Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Ai cũng có một ngày tận thế
17/04/2012 13:26 (GMT+7)

Họ nhiệt tình gởi gắm, nhắn nhủ, chia sẻ cho nhau nguồn tin “tận thế” qua email, điện thoại di động, thậm chí còn hăng hái sao chép, phân phát các tờ truyền đơn.


Họ nhiệt tình đón nhận thông tin này vì cho là ngài Tịnh Không, vị Pháp sư Thượng thủ Tịnh tông học hội thế giới đã xác chứng. Họ dường như không hề bận tâm nghĩ ngợi liệu có chắc đó là những lời của Hòa thượng? Họ hoang mang đến đỗi quên mất một điều hệ trọng rằng một bậc minh sư không khi nào thốt ra những lời vô ích như vậy. Xem ra, Phật tử chúng ta nhẹ dạ cả tin thật!

May thay lời của Hòa thượng đã được đính chính lại.

Ấy thế mà ít nhiều cư sĩ tại gia hãy còn lao xao lắm!

Dẫu biết rằng trong số hàng triệu triệu người theo đạo Phật còn có một thành phần thuộc lớp quần chúng Phật tử, tức là họ đến với đạo Phật theo truyền thống gia đình, nếp đạo ông bà, nặng về nhu cầu tín ngưỡng hơn là học hỏi giáo pháp, nhưng không vì thế mà chúng ta phớt lờ, coi nhẹ.

Vì sự gieo rắc niềm tin mê tín từ những lớp người trong giới Phật giáo dân gian này sẽ gây tổn hại cho Phật giáo, làm cầu nối vững vàng cho các đệ tử “ma vương” thừa cơ phá đạo. Nguy hiểm vô cùng!

Mà nghĩ cũng lạ. Đã có nhiều thời giờ dán mắt trên màn hình Computer, say sưa theo dõi tin tức trong các trang báo điện tử mà sao không chịu khó đọc kỹ, đọc sâu và nghiền ngẫm một chút để khỏi rơi vào trường hợp tin đại tin bừa.

Các nhà khoa học đã lên tiếng, các nhà Phật học đã trải lòng, các nhà lịch sử đã đính chính, các nhà thiên văn cũng đã đưa ra những chứng cứ cụ thể rằng năm 2012 không hề có chuyện tận thế. Ấy vậy mà chẳng mấy ai thèm nghe, cứ mặc tình hưởng ứng những lời đồn thất thiệt.

Các nhà nghiên cứu nói rồi, ngày 21-12-2012 chỉ là sự kết thúc một chu kỳ hơn 5000 năm theo cách tính lịch của dân tộc Maya ở Trung Mỹ. Và “trong cuộc họp diễn ra tại thành phố Maya cổ đại tọa lạc tại miền Nam Mexico, các chuyên gia lại kết luận rằng ngày 21-12-2012 đơn thuần chỉ là ngày đánh dấu sự chấm dứt một thời kì sáng tạo và bắt đầu một kỷ nguyên mới”.

Còn theo NASA thì “Không có điều gì xấu sẽ xảy ra với Trái Đất vào năm 2012. Hành tinh của chúng ta đã và đang tốt đẹp trong hơn 4 tỷ năm qua, và các nhà khoa học đáng tin cậy trên toàn thế giới cho biết sẽ không có mối đe dọa nào liên quan trong năm 2012”.

Bạn hãy yên tâm! “Viện Lịch sử Nhân loại học ở Mexico cũng đang cố gắng dập tắt các lời đồn thổi về ngày tận thế”. Bởi thực chất mọi diễn biến của tin đồn chỉ là xuyên tạc, hư cấu. Sự hư cấu y hệt như kỷ xảo điện ảnh qua bộ phim Đại nạn của nhân loại trên toàn thế giới, giả tưởng về hiểm họa năm 2012 và hiệu ứng rầm rộ y chang sự kiện Y2K năm 2000.

Quả thật! Nếu như những năm cuối thế kỷ 20 cả thế giới nhốn nháo tin rằng năm 2000 tận thế thì vài năm trở lại đây, rộn ràng nhất từ lúc vừa bước sang năm 2012 này, thiên hạ đinh ninh rằng ngày 21-12-2012 thế giới sẽ bị hủy diệt với những sự kiện kinh hoàng. Tin đồn càng củng cố tràn lan hơn khi nhân loại đang hứng chịu các thảm họa như động đất, sóng thần và một số hiện tượng thiên văn học.

Sự ngộ nhận này sẽ khiến những người hay lo sợ cuống lên rối rít, chao đảo tâm tư, tinh thần khủng hoảng. Biết đâu thói quen phó thác vào thượng đế một cách cuồng tín của những người thiếu tự chủ sẽ dẫn đến thảm họa như trường hợp tự sát tập thể và cá nhân diễn ra trên toàn cầu của một số thành phần theo Thiên chúa giáo vào năm 1999?

Nhân đây, khi nhắc tới chuyện của năm 2000 thì không thể không khoe bài thơ Tận thế rong rêu cũ mèm của Tiểu:

“Rồi sẽ có một ngày tận thế

Đến với tôi, và cả anh, em

Chỉ hơi thở nào ai biết được

Tận thế hôm nay hay ở ngày mai?

Và trái đất, muôn cây vạn loại

Thành-trụ-hoại-không, định luật vô thường

Có lo sợ cầu mong chẳng được

Thế giới thanh bình ngay ở nơi ta.

Xin hãy giữ cho nhau chính niệm

“Nhân chi sơ tính bổn thiện” đừng quên

Buổi giao thời biến đổi hỏng và nên

Rồi tận thế có hay không-ai biết!

Có cũng chẳng sao

Không cũng chẳng sao

Ai cũng có một ngày tận thế!”

Hình như Tiểu đã cảm tác vần thơ con cóc này vào năm 1998 thì phải? Năm đó, khi nghe bàn dân thiên hạ xôn xao vào năm 2000 tận thế, Tiểu đã mon men bày tỏ suy nghĩ của mình và cất kỹ mấy dòng thơ mọn đó cho tới bây giờ. Thình lình một ngày cuối Đông hiu hắt, có Phật tử hỏi han, người quen thắc mắc, gặp lúc cư dân mạng bàn tán ồn ào lời tiên tri tận thế, Tiểu chợt nhận ra cái nhìn về hai chữ tận thế bữa nay có phần rõ rệt hơn xưa. Âu cũng nhờ đã được học qua bản kinh Tứ Thập Nhị Chương nên mới có chút dính dáng lời Phật dạy.

Rằng: Lần nọ, Ðức Phật hỏi một vị Sa môn: "Sinh mạng của con người tồn tại bao lâu?". Ðáp rằng: "Thưa, trong khoảng vài ngày". Phật nói: "Ông chưa hiểu Ðạo".

Ðức Phật lại hỏi một vị Sa môn khác "Sinh mạng con người tồn tại bao lâu?". Ðáp rằng: "Thưa, trong khoảng một bữa ăn". Phật nói: "Ông chưa hiểu Ðạo".

Ðức Phật lại hỏi một vị Sa môn khác nữa: "Sinh mạng con người tồn tại bao lâu?". Ðáp rằng: "Thưa, trong khoảng một hơi thở". Phật khen: "Hay lắm! Ông là người hiểu Ðạo".

Chao ôi! Đoạn kinh tuy đơn giản nhưng cho chúng ta một bài học vô giá về lẽ tử sinh, sự vô thường chóng vánh. Thật tuyệt!

Nếu như cần một lời tiên tri cho vận mệnh của con người và thế giới thì đây mới chính là lời tiên tri xác thực nhất.

Ngoài ra, trong kinh Bát Đại Nhân Giác, điều giác ngộ thứ nhất, Phật dạy “Thế gian vốn vô thường, cõi nước rất mong manh…” vốn là nguyên lý thành-trụ-hoại-không của vũ trụ hay sinh-lão-bệnh-tử của kiếp người.

Bằng như bạn muốn cân đo đong đếm hay bấm tay tính tuổi của sơn hà đại địa thì kinh luận Phật giáo cũng từng đề cập: “Một Thái dương hệ (gồm 9 hành tinh theo thứ tự từ gần đến xa đối với mặt trời là sao Thủy, sao Kim, Trái đất, sao Hỏa, sao Mộc, sao Thổ, sao Thiên vương, sao Hải vương và sao Tử vương) là một Tiểu thế giới. Gộp một ngàn Tiểu thế giới thành một Tiểu thiên thế giới. Gộp một ngàn tiểu thiên thế giới thành một Trung thiên thế giới. Gộp một ngàn Trung thiên thế giới thành một Đại thiên thế giới. Gộp chung ba loại thiên: Tiểu thiên, Trung thiên và Đại thiên thành Tam thiên đại thiên thế giới.

Quả địa cầu mà chúng ta đang sống đây chỉ là một đơn vị bé xíu trong Đại thiên thế giới.

Thế giới thì xoay vần không ngớt. Mỗi thế giới đều trải qua 4 thời kỳ: Thành, trụ, hoại, không. Mỗi thời kỳ gồm có 20 tiểu kiếp. Mỗi kiếp chừng 16.000.000 năm. Hai mươi tiểu kiếp là một trung kiếp. Hai mươi trung kiếp là một đại kiếp”.

Cũng theo Luận Đại Trí Độ dẫn: “Thời gian trụ là một kiếp, thời gian diệt là một kiếp, trở lại thời gian sinh là một kiếp, ấy là Tam thiên đại thiên thế giới. Đại kiếp cũng có ba thứ phá hoại (Đại tam tai) là nước, lửa và gió. Tiểu kiếp cũng có ba thứ phá hoại (Tiểu tam tai) là binh đao, dịch bệnh và đói khát. Tam thiên đại thiên thế giới ấy ở giữa hư không, trên gió là nước, trên nước là đất và trên đất là người”…

Ở đây xin được lòng vòng bên lề “bàn trà” chút đỉnh hầu nhắn nhủ cùng nhau, dù hiện tại loài người đang đối mặt với hiểm họa biến đổi khí hậu toàn cầu, gánh gồng nhiều thiên tai, thảm họa nhưng không vì thế mà tung tin tận thế. Dù sự vận hành của vũ trụ làm ảnh hưởng đến không gian và thời gian, gây xáo trộn cõi nước vốn không an, tạm bợ hàng ngày nhưng chưa phải là thời điểm xảy ra sự hủy diệt toàn cầu. Chớ nên suy đoán lung tung.

Tuy nhiên, cũng đừng thấy vì chưa đến kỳ thế giới diệt vong mà chúng ta ỷ lại hay chắc chắn rằng trái đất không đi vào kiếp hoại. Hãy coi chừng! Khi con người còn ngang nhiên xâm phạm thiên nhiên, mặc sức hủy hoại môi trường, khai thác tài nguyên một cách vô tội vạ thì cái ngày kết liễu sự sống trên địa cầu hẳn sít sịt bên.

Cho nên, hơn lúc nào hết, con người phải biết “quay đầu nhìn lại”, từ bỏ liền tức khắc lối sống bừa bãi, phóng túng của mình. Phải hạ quyết tâm dứt trừ tham vọng, mở lòng khuyến khích yêu thương, chăm sóc mái nhà chung là trái đất này. Phải biết nâng niu, trân quý thiên nhiên, vun quén giữ gìn hành tinh xanh vì đó hơi thở của chính mình.

Trước các tin đồn giật gân, những người có trách nhiệm hướng dẫn đời sống tâm linh cho Phật tử phải giảng giải, phân tích rõ ràng đâu là chân, đâu là ngụy. Còn người Phật tử thì phải luôn luôn “trừng thanh đế thính”, học hiểu giáo lý Phật đà một cách nghiêm túc để có thêm tư lương tuệ giác soi sáng nẻo đi đường về, tránh bị giáo điều xằng bậy làm mê hoặc.

Và một khi chúng ta trang bị vốn luyến Phật lý vững vàng cùng sự hành trì pháp Phật tinh chuyên thì niềm tin chính tín không bao giờ bị lung lay, đạo tâm ngày thêm kiên cố. Đối với Phật pháp, không nhất thiết phải hô hào sùng bái hay khuếch trương hình thức mới gọi là xiển dương.

Chỉ cần chúng ta thiệt thà tu học, sống trọn vẹn với chính pháp là đã góp phần hộ trì Tam bảo, đem đạo vào đời, lợi lạc quần sinh.

AR, đêm 15/04/2012

Khải Tâm

http://nguoiphattu.com/news/ai-cung-co-mot-ngay-tan-the.d-3002.aspx

Các tin đã đăng:
Về đầu trang