Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Thực tập chánh niệm để hiểu & thương
04/05/2011 10:31 (GMT+7)

Trải nghiệm nhiều năm, tôi đã đi đến kết luận rằng: Con người, về cơ bản, là xung khắc với nhau. Chúng ta là những cá nhân khác biệt, có thời thơ ấu khác nhau, và ở bất kỳ mọi thời điểm nhất định, tư tưởng và cảm xúc của chúng ta chắc chắn không giống với tư tưởng và cảm xúc của bất cứ người nào khác, thậm chí ngay cả những người gần gũi nhất và thân thiết nhất. Chúng ta được tạo ra bởi những khác biệt về cấu trúc gien, điều kiện và hoàn cảnh của cuộc sống, đấy là một sự nhiệm mầu mà chúng ta có được.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, chúng ta mong muốn được kết nối với người khác. Ở mức độ sâu sắc thì được kết nối là bản chất của chúng ta - điều mà HT.Thích Nhất Hạnh gọi là tồn tại trong nhau (interbeing). Chúng ta được liên kết một cách chặt chẽ với nhau. Tuy nhiên, sự trải nghiệm trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, ở một góc độ nào đó, nó nói với ta điều ngược lại. Chúng ta đau khổ vì những mối bất hòa, những sự va chạm trong các mối quan hệ xã hội. Điều này đặt ra một vấn đề nan giải của cuộc sống: "Làm sao tôi có thể có được tiếng nói chân thực mà vẫn cảm thấy thân thiết với bạn bè và những người thân yêu của tôi? Làm sao tôi có thể thỏa mãn những nhu cầu cá nhân trong sự gò ép của gia đình và nền văn hóa trong xã hội?".


Theo kinh nghiệm của tôi, trong vai trò một nhà trị liệu, tôi nhận thấy rằng điều đau khổ nhất trong các mối quan hệ xuất phát từ việc không có được những sự kết nối với nhau. Không kết nối với nhau là một sự đổ vỡ trong cảm giác về sự phụ thuộc lẫn nhau, như nhà tâm lý học Janet Surrey đã diễn tả về điều này: "Chúng ta" trở thành "tôi" và "bạn". Một vài sự không kết nối thể hiện quá rõ ràng, chẳng hạn như cảm giác của sự phản bội mà chúng ta cảm nhận khi khám phá ra người bạn đời của mình không chung thủy. Những thứ khác có thể khó nhận dạng hơn. Sự không kết nối tinh tế có thể xảy ra, chẳng hạn như nếu một cuộc đàm luận bị cắt ngang bởi có một người đang trả lời điện thoại di động, hoặc là một đầu tóc mới mà không được ai chú ý đến, hoặc là khi một người vợ/chồng ngủ trước, để lại người kia cô đơn trong bóng đêm. Hầu như chắc chắn rằng, sự không kết nối với nhau xuất hiện khi mà hai người tự nhận thấy rằng họ đang nói mãi hoài về mối quan hệ giữa họ và về việc nó đang diễn ra như thế nào.

Đức Phật đã dạy thực tập ‘tâm xả’ khi đối diện với khổ đau. Trong các mối quan hệ, xả có nghĩa là chấp nhận nguy cơ khó tránh khỏi những sự chia lìa khổ đau và sử dụng chúng như là một cơ hội để tìm cách vượt qua những cảm xúc khó chịu. Chúng ta có bản năng tránh những điều không dễ chịu, và điều này thường diễn ra một cách vô thức, chúng ta không ý thức rõ về nó. Khi nhận thấy những điều không dễ thương ở trong tâm - lo sợ, tức giận, ghen ghét, xấu hổ, căm phẫn - chúng ta có xu hướng né tránh chúng và hướng sự chú ý của mình đến những nơi khác. Những sự phủ nhận về điều chúng ta cảm nhận, hoặc là phóng chiếu những nỗi lo sợ, lỗi lầm của mình lên những người khác, chỉ tạo nên một vết rạn nứt giữa chúng ta với những người mà chúng ta muốn được gần gũi mà thôi.

Thực tập chánh niệm, một phương pháp sâu sắc để tiếp xúc với những thời điểm không dễ chịu trong cuộc sống, là một công cụ mạnh mẽ để loại bỏ các chướng ngại và tái lập niềm hạnh phúc trong các mối quan hệ. Chánh niệm bao gồm cả sự tỉnh thức và sự chấp nhận những cảm xúc trong hiện tại. Một số nhà tâm lý học, trong số đó có Tara Brach và Marsha Linehan, đã nói về sự ‘chấp nhận căn nguyên’ để nhấn mạnh khả năng bẩm sinh của chúng ta đối với việc ôm lấy cả những xúc cảm tích cực lẫn tiêu cực. Sự chấp nhận trong trường hợp này không có nghĩa là sự khoan dung, tha thứ cho hành vi lạm dụng. Đúng hơn, sự chấp nhận ở đây có nghĩa là thừa nhận một cách đầy đủ rằng chúng ta đang cảm nhận sự đau đớn nhiều như thế nào tại một thời điểm nhất định, điều này chắc hẳn sẽ dẫn đến sự tăng cường sức mạnh và những thay đổi có tính sáng tạo.

Một trong những thách thức lớn nhất đối với một nhà tâm lý học, mà cụ thể là một nhà trị liệu bằng liệu pháp hướng đến sự chánh niệm, là việc nhấn mạnh để cho các thân chủ thấy được sự cần thiết phải hướng vào những cảm xúc khó chịu của họ và chú tâm vào chúng một cách trực tiếp thay vì tìm cách né tránh. Nếu chúng ta nhìn vào nỗi đau một cách chánh niệm và từ ái, nỗi đau ấy sẽ thay đổi một cách tự nhiên. Hãy xem điều gì đã xảy ra đối với một đôi vợ chồng mà tôi đã làm việc với họ trong liệu pháp cặp đôi.

Suzane và Micheal đã sống trong "địa ngục lạnh". Những đôi vợ chồng sống trong địa ngục lạnh là những đôi vợ chồng bất mãn và luôn nghi ngờ về nhau, tiếp xúc với nhau một cách lạnh lùng, điều chỉnh ngữ điệu của họ một cách thận trọng. Một số đôi vợ chồng có thể duy trì tình trạng này trong vài năm, bị đóng băng trên bờ mé của sự ly hôn.

Sau 5 tháng trị liệu không thành công, gặp nhau hai tuần một lần, Suzane quyết định là đã đến lúc để viết đơn ly hôn. Suzane dường như thấy rõ là Micheal sẽ không bao giờ thay đổi - rằng anh ta không thể nào làm việc ít hơn 65 giờ mỗi tuần và chăm sóc bản thân (anh ấy mập hơn mức bình thường 50 pound và nghiện hút thuốc). Và điều đáng buồn hơn cho Suzane là Micheal thật sự không hề cố gắng để vun đắp cho cuộc hôn nhân của họ. Họ hiếm khi đi chơi và đã không có một kỳ nghỉ nào với nhau trong hai năm rưỡi. Suzane cảm thấy cô đơn và bị chối bỏ. Micheal thì cảm thấy mình không được vợ đánh giá cao về việc anh ta phải làm việc rất chăm chỉ để lo cho gia đình.

Việc Suzane nhắm đến sự ly hôn là một bước ngoặt - nó đã đem đến cho họ "món quà của sự chia rẽ". Ở lần đầu tiên, Micheal dường như sẵn lòng khám phá chỉ duy nhất một điều là cuộc sống của anh ta đã trở nên đau khổ như thế nào. Trong suốt phần một của chương trình trị liệu, khi họ đang thảo luận về một trận bão tuyết lớn ở khu vực Denver, Micheal đã nhắc đến chuyện người bố 64 tuổi của mình đã bỏ lỡ ngày làm việc đầu tiên của ông ở tuổi 20. Tôi đã hỏi Micheal rằng:

- Điều đó có ý nghĩa gì với anh?

Đôi mắt của anh ta ướt đẫm nước mắt. Micheal đã nói là anh ta muốn cha anh ấy có thể vui hưởng cuộc sống nhiều hơn nữa. Tôi hỏi rằng:

- Micheal, anh đã có bao giờ mong muốn điều tương tự cho chính mình?

- Tôi sợ, tôi sợ những điều đó sẽ xảy ra nếu tôi không làm việc nữa. Thậm chí tôi sợ cả việc ngừng lo lắng về công việc của mình, sợ rằng tôi có thể bỏ qua những điều quan trọng mà chúng có thể khiến cho toàn bộ sự kinh doanh của tôi sụp đổ ngay trước mắt - anh đáp lại.

Với điều này, một tia sáng đã lóe lên cho Suzane, nên cô ta hỏi:

- Có phải điều đó đã khiến cho anh bỏ lơ em, bỏ lơ các con và thậm chí là không quan tâm đến bản thân?

Micheal chỉ gật đầu, bấy giờ nước mắt của anh tuôn trào.

- Ôi, Trời ơi! Suzane thốt lên, em đã nghĩ là mọi vấn đề đều do em mà ra - rằng em không tốt cho lắm, rằng em đã đem đến cho anh nhiều phiền toái. Cả hai chúng ta đều lo âu, chỉ có điều là theo những hướng khác nhau. Anh lo sợ về công việc của anh, em lo sợ về hôn nhân của chúng ta.

Cảm giác đau khổ về sự không kết nối giữa Micheal và Suzane trong nhiều năm đã bắt đầu tan biến đi.

Ngay lúc khởi đầu trong những phần trị liệu của chúng tôi, Micheal đã ý thức rõ về việc quá chú trọng vào công việc của anh. Thậm chí anh nhận ra rằng anh đã bỏ lơ gia đình như thể chính anh đã bị cha mình bỏ lơ. Nhưng Micheal đã cảm thấy bất lực trong việc đảo ngược lại sự dịch chuyển nỗi đau khổ giữa hai thế hệ này. Điều đó đã bắt đầu thay đổi khi anh cảm nhận sự đau khổ của vụ ly hôn sắp xảy ra. Micheal thừa nhận là cuộc sống của anh đã trở nên rất bất hạnh, và cảm thấy thương cho cha mình rồi sau đó là thương cho bản thân.

Suzane thường than phiền là Micheal đã không quan tâm đúng mức đến hai đứa con của họ. Nhưng đằng sau những lời than phiền của cô là một sự mong ước - không giống với niềm mong ước của người mẹ đối với những đứa con của mình - rằng Micheal quan tâm đến cô trước nhất khi anh đi làm về, và sau đó vui đùa với các con. Suzane cảm thấy xấu hổ bởi niềm khát vọng này. Cô nghĩ rằng điều đó là ích kỷ và cô là một người mẹ tồi. Nhưng khi cô có thể thấy nó như là biểu lộ bình thường của sự mong muốn được thân thiết với chồng, cô đã có thể nói lên lời yêu cầu của mình một cách cởi mở và tự tin. Micheal đã sẵn sàng để đáp lại yêu cầu đó.

Với một ít tự chấp nhận và thương chính mình đã cho phép cả Suzane và Micheal chuyển hóa những tình cảm tiêu cực của họ. Trong các mối quan hệ, đằng sau những cảm xúc mạnh mẽ như sự xấu hổ, tức giận thường là tâm trạng "em/anh nhớ anh/em vô cùng". Người ta dễ cảm thấy khó chịu và đau khổ khi không thể chia sẻ những điều thông thường nhất của sự tồn tại của mình với những người thân yêu.

Tất cả chúng ta đều có những sự nhạy cảm riêng - "những nút nóng" - và chúng được kích hoạt trong các mối quan hệ thân thiết. Thực tập chánh niệm giúp cho chúng ta nhận diện chúng và tách chúng ra khỏi những phản ứng theo thói quen của mình, nhờ vậy mà có thể tái lập sự kết nối với người bạn đời. Chúng ta có thể quán sát một cách chánh niệm vào những rắc rối tái diễn với thủ thuật qua bốn bước đơn giản như sau: (1) cảm nhận sự đau khổ do không nối kết, (2) chấp nhận rằng sự đau khổ ấy là tự nhiên và là dấu hiệu rõ ràng của sự không nối kết, cần thiết phải thay đổi, (3) quan sát những vấn đề cá nhân hoặc những niềm tin khởi lên bên trong chúng ta một cách từ ái, (4) tin tưởng rằng một sự phản ứng khéo léo sẽ phát sinh đúng lúc.

Chánh niệm có thể chuyển hóa tất cả các mối quan hệ cá nhân. Khi né tránh sự đau khổ, có nghĩa là chúng ta ruồng bỏ những người thân cũng như chính chúng ta. Nhưng khi nhìn vào bất cứ những điều gì nảy sinh bên trong chúng ta một cách chánh niệm và từ ái là chúng ta có thể hiện diện một cách đích thực và sống động với chính mình và với người khác

Christopher K. Germer - Minh Nguyên dịch theo tạp chí Tricycle

http://giacngo.vn

Các tin đã đăng:
Về đầu trang