Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Ý nghĩa của danh từ Cam Lộ Đại Giới Đàn
Thích Tâm Mãn
18/08/2010 15:59 (GMT+7)

Trong cảnh trần mê muội luôn khởi các vọng niệm tạo tác các nghiệp ác, nếu không tu định thì trước sự mê hoặc của cuộc đời ta khó vững chí tu. Khi cả giới và định có thể chế ngự các chướng duyên tạo nghiệp thì lúc này sự vướng mắc của ý thức bắt đầu trỗi dậy làm cho ta chấp, có chấp không dẫn đến vô minh phiền não làm sao có thể tránh khỏi nhược điểm dẫn dắt chúng ta đến vô minh này thì trí tuệ là cứu cánh duy nhất, trí tuệ cho ta khả năng không còn chấp trước, không trụ vào bất cứ trần cảnh nào từ đó thấy được chân tâm, kiến tánh thành Phật. Kinh Lăng Nghiêm Đức Phật dạy rằng: " Nhiếp tâm là giới, nhân giới sanh định, nhân định phát huệ ...", ba nhưng chỉ là một, một lại là ba, nên gọi là Tam Vô Lậu Học .

Giới như Cam lộ, giới giữ thân không tạo nghiệp ác làm nền móng cho định nảy sinh, giới định hòa chung thành Cam Lộ dưỡng nuôi mầm trí huệ, trong hành trình đi đến Niết Bàn giải thoát, Cam Lộ giới định là hợp chất dinh dưỡng tối ưu nếu như thiếu hợp chất cam lộ thì hành trình này coi như chung kết. Cho nên gọi Giới là Cam Lộ .

Đức Phật Lô Xá Na lấy Giới làm thân, thấy cực cùng của điều ác có duyên khởi từ điều thiện, thấy thiện không cách nào làm cho đủ cho là viên mãn, đoạn trừ các nghiệp ác thiện tự phát sinh, làm hết việc thiện có thể làm tự nó viên mãn. Cho nên Đại Thừa Viên Giáo sự khởi nguồn cũng từ giới, hành Bồ Tát đạo cũng lấy Giới làm đầu vì Giới là phật thân, giáo là Phật ngữ, Hạnh là Phật tâm. Thanh Văn tu giới định huệ, Bồ Tát hành giới giáo hạnh, tuy ba nhưng lại là một, tuy sáu nhưng cũng là ba đều có cội nguồn là Giới cho nên gọi là Cam Lộ .

Kinh Di Giáo Đức Phật dạy: " Này các thầy Tỳ Kheo, sau khi ta diệt độ, nên cung kính tôn trọng Ba La Đề Mộc Xoa, như tối gặp được sáng, như nghèo được châu báu, nếu biết như vậy lấy giới làm thầy, ta có ở trên đời thì ý cũng vậy thôi..". Kinh Phạm Võng dạy rằng: " Ta là Phật đã thành các ngươi là Phật sẽ thành, nếu tin được như vậy thì giới phẩm đã đầy đủ..". Cho nên cung kính tôn trọng Ba La Đề Mộc Xoa là Giới Đàn, lòng tin vững chắc mình sẽ thành Phật trong tương lai đó là Giới Đàn, còn lại tất cả những hình thức truyền giới, trang nghiêm giới đàn, kiến lập giới đài.v.v... là tướng thanh tịnh của Giới được thể hiện cung kính như lời Phật dạy: " Dĩ Giới Vi Sư ".

Thích Tâm Mãn

Về đầu trang