Nó cũng có thể được định nghĩa như là sự
đoạn tận tham, sân và si. Đức Phật từng nói: “Toàn thế giới đang bốc
cháy. Do ngọn lửa gì thế giới bị đốt lên? Do ngọn lửa tham, sân, si, do
ngọn lửa sinh, lão, tử, sầu, bi, khổ, ưu, não mà thế giới đốt lên”.
Không nên vì tri thức trần tục của chúng
ta không thể hiểu được mà cho rằng Niết bàn là trạng thái hư vô, hủy
diệt. Người ta không thể nói không có ánh sáng chỉ vì người mù không
thấy. Cũng như trong câu chuyện rất phổ biến về cuộc tranh luận giữa con
cá và bạn nó là con rùa, và cá đã kết luận đắc thắng rằng không có đất
liền.
Niết Bàn của các Phật tử không phải chỉ
là hư vô hay trạng thái hủy diệt, nhưng đó là cái mà không ngôn từ nào
có thể diễn tả xác đáng. Niết Bàn là một pháp “không sinh, không phát
khởi, không tạo thành, không do duyên sinh”. Do đó, nó là vĩnh cửu
(Dhuva), khả ái (Subha) và an lạc (Sukha).
Trong Niết bàn không có cái gì “vĩnh cửu hóa”, cũng không có cái gì “bị diệt vong”, mà ở ngoài đau khổ.
Theo những kinh sách, Niết bàn được đề
cập như là Hữu dư y (Sopàdisesa) và Vô dư y (Anupàdisesa). Thực ra, đây
không phải là hai loại Niết bàn, mà chỉ là một, nhưng tùy theo cách gọi
trước và sau khi chết.
Niết bàn không có vị trí ở bất cứ nơi
nào, nó cũng không phải là một loại thiên đường dành cho một tự ngã siêu
nhiên cư trú. Nó là một trạng thái lệ thuộc vào chính cái thân này. Nó
là một pháp (Dhamma) ở trong tầm vươn tới của tất cả mọi người. Niết bàn
là một trạng thái siêu thế gian, có thể đạt được ngay trong cuộc đời
này. Phật giáo không tuyên bố mục đích tối hậu này chỉ có thể đạt được
trong một đời sống bên kia thế giới. Đây là điểm khác biệt chính yếu
giữa quan niệm Niết bàn của đạo Phật và quan niệm về một thiên đường
vĩnh cửu của ngoại đạo, chỉ có thể đạt được sau khi chết, hoặc là hợp
nhất với Thượng đế, hoặc là hợp nhất với bản thể thần linh trong một
kiếp sau. Khi chứng đắc Niết bàn nhưng còn cái thân này, đó gọi là cảnh
giới Hữu dư y Niết bàn (Sopàdisesa Nibbàna dhàtu). Một vị A La Hán đạt
đến Niết bàn viên mãn (Parinibbàna), sau khi thân hoại, không còn lưu
lại bất cứ một chút thể chất nào nữa thì đó gọi là cảnh giới Vô dư y
Niết bàn (Anupàdisesa Nibbàna dhàtu).
Theo lời của Huân tước Edwin Arnold (1832-1904):[1]
“Nếu ai dạy Niết bàn là diệt tận,
Hãy nói là họ dối trá.
Nếu ai bảo Niết bàn là còn sống,
Hãy nói là họ sai lầm.”
Theo quan điểm siêu hình thì Niết bàn là
giải thoát khỏi đau khổ. Theo quan điểm tâm lý học thì Niết bàn là xóa
bỏ tự ngã. Theo quan điểm đạo đức thì Niết bàn là diệt tham, sân và si.
Bậc A-la-hán còn hay không còn sau khi
chết? Đức Phật trả lời: “Bậc A-la-hán đã giải thoát khỏi 5 uẩn thật sâu
thẳm, khó lường như đại dương. Bảo rằng Ngài có tái sinh sẽ không thích
hợp cho trường hợp này. Bảo rằng Ngài không tái sinh, cũng không phải
không tái sinh đều không thích hợp cho trường hợp này.”
Không thể nói rằng một bậc A-la-hán còn
tái sinh, vì tất cả những dục vọng tạo điều kiện tái sinh đều được đoạn
trừ, cũng không thể nói rằng bậc A-la-hán bị hủy diệt, vì không có cái
gì để hủy diệt cả.
Nhà khoa học Robert Oppenheimer (1904-1967)[2] viết:
“Ví dụ, nếu chúng ta hỏi, phải chăng vị
trí của điện tử vẫn giữ nguyên? Chúng ta phải nói là không; nếu chúng ta
hỏi, phải chăng vị trí của điện tử thay đổi theo thời gian? Chúng ta
phải nói là không; nếu chúng ta hỏi, phải chăng nó đang chuyển động?
Chúng ta phải nói là không.”
Đức Phật đã trả lời tương tự như thế khi
Ngài được hỏi về những điều kiện của tự ngã con người sau khi chết;
nhưng đó không phải là những câu trả lời thông thường theo truyền thống
khoa học vào thế kỷ XVII và XVIII.
________________________________________
[1]. Edwin Arnold (1832-1904): Thi sĩ, học giả, ký giả của nước Anh.
[2]. Robert Oppenheimer (1904-1967): Nhà
bác học Mỹ rất nổi tiếng. Người chế ra bom nguyên tử đầu tiên, được giải
thưởng Enrieo Fermi.