Kết quả của một cuộc thăm dò cho thấy, phần lớn mọi người đang chịu cảnh sống cô đơn. Một phần tư số người đã trưởng thành thú nhận, trong vòng hai tuần trước khi họ được thăm dò ý kiến, họ đang trải qua thời gian thật buồn tẻ một mình.
Cảm giác này ngày càng lớn dần trong ngay cả những người còn rất trẻ…
Đức Dalai Lama thứ XIV - mẫu người của sự thân thiện và chân thật
Có hàng ngàn người qua lại trong các thành phố, nhưng ít ai dành cho nhau một ánh mắt thân thiện, trìu mến. Mà nếu có ngước mắt nhìn nhau cũng không tặng nhau một nụ cười nhỏ. Mọi người đều có vẻ như “bận lắm”, “có hẹn”, “không có thì giờ”… Trong xe lửa, ngồi cạnh nhau hàng tiếng đồng hồ mà không một lần mở môi nói chuyện cùng nhau. Đúng là điều bất thường. Điều đó cho thấy con người đang tiến gần đến sự cô đơn.
Tôi nghĩ, tình trạng cô đơn này có thể đến từ hai nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất là, hiên nay, dân số thế giới tăng quá nhanh. Khi xưa, dân số thế giới còn ít, hình như mọi người có thói quen sống xích lại gần nhau. Người cùng sống chung trong một làng xóm xem nhau như người thân trong gia đình, và mọi người đều biết đến nhau.
Do điều kiện sống, nhu cầu phải tương trợ, giúp đỡ nhau xem ra cần thiết hơn. Lúc đó người dân quê tụ họp, gặp gỡ nhau thường xuyên hơn. Họ cho nhau mượn dụng cụ, máy móc và cùng chung nhau thực hiện những việc nặng nhọc. Họ cùng nhau đi lễ chùa, cùng nhau cầu nguyện …
Vào những dịp như vậy, người ta có nhiều cơ hội để chuyện trò cùng nhau hơn. Nay, hàng triệu người đang chen lấn nhau trong các thành phố lớn. Qua ánh mắt của họ, ta có cảm tưởng như họ chỉ sống để mà làm việc cho có tiền. Thực tế mọi người ngày càng sống trong cạnh tranh và chỉ biết đến làm lợi cho mình.
Các phương tiện hiện đại phục vụ cho cuộc sống đem đến cho chúng ta cảm tưởng là chúng ta có thể sống tự lập, và chúng ta cũng có cảm tưởng (xin nhấn mạnh đây là một điều sai lầm lớn) là sự hiện diện của người khác làm mất tự do và không cần thiết đối với mình. Tình trạng này làm cho chúng ta phát triển tính nghi ngờ, thờ ơ lạnh lùng đối với người khác, rồi từ đó tự mình đâm ra cảm thấy cô đơn.
Nguyên nhân thứ hai tạo cho chúng ta cảm giác cô đơn, theo quan sát của tôi, là do xã hội tiến hoá như ngày hôm nay khiến cho mọi người có quá “nhiều việc” phải làm. Thế nên, nếu có chú ý đến ai - ngay cả khi cần hỏi thăm một câu: “Có khoẻ không?” - nhiều người có cảm tưởng là mình vừa đánh mất một vài giây đồng hồ quý giá trong đời. Sau công việc, ngưòi ta lao đầu ngay vào các tờ nhật báo để tìm kiếm thông tin …Gặp gỡ, thảo luận, chuyện trò cùng bạn bè xem như là mất thời gian …
Thông thường, chúng ta có nhiều người xóm giềng trong khu phố, và điều không “tránh khỏi” là chúng ta “phải” gặp nhau, chào nhau, trò chuyện cùng nhau. Không ít khi trò chuyện như vậy cũng tạo nên chuyện bực mình, dần dần chúng ta tránh gặp gỡ, giao thiệp cùng nhau, rồi mỗi khi có ai nói gì đó thì chúng ta lại phán cho họ một tiếng là muốn xâm nhập vào đời tư của mình.
Ở các thành phố, mọi người đều có vẻ như “bận lắm”, “có hẹn”, “không có thì giờ”…
Tất cả những điều trên làm cho xã hội ngày nay ngày càng đánh mất tình người và cuộc sống ngày càng hoạt động như một cỗ máy vô tri. Buổi sáng thức dậy, chúng ta lo đi làm việc, buổi chiều bãi sở, chúng ta lại lao mình vào trong hàng quán nào đó để tìm thú giải trí, và rồi trở về nhà thật trễ; ngủ được đôi ba tiếng đồng hồ. Sáng hôm sau thức dậy, còn ngái ngủ, chúng ta lại lao đầu vào công việc …
Một số lớn người dân thành thị đang có lối sống như vậy. Và khi chúng ta đã trở thành bộ phận nhỏ trong cỗ máy vô tri này thì chúng ta, dù muốn hay không, cũng phải chạy theo nó. Đến một lúc nào đó, chúng ta không còn chịu đựng nổi cảnh “máy móc” này nữa, khi đó chúng ta lại chạy trốn vào cảnh thờ ơ, lạnh lùng …
Một khi tôi sống lẫn với người dân trong một thành phố lớn, tôi tin chắc, rồi tôi cũng sẽ có một phần nhỏ cách sống giống như họ. Vâng, khi đó tôi không có sự lựa chọn nào khác, và rồi tôi cũng sẽ đi tìm giải trí trong những hàng quán…;đi về nhà thật khuya; sang ngày mới lại “mắt nhắm mắt mở” đi làm. Dần dần tôi cũng quen và xem đó là việc bình thường, nhưng tôi không biết là tôi đang rơi vào trạng thái cô đơn.
Điều tôi muốn nói là, sau giờ tan sở, buổi chiều tới, bạn đừng mất thời gian vào các thú “giải trí” hoang đàng quá, bạn hãy đi ngay về nhà. Trong sự bình yên, bạn ăn một bữa cơm, uống một tách trà trong không khí vui vẻ với người thân; bạn hãy đọc một cuốn sách hay; gác lại những công việc trong sở, rồi nhẹ nhàng đi vào giấc ngủ; buổi sáng bạn hãy thức dậy thật sớm. Nếu như bạn đi làm với một tinh thần tươi sáng và vui vẻ thì tôi nghĩ, bạn sẽ thấy cuộc sống này có nhiều thú vị.
Ai trong chúng ta cũng hiểu, cảm giác cô đơn không mang lại lợi ích chi mà nhiều khi còn khó chịu nữa. Nhưng khó thay, có rất nhiều nguyên nhân gia đình và xã hội đang tạo ra cảm giác cô đơn này, nên chúng ta cần sớm tìm hiểu để vượt qua nó. Gia đình là những tế bào căn bản của xã hội, nơi cho ta niềm hạnh phúc, tình yêu và sự đùm bọc trìu mến.
Ngoài gia đình, trường học là nơi mà trẻ nhỏ được giáo dục, giúp cho trẻ có được cảm giác thân tình, ấm cúng. Có thế, khi lớn lên, trẻ mới không cảm thấy xa lạ với người khác, mới sẵn sàng trò chuyện với người khác. Có thế, khi lớn lên, trẻ mới đóng góp tạo nên bầu không khí cởi mở nhằm làm giảm bớt những cảm giác cô đơn trong cuộc sống.
Dalai Lama
(Phương Tôn dịch