không một ai có thể thay đổi trừ phi ý trời thay đổi khi con người làm điều gì đó cảm động lòng trời. Nhưng nghiệp thì khác, nghiệp do con người tạo ra, và phản
ứng của nghiệp (nghiệp quả, hậu quả của nghiệp) trở lại tác động, chi
phối con người. Tính chất của nghiệp là duyên sinh, bất định, cho nên có
thể thay đổi.
Con người có thể thay đổi số mệnh (nói đúng hơn là thay đổi nghiệp, là chuyển nghiệp nếu như nghiệp quả chưa hình thành, nhân chưa trổ quả) bằng cách thay đổi nhận thức, tư duy, hành động, tập quán, thói quen (chuyển đổi ba nghiệp thân, khẩu, ý).
Thời đức Phật, Angulimàla là một tên cướp khét tiếng đã giết 999 người và lấy ngón tay của những nạn nhân xâu lại thành chuỗi rồi đeo ở cổ để thị uy. Nhưng từ khi gặp đức Phật, được đức Phật giáo hóa, Angulimàla đã tỉnh ngộ và quyết tâm hồi đầu hướng thiện. Sau khi quy y Phật và xin xuất gia, Angulimàla nỗ lực tu tập để chuyển hóa tự thân.
Sau một thời gian tinh tấn tu tập chuyển hóa, dù trải qua nhiều khó
khăn thử thách do phải nhận lãnh quả báo của những ác nghiệp mà mình đã
tạo, cuối cùng Angulimàla cũng chứng đắc thánh quả A la hán, quả vị giải
thoát cao nhất của hàng Thinh văn.
Trong quá trình tu tập, suốt
một thời gian dài tinh thần Angulimàla không được yên ổn, ông thường
xuyên bị ám ảnh bởi những cảnh tượng giết chóc rùng rợn và những âm thanh kêu la thảm thiết của các nạn nhân trước đây ông giết hại. Nhiều lần trên đường đi khất thực, Angulimàla bị thân nhân
của những người đã bị ông sát hại ném đá, dùng gậy gộc đánh đập một cách
dã man để trả thù, khiến cho ông bị thương tích máu me đầy mình. Tuy
nhiên Angulimàla vẫn kiên nhẫn chịu đựng, cố gắng điều phục nỗi sân hận
trong lòng. Để hỗ trợ cho sự tu tập của Angulimàla, đức Phật đã giải
thích cho ông hiểu rằng những điều không hay xảy đến với ông đều là kết
quả của những ác nghiệp mà ông đã tạo. Hiểu được điều đó, Angulimàla
càng cố công tu tập và nhẫn chịu mọi sự oán nghịch. Với tâm xả ly và sự tinh tấn hành trì giáo pháp, dần dần Angulimàla đã vượt qua được những bất an mà trước đây ông thường xuyên đối mặt.
Một hôm nọ trên đường đi khất
thực, Angulimàla gặp một người phụ nữ trở dạ nhưng khó sinh đang đau đớn
kêu gào. Angulimàla không biết làm gì để giúp người phụ nữ ấy, ông trở
về cầu xin đức Phật chỉ cách giúp người kia. Đức Phật dạy Angulimàla đến
nói với người phụ nữ khó sinh kia như sau: “Này chị, từ khi tôi được
sinh vào hàng thánh chúng, tôi chưa hề giết hại bất cứ một loài hữu tình
nào. Cầu mong lời nói chân thật này giúp cho chị được khỏi đau đớn, con
của chị được sinh ra an toàn”. Angulimàla trở lại nơi gặp người phụ nữ
khó sinh, ông ngồi cách người phụ nữ kia một bức màn rồi đọc lại lời
Phật dạy, người phụ nữ bỗng hết đau tức thì và hạ sinh đứa con dễ dàng.
Sự dừng lại, không
tiếp tục tạo tác những nghiệp bất thiện, nỗ lực tinh tấn thực hành điều
thiện, tu tập chuyển hóa nội tâm đã giúp Angulimàla thay đổi từ một con người tội lỗi trở thành bậc hiền nhân thánh thiện, và sau cùng là thành tựu quả vị giải thoát, dự vào hàng thánh chúng (Xem Lịch sử đức Phật Thích Ca, phần đức Phật và Angulimàla, HT.Thích Minh Châu biên soạn, Trường Cao cấp Phật học Việt Nam, cơ sở II ấn hành, 1988).
Trong bài tựa sách Đồng Mông Chỉ Quán, Đại sư Trí Khải có thuật lại một câu chuyện chuyển nghiệp, làm thay
đổi nghiệp quả khi nghiệp quả sắp hình thành như sau: Có một vị Tăng
trụ trì ở một chùa nọ đã chứng quả A la hán, ông biết trong vòng bảy
ngày nữa đệ tử mình sẽ chết, bèn bảo người đệ tử ấy về thăm nhà. Trên
đường về nhà, người đệ tử thấy một ổ kiến trên bờ đê có nguy cơ bị dòng
nước xoáy cuốn trôi. Người đệ tử động lòng thương bèn đắp lại chỗ đê sắp
bị vỡ để cứu ổ kiến. Sau đó người đệ tử tiếp tục lên đường về thăm nhà.
Qua bảy ngày người đệ tử vẫn bình an trở lại chùa trước sự ngạc nhiên
của vị thầy. Thấy người đệ tử chẳng những không chết mà khí sắc còn tốt
hơn trước, vị thầy lấy làm lạ bèn hỏi người đệ tử đã làm những việc gì
trong thời gian về thăm nhà. Người đệ tử thuật lại cho thầy nghe về việc
mình cứu ổ kiến trên đường đi. Nghe xong vị thầy cho người đệ tử biết,
chính nhờ phát tâm từ bi cứu mạng lũ kiến mà chuyển được nghiệp, thay vì phải chết trong vòng bảy ngày nhưng lại không chết mà còn tiếp tục sống thêm nhiều năm nữa.
Người đệ tử của vị Tăng A la hán đã cứu vô số sinh mạng, tạo thiện nghiệp (phước nghiệp) quá lớn có năng lực làm thay
đổi nghiệp quả sắp hình thành cướp đi mạng sống của mình. Nhờ phước
nghiệp nên chẳng những không chết mà còn được tăng thọ mạng. Trên là một
số trường hợp điển hình về sự thay đổi số mệnh, hay nói cho đúng hơn là sự chuyển nghiệp, làm thay đổi nghiệp quả. Một số vấn đề về nghiệp và sự chuyển nghiệp:
I. Thời gian chuyển nghiệp
Phải mất thời gian bao lâu mới có thể chuyển được nghiệp, làm thay đổi bản thân, hoàn cảnh sống của chúng ta? Nghiệp được chuyển hóa, làm thay đổi như thế nào chủ yếu tùy thuộc vào:
1.sự chuyển hóa tâm của người đó, 2.mức độ nặng nhẹ, nhiều ít của
nghiệp, 3.cách thức, phương tiện tu tập, trau giồi, rèn luyện để chuyển
hóa tư duy, nhận thức, lời nói, hành động việc làm (ba nghiệp thân, khẩu, ý), tạo nhân duyên lành, công đức, phước báu.
Ví dụ như một người gầy yếu thường
hay đau ốm bệnh hoạn, có thể trong quá khứ đời này hay đời trước người
đó tạo nghiệp sát sinh nhiều, hoặc làm tổn hại sức khỏe, tánh mạng người
khác, trong đời hiện tại sống buông thả, không ý thức bảo vệ sức khỏe
(rượu chè, hút sách, sắc dục quá độ, ăn uống ngủ nghỉ không chừng mực
v.v..) Muốn chuyển hóa cái nghiệp đó để trở thành người khỏe mạnh, sống
lâu thì phải nỗ lực thiết lập lại nề nếp sinh hoạt, sửa đổi lối sống,
trau giồi phẩm chất đạo đức, rèn luyện bản thân, biết chăm sóc sức khỏe
của mình, ngoài ra còn phải biết phóng sinh, bảo vệ sức khỏe, mạng sống
người khác (cho thuốc chữa bệnh, giúp đỡ các phương tiện điều trị bệnh,
chăm sóc người bệnh hoạn tật nguyền…) Đó là tạo các nghiệp khỏe mạnh,
sống lâu, chuyển đổi các nghiệp bệnh hoạn, đoản mạng.
Người này có thể cải thiện được sức khỏe, làm thay đổi điều kiện cơ thể như thế nào, mất thời gian bao lâu thì thấy được sự đổi khác, tất cả đều tùy thuộc vào ý chí và nghị lực, sự dụng tâm và dụng công của anh ta, tùy thuộc vào
phương pháp thực hiện chuyển hóa (chế độ ăn uống, vận động, nghỉ ngơi,
tập luyện, nền nếp sinh hoạt, làm việc, quan niệm sống, lối sống…) Điều
cần lưu ý là: 1.Cần nhiều điều kiện nhân duyên mới đưa đến kết quả. Kết
quả đến mau hay chậm, có được như mong đợi hay không (chuyển hóa được
bao nhiêu phần, nhiều hay ít) đều tùy thuộc vào các điều kiện nhân
duyên đó. 2.Người kia cũng không thể đoán trước được rằng sau khi
chuyển hóa (chuyển nghiệp) thì sức khỏe mình ở mức độ nào, cũng không
thể hình dung được sau khi chuyển hóa mình sẽ ra sao, trông như thế nào
(về tướng mạo, dáng dấp…).
Một ví dụ khác, như người có
hoàn cảnh nghèo khổ khốn khó chẳng hạn. Có thể trong quá khứ đời trước
hoặc đời này người đó tạo các nghiệp khinh khi người nghèo, tham lam ích
kỷ, lười biếng, hoặc lừa đảo, chiếm đoạt, trộm cắp, hoặc trốn thuế,
giật nợ…nên trong hiện tại phải chịu cảnh nghèo khó khốn khổ. Người này
muốn chuyển nghiệp để làm thay đổi thân phận, điều kiện hoàn cảnh sống của mình thì phải nỗ lực thay
đổi quan niệm nhận thức, tập quán thói quen của mình, tích cực lao
động, học tập, nâng cao trình độ, trau giồi phẩm chất đạo đức (chuyển ba
nghiệp thân, khẩu, ý), ngoài ra cần tạo các phước
nghiệp như bố thí, giúp đỡ người nghèo khó cơ nhỡ, người đang lâm hoạn
nạn, phóng sinh (mở rộng tấm lòng, nuôi dưỡng tâm từ bi, rộng kết duyên
lành với các chúng sinh khác), cung kính, cúng dường Tam bảo, các bậc
cao đức, ông bà cha mẹ (vốn là ruộng phước đáng để chúng sinh gieo
trồng). Mất thời gian bao lâu, giảm bớt mức độ nghèo khó được bao nhiêu,
hoàn cảnh đời sống người đó thay đổi như thế nào, tất cả đều tùy thuộc vào sự dụng tâm và dụng
công, những nỗ lực chuyển hóa của người đó. Cũng như ví dụ trước, chúng
ta không thể xác định được khi nào người đó hết nghèo khó, khi nào
người đó bớt khổ, hay khi nào người đó giàu sang sung sướng, hạnh phúc,
nhưng có thể biết chắc rằng, hễ có nỗ lực chuyển hóa thì có sự thay đổi, chuyển biến. Có thể vào thời điểm nào đó trong đời sống hiện tại (nếu như nghiệp nghèo khó của người đó nhẹ và
anh ta biết cách chuyển hóa nó), người đó sẽ không còn nghèo khó khốn
khổ nữa, nhưng cũng có thể trong đời sống kế tiếp (kiếp sau, nếu như
nghiệp nghèo khổ của người đó quá nặng và anh ta không biết cách chuyển hóa nó).
Trong kinh Na Tiên Tỳ kheo, khi vua Mi Lan Đa (Milinda) hỏi: “Có thể chỉ rõ kết quả của việc lành việc dữ sẽ tựu thành ra sao trong đời sau được không?” Tỳ kheo A la hán Na Tiên (Nagasena) đã trả lời: “Không thể. Ví như trên một thân cây chưa ra trái, không có cách gì biết được trái sẽ kết tụ ở cành nào và
tại chỗ nào nhất định trên cây. Cũng như thế, trong vòng sinh tử vô thủy
vô chung vô cùng vô tận, người chưa đắc đạo không thể nào đoán biết
những việc thiện ác sẽ thành tựu ra sao và ở đâu một cách chính xác”. Câu trả lời này không khác với lời đức Phật cho biết về nghiệp quả trong kinh Tăng Chi bộ I, phẩm Bốn pháp: “Có bốn phạm trù không thể tư duy, đó là: Phật giới, thế giới tâm, thiền định của người tu thiền và quả dị thục của nghiệp”. Chúng ta không thể nào tư duy được về quả dị thục của nghiệp (quả đã chín muồi, đổi khác so với nhân ban đầu), bởi vì tất cả nghiệp nhân, nghiệp quả đều là duyên sinh cho nên bất định.
II.Thân thọ nghiệp, tâm thọ nghiệp, thân và tâm đều thọ nghiệp
Khi nghiệp tác động, biểu hiện ở thân, đó là thân thọ nghiệp. Khi nghiệp tác động, biểu hiện ở tâm, đó là tâm thọ nghiệp. Khi thân và tâm đều chịu sự tác động của nghiệp, đó là thân và tâm thọ nghiệp. Tuy nhiên giữa thân và tâm có mối quan hệ không thể tách rời nên khó có thể phân biệt một cách rạch ròi đâu là thân thọ nghiệp và đâu là tâm thọ nghiệp, bởi vì khi thân đau thì tâm cũng khổ, mà khi tâm khổ thì thân cũng mệt mỏi, khó chịu, thậm chí phát sinh các bệnh lý. Những nỗi khổ về thân xác và những nỗi khổ về tinh thần có mối quan hệ, ảnh hưởng qua lại với nhau.
Ví dụ như trường hợp tướng cướp Angulimàla phải thọ lãnh nghiệp quả bị người thân của những nạn nhân của ông chửi mắng, đánh đập (thân thọ nghiệp), và tâm ông cũng thường xuyên không an ổn, luôn bị ám ảnh bởi những việc ác ông đã gây ra (tâm bất an là hiện tượng tâm thọ nghiệp).
Do nghiệp nhân như thế nào, tốt hay xấu, thiện hay ác mà đưa đến nghiệp quả hạnh phúc hay khổ đau, điều kiện, hoàn cảnh bản thân, điều kiện, hoàn cảnh đời sống tốt hay xấu. Nếu nghiệp nhân xấu, bất thiện thì nghiệp quả xấu đưa đến sẽ tác động, chi phối làm cho con người phải chịu những cái khổ nơi thân và tâm, khổ vì hoàn cảnh đời sống, tựu
trung là tám cái khổ lớn (Bát khổ): Sinh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết
khổ, khổ vì mong cầu mà không được, khổ vì oán ghét gặp nhau, khổ vì yêu
thương mà phải chia lìa (sinh ly, tử biệt), khổ vì thân ngũ uẩn giả hợp luôn thay đổi, biến hoại. Tám cái khổ này, con người thọ lãnh nhiều hay ít, thọ cái khổ nào nhiều, thọ cái khổ nào ít đều tùy thuộc vào nghiệp đã tạo.
III.Thân thọ nghiệp mà tâm không thọ nghiệp
Do nghiệp quá khứ chiêu cảm quả
báo nên nghiệp quả tác động đến người tạo nghiệp. Nhưng nếu người ấy có
tu tập, có sự rèn luyện tâm, có nỗ lực chuyển hóa thì tuy thân có lãnh chịu nghiệp quả nhưng tâm không thọ khổ hoặc ít thọ khổ (tùy thuộc vào
mức độ tu tập). Ví dụ như trường hợp Angulimàla nhờ hiểu được những
chướng duyên trong tu tập (bị người chửi mắng, đánh đập, làm khó dễ;
luôn bị ám ảnh bởi những hành vi bất thiện trước đó) đều là nghiệp quả
mà mình phải thọ lãnh do quá khứ đã tạo nghiệp nhân, và nhờ nỗ lực tinh tấn hành trì giáo pháp, tu tập thiền định mà ông bớt khổ, cho đến khi tâm an định và
trí tuệ soi sáng thì tâm ông hoàn toàn thoát khỏi mọi phiền não khổ đau,
chứng thành đạo quả, lúc này dù phải trải qua cảnh máu đổ thịt rơi thì
tâm ông cũng không dao động, chỉ có thân thọ nghiệp (dư báo-nghiệp báo còn sót lại) mà tâm vẫn không thọ nghiệp. Trong kinh Tương Ưng Bộ IV đức Phật đã khẳng định, nghiệp quả của hành động ác có thể được khắc phục nhờ ăn năn hối cải và tu tập phát triển công đức giới hạnh.
Đối với những ai chứng được vô ngã
pháp, không còn chấp thủ, thấy rõ “nghiệp chướng bổn lai không” thì tâm
không còn chịu sự tác động, chi phối của nghiệp quả, tuy thân có thọ nghiệp (do còn mang thân tứ đại, nên phải chịu quả báo của nghiệp quá khứ) nhưng tâm không khổ não, tuy thân thọ nghiệp nhưng tâm không thọ nghiệp, ví dụ như trường hợp đức Phật, Tổ Sư Tử, Bồ tát An Thế Cao trả nghiệp.
Tổ Sư Tử khi du hóa đến nước Kế Tân, vua
nước này hỏi ngài rằng: “Ngài thấy ngũ uẩn đều không chăng?” Tổ đáp:
“Tôi thấy ngũ uẩn đều không”. Vua bảo: “Ngài cho tôi cái đầu được
chăng?” Tổ nói: “Ngũ uẩn đã là không, sá gì cái đầu”. Vua liền đưa đao
chém đầu Tổ.
Bồ tát An Thế Cao sau 23 năm
dịch kinh, hoằng pháp ở Lạc Dương (Trung Quốc), với Túc mạng trí ngài
biết mình còn túc nghiệp chưa trả hết, cho nên nói với mọi người rằng:
“Ta nay vẫn còn chút dư báo, nên phải đi Cối Kê để trả cho xong”. Ngài
bèn đến Cối Kê. Khi đi vào chợ, gặp lúc có loạn, người ta đánh lầm trúng đầu ngài, thế là ngài qua đời. Tổ Sư Tử và Bồ tát An Thế Cao tuy trả nghiệp, thọ báo nhưng tâm các ngài vẫn an nhiên tự tại như không có thọ báo.
Phan Minh Đức