Chuyện xảy ra ở thành Savatthi (Xá-vệ). Bấy giờ, vua Pasenadi
(Ba-tư-nặc) xứ Kosala (Kiều-tát-la) đến viếng Đức Phật vào giữa trưa,
khi đến, vua cung kính chào Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Khi vua vừa
ngồi xuống, Đức Phật hỏi: ‘Này đại vương, ngài đi đâu mà đến đây vào giữa trưa thế?’.
‘Bạch Thế Tôn, mới rồi, một gia chủ giàu có ở thành Savatthi này
qua đời mà không có con thừa kế. Con vừa cho chuyển tài sản của ông ta
vào kho của hoàng cung; những tám triệu đồng tiền bằng vàng chưa kể số
tiền bằng bạc. Mặc dù là một gia chủ giàu có, thế nhưng bữa ăn hằng ngày
của ông ta thì chỉ là cháo nấu bằng gạo nát với bánh làm bằng đậu khô; y
phục vỏn vẹn chỉ có ba mảnh vải dệt bằng sợi gai; phương tiện di chuyển
là chiếc xe bò gãy gọng nóc lợp bằng rơm’.
‘Đúng là như vậy, này đại vương, đúng là như vậy. Khi một kẻ
thiếu rộng lượng có được tài sản lớn, y không biết tiêu xài để mang lại
niềm vui và sự toại nguyện cho chính mình, không biết mang lại niềm vui
và sự toại nguyện cho cha mẹ, không biết mang lại niềm vui và sự toại
nguyện cho gia đình, không biết mang lại niềm vui và sự toại nguyện cho
người hầu, tôi tớ, người làm công, không biết mang lại niềm vui và sự
toại nguyện cho bạn bè, người cộng sự; đối với các người tu hành thì y
cũng không cúng dường hầu mang lại kết quả tốt lành để được tái sinh nơi
thiên giới. Nếu tài sản không được sử dụng đúng cách, thì rồi cũng sẽ
bị vua quan tước đoạt, hoặc bị trộm cắp, hoặc hỏa hoạn thiêu hủy, hoặc
bị nước cuốn mất, hoặc rơi vào tay những kẻ thừa kế xấu xa. Vậy, tài sản
của y nếu không được đem ra sử dụng đúng cách thì cũng chẳng có lợi ích
gì.
Này đại vương, đấy chẳng khác gì một cái hồ nước ở vào một nơi
hoang vắng, đầy nước trong, mát, sạch, lại ngọt lành, thế nhưng chẳng ai
đến đấy được để uống, để tắm, hoặc để dùng vào việc này hay việc nọ.
Nếu nước không được sử dụng đúng cách thì cũng sẽ phí phạm đi. Cũng thế,
một người thiếu rộng lượng có tài sản lớn không biết mang ra tiêu xài
thì cũng chẳng lợi ích gì.
Thế nhưng nếu đấy là một người rộng lượng có được tài sản lớn,
biết tiêu xài để mang lại niềm vui và sự toại nguyện cho mình, mang lại
niềm vui và sự toại nguyện cho cha mẹ, mang lại niềm vui và sự toại
nguyện cho gia đình, mang lại niềm vui và sự toại nguyện cho tôi tớ, kẻ
hầu cận và người làm công, mang lại niềm vui và sự toại nguyện cho bạn
bè và những người cộng sự; biết cúng dường người tu hành hầu tạo được
công đức giúp mình tái sinh nơi thiên giới. Vì thế nếu tài sản của người
ấy được sử dụng đúng cách thì sẽ mang lại lợi ích.
Này đại vương, đấy chẳng khác gì một hồ nước ở gầnmột ngôi làng
hay một thị trấn, đầy nước trong, mát, sạch, lại ngọt lành, và mọi người
đều có thể đến đấy để uống, để tắm, để dùng vào việc này hay việc nọ.
Nếu nước được sử dụng đúng cách thì sẽ không bị phí phạm đi. Cũng thế
một người rộng lượng có tài sản lớn, biết mang ra tiêu xài đúng cách sẽ
mang lại lợi ích.
Đấng Thế Tôn thuyết giảng như thế. Sau khi thuyết giảng như thế, bậc Đạo Sư đọc thêm bài kệ:
Một hồ nước mát, Nơi chốn hoang vu,
Không ai đến được để uống, Thì nào có khác gì,
Tài sản của một kẻ keo kiệt, Không biết tiêu xài,
Cũng chẳng biết hiến dâng.
Một người thức thời và rộng lượng, Có của cải và biết tiêu xài,
Nuôi dưỡng mẹ cha, Và giúp đỡ bạn bè.
Với tấm lòng luôn rộng mở,
Hắn sẽ tái sinh nơi cõi thiên nhân.
(Samyutta Nikaya, I, ed. PTS, 1884-1898, 91-92)
Giới luật Phật giáo cấm người xuất gia không được giữ bất cứ một thứ
gì gọi là của riêng. Thế nhưng đối với người thế tục thì giới luật không
cấm đoán họ làm giàu, nếu làm giàu bằng những phương tiện sinh sống
đúng tức chánh mạng trong Bát chánh đạo. Giáo pháp nhà Phật cũng luôn
nhắc nhở: “Phải biết sử dụng tài sản và giúp đỡ người khác”. Thật thế,
có rất nhiều kinh sách đề cập đến vấn đề này, khuyên người thế tục phải
tiêu dùng các nguồn lợi nhuận mà mình thu góp được để mang lại hạnh
phúc, nuôi nấng mẹ cha, giúp đỡ bạn bè, cấp dưỡng cho người tu hành
(Anguttara Nikaya, III, 259); phải kiếm tiền một cách lương thiện, tức
không gây ra thiệt hại cho các chúng sinh khác (lường gạt, buôn bán các
chất độc hại hay các thứ gây ra nghiện ngập, hay chăn nuôi súc vật để
giết thịt…), không gây thiệt hại cho môi trường thiên nhiên (chặt cây,
phá rừng…), và nhất là phải chia sẻ sự giàu có với những người chung
quanh, và phải luôn tự cảnh giác không được để vướng vào các thứ cảm
tính kiêu căng (Anguttara Nikaya, I, 181), v.v.
Nói chung, đối với người thế tục, Phật giáo không ngăn cấm việc tìm
kiếm những thứ thích thú “giác cảm”, dù đấy chỉ là những thứ hạnh phúc
hời hợt và tạm bợ, bởi vì Phật giáo ý thức được là không thể nào giúp
tất cả mọi người trong chốc lát có thể quán thấy được nguồn gốc sâu xa
của khổ đau phát sinh từ những thứ hạnh phúc ấy. Dầu sao thì những niềm
hạnh phúc tạm bợ đó ít ra cũng tránh cho họ được phần nào những thứ khổ
đau thật thô thiển, chẳng hạn như hận thù, hung dữ, ích kỷ, tham lam,
keo kiệt, bủn xỉn… Vì thế trong bài kinh trên đây Đức Phật khuyên những
người có của cải nên đem ra tiêu xài để mang lại “niềm vui và sự toại
nguyện cho chính mình, cho cha mẹ và những người chung quanh”.
Cách nay hơn hai ngàn năm trăm năm mà Đức Phật đã nêu lên tệ nạn nghèo đói và xem đấy là một sự bất công trầm trọng của xã hội:
“Khi sự giàu có không được chia sẻ cho người nghèo, thì tình
trạng nghèo đói lại càng gia tăng. Khi tình trạng nghèo đói gia tăng,
thì trộm cắp cũng gia tăng. Khi trộm cắp gia tăng, thì con số khí giới
(để tự vệ và trừ khử bọn cướp giật) cũng sẽ gia tăng. Khi khí giới gia
tăng thì việc sát nhân cũng gia tăng” (Anguttara Nikaya, III, 68).
Ngày nay dân số trên địa cầu đã lên tới bảy tỉ người, tình trạng
nghèo đói trở nên trầm trọng hơn bao giờ hết. Ủy ban Nhân quyền của cơ
quan Liên Hiệp Quốc cho biết là cứ mỗi năm giây thì lại có một đứa bé
chết vì đói. Con số khí giới trên hành tinh này cũng theo đó mà gia
tăng, có khi còn nhiều hơn cả sự cần thiết, để thích nghi với sự nghèo
đói đang gia tăng ấy, hầu để bảo vệ miếng ăn cho một số người, trong số
đó biết đâu cũng có cả chúng ta.
Phật giáo luôn luôn khuyến khích các hành động từ thiện cùng việc bố
thí (dâna) và xem đấy là những điều xứng đáng tạo ra nghiệp lành cho
kiếp sống hiện tại và cho cả các kiếp sống tương lai. Không nên “ăn một
mình” và “làm ngơ” trước cái đói của kẻ khác. Những gì mình được hưởng
hôm nay là nhờ vào những gì xứng đáng mà mình đã tạo được trong các kiếp
trước, thế nhưng nếu chỉ biết sống một cách bần tiện, keo kiệt thì
tránh sao khỏi sẽ tái sinh trong một hoàn cảnh đói nghèo. Đấy là những
gì sơ đẳng nhất trong giáo lý nhà Phật.
Thế nhưng oái oăm thay, nào có mấy người trong chúng ta lại tự nhận
là mình giàu có đâu. Gặp nhau thì than thở, nào là chứng khoán dạo này
tuột nhanh quá, không biết rằng như thế thật là dại vì tiền dư bao nhiều
là dồn cả vào đấy cho mất toi, trong khi đó thì tiền mua nhà trả góp
cho ngân hàng còn hơn chục năm nữa mới hết; hoặc tệ hơn nữa là than rằng
hôm qua vừa dốc túi mua mấy chục tấm vé số mà chẳng trúng được đồng
nào. Tết nhất đến nơi, còn phải quà cáp biếu xén cho thầy cô của bọn
trẻ. Vật giá thì gia tăng, thế nhưng lại phải ăn Tết cho ra vẻ với người
ta chứ…, toàn là nợ nần và các chuyện phải tiêu xài. Thương thay cho sự
túng quẫn của họ.
Thật vậy, có mấy ai nhìn thấy cái “giàu có” của mình đâu? Của cải
thật ra chỉ là những con số vô nghĩa, sự giàu có đích thật là ở trong
đáy tim mình. Tết nhất đến nơi, khi ra đường ta trông thấy một đứa bé
lang thang, rách rưới, đen đúa và bẩn thỉu đang đứng nhìn những chiếc
quần áo mới treo lủng lẳng trong các cửa hàng, đôi khi cũng khiến cho ta
phải bật khóc. Những giọt nước mắt ấy mới đúng thật là sự giàu có, tuy
yên lặng thế nhưng rạt rào như đại dương mênh mông.
Ngoài ra còn có một sự giàu có khác nữa mà tất cả mọi người đều ngang
hàng nhau, không thể vin vào đấy để ganh tị hay so đo với nhau được.
Đấy là tất cả mọi người trong chúng ta đều có hai mươi bốn giờ trong một
ngày. Chúng ta sử dụng chúng như thế nào? Phải chăng để xem phim Hàn
Quốc bất tận, xem cô này “yêu” cậu kia, cậu kia “thương” cô khác, ghen
tuông, khóc lóc, đủ mọi chuyện éo le, gay cấn? Hay là chúng ta thích
sang nhà hàng xóm tán gẫu hay đánh bài, hoặc rủ nhau đi quán nhậu, đi
uống “cà-phê vườn”, “cà-phê đèn mờ” để nghe nhạc “trữ tình” bất tận? Đấy
là một sự phung phí lớn lao nhất của kiếp con người, tương tự như chúng
ta có một cái “hồ nước mát và tinh khiết”, thế nhưng không biết lấy
nước ấy để tắm và cũng không có ai đến được để uống một ngụm nào, cứ để
cho nước tràn đi và thất thoát.
Nếu biết sử dụng những giây phút quý báu của kiếp người để học hỏi,
tự trau dồi hầu giúp mình trở nên những con người xứng đáng hơn và cao
cả hơn, thì những giây phút ấy sẽ trở thành một gia tài kếch xù, một
nguồn tài nguyên bất tận và vô giá. Đấy cũng là một cách “mang ra tiêu
xài của cải của mình một cách thích đáng”. Nếu quay nhìn lại quãng đời
đã trải qua thì mỗi người trong chúng ta cũng nên tự hỏi xem mình đã phí
phạm bao nhiêu giây phút quý báu ấy của kiếp nhân sinh này.
Tuy nhiên cũng có thể có người phản kháng lại và cho rằng việc học
hỏi và tu tập vượt quá khả năng của họ. Thật vậy, những gì mình muốn thu
đạt được từ bên ngoài thì có thể đòi hỏi nhiều cố gắng và kiên trì, thế
nhưng những gì phát xuất từ đáy tim mình thì cũng không đến đỗi khó
khăn gì cho lắm. Chẳng hạn, nếu trông thấy cha mình ngồi trong yên lặng,
bâng khuâng nhìn ra đường, thì rót một tách nước trà để mời cha rồi
ngồi xuống với cha vài phút, nếu trông thấy những nét u uẩn hiện lên
trong đôi mắt của mẹ thì cố tìm một vài lời ngọt ngào để gợi chuyện với
mẹ, nếu không thì cũng có thể chạy sang nhà hàng xóm chơi đùa với mấy
đứa trẻ con để cho mẹ chúng có thì giờ dọn dẹp nhà cửa hoặc bắc nồi cơm
lên bếp. Những việc nhỏ nhoi như thế nào có khó khăn gì đâu, dần dần rồi
ta sẽ có thể thực hiện được những việc khó khăn hơn, ít ra thì những
giây phút đó cũng ích lợi hơn là ngồi xem“Cô gái Đồ Long” tung chưởng
hết hiệp này sang hiệp khác, đến khi đứng lên thì uể oải, tâm trí trở
nên đờ đẫn và ù lì.
Tóm lại, hãy hiến dâng những gì mình có trong hai tay, trong đáy tim
mình và cả những giây phút của kiếp người này. Chúng ta luôn luôn giàu
có hơn là chúng ta tưởng vì thế đôi khi cũng nên nhìn lại xem mình có
keo kiệt lắm hay không. Thiển nghĩ bài kinh trên đây dạy cho chúng ta
hiểu rằng những gì chúng ta ôm lấy khư khư chẳng những không ích lợi gì
mà chúng sẽ mất đi vào một lúc nào đó.
Để thay cho phần kết luận cũng xin trích thêm một bài kinh khác thật ngắn mang tên là Aditta-Sutta, tìm thấy trong Tương Ưng Bộ Kinh (Samyutta Nikaya, I, 41). Aditta có nghĩa là bốc cháy, do đó có thể tạm dịch bài kinh này là bài Kinh về Hỏa Hoạn.
Khi một căn nhà bốc cháy thì những gì cất giấu trong đó sẽ hóa thành
tro bụi, chỉ có những gì đã mang cho người khác thì mới còn lại mà thôi.
Thế nhưng đâu phải chỉ có một gian nhà bốc cháy mà cả thế gian này
đang bốc cháy theo cùng với sự già nua và cái chết. Theo định nghĩa của
Phật giáo thì quá trình của sự già nua bắt đầu từ khoảnh khắc tiếp nối
ngay sau khi thụ thai, và cái quá trình đó vận hành không ngưng nghỉ cho
đến lúc cái chết xảy ra. Vì thế tất cả chúng sinh trong thế giới này,
không có một ngoại lệ nào cả, đều đang bị ngọn lửa của vô thường thiêu
đốt. Một người tu tập khi đã ý thức được ngọn lửa mênh mông đó đang
thiêu đốt thân xác mình và cả thế gian này, thì sẽ không còn nghĩ tới
việc so kè từng xu mà phải biết nhìn lại xem trong hai tay mình còn lại
những gì để hiến dâng cho kẻ khác.
Bối cảnh của bài kinh này thật thi vị và thiêng liêng. Đức Phật đang
ngồi thiền yên lặng giữa đêm khuya nơi ngôi vườn Kỳ Viên thì có một nữ
thiên nhân (devata) hiện ra, ánh hào quang soi sáng cả khu vườn. Vị nữ
thiên nhân tiến đến gần Đấng Thế Tôn và đảnh lễ, rồi ngồi sang một bên.
Đấng Thế Tôn cảm ứng cho vị nữ thiên nhân hát lên bài hát của một trận
hỏa hoạn để hàng ngàn đệ tử của Ngài và các người thế tục đang mơ màng
trong khu vườn có thể lắng nghe giữa đêm thâu thanh vắng. Sau đây là
phần chuyển ngữ toàn bộ của bài kinh trên đây dựa theo bản dịch từ tiếng
Pa-li sang tiếng Anh của Thanissaro Bhikkhu (The Access to Insight, June, 2010):
“Tôi từng được nghe như thế này: Có một lần Đấng Thế
Tôn đang ngụ tại tịnh xá của ngài Anathapindika (Cấp Cô Độc) trong khu
vườn Kỳ Viên, gần thành Savatthi. Vào lúc nửa đêm, hiện ra một nữ thiên
nhân tỏa ánh hào quang chiếu sáng cả khu vườn. Vị nữ thiên nhân tiến đến
gần Đấng Thế Tôn, đảnh lễ rồi ngồi sang một bên. Sau khi ngồi sang một
bên thì cất tiếng để hát lên bài hát sau đây:
“Khi căn nhà bốc cháy,
Những gì còn sót lại,
Là những vật đã cho.
Kìa của cải giữ lại,
Đang hóa thành bụi tro.
Cả thế gian bốc cháy!
Tuổi già thanh củi mục,
Cái chết ngọn lửa hồng.
Bảo toàn nhanh của cải:
Hiến dâng bằng hai tay.
Vật cho là quả ngọt,
Giữ lại, mối lo buồn:
Nào vua quan dòm ngó, Nào kẻ trộm rình mò,
Hỏa hoạn, một đống tro. Kìa thân xác bỏ lại,
Nằm kia cùng của cải.
Hỡi những ai giác ngộ! Nắm lấy hạnh phúc này, Bằng hai tay để ngửa. Hân hoan đôi bàn tay, Dù chỉ là ít ỏi,
Một chút này hiến dâng. Con đường nào rộng mở, Cõi thiên nhân đón chờ”.
(Tương Ưng Bộ kinh, Samyutta Nikaya, I, 41)
Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 143 | HOANG PHONG