Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Đọc “Thiền trong xí nghiệp”, nghĩ về tư duy mới trong quản lý doanh nghiệp
24/09/2010 09:07 (GMT+7)






Chúng ta hãy xem tác giả viết những gì và so sánh với tư duy quản lý doanh nghiệp hiện nay trên thế giới như thế nào?

Tác giả chia cuốn sách làm 5 phần: Kiến tánh, Tiềm năng, Trí tuệ, Phước báo và Kiến nghiệp. Trong mỗi phần là một chuỗi các câu chuyện thiền và ý nghĩa thực tiễn của nó. Thử lấy một chuyện trong phần Kiến tánh.

Tác giả kể lại chuyện Mã Tổ Đạo Nhất và Bá Trượng là người sáng lập “Tùng lâm giáo dục” và đề cao lập trường “Một ngày không làm, một ngày không ăn”. Thấy thầy tuổi đã cao, các đệ tử giấu dụng cụ của ngài để ngài khỏi phải lao động nữa. Tuy vậy, ngài vẫn kiên quyết không ăn để chứng minh quy định đã đề ra của mình. Khi các đệ tử cản ngăn ngài, Ngài nói “Bây giờ không làm đợi đến khi nào mới làm?” Từ đó, tác giả đưa chúng ta liên tưởng đến quan điểm “Điều gì cần làm thì làm liền”, không phân biệt tuổi tác hay thời gian. Ứng dụng vào xí nghiệp, khi mục tiêu dù còn xa, nhưng nếu cứ kiên quyết tiến hành theo “nguyên lý trồng cây” thì không có khó khăn nào không khắc phục được. Một người bán hàng mỗi ngày thăm hỏi một vị khách thì một tháng sẽ có 30 cơ hội, một năm có hơn 300 cơ hội. Dưới lăng kính kinh doanh, cơ hội làm ăn của người ấy so với người khác phải cao hơn nhiều.

Cứ như thế tác giả mô tả nhà quản lý phải là một người không tự mãn, phá ngã chấp, luôn cầu tiến, dùng tâm thiền quán xét sự vật, tăng cường sức mạnh tri thức, mở rộng tâm hồn và tầm nhìn. “Đi muôn dặm đường, đọc muôn quyển sách.” Phải nhớ rằng “Muôn pháp do tâm sanh, muôn pháp do tâm diệt”. Luôn giữ định lực, không bị hoàn cảnh tác động chao đảo… trong mọi việc, luôn dùng trí tuệ, phát huy sức mạnh thiền định, đề ra phương hướng quản lý công việc đúng, vì mình có ảnh hưởng đến mọi người nên phải luôn nhu hòa, giữ tâm thanh tịnh, thảo luận dân chủ, bàn bạc với những người dưới quyền để tìm ra giải pháp trước mọi va chạm, xung đột. Khi nhà quản lý “kiến tánh”, sẽ giữ tâm bình an, không buồn giận khiến người công nhân yên tâm, hiểu rõ nhiệm vụ cùng phối hợp nâng cao năng suất và giữ uy tín cho sản phẩm.

Qua câu chuyện những lời giảng của Lục tổ Huệ Năng, tác giả nêu bật sức mạnh của xí nghiệp chính là giới, định, tuệ. Mọi người khi đã dẹp tan mọi trói buộc, nhận ra tâm tánh của mình như vầng trăng sau áng mây đen kia sẽ cảm thấy luôn tự tại, “miễn nhiễm” trước hoàn cảnh dù khó khăn đến mấy, kiên định làm tốt nhiệm vụ của mình. Xí nghiệp và công nhân chỉ là hai mặt của một tổng thể, nên tác giả dùng câu chuyện về bàn tay năm ngón để gợi ý về sự hợp tác giữa những con người, phòng ban, bộ phận trong XN. Phải luôn nhớ rằng: “Chư hành vô thường” nghĩa là bất trắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào đối với sự tồn vong của XN nên phải giữ tâm kiên trì để vượt qua khó khăn, chuyển bại thành thắng. Đồng thời tác giả đề cập đến văn hóa của công ty, làm sao san sẻ phúc lợi theo tinh thần “phước báo cùng hưởng”, không tính toán so đo thiệt hơn mà luôn quan tâm lẫn nhau. Quản lý và chia sẻ trong tinh thần “lục độ” của nhà Phật: luôn biết hy sinh, giữ nội quy sinh hoạt, không dùng uy quyền áp đặt, nhẫn nhịn khoan dung và hoan hỷ phục vụ dưới ánh sáng của “tứ vô lượng tâm”. Nhà lãnh đạo phải biết tự giới hạn lòng tham, không chiếm dụng tài sản công và luôn ý thức về trách nhiệm, nguy cơ, thời gian, vấn đề để giải quyết ngay trong hiện tại. Căn cứ vào bốn ý thức nêu trên, nắm lấy hiện tại để kiểm tra, đối diện và giải quyết vấn đề cho xí nghiệp. Phải biết tận dụng từng phút giây, vì phải hiểu rằng “Ba tâm đều không thể đạt được, chúng ta chỉ sống trong một hơi thở mà thôi” theo yếu lý Kim cang.

Tư duy quản lý ấy có mang tính hiện đại hay không?

Phong cách quản lý theo kiểu duy lý trước đây đã có nhhững đóng góp nhất định cho sự nghiệp công nghiệp hóa ở nhiều nước qua những nguyên tắc hợp lý hóa, quản lý từng công đoạn và chuyên môn hóa các nhiệm vụ nhưng cũng đồng thời có những mặt trái của nó như xem con người như cái máy, không chú trọng khía cạnh xã hội và tâm lý người lao động.

Ngày nay, quan niệm trên đã thay đổi rất nhiều. Giáo sư Maijo của đại học Harvard trong một cuộc thực nghiệm ở một xưởng tại Chicago đã đưa ra những kết quả tóm tắt như sau:

1. Con người mưu cầu lợi ích kinh tế, họ dễ bị ảnh hưởng bởi các động cơ tâm lý và yếu tố xã hội tác động, như muốn biết mục đích công việc, cảm nhận ý nghĩa của việc hoàn thành, muốn được tôn trọng…

2. Năng lực sản xuất không chỉ phụ thuộc vào các thao tác kỹ thuật, mà còn tùy thuộc tình cảm, thái độ đối với cấp trên và đồng nghiệp. Quan hệ giữa các thành viên càng gắn bó, độ thỏa mãn với công việc càng cao, năng suất càng tăng.

Phương pháp quản lý hiện đại bao gồm những đặc điểm sau:

1. Nhà quản lý phải được rèn luyện thêm về ứng xử đối với con người cả ở ba chiều: với cấp trên, với đồng sự và quan trọng nhất là với cấp dưới.

2. Biết lắng nghe ý kiến hay nói cách khác là xây dựng phương pháp thu thập thông tin từ nhân viên nhằm cải tiến công việc và để nhân viên cảm thấy họ có thể khẳng định mình. Muốn thế, nói theo ngôn ngữ thiền là anh phải phá bỏ ngã chấp, mở rộng lòng và tiếp nhận tâm hồn kẻ khác. Ở công ty GE (General Electric) có chế độ cho phép công nhân phản ánh trực tiếp đến Chủ tịch tập đoàn mọi đề xuất mà họ nghĩ là cần nêu lên.

3. Quản lý ngày nay còn là soul management - quản lý tâm hồn nên có người cho rằng đối với một nhà quản lý kinh tế, thậm chí một CEO (Chủ tịch tập đoàn) thì chỉ số EQ (Empathy Quotient - chỉ số đồng cảm) còn quan trọng hơn IQ, hay theo một nhà tâm lý thì đúng hơn là emotional intelligence, tạm dịch là một thứ trí huệ tình cảm. Nó bao gồm tự giác (self-awareness), tự chế ngự (self- regulation) và tự động viên (self-motivation) luôn thúc đẩy cá nhân kiện toàn, ứng biến trước cơ hội mới, lạc quan và bền bỉ. Về mặt hiệu năng đối ngoại (social competence), nó bao gồm cả sự đồng cảm (empathy) bao gồm sự hiểu biết kẻ khác, biết phát triển tha nhân, lấy phục vụ làm trọng tâm, tận dụng các mối giao tiếp đa dạng. Về kỹ năng xã hội (social skills), nó gồm các yếu tố: biết gây ảnh hưởng và thuyết phục, giao tiếp cởi mở, biết lãnh đạo, xúc tác cho những cách tân, nuôi dưỡng quan hệ hài hòa và chặt chẽ, hợp tác với người khác, đồng thời biết phát huy sức mạnh dù là nhóm hay cả công ty.
(Theo Daniel Goleman trong Working with Emotional Intelligence).

4. Quản lý theo mục tiêu: không sử dụng mệnh lệnh, cưỡng chế một chiều mà nên thống nhất giữa mục đích của tập thể và cá nhân.

Tất cả yếu tố nói trên sẽ tạo nên văn hóa của công ty (Corporate culture), là tài sản chung của mọi thành viên trong tổ chức.

Như vậy, ta thấy việc vận dụng tư tưởng thiền vào công tác quản lý hoàn toàn không mâu thuẫn, nếu không muốn nói là hoàn toàn phù hợp với tư duy hiện đại về quản lý để xây dựng một nếp sống đạo đức trong doanh nghiệp theo tinh thần “lạc quan tiến thủ, nhân tế viên dung”, trong đó sức mạnh của doanh nghiệp là giới, định, tuệ và con đường thành công là tín, nguyện, hạnh.■

(*) Thiền Trong Xí Nghiệp, tác phẩm của Chu Ất Lang, Đạo Tâm dịch sang Việt ngữ, NXB Tổng Hợp Thành phố, 2006.


Viết bởi Nguyên Cẩn  
Nguồn Tập San Pháp Luân 34

Các tin đã đăng:
Về đầu trang