâm phiền não nguy hại cho hành giả, nhẫn nhục là sự tu tâm ở 2 góc độ: đối trị tâm sân hận và kiềm chế sự tham dục.

1. Đối trị sân hận

a. Thân nhẫn:

Là sự kiểm soát tâm sân hận khi thân xúc chạm với sự đau đớn do sự vật hay người khác gây ra cho mình. Đây là một việc khó làm vì ai cũng yêu thân thể. Hơn nữa, khi thân thể đau đớn, tâm sẽ mất ổn định. Khi đó bản năng sinh tồn sẽ thúc đẩy tâm lý hành động bảo vệ thân thể nên dễ bị sa vào sân hận.

Có một câu chuyện tiền thân Phật ghi lại hạnh nhẫn nhục của một tiên nhân tu thân nhẫn rất mạnh mẽ. Kinh Hiền Ngu q.2, viết rằng: vào thuở xưa, tại nước Ba-la-nại, dưới thời vua Ca-lê, có vị tiên tên Sằn-đề-ba-lê [2] cùng 500 đệ tử ở ẩn trong rừng tu hạnh nhẫn nhục. Một hôm vua dẫn tuỳ tùng du ngoạn, đoàn cung nữ thấy tiên nhơn liền khởi tâm cung kính đến lễ bái cúng dường. Nhà vua ghen tức bèn chặt hết chân tay và xẻo tai, xẻo mũi vị tiên nhơn ấy. Sằn-đề tiên nhơn không oán giận vua mà lại nguyện sau này thành Phật sẽ chặt đứt tam độc (tham sân si) của nhà vua. Về sau hiện kiếp, vị tiên nhơn là đức Phật còn nhà vua trở thành đệ tử của Ngài.

Tích truyện trên cho ta một bài học rằng: thân thể là vô thường, sẽ bị bào mòn theo tháng năm của thời gian xoay chuyển. Cho nên để giữ đạo tâm, người tu sẵn sàng nhẫn nhục khi bị xâm phạm thân thể.

Trích kinh Trung Bộ I, bài kinh “Ví dụ cái cưa”:

Chư Tỷ-kheo, như những kẻ đạo tặc hạ liệt, dùng cưa hai lưỡi mà cưa tay, cưa chân; dầu vậy, nếu một ai ở đây khởi ý nhiễm loạn, người ấy do vậy không phải là người thực hành giáo pháp của Ta. Ở đây, chư Tỷ-kheo các ông phải học tập như sau: “Chúng ta sẽ giữ tâm của chúng ta không biến nhiễm; chúng ta sẽ không thốt ra những lời ác ngữ; chúng ta sẽ sống với lòng lân mẫn, với tâm từ bi, với nội tâm không sân hận. Chúng ta sẽ sống bao phủ người này với tâm câu hữu với từ. Và với người này là đối tượng, ta sống biến mãn cùng khắp thế giới với tâm câu hữu với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân”. Chư Tỷ-kheo, các ông cần phải học tập như vậy.

Và này chư Tỷ-kheo, nếu các ông luôn luôn suy tư lời dạy ví dụ cái cưa này, thì này các Tỷ-kheo, các Ông có thấy loại ngôn ngữ nào, dầu tế nhị hay thô bạo mà các Ông không kham nhẫn được chăng?

- Bạch Thế Tôn, không.

- Chư Tỷ-kheo, do vậy, hãy luôn luôn suy tư lời dạy ví như cái cưa này, và các Ông sẽ được hạnh phúc an lạc lâu ngày [3].

b. Khẩu nhẫn:

Khẩu nhẫn là sự tu tập khẩu nghiệp không để thốt ra những lời ác khẩu, nhục mạ hay mắng chửi, than vãn kêu ca khi bị người mắng chửi nhục mạ hay làm tổn thương chúng ta.

Con người ở đời rất đề cao danh dự cho nên rất dễ tự ái khi danh dự bị người ta chà đạp. Chính vì vậy, khi nghe người khen tâm hớn hở mừng, khi bị người chê lòng giận tái tê. Con người dễ mất lòng nhau vì cái miệng và dễ tạo nghiệp cũng do cái miệng. Cổ đức nói: “Bệnh tùng khẩu nhập, hoạ tùng khẩu xuất”, nghĩa là: bệnh do miệng ăn vào, hoạ do miệng nói ra. Cho nên chúng ta phải cẩn thận trong lời ăn tiếng nói.

Một điều dễ thấy là ta sống ở đời dù có hoàn mỹ như thế nào vẫn bị người ta chê cả. Ngay đức Phật của chúng ta cũng vậy. Nhưng điều khác biệt là thái độ của ta và Ngài khác nhau. Đức Phật luôn an nhiên tự tại, còn ta sân hận nổi lên. Ngày xưa, khi hoá độ ở một xứ nọ, hàng ngoại đạo đã mắng chửi đức Phật suốt 7 ngày 7 đêm mà Ngài không chút dao động nào. Một câu chuyện khác nói về hạnh khẩu nhẫn của đức Phật: chuyện Ching-cha giả có mang hại Phật. Ngài vẫn im lặng trước sự việc đó, vua trời xuống phá tan âm mưu của Ching-cha.

Hai câu chuyện trên Đức Phật dạy ta một bài học đạo lý rằng hạnh tu khẩu nhẫn rất cao đẹp. Chúng ta phải biết hạn chế những lời nói ác để tránh khẩu nghiệp. Thái độ im lặng an nhẫn của ta là sự chiến thắng ác nghiệp nơi khẩu.

Ai chửi ta thì ta giả điếc

Đợi cho người hết giận ta khuyên

Chữ nhẫn hoà ta để đầu tiên

Thì đâu có mang câu hờn oán [4].

Thế thì chúng ta phải tu khẩu nhẫn như thế nào? Cổ đức đã dạy tu hạnh tu khẩu nhẫn bằng bài một kệ ngôn rất hay. Bài kệ này vừa tự mình tu khẩu nghiệp vừa làm an ổn cuộc sống giữa mình và mọi người xung quanh.

Người khôn ít nói nghe nhiều

Lựa lời đối đáp lựa điều hỏi han

Trước người hiền ngỏ khôn ngoan

Nhường trên một bước rộng đàng dễ đi

Việc người chớ nói làm chi

Việc mình mình biết vậy thì mới khôn.

c. Ý nhẫn:

Ý nhẫn là sự tu tâm không để tâm khởi lên sân hận. Trái lại, việc tu ý nhẫn còn biết mở rộng từ tâm tha thứ và tìm cầu cho bao sự kết oán đều hoá giải. Ý nhẫn là sự tác ý rất khéo léo của tâm. Chúng ta nên biết rằng thân và khẩu luôn chịu sự chi phối của ý nhưng do sự tác động bên ngoài vào thân và khẩu làm ý thức cũng sinh khởi theo. Cho nên khi bị nghịch cảnh tâm rất dễ khởi lên sân hận.

Tu ý nhẫn là huấn luyện tâm trước sự khen hay chê của người. Dù bị chê, dù được khen ta cũng phải giữ tâm không dao động. Câu chuyện của trưởng lão Phát Di Gia trong kinh Pháp Cú là một bài học lớn cho việc tu ý nhẫn.

Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại Kỳ Viên tự, nước Xá Vệ, trong một kỳ giảng pháp, có đề cập đến trưởng lão Phát Di Gia.

Thuở ấy, có trưởng lão Phát Di Gia tu hành rất tinh tấn, đắc được quả vị A-la-hán. Trưởng lão người thấp lùn, thường bị các Tỳ-kheo trẻ tuổi gán cho biệt hiệu là Lakundaka, có nghĩa là người lùn tịt. Tâm tánh trưởng lão rất hiền hòa, mỗi khi bị trêu chọc, trưởng lão chẳng hề tức giận, ngay cả khi các người trẻ tuổi theo véo tai, bóp mũi hay vò đầu, trưởng lão chẳng hề cau có, mà vẫn giữ vẻ mặt bình thản, khi có kẻ trêu chọc hay có lời thiếu lễ độ với mình.

Khi đức Phật nghe nói đến sự nhẫn nhục, hiền hòa của trưởng lão Phát Di Gia, Ngài bảo các chư Tăng rằng: “Đối với một bậc A-la-hán, chẳng bao giờ mất sự bình tĩnh trong lòng, không hề có ý định nói nặng lời, không hề có ác ý với ai cả. Vị ấy cũng như tảng đá kiên cố, không bị bão tố lay động được. Vị ấy lúc nào cũng điềm nhiên khi bị mắng mỏ, trêu chọc cũng như khi được khen tặng. Rồi Đức Phật đọc bài kệ:

Như tảng đá kiên cố

Không gió nào lay động

Cũng vậy giữa khen chê

Người trí không dao động. [5]

Bài học đạo lý được rút ra trong đoạn Phật ngôn trên là người tu phải giữ tâm bình thản an nhiên trước mọi cảnh ngộ. Tha thứ để tâm xả bỏ cơn giận không cho sinh khởi.

Đạo pháp thường hay dung với hoà

Xét người cho tột xét thân ta

Nếu ta rõ phận vui lòng thứ

Ta thứ được người người thứ ta. [6]

2. Kiềm chế tâm tham dục

Ngài Rahula trong quyển Phật đã dạy những gì nhận định rằng: bản chất khát ái là sự tìm tòi hưởng thụ và thoả mãn của chúng sanh. Do sự thúc đẩy của hưởng thụ cho nên con người chìm đắm trong ngũ dục để rồi gánh chịu luân hồi sanh tử. Tu hạnh nhẫn nhục ngoài đối trị sân hận, chúng ta còn hướng về việc kiềm chế sự hưởng thụ. Càng hưởng thụ càng dễ tu tập theo lời Phật dạy.

Với hàng xuất gia, Phật dạy lối tu trung đạo không khổ hạnh ép xác vì điều đó làm thân thể tiều tuỵ. Không dung dưỡng thụ hưởng vì như vậy làm thân thể sung mãn, chỉ có lối tu trung đạo mới tiến tu đạo nghiệp.

Với hàng tại gia có bài học thiểu dục tri túc – ít muốn biết đủ. Người không biết đủ dù hưởng phước báu cõi trời vẫn không thoả mãn, người biết đủ dù nghèo tâm vẫn an vui. Người tu cần kiềm chế như tấm gương của các bậc Thánh ngày xưa.

Có một Đại đức tên Lomasanagathora ngồi tham thiền trên núi nóng giữa mùa khô hạn, chư đệ tử thấy vậy bạch Ngài vào trong mát. Ngài dạy: vì sợ nóng nên mới ngồi đây. Rồi Ngài quan sát cái nóng cùng cực nơi địa ngục cao gấp hàng tỷ lần cái nóng mặt trời, nhờ vậy nên Ngài đắc quả A-la-hán.

Một Đại đức khác trên đường khất thực thiếu cơm ăn 3 ngày, sự đói khát làm Ngài đau khổ, nhưng Ngài vẫn nhẫn nại tu tập, Ngài tác ý khi còn luân hồi không biết bao lần bị đói khổ trong kiếp ngạ quỷ hơn bây giờ vô lượng vô biên. Cho nên nhờ nhẫn nại tu tập Ngài đắc A-la-hán. [7]

Do đó, chúng ta phải kiềm chế lòng tham dục, khắc phục sự thỏa mãn trong cơn khát ái mà nhẫn nại tu hành như các bậc Thánh ngày xưa.

Tóm lại, trong quyển 38 pháp hạnh phúc của Ngài Mahathongkham có viết, Phật dạy rằng: “Chúng sanh nào thương kính Như Lai nên hành hạnh nhẫn nại.”[8]

Nhẫn nại là sức mạnh của nội tâm, một loại năng lực vững vàng thúc đẩy hành giả tiến tu đạo nghiệp. Trong tiến trình tu học, chỉ có sức mạnh nội tâm mới thực hiện được hai điều: Một làm chủ tâm ý. Tâm dễ buông xuôi theo hoàn cảnh bên ngoài, khi hoàn cảnh tác động sẽ làm ta sân hận hay tham đắm, tu pháp nhẫn nhục để đối trị cơn sân hận và kiềm chế cơn dục vọng gìn giữ đạo tâm. Hai là tinh tấn tu hành. Khi có pháp nhẫn nại, chúng ta có được nền tảng vững chắc không chút biếng lười mà siêng năng tinh tấn tu tập. Nhờ có tinh tấn ta mới vượt qua bao thử thách chông gai mà đi trọn con đường giác ngộ.

Như vậy, để làm chủ được tâm ý và sự tinh tấn hành trì giáo pháp ta phải tu hành nhẫn nhục.

TK. Minh Điệp


[1]  Sư Hộ Pháp, Nhẫn nại, ( TP. HCM, Nxb. TP. HCM, 2003), tr. 8.

[2] Tích đạo sĩ Khantivàdì, bộ Jàtaka.

[3] HT. Minh Châu dịch, Ví dụ cái cưa, Trung bộ I, ( TP. HCM, VNCPHVN, 1992),  tr. 292.

[4] Sấm giảng thi văn của Đức Huỳnh Giáo Chủ, Phật giáo Hoà Hảo.

[5] Bản dịch của HT. Minh Châu.

[6] Sấm giảng thi văn của Đức Huỳnh Giáo Chủ, Phật giáo Hoà Hảo.

[7] Maha Thongkham Medivongs, 38 pháp hạnh phúc, (Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2008), 311.

[8] Sđd.

http://www.daibi.vn/2013/02/phap-tu-nhan-tren-tam-nghiep/

Các tin đã đăng:
Về đầu trang