Hỏi: Trong phần nghi thức tụng kinh Pháp Hoa, có bài kệ khen ngợi kinh, trong đó có 2 câu:
“Dù cho tạo tội hơn núi cả
Chẳng nhọc Diệu Pháp vài ba hàng”.
Xin hỏi: Có
phải người dù tạo tội to như núi Tu Di đi nữa, chỉ cần tụng vài hàng
trong kinh Pháp Hoa, thì tất cả tội chướng đều tiêu tan hết phải không?
Đáp: Xin
chớ hiểu lầm ý của bài kệ nói. Không có chuyện ngược đời như vậy được.
Nếu như thế, thì tu hành chi cho mệt sức. Trong khi sống, cứ tha hồ tạo
tội, đến khi bệnh nặng chỉ cần tụng vài ba hàng kinh Pháp Hoa là xong
ngay, bao nhiêu tội chướng chất chồng đều tiêu tan hết. Nếu hiểu như
thế, thì chắc là cả thế gian nầy đại loạn mất. Cuộc sống sẽ trở thành
hỗn độn, không còn ai biết lo sợ nhân quả báo ứng gì cả.
Ý
của hai câu đó, theo chỗ chúng tôi hiểu là như vầy: Đây là bài khen
ngợi kinh, mà chủ yếu của kinh Pháp Hoa là Phật dạy không ngoài bốn chữ:
“Khai, Thị, Ngộ, Nhập”. Bốn chữ nầy nhằm một mục đích chính mà Phật
muốn chỉ bày cho tất cả chúng sanh nhận ra và sống được với cái “Thể
tánh thanh tịnh sáng suốt” mà mỗi người đều sẵn có, trong kinh gọi là:
“Phật tri kiến”. Nếu người nào nhận ra và sống đúng trọn vẹn với thể
tánh thanh tịnh bản nhiên sáng suốt nầy, thì dù cho bao nhiêu tội lỗi đã
có cũng đều tiêu tan hết. Lý do tại sao? Bởi vì tội tánh vốn không.
Trong
Chứng Đạo Ca Ngài Vĩnh Gia Huyền Giác nói: “Chứng Thật tướng vô nhơn
pháp, sát na diệt khước A tỳ nghiệp”. Hay “Vô minh thật tánh tức Phật
tánh, ảo hóa không thân, tức Pháp thân. Pháp thân giác liễu Vô Nhứt
Vật….” Khi chứng Thật tướng, tức là “Tướng Không” của muôn pháp, thì
nhơn và pháp sẽ không còn. Thật tướng là tên khác của Tri kiến Phật. Khi
chưa chứng được Thật tướng hay chưa chứng thật Tri kiến Phật, thì nhơn
ngã bỉ thử, tức là mọi vọng chấp đều có đủ. Nhưng khi chứng ngộ rồi, thì
mọi thứ đều tan biến hết. Vì vô minh nó không có thật thể. Dụ như bóng
tối nó không có thật thể cố định. Như trong một căn phòng, ban đêm tối
đen như mực, bỗng có ánh sáng chiếu vào, tất nhiên bóng tối kia không
còn, nó tan biến một cách rất nhanh chóng. Dù bóng tối đó trải qua hằng
mấy trăm năm cũng thế.
Tại
sao nó tan biến nhanh như vậy? Tại vì nó không có thật thể cố định. Như
vậy, bóng tối là dụ cho vô minh hay tội lỗi, vì tội lỗi có ra là gốc từ
vô minh, mà gốc không có thì làm gì cái ngọn có? Như vậy, hai câu kệ
trên ý nói: Khi chúng ta nhận được cái Diệu Pháp, (tức tên khác của Phật
tri kiến), và sống trọn vẹn với cái Diệu Pháp đó, thì không cần phải
nhọc công tụng đọc, dù chỉ là vài hàng thôi, thì bao nhiêu tội lỗi cũng
không còn. Ngược lại, dù chúng ta khổ công tụng không biết bao nhiêu bộ,
trải qua không biết bao nhiêu lần, rốt lại tội lỗi vẫn còn nguyên vẹn.
Lý do tại sao vậy? Tại vì chúng ta tụng đọc suông trên văn tự chữ nghĩa,
hay tụng cho có phước. Thế thôi! Chúng ta không nhận được ý kinh Phật
dạy.
Tụng
hết năm nầy đến năm khác, nhìn lại, phiền não tham, sân, si vẫn không
tiêu mòn chút nào. Thử hỏi tụng đọc như vậy, thì làm sao tiêu tội cho
được?! Muốn hết tội, phải thấy Tánh (Diệu Pháp) và phải hằng sống với
cái Tánh thể đó, thì tội gì cũng không còn. Như mặt trời hiển hiện chiếu
sáng, thì tất cả mây mù đều tan biến hết. Điều quan trọng là làm sao
cho mặt trời Trí Huệ hiển hiện…Chính đó mới là điều quan trọng.
Thích Phước Thái